Vì "thành công không nằm ở việc bám chặt lấy mục tiêu mà nằm ở việc lựa chọn mục tiêu đúng đắn để gắn bó và từ bỏ mọi thứ còn lại". Nói cách khác, biết từ bỏ sáng suốt cũng là một cách theo đuổi thành công.
Xuyên suốt 11 chương trong Từ Bỏ, Annie Duke nhấn mạnh rằng, bền bỉ và từ bỏ vốn không phải hai trạng thái đối lập mà là hai mặt của lựa chọn. Việc ta kiên trì theo đuổi một mục tiêu, đồng nghĩa với việc bản thân đã từ bỏ những mục tiêu khác. Ở đây tác giả không phủ nhận sự kiên trì là yếu tố cốt lõi quyết định thành bại của mục tiêu, nhưng kiên trì độc hại hay thái quá sẽ khiến nội lực bị bào mòn một cách lãng phí và khiến mình "bám lấy những mục tiêu không còn xứng đáng nữa". Vậy làm thế nào ta có thể nhận biết đâu là thời điểm đúng đắn để từ bỏ?
Trước tiên, ta cần hiểu rằng, "bản chất của mục tiêu là ưu tiên những điều mà ta coi trọng hơn những điều khác", nhưng "trên đời này lại không có mục tiêu nào cho phép ta có hết mọi điều mà ta quý trọng". Với Annie Duke, không nhất thiết phải cố gắng về đích (dù đó chỉ là khoảng cách rất ngắn) khi sức lực về thể chất lẫn tinh thần đang ở mức báo động hay phải đối mặt với nhiều cản trở khiến việc về đích bị trì trệ. Cách tốt nhất là dũng cảm từ bỏ những mỏ neo đang cố kéo hụt chân mình xuống và nắm bắt cơ hội tiềm năng khác trước khi quá muộn.
Thứ hai, chúng ta cần vượt qua tâm lý "từ bỏ là thất bại". Thế giới vốn luôn bất định và mục tiêu ta đặt ra cũng phải thích ứng với sự biến đổi không ngừng ấy. Nói như thế không có nghĩa ta luôn sẵn sàng từ bỏ bất cứ lúc nào mỗi khi thay đổi xuất hiện. Annie Duke chỉ ra, chúng ta nên học cách đa dạng hóa cơ hội để giảm thiểu rủi ro, đồng thời trang bị cho mình những mục tiêu phòng thân. Nó không chỉ cho ta một bến đỗ an toàn khi buộc phải đứng trước quyết định từ bỏ mà còn giúp ta đưa ra góc nhìn sáng suốt về những điều không đáng để theo đuổi.
Sau cùng, để có thể đi đến quyết định từ bỏ, Annie Duke khuyến khích rằng, chúng ta cần tìm cho mình một người tham vấn từ bên ngoài. Đó có thể là cha mẹ, anh chị, bạn bè, hoặc bất kì ai luôn sẵn sàng nói ra sự thật hay nói những điều ta cần nghe để từ bỏ hơn điều ta muốn nghe. Bởi lẽ, nỗi buồn khi phải nghe rằng nên từ bỏ một điều gì đó rồi cũng sẽ qua, nhưng thời gian đầu tư cho một công việc không hiệu quả, hay một mối quan hệ không hạnh phúc thì sẽ không bao giờ lấy lại được.
Đến một lúc nào đó, khi đứng trước ngã rẽ, ta sẽ cảm nhận rõ sức nặng của việc từ bỏ bao giờ cũng khó khăn hơn việc tiến về phía trước. Và từ bỏ là một kỹ năng cần được trau dồi và phát triển để giúp con người đưa ra những hướng đi kịp thời và đúng đắn hơn. Khi đó, từ bỏ không đồng nghĩa với thất bại mà là tìm đến một cơ hội khác đi đến thành công.