Nhờ công tác từ thiện mang tính "cách mạng hóa" hiệu quả và nhanh chóng, nữ tỷ phú MacKenzie Scott được tôn vinh là "người phụ nữ quyền lực nhất thế giới", thậm chí vượt mặt cả những chính trị gia kỳ cựu như Thủ tướng vừa mãn nhiệm của Đức Angela Merkel hay Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris.
"Người phụ nữ quyền lực nhất thế giới"
Ngày 7/12, tạp chí danh tiếng Forbes công bố danh sách thường niên "100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới" năm 2021.
Và điều gây bất ngờ là nữ tỷ phú MacKenzie Scott đã được vinh danh, thay thế vị trí "thống trị lâu nay" của cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel. Bà Merkel giữ vị trí số 1 trong 15 năm trong số 17 năm Forbes đã công bố bảng xếp hạng này. Những năm duy nhất bà không đứng đầu là năm 2004, sau Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice, và năm 2010, khi Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama giành vị trí dẫn đầu.
Năm nay, vị trí quyền lực thứ hai thuộc về Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris và tiếp theo là Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde.
Lý giải về việc lựa chọn bà MacKenzie Scott là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới, Forbes cho biết, bà đã nhanh chóng sử dụng khối tài sản khổng lồ của mình để hỗ trợ các tổ chức phi lợi nhuận với cách cho đi rất đặc biệt, tạo ra "cuộc cách mạng" trong lĩnh vực từ thiện.
"Cho đi tất cả" với cách khác biệt
Ba năm trước, bà MacKenzie Scott có một cuộc sống mà nhiều người mơ ước lẫn ngưỡng mộ: là một nhà văn nổi tiếng, vợ của tỷ phú giàu nhất thế giới Jeff Bezos và mẹ của 4 con. Bà từng khởi xướng một nhóm vận động chống lại bắt nạt và giúp chồng thành lập tập đoàn Amazon vào những năm 1990.
Mặc dù vậy, khi Amazon trở thành một đế chế vững mạnh và giàu có như ngày hôm nay, không có nhiều người biết đến bà, một người phụ nữ được nhận xét là rất khiêm tốn và ít nhắc đến bản thân. Chỉ khi nổ ra vụ ly hôn đình đám và đắt đỏ nhất trong lịch sử với người chồng tỷ phú vào năm 2019, cái tên MacKenzie Scott mới được nói đến nhiều.
Sau ly hôn và nhận 1/4 cổ phần của chồng cũ tại Amazon, bà gần như lập tức lên kế hoạch làm thế nào để cho đi tất cả. "Tôi có quá nhiều tiền và cần chia sẻ", bà viết hồi tháng 5/2019, khi ký "Giving Pledge" (Cam kết cho đi), hứa trao ít nhất một nửa tài sản của mình cho các hoạt động từ thiện. "Tôi sẽ tiếp tục làm việc này đến khi két sắt trống rỗng", bà nói.
Và từ đó đến nay, bà không chỉ làm đúng lời hứa của mình và còn thúc đẩy nó với một tốc độ kỷ lục và có hoàn toàn có quyền kiểm soát những số tiền đó đã đi về đâu, đến đúng nơi hay không. Chỉ trong vòng hơn hai năm qua, vị nữ tỷ phú này (có tổng tài sản trị giá 57 tỷ USD) đã gửi 8,6 tỷ USD đến 780 tổ chức thúc đẩy các vấn đề bao gồm bình đẳng giới, công bằng chủng tộc, sức khỏe cộng đồng…
Điều gây chú ý hơn cả là bà đã có thể điều phối số tiền gửi đi mà không cần thông qua văn phòng nào, thậm chí không cần có cả địa chỉ để gửi thư và cũng không có nhiều nhân viên trợ giúp. Thay vào đó, bà phối hợp với người bạn đời mới, Dan Jewett - một giáo viên khoa học, các nhà nghiên cứu và cố vấn từ công ty tư vấn phi lợi nhuận Bridgespan. Bà ấy cũng không cần có ban giám đốc, không hợp tác với quỹ từ thiện nào, cũng không cần báo cáo tài chính nên có thể thực hiện mọi thứ một cách nhanh chóng.
Trong khi đó, Quỹ Gates, với gần 1.800 nhân viên, đã quyên góp 5,8 tỷ USD vào năm 2020. Bà Scott quyên góp nhiều hơn 5,8 tỷ USD một chút trong năm 2020. Và quan trọng là, bà đã áp dụng triết lý đưa ra "không ràng buộc", nghĩa là mỗi tổ chức có thể sử dụng quỹ theo cách họ thấy phù hợp. "Nó trao quyền cho người nhận bằng cách khiến cho họ cảm thấy có giá trị và mở khóa các giải pháp tốt nhất của họ", bà Scott viết trên Medium hồi tháng 6.
"Món quà như thế này dành cho một tổ chức phi lợi nhuận tương đương với 1 tỷ USD thực sự", giám đốc điều hành của Quỹ Accion Opportunity, Luz Urrutia, nói với Forbes vào tháng 7. Accion, một tổ chức cung cấp vay cho những doanh nghiệp nhỏ do phụ nữ và người da màu làm chủ ở California, đã nhận được 15 triệu USD từ bà Scott trong năm 2021.
Liệu món quà 15 triệu USD có thực sự tương đương với 1 tỷ USD hay không là điều còn phải bàn luận, nhưng có một điều không thể phủ nhận là bà Scott đang thực hiện cuộc "cách mạng hóa" trong công tác từ thiện khi hỗ trợ hết mình cho việc phá vỡ hiện trạng bất bình đẳng và thúc đẩy công bằng xã hội.
Vào thời điểm mà các tỷ phú như chồng cũ của bà theo đuổi tham vọng bay vào vũ trụ, bà Scott lại miệt mài sử dụng khối tài sản của mình để không chỉ hỗ trợ các tổ chức phi lợi nhuận mà còn góp phần thay đổi cách tích lũy tài sản và quyền lực tại Mỹ.
"Biến các nhà từ thiện lớn vào trung tâm của câu chuyện về tiến bộ xã hội là một sự bóp méo vai trò của họ. Trong nỗ lực này, chúng tôi có niềm tin khiêm tốn rằng sẽ tốt hơn nếu sự giàu có không tập trung vào một số ít người và rằng các giải pháp có thể được thiết kế và thực hiện tốt nhất bởi nhiều người khác", bà cho biết trên Medium.
Favianna Rodriguez, người làm việc để hỗ trợ các cộng đồng da màu ở Oakland, California (Mỹ) cho biết: "Hy vọng của tôi là cách cho đi của bà Scott sẽ truyền cảm hứng cho các tổ chức lĩnh vực từ thiện và cho các nhà tài trợ khác để hỗ trợ những tầm nhìn lớn, táo bạo hơn. Chúng ta không có nhiều thời gian và đang phải đối mặt với hàng loạt cuộc khủng hoảng: dịch bệnh, kinh tế, khí hậu và thời điểm phân biệt chủng tộc đang bùng nổ".
Trong một bài đăng mới nhất trên blog có tiêu đề "Không công bố số tiền", bà Scott cho biết sẽ không tiết lộ số tiền đã đóng góp cho các tổ chức từ thiện kể từ đợt quyên góp cuối cùng vào đầu năm nay nhằm giảm bớt sự chú ý. "Tôi không đưa vào đây bất kỳ khoản tiền nào đã quyên góp", bà viết trong bài đăng hôm 8/12. "Tôi muốn để mỗi tổ chức hãy tự công bố trước nếu họ muốn, với hy vọng rằng khi làm vậy, truyền thông sẽ tập trung vào những đóng góp của họ thay vì của tôi".
Với hàng chục tỷ USD vẫn còn để có thể cho đi, bà Scott có những kế hoạch lớn để tiếp tục tạo ảnh hưởng đến sự thay đổi thực sự và có tác động lâu dài đến những khoản vốn bị thiếu và bị bỏ quên trong suốt những năm qua. "Sự hào phóng là điều tốt đẹp. Cùng nhau chia sẻ để lan tỏa yêu thương", bà nói.
Thanh Thành
Theo Forbes