Xem Tây Du Ký, mới hiểu được tính cách con người.

Nguyên Phương15/02/2023 08:00
Xem Tây Du Ký, mới hiểu được tính cách con người.

Mối quan hệ giữa bộ phim Tây Du Ký và Tháp nhu cầu Maslow

Bạn đã bao giờ khóc khi xem Tây Du Ký? 

Có 2 phân cảnh trong phim, từ nhỏ đến lớn tôi xem lần nào thì khóc lần đó. 

Cảnh thứ nhất là Tôn Ngộ Không bị đè dưới chân núi năm trăm năm, trải qua biết bao mùa xuân qua đông tới, bão táp mưa sa. Con khỉ bị giam cầm ấy muốn đưa tay hái một bông hoa dại, nhưng khoảng cách xa quá, với không tới, lại đưa tay về.

Cảnh thứ hai là tập phim “Ba lần đánh Bạch Cốt Tinh”, Tôn Ngộ Không bị sư phụ Đường Tăng nhiều lần hiểu lầm, và nhiều lần bỏ về động. Rõ ràng là Đường Tăng không nghe lời đồ đệ, tự mình bước ra khỏi “vòng bảo hộ”, bị Bạch Cốt Tinh bắt đi mất. Điều đáng để tức giận hơn là, Đường Tăng thà tin 3 người xa lạ không quen, cũng không tin tưởng đồ đệ ngày đêm hộ tống hắn. Mỗi lần tới tập này đều bất bình thay cho Ngộ Không và vô cùng  xót xa.

Tây Du Ký mang lại rất nhiều bài học quý.

Nhà tâm lý học người Mỹ Maslow - cha đẻ của tâm lý học nhân văn đã đưa ra lý thuyết về sự thỏa mãn của con người mang tên “Thuyết nhu cầu Maslow”, ông tin nhu cầu của con người bao gồm nhu cầu sinh lý, nhu cầu an toàn, nhu cầu xã hội/ mối quan hệ, tình cảm, nhu cầu được tôn trọng và nhu cầu thể hiện bản thân.

Trong "Tây Du Ký", bốn thầy trò cùng với Bạch Long Mã chính là đại diện cho 5 nhu cầu này.

Trư Bát Giới đại diện cho nhu cầu sinh lý của con người, hắn vì sắc dục mà bị giáng xuống hạ giới, suốt đường đi, hắn lấy thức ăn và người đẹp làm động lực. Trong các nhu cầu của con người, nhu cầu sinh lý là vô cùng quan trọng, và có sức mạnh to lớn. 

Sa Tăng đại diện cho nhu cầu an toàn của con người. Con người cần sự ổn định, an toàn, cần được bảo vệ và sống có trật tự. Sa Tăng bị đày xuống sông Lưu Sa Hà vì làm vỡ chén Lưu Ly của Ngọc Hoàng trong lúc say rượu. Chỉ bằng cách giúp Đường Tăng, hắn mới có thể trở lại cuộc sống an toàn và có trật tự.

Bạch Long mã đại diện cho nhu cầu được yêu thương của mỗi người. Một người cần thiết lập mối liên hệ hoặc mối quan hệ tình cảm với người khác để được yêu thương. Lý do khiến Tam Thái tử của Long Vương biến thành ngựa là vì ngay trong đêm động phòng, hắn phát hiện cô dâu của mình tư thông với Cửu Đầu Trùng, cùng với Cửu Đầu Trùng nói chuyện yêu đương, hắn bực tức đốt cả bảo vật mà Ngọc Hoàng ban tặng, phạm vào luật trời, bị đày xuống sông Ưng Sầu. Sau được Đường Tăng thu phục, Bồ Tát cho biến thành Bạch Long mã, trợ giúp Đường Tăng đi lấy kinh.

Đường Tăng tiêu biểu cho nhu cầu được tôn trọng của con người. Đường Tăng là người duy nhất không có kỹ năng chiến đấu với quái vật, động lực thúc đẩy hắn vượt qua gian khổ là cảm giác được tôn trọng, được đánh giá cao, đạt được thành tựu.

Và cuối cùng là Tôn Ngộ Không, người có nhiều phép thần thông nhất, đại diện cho nhu cầu cao nhất của con người - tự nhận thức, tức là nhu cầu để con người phát huy tài năng, thể hiện tài năng và đạt được thành tựu. Và việc hắn lựa chọn hộ tống Đường Tăng, một trong những lý do chính cũng là để thể hiện năng lực của bản thân. 

Trong cuộc sống, các nhu cầu tồn tại song song, chúng ta cần phải nắm bắt được các nhu cầu của bản thân, và đồng thời hiểu về nhu cầu của người khác. Đối với công việc mình đang làm, bạn có thể tự đánh giá liệu các nhu cầu có đang bị thiếu hụt không, và từ đó đưa ra giải phép để cải thiện, khiến mọi thứ tích cực hơn. 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 16/04/2024