Tây du ký của Ngô Thừa Ân là tác phẩm vô cùng nổi tiếng với người Việt Nam thông qua tiểu thuyết hoặc phim ảnh. Trong hành trình sang Thiên Trúc thỉnh kinh của 4 thầy trò Đường Tăng, họ đã đi qua vô số vương quốc kỳ lạ. Nhưng quốc gia được nhiều người ấn tượng nhất chắc chắn phải là Tây Lương nữ quốc.
Trong kiệt tác cổ điển Tây du ký có kể khi bốn thầy trò Đường Tăng đi qua nước nữ nhi trên đường thỉnh kinh, họ đã gặp phải một loạt chuyện trớ trêu và kỳ lạ. Nhưng lạ nhất là Đường Tăng và Bát Giới mang thai vì họ uống nhầm nước từ sông Tử Mẫu. Nhờ có Tôn Ngộ Không thần thông biến hóa đã tìm được nước từ giếng Lạc Thai nên mới giải quyết được hậu quả từ việc trót uống nước cấm.
Thâm ý của tác giả Ngô Thừa Ân trong việc này khi tả Đường Tăng và Bát Giới khát nước chính là dục tâm chưa dứt, nên mờ mắt vô minh mà uống nước không cần hỏi han, đến nỗi dính hậu quả. Thực ra trong số 81 kiếp nạn Đường Tăng gặp phải trên đường thỉnh kinh thì không phải những lần suýt bị ăn thịt là ghê gớm nhất. Chính lần mắc nạn ở Tây Lương nữ quốc và suýt không vượt qua ải nữ sắc mới thực sự nguy hiểm. Nhưng thắc mắc của nhiều người đọc/xem Tây du ký là Tây Lương nữ quốc có tồn tại thực hay không.
Trên thực tế là có, bởi trong Đại Đường tây vực ký của nhà sư Huyền Trang cũng miêu tả cụ thể về nước Nữ nhi này: “Thử quốc cảnh bắc đại tuyết sơn, hữu đông nữ quốc dã, thế dĩ nữ vi vương, nhân dĩ nữ xưng quốc, đông tiếp thổ phiền quốc, bắc tiếp vu điền quốc, tây tiếp tam ba ha quốc”, nghĩa là: Ở phía bắc Đại Tuyết Sơn, có nước Đông Nữ, phụ nữ làm vua xưng làm nước Nữ nhi, phía đông giáp nước Thổ Phiền, phía bắc giáp nước Vu Điền, phía tây giáp nước Tam Ba Ha.
Nhà sư Huyền Trang trong lịch sử sang Ấn Độ du học Phật giáo dạng tự túc có thể chưa thực sự đến được vương quốc nữ nhi, nhưng chắc hẳn ông đã đi ngang qua và nghe được truyền thuyết về vương quốc kỳ lạ này nên đã viết ra. Điều này phù hợp với ghi chép tương tự trong Cựu Đường Thư.
Theo những ghi chép trong cuốn Nam man tây nam man truyện, quyển 197 của Cựu Đường Thư có ghi rõ rằng Đông Nữ quốc hay còn gọi là Tây Khương là một quốc gia ở vùng biển phía tây, nổi tiếng là có nhiều phụ nữ. Sử sách gọi đây là Đông Nữ Yên. Thay vì trọng nam như nhiều nước khác, quốc gia này thường lập nữ giới làm vua và nữ giữ nhiều chức tước quan trọng trong triều đình.
Phía đông của Đông Nữ quốc tiếp giáp với vùng Mậu Châu, phía đông nam tiếp giáp với Nhã Châu, ngăn cách bởi La Nữ Man và Bách Lang Di. Nơi đây có hơn 80 thành phố lớn nhỏ. Thời bấy giờ khoa học vẫn chưa phát triển, căn cứ vào đoạn đường trung bình đi được trong ngày đối với ngựa (40km) và người (20km) mà người ta đã tính ra được từ điểm cực nam đến cực bắc của Đông Nữ Quốc dài khoảng 400 - 800km, còn cực đông đến cực tây dài khoảng 180 - 360km.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, Mậu Châu là Mậu Huyền thuộc Tứ Xuyên ngày nay, Nhã Châu là Nhã An thuộc Tứ Xuyên ngày nay, cái gọi là Bách Lang Di dùng để chỉ Lý Đường cũng ở Tứ Xuyên và La Nữ Man nằm gần khu vực mà ngày nay là Tây Xương.
Từ đó có thể thấy rằng, vị trí trung tâm của Nữ Nhi quốc được ghi trong Cựu Đường thư phải là huyện Đan Ba, tỉnh Tứ Xuyên ngày nay, cùng khu vực Đại và Tiểu Kim Huyền, bao phủ lưu vực sông Nhã Lung và sông Đại Độ đoạn Vân Nam - Tây Tạng gặp nhau
Ngoài việc ghi lại vị trí địa lý của Đông Nữ quốc, Cựu Đường thư còn mô tả chi tiết về phong tục và thế chế của nước này: “Vào đúng thời kỳ, có một người nữ làm vua, họ của vua là Tô Bì, tự là Mạt Yết, sống trong điện 9 lầu. Tô Bì trị vì 20 năm, còn đệ nhất phu quân người được gọi là Kim Tụ, không biết bất kỳ công việc chính trị nào. Người chồng chỉ chịu trách nhiệm chinh chiến".
Sau thời Tô Bì thì quốc gia này hình thành thói quen trọng nữ khinh nam. Quốc vương và các trọng quan triều đình đều là phụ nữ. Dưới quốc vương là phó vương. Khi quốc vương qua đời, phó vương sẽ kế vị để cai quản đất nước. Quốc vương sống ở tòa tháp có 9 tầng, còn những người khác sống trong những tháp, nhà thấp hơn.
Khu vực huyện Đan Ba ngày nay vẫn còn lưu giữ một số dấu tích lịch sử của Nữ nhi quốc. Tất nhiên là không thể có những thứ mô tả như trong Tây du ký như nước suối Tử Mẫu hay giếng Lạc Thai, nhưng có những thứ khác đáng tin cậy.
Đầu tiên, khu vực này có một phong tục độc bộ cầu hôn độc đáo. Đó là một hình thức "ngày tán tỉnh, đêm động phòng". Trong ngày, nam nhân sẽ bày tỏ tình yêu của mình với nữ nhân đang yêu anh ta. Vào lúc nửa đêm, nam nhân sẽ lặng lẽ lẻn ra khỏi nhà, đến phía dưới phòng ngủ của nữ nhân. Nếu nữ nhân đồng ý sẽ thả khăn để nam nhân leo lên chui qua cửa sổ. Sau khi vào xong thì nam nhân sẽ đánh dấu trên cửa sổ để nói với mấy tình địch khác là “đồn đã có chủ”. Đến rạng sáng, nam nhân ăn xong thì phải chuồn sớm để tránh bị gia đình nữ nhân bắt gặp.
Những đứa con được sinh ra qua hôn nhân thầm kín này hoàn toàn do nữ nhân nuôi dạy chứ không bị tẩy chay lên án vì tội sinh con không cha như xã hội dưới thời Đường. Nhưng để tránh loạn luân, nam nhân rồi sẽ xuất hiện trong tiệc thôi nôi để coi như xác lập quan hệ cha con. Sở dĩ họ không bắt vạ nam nhân vì theo phong tục địa phương thì nam giới không phải “nóc nhà” mà chỉ là công cụ giúp sinh con.
Việc không cần đàn ông phải lo việc nuôi con thể hiện đầy đủ sự thống trị tuyệt đối của phụ nữ trong quyền lực xã hội, quản lý tài sản và nuôi dạy con cái. Nó cũng phù hợp với ghi chép trong Tân Đường thư rằng "phong tục trọng phụ nữ, khinh nam; đàn bà làm quan, đàn ông coi việc đánh nhau và cày ruộng là bổn phận của mình"...
Bằng chứng thứ hai về sự tồn tại của nữ nhi quốc là có rất nhiều tòa tháp còn sót lại trong khu vực này.
Theo Cựu Đường thư, dân số của Đông Nữ quốc hơn 40.000 người, họ thường sống trong các "trọng lâu". Cái gọi là "trọng lâu" chính là những tòa tháp vẫn có thể được nhìn thấy cho đến ngày nay. Nhìn chung, tòa tháp cao hay thấp thể hiện đẳng cấp của chủ nhân. Nhà của dân cao không quá 6 lầu, còn nhà của nữ vương cao đến 9 lầu.
Giờ đây, chúng ta vẫn có thể tìm thấy nhiều di tích tháp canh ở thể Đan Ba, Nói Phu, Khang Định Mộc Nhã, Trát Bá và những nơi khác, điều này khiến nơi đây trở nên nổi tiếng với danh tiếng xứ sở “nghìn tháp”, cũng là chứng tích lịch sử của Đông Nữ quốc
Bằng chứng thứ ba về xã hội nữ nhi quốc là trang phục truyền thống với những đặc điểm độc đáo.
Cựu Đường thư ghi lại đặc điểm trang phục của Đông Nữ quốc: "Nhà vua mặc váy lụa màu xanh lục, bên trên khoác áo choàng màu xanh lá cây, tay áo có búi tóc trang trí bằng vàng".
Qua đó có thể thấy rằng trang phục của phụ nữ ở Đông Nữ quốc vẫn là màu xanh lá cây, và họ chuộng màu đen. Trang phục của phụ nữ ở Đan Ba ngày nay vẫn còn lưu dấu ấn của yếu tố truyền thống này. Họ thích váy xếp ly màu đen và khăn choàng tối màu. Dù trang phục có màu sắc lộng lẫy đến đâu thì màu chủ đạo vẫn phải là màu đen.
Qua những điều nói trên, người ta tin rằng Đông Nữ quốc đã từng tồn tại trong lịch sử. Vào giữa thời nhà Đường, triều đình đã dần dần chuyển các bộ lạc Đông Nữ quốc đến định cư bên sông Đại Độ, và nữ vương của họ đã được triều đình phong tước là Ngân Thanh quang lộc đại phu. Tuy nhiên, trong quá trình lịch sử sau này, với sự ảnh hưởng của văn hóa Hán, Đông Nữ quốc dần bị thay thế bởi xã hội phụ hệ cho đến khi biến mất.