Chân trần chí thép là câu chuyện chân thực của Trung tá Thủy quân Lục chiến James G. Zumwalt, người đã trực tiếp tham gia chiến trường tại Việt Nam. Câu chuyện về những người lính của Việt Nam đã được kể lại một cách khách quan và trung thực nhất qua góc nhìn của một người bên kia chiến tuyến. Không dừng lại ở đó, cuốn sách còn nêu lên thông điệp hòa bình, hàn gắn vết thương sau chiến tranh. Cuộc chiến tranh nào rồi cũng có những hi sinh, mất mát và những nỗi đau không gì bù đắp được. Nhưng điều đáng trân trọng đó chính là sự tha thứ của những người bị tổn thương và sự chuộc lỗi của những người đã gây ra cuộc chiến.
Qua cuộc chiến tranh tại Việt Nam, Tác giả James G. Zumwalt đã nhìn thấy được những người Việt Nam chân chất, bước vào cuộc chiến với vũ khí thô sơ, với đôi chân trần nhưng lại mang trong mình một ý chí tinh thần sắt đá. Họ đã chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng cho độc lập tự do của Tổ quốc.
James G. Zumwalt đã viết: “Trong Chiến tranh Việt Nam, người Mỹ dựa vào sức mạnh công nghệ vũ khí vượt trội; người Việt Nam phải dựa vào những thứ khác. Họ quay về truyền thống của mình – đó là truyền thống chống ngoại xâm có từ ngàn đời, khi đất nước liên tục bị xâm lăng… Tinh thần dân tộc, lòng tự hào và quyết tâm ấy phát triển thành một sức mạnh vĩ đại – một CHÍ THÉP – giúp họ thực hiện được điều không thể.”
Một sự ngưỡng mộ khâm phục đối với những con người tuy nhỏ bé nhưng có một ý chí kiên cường vượt qua mọi khó khăn gian khổ đó là tinh thần Thép trong con người Việt Nam đã đánh bại những kẻ xâm lược với vũ khí tinh nhuệ và công nghệ vượt trội. Đó là tinh thần đấu tranh không biết mệt mỏi không khoan nhượng trước kẻ thù của những con người kiên cường dũng cảm, của những con người yêu chuộng hòa bình, họ sẵn sàng ngã xuống để bảo vệ mảnh đất quê hương.
Tác giả đã tái hiện lịch sử về cuộc chiến tranh Việt Nam dựa trên thông tin của 200 cuộc phỏng vấn, không phải với một nhà sử học nghiên cứu về lịch sử mà là của một sĩ quan trực tiếp ở chiến trường, xen lẫn vào đó và sự nhìn nhận, đánh giá của một người trực tiếp tham gia và chứng kiến lịch sử.
Có thể nói cái tên Phạm Xuân Ẩn đã chứa biết bao điều bí ẩn, không chỉ với người Việt Nam, mà đối với cả rất nhiều chính khách và báo chí thế giới, đặc biệt là báo chí Mỹ. Cho đến khi một người Mỹ bắt tay vào cuộc… Đó chính là Larry Berman, nhà sử học, giáo sư chính trị học thuộc đại học California, một chuyên gia xuất sắc chuyên nghiên cứu về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ.
Trong Điệp viên hoàn hảo X6, Larry Berman không chỉ chia sẻ lời kể của nhân vật mà còn giới thiệu, giải thích bối cảnh cũng như tiểu sử của các nhân vật liên quan để mang đến cho người đọc một câu chuyện lịch sử sống động, gần gũi và chân thực.
Qua cuốn sách này, bạn đọc sẽ thấy một Phạm Xuân Ẩn đã không quản ngại nguy hiểm, cũng như nguy cơ bại lộ tung tích để cứu anh bạn đồng nghiệp Bob Anson. Hay một Phạm Xuân Ẩn với cái nhìn công bằng dành cho những người ở bên kia chiến tuyến. Dù họ là kẻ thù, nhưng đó chỉ là nhà cầm quyền Mỹ, trong thâm tâm, ông vẫn rất cảm ơn nhân dân Mỹ, những người bạn đã giúp đỡ ông rất nhiều. Ông luôn mơ ước cái ngày mà nhân dân hai nước có thể tạo lập mối quan hệ bình thường với nhau. Ông đã luôn nói những điều tốt đẹp về những người bạn Mỹ của mình để rồi lại bị nghi ngờ về lòng trung thành với đất nước.
Cái tên cũng giống như cuộc đời của ông vậy. Bí ẩn đến độ thành một huyền thoại. Có những điều mà mãi mãi ông luôn im lặng và đã đi theo ông về cõi vĩnh hằng, có những điều còn chưa được lý giải, và bạn đọc sẽ thấy được một phần con người của ông qua cuốn sách này.
Cuốn sách Một người Việt trầm lặng (tựa gốc tiếng Pháp: Un Vietnamien bien tranquille) của Jean-Claude Pomonti là một cách dựng tiểu sử nhà tình báo lỗi lạc Việt Nam Phạm Xuân Ẩn khá độc đáo.
Xoay quanh bức chân dung và số phận Phạm Xuân Ẩn, cuốn sách cũng nói về những kết thúc bi đát của một số điệp viên, đồng nghiệp của ông thuộc cả hai phía lẫn những “điệp viên hai mang” như Trần Kim Tuyến, Cao Giao, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Hưng Vượng… Những kết thúc không có hậu gần như là mẫu số chung mà những điệp viên phải đón nhận. Tuy nhiên, chi tiết cảm động nhất trong số những câu chuyện trên là dù khác chiến tuyến nhưng khi cuộc chiến sắp kết thúc, Phạm Xuân Ẩn đã mở đường thoát cho Trần Kim Tuyến – mật vụ của chính quyền Sài Gòn. Rồi đến lượt gia đình Phạm Xuân Ẩn cũng ly tán một thời gian dài. Số phận của Phạm Xuân Ẩn những ngày tháng sau năm 1975 cũng không ít uẩn khúc…
Từ trải nghiệm thực tế đời sống báo chí, là đồng nghiệp với Phạm Xuân Ẩn trong thời chiến, Jean – Claude Pomonti có cách kiến giải khá sắc sảo, thấu đáo; đặt tiểu sử nhân vật trong một bối cảnh dầu sôi lửa bỏng, với một lối dẫn dắt phi tuyến tính, đầy lôi cuốn như một tiểu thuyết trinh thám. Cuộc đời, lý tưởng của nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn hiện lên phía sau những dòng chữ đầy sống động. Sự nhân ái, thành tín với bạn bè đồng nghiệp không phân biệt chiến tuyến được đặc tả khá chi tiết. Kể cả giai đoạn sau 1975, những quan niệm của Phạm Xuân Ẩn về việc bị hoài nghi, việc bồi dưỡng chính trị, tinh thần quốc gia dân tộc, cách nghĩ về đại tướng Võ Nguyên Giáp… cũng được kể một cách nhẹ nhàng, nhưng đầy ngụ ý.
“Thiếu tướng tình báo tài ba”, “Điệp viên hoàn hảo” hay “Điệp viên thách thức nước Mỹ” – cuối cùng có lẽ là những cách xưng tụng về tài năng, phẩm giá Phạm Xuân Ẩn. Điều cốt lõi từ nhân vật này đó chính là một tinh thần ái quốc, một trí tuệ và nhân cách sống mã thượng mà khiêm cung khiến cho chính kẻ thù phải kính nể.