"Ký sinh trùng" là phim điện ảnh thắng lớn tại giải Oscar 2020. "Trò chơi con mực" là phim nhiều tập gây sốt toàn cầu. Cả hai đều là phim Hàn, cả hai đều kể chung một nỗi đau.
Bộ phim nhiều tập "Squid Game" (Trò chơi con mực) đang gây sốt trên toàn cầu. Kể từ khi ra mắt hồi giữa tháng 9 trên nền tảng chiếu phim trực tuyến, bộ phim này đã thu hút người xem ở khắp nơi trên thế giới. Nhiều khả năng, "Trò chơi con mực" sẽ trở thành bộ phim thành công nhất của nền tảng chiếu phim trực tuyến Netflix dựa trên số lượng người xem.
Nội dung kịch tính của "Trò chơi con mực" là một trong những lý do đưa lại thành công lớn cho bộ phim. Một tổ chức bí ẩn mời anh chàng Seong Gi-hun cùng với 455 người chơi khác cùng tham gia vào những trò chơi.
Tất cả họ cùng tập trung trên một hòn đảo hoang vắng để chơi những trò chơi tưởng như rất đơn giản, nhằm giành giật một phần thưởng là số tiền mặt rất lớn, có thể giúp họ đổi đời.
Seong Gi-hun từng là một công nhân nhà máy, anh ta nghiện cờ bạc và rơi vào nợ nần chồng chất. 455 người chơi khác cùng có mặt trên đảo với Seong Gi-hun cũng có hoàn cảnh tương tự, tất cả họ đều đang gặp phải vấn đề tài chính nghiêm trọng.
Họ tham gia cuộc chơi đánh cược mạng sống này với mong muốn thoát ra khỏi những rắc rối tiền bạc đang bủa vây cuộc sống của mình, nhưng trong quá trình tham gia, thua ở bất cứ thời điểm nào, họ ngay lập tức mất mạng. Nội dung phim được đánh giá là dữ dội và tàn khốc, nhưng cũng rất có tính giải trí đối với người xem.
Hiện tại, giới phê bình phim quốc tế đang rất quan tâm phân tích sự thành công của nền công nghiệp làm phim Hàn Quốc thời gian gần đây, họ nhận thấy có mối liên hệ gần gũi giữa phim điện ảnh "Parasite" (Ký sinh trùng - 2019) từng thắng lớn tại giải Oscar 2020 và bộ phim nhiều tập "Trò chơi con mực" đang gây sốt trên toàn cầu.
Tâm điểm của cả hai bộ phim này đều là sự bất bình đẳng trong đời sống kinh tế - xã hội ở Hàn Quốc, khoảng cách giàu nghèo quá lớn, quá khốc liệt. Trong "Ký sinh trùng", đó là sự nghèo khó tới cùng cực và quyết phải vươn lên bằng mọi giá. Trong "Trò chơi con mực", đó là những người nghèo càng lúc càng trở nên cùng quẫn trong nợ nần, túng thiếu, không thoát ra được.
Trailer phim "Squid Game" (Trò chơi con mực)
Nhân vật chính của phim "Trò chơi con mực" - Gi-hun trước khi trở thành tay nghiện cờ bạc và chịu đựng sự khốn khổ trong tay những kẻ cho vay nặng lãi, đã từng là một công nhân nhà máy, nhưng rồi công ty này phá sản và anh ta rơi vào cảnh thất nghiệp.
Cuộc sống của Gi-hun sau đó là chuỗi thất bại liên tiếp trong công việc, anh kiếm sống nhọc nhằn và vẫn đang sống cùng với người mẹ già. Những nhân vật khác tham gia vào trò chơi trong phim cũng đều ngập trong nợ nần giống như Gi-hun.
"Mỗi người ở đây đều có những khoản nợ lớn không thể trả nổi và đều đang đứng trước vực thẳm của cuộc đời. Các người có muốn trở về nhà và sống phần đời còn lại của mình như kẻ rác rưởi, luôn bị những chủ nợ đe dọa? Hay các người muốn nắm lấy cơ hội này?", một người giấu mặt trong nhóm tổ chức trò chơi đã nói như vậy với các người chơi.
"Trò chơi con mực" không phải sản phẩm đầu tiên của nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc khai thác sự bất bình đẳng trong thu nhập, khai thác khoảng cách giàu nghèo khắc nghiệt. Kể từ khi "Trò chơi con mực" ra mắt, nhiều nhà phê bình phim phương Tây đã thực hiện những bài bình luận so sánh phim này với phim điện ảnh "Ký sinh trùng" - tác phẩm điện ảnh thống trị giải Oscar 2020.
"Ký sinh trùng" kể về một gia đình nghèo tìm mọi cách để thâm nhập được vào một gia đình giàu, để mỗi thành viên trong nhà đều có công việc và thu nhập tốt hơn từ gia đình giàu có kia. Bộ phim đã từng khiến người xem điện ảnh quốc tế thảng thốt trước thực tế về sự bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo tại Hàn Quốc.
Trước khi hai bộ phim mang tính hiện tượng này xuất hiện, bộ phim truyền hình "War of Money" (Cuộc chiến kim tiền - 2007) đã từng gây sửng sốt tại Hàn Quốc. Phim xoay quanh nhân vật chính là một kẻ cho vay nặng lãi tìm cách trả thù lại những bất hạnh, khốn đốn mà gia đình phá sản của anh từng phải chịu đựng.
Khi ấy, bộ phim đã làm dấy lên nhiều tranh cãi, bàn luận tại Hàn Quốc về vấn nạn cho vay nặng lãi vốn tồn tại ở Hàn Quốc từ đầu thập niên 2000.
Truyền thông Hàn Quốc đã quan tâm tới sự bất bình đẳng và những khốn khổ trong đời sống kinh tế của người nghèo tại Hàn Quốc từ khá lâu.
Giáo sư Joseph Jonghyun Jeon của trường Đại học California Irvine (Mỹ) từng viết trong cuốn "Vicious Circuits" rằng: "Một nét quan trọng chủ đạo trong phim Hàn kể từ sau Khủng hoảng Tài chính Châu Á năm 1997 chính là mối quan tâm đến ám ảnh xung quanh vấn đề kinh tế".
Khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính này, gần 2 triệu người Hàn Quốc đã bị mất việc, giai đoạn này, số người tự tử tại Hàn Quốc tăng lên và trở thành một vấn đề nhức nhối trong đời sống xã hội.
Kể từ đó, nỗi ám ảnh sau cơn khủng hoảng vẫn như một cái bóng lởn vởn trong ký ức những người từng sống qua giai đoạn ấy, những ký ức ấy trở thành một mảng đề tài trong đời sống văn hóa tại Hàn Quốc.
Người ta không còn nói về cuộc khủng hoảng năm xưa, nhưng những ám ảnh xung quanh những khó khăn, chật vật kinh tế vẫn là một mảng đề tài quan trọng được phản ánh với đầy đủ sắc thái khắc nghiệt trong nhiều bộ phim của Hàn Quốc.
Trong khi công chúng quốc tế đang phát sốt với hiện tượng "Trò chơi con mực", người xem tại Hàn Quốc cũng phát sốt nhưng theo cách khác, bởi họ vốn đã quen với những bộ phim có một số nét tương đồng với bộ phim này.
Một người đàn ông bị đẩy tới đường cùng vì những khó khăn, biến cố dồn dập. Một gia đình có thành viên cần phải được trị bệnh khẩn cấp nhưng không có tiền trả chi phí chữa bệnh. Một người trong cơn túng quẫn tìm tới người cho vay nặng lãi và rồi không trả nổi nên phải chịu đựng đủ kiểu khủng bố tinh thần... Những câu chuyện như vậy đã xuất hiện nhiều trong phim Hàn Quốc.
Việc các nhà làm phim tại Hàn Quốc vẫn tiếp tục khai thác những câu chuyện như vậy cho thấy sự bức bách của những vấn đề xã hội. Theo thống kê, một bộ phận người Hàn Quốc đang vay nợ nhiều hơn.
Tờ nhật báo danh tiếng Chosun Ilbo của Hàn Quốc từng đưa ra thống kê rằng có khoảng 4,24 triệu người Hàn Quốc (khoảng 8% dân số) đang vay tiền từ các tổ chức tài chính, quỹ tín dụng và thậm chí là từ những kẻ cho vay nặng lãi tại cùng một thời điểm, nghĩa là họ vay nợ nhiều nơi.
Giá nhà tại Hàn Quốc tăng cao không ngừng khiến việc sở hữu một ngôi nhà của riêng mình nằm ngoài khả năng của hàng triệu người Hàn Quốc. Nhiều người trẻ sớm rơi vào cảnh "vỡ mộng" vì bế tắc, không tìm ra cách thay đổi cuộc sống cho bản thân và gia đình, họ trở nên liều lĩnh và mạo hiểm với hy vọng có thể tìm được một cơ hội đổi đời, một tương lai tươi sáng hơn.
Thực tế hiện tại, cuộc sống còn đang trở nên khắc nghiệt hơn, đại dịch Covid-19 khiến nhiều người rơi vào cảnh thất nghiệp, nhiều doanh nghiệp chật vật để tồn tại.
Nhiều người lao động tại Hàn Quốc đang gặp khó khăn, khủng hoảng. Một bài báo đăng trên tờ Chosun Ilbo đã ghi lại tâm sự của một người nghèo rơi vào cảnh nợ nần trầm trọng. Câu nói của người này đã trở thành dòng tít của bài báo: "Tôi không xem nổi bộ phim "Trò chơi con mực", bởi phim quá giống với cuộc đời khốn khổ của tôi".
Thực tế, bất bình đẳng trong đời sống kinh tế - xã hội, khoảng cách khắc nghiệt giữa người giàu và người nghèo không phải là vấn đề mà riêng Hàn Quốc gặp phải. Điều này đang xảy ra trên khắp thế giới, nhiều chuyên gia cho rằng đó chính là lý do tại sao "Trò chơi con mực" lại tạo được sức hấp dẫn lớn đối với người xem trên khắp thế giới, bất kể những sự khác biệt về văn hóa.
Văn hóa Hàn đang tạo nên những làn sóng lớn hấp dẫn công chúng toàn cầu. Những khắc họa chân thực, thậm chí trần trụi về thực tế cuộc sống trong những bộ phim như "Ký sinh trùng" hay "Trò chơi con mực" khiến giới chuyên môn, truyền thông và công chúng toàn cầu phải công nhận rằng giới làm phim Hàn Quốc đang tạo nên những sản phẩm nghệ thuật đáng nể.
Có rất nhiều chuyện đáng nói, đáng bàn trong hai bộ phim này. Nhưng dù câu chuyện có thể rất nặng nề, các nhà làm phim Hàn Quốc vẫn có cách khiến cho phim mang tính giải trí, hấp dẫn số đông và tạo nên những hiện tượng đình đám toàn cầu.
Giới chuyên môn với góc nhìn sâu sắc hay công chúng với nhu cầu giải trí đều được thỏa mãn theo những cách khác nhau khi đứng trước những bộ phim như thế.
Những bộ phim thực tế và khắc nghiệt như "Ký sinh trùng", như "Trò chơi con mực" đang truyền cảm hứng cho những sự nhìn nhận thẳng thắn, đúng đắn về thế giới mà chúng ta đang sống. Những nhìn nhận và đánh giá sâu sắc, mang tầm vĩ mô, có thể được khơi gợi từ một bộ phim gây sốt, như những gì mà "Ký sinh trùng" và "Trò chơi con mực" đã làm được.
Trailer phim "Parasite" (Ký sinh trùng - 2019)
Bích Ngọc
Theo Quartz