Phải chờ ra hầu tòa vì tội liên quan tới các vụ đánh cắp xe hơi, sống khu nhà công cộng (do chính quyền xây dựng) ở Leicester, Anh, Lee Ryan đã sống một cuộc sống của một kẻ ở dưới đáy xã hội. Tuy nhiên, sau khi giải xổ số quốc gia được mở vào năm 1995, Ryan đã trúng độc đắc với giải thưởng 6,5 triệu bảng Anh (gần 9 triệu USD).
Ở thời điểm trúng số, dù đã vô cùng giàu có nhưng Ryan chính là triệu phú xổ số đầu tiên ở Anh phải ngồi tù vì vụ việc trên. Sau 9 tháng, Ryan được tại ngoại. Ngay lập tức, Ryan đã cưới bạn gái Taylor, "tậu" biệt thự, sắm một dàn siêu xe đắt tiền như Bentley, Ferrari, Porsche, BMW và chẳng hề đắn đo khi chi hẳn 235.000 bảng Anh để mua 2 chiếc xe máy phân khối lớn Ducati và cả trực thăng.
"Niềm vui ngắn chẳng tày gang", mọi thứ thuộc về Ryan lại sớm rời đi. Hôn nhân đổ vỡ, hàng loạt các khoản đầu tư của ông thua lỗ và chuỗi những sự cố trong cuộc đời Ryan dường như không có điểm dừng như gia nhân đánh cắp 40.000 USD, chiếc Ferrari của ông bị đốt, con của ông bị âm mưu bắt cóc nên Ryan buộc phải thuê cựu đặc nhiệm Anh để bảo vệ con.
Năm 2003, nhân duyên gặp gỡ Jyldyz Djangaracheva tại London đã một lần nữa thúc giục Ryan sinh sống với cô sinh viên từ Kyrgyzstan. Lần này, Ryan quyết định tới quê nhà của bạn gái để cùng sống và làm việc. Nhưng tới 2010, cặp đôi đã "đường ai nấy đi". Khoản tiền đầu tư 2 triệu bảng Anh của ông tại đây cũng thất bại.
Trắng tay, Ryan đành phải làm một kẻ vô gia cư và chui vào túi ngủ hằng đêm trong suốt 2 năm. Hiện tại, ở tuổi 60, cuộc sống của Ryan đã khá khẩm hơn chút nhưng cũng chỉ đủ sống qua ngày. Ông làm công việc quay phim và sống trong một căn hộ thuê cùng một số người khác.
Ryan chính là hình mẫu chấp nhận sống hào nhoáng trong một thời gian ngắn, hưởng thụ cuộc đời theo cách của một kẻ phong lưu để rồi lại trắng tay và sống lay lắt vào cuối đời. Sự phong phú về vật chất có thể khiến chúng ta cảm thấy thích thú nhất thời, nhưng sự thích thú ấy chẳng ở lại lâu.
Vốn vẫn biết tiền "từ trên trời rơi xuống", ta phải "tận dụng" ngay nhưng không có nghĩa là chỉ sống phụ thuộc vào đồng tiền. Bởi tiền không phải của mình thì sẽ sớm "chia tay" mình thôi, cái gì không thuộc về mình thì mãi mãi không thuộc về mình.
Từng có một bài viết chia sẻ về 8 cấp độ sống sung sướng của con người, bao gồm:
Cấp 1: Ăn no, wi-fi căng, điện thoại đủ pin.
Cấp 2: Khi trời mưa, trong túi xách có ô.
Cấp 3: Mua thức ăn trong một tuần nhét đầy tủ lạnh.
Cấp 4: Lương về, nhìn thấy số dư tài khoản.
Cấp 5: Tăng ca mệt mỏi tới tối muộn về nhà, phát hiện ở nhà đã có người hâm sẵn thức ăn cho.
Cấp 6: Ngoài trời sấm chớp đùng đùng, mưa to gió lớn, tôi được ở nhà, đóng cửa sổ, nằm trên giường, đắp chăn.
Cấp 7: Công ty cắt giảm nhân viên không có tôi trong đó.
Cấp 8: Có tiền, có nhiều tiền.
Vậy đấy, tiền chỉ ở mức độ cuối cùng trong niềm vui của mỗi chúng ta. Tiền chỉ là một công cụ để chúng ta sống đầy đủ chứ không thể nào là thứ thực sự giúp chúng ta hạnh phúc. Phụ thuộc vào đồng tiền, rồi sẽ có một ngày bạn phải trả giá!
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị