Nghiên mực cổ trong bộ “văn phòng tứ bảo” gồm bút - nghiên - mực - giấy, là thú vui sưu tầm của nhiều người. Sở hữu được chiếc nghiên cổ đã là quý, lần tìm trong minh văn, hình tượng của nghiên để nghiệm ra những ý nghĩa thú vị, càng quý hơn bội phần, thú chơi nghiên mực cứ thế lan tỏa.
Trong gốm Việt cổ nổi trội thuộc các vương triều Lý, Trần, Lê… như gốm hoa nâu, gốm hoa lam, gốm tráng men… nghiên mực là dòng hiện vật ít gặp. Trong giới sưu tầm, có được những chiếc nghiên gốm Việt cổ cũng không mấy dễ dàng, thỉnh thoảng mới thấy xuất hiện ở thị trường cổ ngoạn. Mỗi chiếc nghiên gốm cổ Đại Việt còn lưu lại, không chỉ mang nét đặc trưng từng dòng gốm đương thời, mà hình tượng tác tạo cũng thể hiện ở đó biệt tài của nghệ nhân xưa.
Những nghiên mực trích từ một bộ sưu tập tư nhân ở Hà Nội giới thiệu trong bài, phần nào minh chứng cho điều đó.
Độc đáo nghiên nghê
Một trong số những chiếc nghiên độc đáo của nhà sưu tập ẩn danh ở Hà Nội là nghiên mực có tạo hình nghê - linh thú thuần Việt, xuất hiện trong dân gian từ thời Lý (1009 – 1225).
Nghiên mực này thuộc dòng gốm hoa lam có niên đại thời Lê Sơ (thế kỷ XV-XVI), đặc biệt ở chỗ không chỉ bởi đáp ứng những tiêu chí độc - hiếm - lạ cùng mặc định quen thuộc của giới sưu tầm cổ ngoạn “nhất nhân - nhì vật”, mà còn quý giá hơn bởi mỹ thuật tạo hình của chiếc nghiên.
Xét về cấu tạo chung, chiếc nghiên nghê ở đây gồm phần chính dùng mài mực, trên nền mài lõm một hõm nhỏ để mực tụ đọng, tiện cho việc dụng bút, thấm mực đều. Cái khác ở chỗ nghệ nhân gốm đã sử dụng hình ảnh nghê, vận dụng vào chiếc nghiên. Chỉ với phần đầu được thể hiện theo lối tả chân với đường nét tạo hình kết hợp pháp họa nét hoa lam trên cốt gốm, thần thái nghê được biểu đạt trọn vẹn với khóe miệng há hốc, nhe nanh… nhưng không trong tâm thế đe dọa, hung dữ, mà trái lại rất dịu hiền, thuần phục, nhờ ánh mắt hiền lành cùng đường nét khuôn mặt nghê thể hiện hài hòa, cân đối, biến vẻ dữ tướng trở nên mềm mại, thân thương.
Chiếc nghiên này hẳn là vật dụng trân quý của bậc nho học đương thời. Nếu quan sát kỹ, sẽ thấy sự tinh tế ẩn hiện trong tạo hình chiếc nghiên, từ đường nét tỉa màu men lam, vẽ nên tóc, râu đầy sinh động, cùng động tác há miệng rộng, toàn bộ phần hàm dưới của nghê trở thành vệt hõm sâu trên bề mặt nghiên, tạo thành vùng chứa mực hoàn hảo theo đúng công năng chiếc nghiên ban đầu.
Tiếp cận chiếc nghiên ở nhiều góc nhìn khác nhau, lại thấy ở đó những nét đẹp khác lạ từ hình tượng nghê. Thật xứng là một trân phẩm, một nét độc đáo của gốm Việt cổ, ấy là gần gũi, thân thương nhưng càng chiêm ngưỡng, càng thấy những xúc cảm và tinh anh trong chế tác gốm được người xưa dày công trau chuốt.
Nghiên gốm bạch tượng
Hình tượng voi được sử dụng khá phổ biến trên các họa tiết trang trí gốm Việt cổ, từ hoa nâu, hoa lam, gốm độc sắc… của các triều Lý, Trần, Lê…
Trong kỹ thuật tạo hình, hình ảnh voi của gốm Việt cổ lưu không nhiều, và chiếc nghiên mực giới thiệu trong bài chính là những hiếm hoi trong số ấy. Nghiên mực làm từ chất liệu gốm, có tráng men trắng ngà, điểm hoa nâu - lối thể hiện quen thuộc trên men thuốc của gốm Việt cổ niên đại thời Trần (1225 – 1400). Trở lại với thời kỳ chế tác của chiếc nghiên mực, trong dòng gốm hoa nâu, hình ảnh voi thường thấy trang trí trên các thạp gốm, diễn tả hình ảnh hùng dũng của voi khi xung trận. Đây là nét đẹp quen gặp trên phong cách gốm Trần với ảnh hưởng hào khí Đông A của ba lần đánh tan quân Mông Nguyên.
Ở góc độ văn hóa, trong tín ngưỡng Hindu giáo, hình tượng voi gợi về hình ảnh vị thần đầu voi mình người Ganesha, một phúc thần, tượng trưng cho sự thông thái, trí huệ, hạnh phúc và thành đạt. Với sự tiếp biến, giao thoa trong văn hóa và tín ngưỡng giữa Chămpa - Đại Việt, hình tượng voi khi đưa vào nghiên bút - một trong những hình ảnh đại diện cho tinh thần hiếu học - hẳn gửi gắm trong đó những ước mong, khát vọng thành đạt, thông tuệ… cho người sử dụng.
Với chất liệu gốm men trắng ngà, lại gợi về bạch tượng - vốn rất hiếm gặp - nếu ở phương diện xã hội là biểu trưng cho vương quyền, nếu ở góc độ tín ngưỡng là dấu chỉ của tính thiêng liêng (Hindu giáo, Phật giáo), voi trắng còn biểu trưng cho may mắn, đem lại điềm lành và bình an.
Chỉ một chiếc nghiên mực, nhưng khi đưa vào đó vẻ đẹp của bạch tượng, hẳn người nghệ nhân khi tác thành muốn tôn lên thật nhiều ý nghĩa tốt đẹp của chiếc nghiên. Con voi ở đây lại được thể hiện theo dáng quỳ, phủ phục, được thuần hóa và đang đón chờ mệnh lệnh của chủ nhân, với thái độ tuân phục tuyệt đối.
Ở công năng sử dụng, hình tượng voi phục lại là chỗ gác bút đầy tiện dụng, tạo thành điểm nhất duyên cho chiếc nghiên. Chiếc nghiên bình thường của gốm cổ thời Trần đã là trân quý, khi thêm vào đó hình tượng voi, lại trong hiện trạng toàn bích, thật là tuyệt phẩm.
Ẩn nghĩa trên chiếc nghiên Lê
Một chiếc nghiên độc đáo khác trong bộ sưu tập thuộc dòng gốm tráng men xanh rêu và trắng ngà, có niên đại vào thời Lê (thế kỷ XV-XVI). Tạo hình của nghiên mực thời Lê này gợi về nhiều điều, nổi trội là hình ảnh sinh thực khí nữ (yoni) – một sự hòa trộn thú vị giữa hai văn hóa Chămpa - Đại Việt.
Những ảnh hưởng, giao thoa của Chămpa với Đại Việt hẳn khởi phát từ những cuộc chinh Nam. Sau những lần giao tranh, hai nền văn hóa Chămpa và Đại Việt được tác động, biến thiên, giao thoa và văn hóa ngoại lai dần hội nhập văn hóa bản địa. Hình ảnh cặp đôi phồn thực với sinh thực khí nam (linga) và sinh thực khí nữ (yoni) của tín ngưỡng Ấn giáo từ phương Nam, du nhập vào đời sống cư dân Đại Việt nơi phương Bắc ở nhiều lĩnh vực như kiến trúc, trang trí, và sinh hoạt thường ngày. Chiếc nghiên mang dáng dấp của yoni là kết quả của sự hòa nhập thú vị ấy.
Ở tạo hình, nghiên mực chỉ là tiết diện bề mặt hình chữ nhật, tôn lên bởi sáu chân đế, đường nét thể hiện đậm chất hình học - ngang bằng, sổ thẳng, không chi tiết, không hoa văn trang trí. Bề mặt của nghiên được thiết kế lõm, để nhám, không tráng men, với khắc rãnh gợi về hình ảnh yoni.
Nét ẩn ý thật tài tình của người nghệ nhân gốm Đại Việt, ấy là nếu để chiếc nghiên đứng độc lập, không dễ mường tượng hình ảnh yoni, nhưng khi đem cây bút chấm vào nghiên mực, gợi ngay về hình tượng âm dương giao hòa, của vạn vật nảy nở sinh sôi, tính chất phồn thực được biểu đạt một cách mạnh mẽ, rõ nét như cặp đôi linga - yoni.
Mượn hình tượng yoni tác tạo nên chiếc nghiên, về công năng sử dụng, thực là một sản phẩm hoàn chỉnh. Đường rãnh thoát nước trên bề mặt nghiên, có độ khắc chìm nông hơn phần đọng nước chấm mực, mặt giữa của nghiên hơi nhô cao, rất tiện điều tiết lượng mực hút vào đầu bút. Nghiên khi sử dụng xong, lượng mực thừa chỉ cần nghiêng chắt là theo dòng chảy của khe rãnh hẹp thoát ra ngoài. Nhìn vào chiếc nghiên, có thể thấy rõ sự tinh tế, khéo léo trong chế tác, đẹp tối giản, thú vị là vẻ đẹp ấy bao hàm cả yếu tố văn hóa, tín ngưỡng. Một hiện vật rất Việt, do người Việt tác tạo, nhưng lại ẩn chứa những thông điệp của hội nhập, giao hòa, đáng để hậu thế nâng niu, gìn giữ.
Thật kính phục tài nghệ của người thợ gốm xưa khi tác tạo một nghiên mực độc đáo, đặc biệt cả về giá trị, ý nghĩa, niên đại trong muôn vàn hiện vật gốm Đại Việt!