Trong lúc đang đi bộ tập thể dục trên sân thượng của chung cư thì cô tổ trưởng chạy tới, đưa cho miếng giò nóng ấm gói trong lá chuối, nói ăn thử giúp cô xem có vừa miệng không, cô mới gói xong mà hình như hơi thiếu ngọt. Cô hồ hởi kể cô mới mua hẳn cái đầu heo 3kg, vừa có xương để hầm, vừa có thịt bó giò, vừa có lỗ tai heo ngâm nước mắm cuốn bánh tráng rau sống... đủ làm thành mâm cơm phong phú cho gia đình ngày tết. Rồi cô kể chuyện chợ tết sao mà đông quá, mà vui lắm à nghen, không có ai chen lấn hay gắt gỏng gì hết. Bởi vậy đi siêu thị mát mẻ thiệt mà cô vẫn thích đi chợ cho có không khí tết hơn.
Trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, đã thấy xuân về. Không phải ở miếng giò đậm đà mà là cái cách cô dúi vào tay mình món ăn nóng ấm, thơm ngào ngạt thứ hương vị riêng biệt của mùa xuân, giống với hình ảnh của mẹ trong nhà bếp ngày còn mẹ…
Mùng Một của những năm về trước, quen với cảnh sáng sớm đã nghe tiếng nói cười, khi các anh chị đưa cháu đến chúc tết ông bà, rồi chuông điện thoại đổ dồn liên tục, của những anh chị ở xa không về được, gọi điện chúc tết bố mẹ. Mình có nhiệm vụ trang trí những bao lì xì đỏ chói lên cây mai. Lũ cháu lớn có nhỏ có ríu rít chung quanh, mỗi năm lại có thêm đứa cháu mới, xúng xính áo quần ra chúc tết ông bà…
Những năm về sau, anh trai thay bố nghe điện thoại chúc tết của các anh chị. Khi ấy, bố nằm giường bệnh, nhưng khi nghe anh trai báo, chị Ba, anh rể… chúc tết là bố gật đầu, mắt long lanh vui. Rồi bố ra đi khi xuân chưa qua được bao lâu, khi con còn cầm bao lì xì nóng hổi của bố…
Với mẹ thì mùa xuân tất bật hơn rất nhiều, mới ngoài 20 tết, mẹ đã có sẵn những hũ dưa kiệu muối trong nhà, rồi thì nồi thịt kho tàu thơm lựng, nồi khổ qua hầm nghi ngút khói.
Những mùa xuân sau này, sau đợt tai biến, tay mẹ không còn làm chủ được. Rồi cũng đến lúc mẹ đón tết trên giường bệnh. Từng đứa cháu mới sinh ra, mẹ không còn tự tay ẵm bồng được nữa. Chị gái mình bồng đứa bé đỏ hỏn từ Kiên Giang lên, bảo: “Cháu của bà đây!”. Mẹ chỉ đưa tay được một nửa rồi xụi xuống, chị phải đặt đứa bé nằm bên cạnh mẹ, mẹ đưa bàn tay yếu ớt giữ lấy đứa trẻ. Chị quay đi, giấu hàng nước mắt lăn dài trên má. Đấy cũng là mùa xuân cuối cùng của mẹ…
Gần tết, câu hỏi nghe nhiều nhất là có đi đâu chơi xuân không. Thật lạ là khi còn bố mẹ thì chẳng năm nào chịu ở nhà. Cứ nghĩ rằng bố mẹ còn ở đó, chẳng “mất” đi đâu cả nên mặc sức rong chơi. Đến cả ánh nhìn cuối cùng của bố, mẹ cũng không có bóng hình mình. Còn nhớ mình đã chết lặng ở bậc thềm cửa khi nghe chị gái lay mẹ: “Mẹ thương con Út nhất mà sao mẹ không đợi nó về…”. Mẹ đã đợi “nó” bằng đó năm trời mà chị ở xa nên đâu hay. Cứ cuối tuần mẹ lại đợi, ốm đau đợi, sinh nhật đợi, tết lễ đợi… Tại sao đến cuối đời vẫn bắt mẹ phải đợi?
Cái se lạnh của những ngày giáp tết đưa mình về bên bố mẹ, tiếng xích va vào cánh cổng nghĩa trang vang lên khô khốc. Mùi khói nhang quyện vào gió, tan loãng trên nền trời trong xanh.
Một buổi sáng cuối năm, người anh đồng nghiệp gọi điện đưa cho tờ báo Xuân. Đó chính là tờ báo mình đã mua hôm trước, nhưng cách của anh ấy làm mình nhớ mẹ quá! Trên đời này chỉ có mẹ, duy nhất mẹ là luôn để dành cho mình những thứ mình thích nhất. Có khi là trái quýt, quả trứng luộc, củ khoai, nắm xôi… Vì vậy mà thỉnh thoảng anh dúi bánh, kẹo hay tờ báo cho, lại nhớ mẹ gia diết.
Thấy biết ơn quá đỗi vì những tình thân tuy không cùng máu mủ ở cuộc đời này mà ta may mắn gặp được. Là người anh, người bạn, người chị, người cô… Để trong những lúc chênh chao nhất, chợt ấm lòng, thấy chung quanh mình luôn có những tấm chân tình để tin yêu, trân trọng, để thấy mùa xuân vẫn nồng nàn đón chờ ta phía trước.
La Hường/Nữ doanh nhân