Điệp viên hoàn hảo Kỳ 9: Phạm Xuân Ẩn - nhà báo Việt Nam giỏi nhất làm việc cho báo chí phương Tây

03/09/2018 08:00
Điệp viên hoàn hảo Kỳ 9: Phạm Xuân Ẩn - nhà báo Việt Nam giỏi nhất làm việc cho báo chí phương Tây

Tôi đã biết rằng người Mỹ không bao giờ ra đi. Sau này tôi mới biết nhiều người ở Hà Nội nghĩ khác, nhưng hồi đó tôi không hay biết về suy nghĩ của họ. Tôi chỉ đưa cho họ sự phân tích chân xác của mình và sau đó mới hay tôi được trao huân chương.

Cuộc chiến nhằm vào báo chí tại Sài Gòn

Ấp Bắc làm thay đổi phương cách tiếp cận lẫn nhau giữa báo chí và chính quyền. Có vẻ như MACV luôn thể hiện rằng cuộc chiến đang tiến triển thuận lợi, rằng sức mạnh của quân địch sa sút, rằng có thêm nhiều thôn ấp được kiểm soát, vùng nông thôn đã được bình định, nhưng các phóng viên ở đấy thì không thấy vậy. Phóng viên Malcolm Browne của AP nhanh chóng nhận ra rằng để có được một câu chuyện chân xác ở Sài Gòn đòi hỏi “những phương pháp không mấy thoải mái gần giống với cách thức hoạt động của gián điệp chuyên nghiệp.”

Cuộc chiến thông tin đã đặt đội ngũ nhà báo đối chọi với lời khẳng định cuộc chiến đang tiến triển thuận lợi của tổng thống, đại sứ quán và MACV. Tình hình rất khốc liệt dưới thời Kennedy, và mọi sự càng tồi tệ hơn khi chiến tranh trở thành cuộc chiến của người Mỹ. Khi có các phóng viên chuẩn bị đến Việt Nam, LBJ thường bảo họ: “Đừng có giống mấy tay Halberstam và Sheehan nhé. Bọn chúng là những kẻ phản quốc.”

 

Trần Lệ Xuân trong vai trò Tổng thủ Thanh nữ cộng hòa.

 

Cánh báo chí trở thành mục tiêu đặc biệt của bà Ngô Đình Nhu, thường được gọi là Bà Nhu, em dâu của ông Diệm, người mà sự kiêu căng đã trở thành biểu tượng của chế độ họ Ngô. Được biết đến với biệt danh “Rồng cái Việt Nam Cộng hòa” bởi tinh thần chống Phật giáo kịch liệt và ủng hộ Công giáo mãnh liệt, Bà Nhu tố cáo Phật giáo đã bị Việt Cộng cài cắm. Khi một nhà sư ở Huế tự thiêu để phản đối, bà đã tố cáo rằng chính các chức sắc Phật giáo “nướng” vị sư kia, và cả sau này nữa, đã dựa dẫm vào viện trợ từ nước ngoài bởi xăng là mặt hàng nhập khẩu. Sau khi nổ ra thêm nhiều hành động chống đối nữa, bà lại tuyên bố, “Tôi sẽ vỗ tay hoan nghênh các vụ tự thiêu.”

Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn ngày 11.06.1963. 

 

Cuộc chiến nhằm vào báo chí tại Sài Gòn đã lên đến đỉnh điểm vào mùa hè năm 1963 khi phóng viên trưởng củaTimetại Sài Gòn, Charles Mohr, thực hiện một bài viết chỉ trích Bà Nhu. Lúc bài viết được chuyển về New York, nó đã va chạm với quan điểm về thế giới của Henry Luce. Bài báo đã được sửa lại, chọc giận Mohr bởi toàn bộ kết luận của ông đã được sửa đổi đến mức có vẻ như ông ủng hộ lập trường của chính quyền rằng không tìm được phương án thay thế Diệm.

Vài tuần sau, Time công kích các phóng viên tại Sài Gòn bằng lời buộc tội rằng cánh nhà báo tại hiện trường “thay vì gỡ rối thì lại đang góp phần làm cho độc giả ở quê hương rối tinh rối mù.” Time tố cáo các phóng viên suốt ngày ngồi ở “quán rượu trên lầu tám khách sạn Caravelle” và đưa ra những lời kết tội, các thông tin không xác thực và những lời ta thán. Kết quả là “các phóng viên có xu hướng hoàn toàn đồng ý với nhau về hầu hết những gì mình thấy. Nhưng sự đồng thuận đó là rất đáng ngờ bởi vì nó rõ ràng là xuất phát từ một mối. Các nhà báo đã biến mình thành một phần trong mớ hỗn độn về Nam Việt Nam; họ đã đưa tin về một bối cảnh phức tạp với chỉ một góc nhìn duy nhất, cứ như thể kết luận của riêng họ đã làm sáng tỏ mọi vấn đề cần thiết.”

Trước khi xảy ra trận Ấp Bắc, hầu hết các phóng viên tại Sài Gòn đều ủng hộ mục tiêu của chính quyền đối với vấn đề Việt Nam. David Halberstam sau đó đã thay đổi quan điểm về cuộc chiến, cho rằng “sự thật, và sau bao năm vẫn còn nguyên vẹn trong tôi một sự thật đau đớn, là giới truyền thông chúng tôi sai lầm không phải bởi quá bi quan, mà là không đủ bi quan… Chúng tôi không bao giờ tìm cách đưa vào các bài viết của mình những điều mà cuộc chiến tranh thời Đông Dương thuộc Pháp đã gây ra đối với Việt Nam, và bằng cách nào nó đã tạo ra một xã hội hiện đại năng động ở miền Bắc và bằng cách nào nó đã mang đến cho chúng ta một trật tự giãy chết thời hậu phong kiến… [tội lỗi của chúng tôi] không phải nằm ở chỗ chúng tôi thiếu lòng yêu nước hoặc chúng tôi coi thường một mục đích dân tộc cao cả khác – mà nằm ở chỗ ngay từ đầu chúng tôi đã không viết rõ ra rằng đây là một cuộc chiến bất khả thi.”

Chính quyền trở thành nơi mà phóng viên không thể coi là nguồn tin để phục vụ các bài viết về sự thật của cuộc chiến. Tình trạng thiếu thông tin đáng tin cậy đã cho phép Phạm Xuân Ẩn nhanh chóng củng cố vỏ bọc nhà báo của mình bởi ông có thể cung cấp cho các phóng viên tại Sài Gòn những thứ mà họ cần, đồng thời lấy được những thông tin phục vụ các báo cáo chiến lược của chính ông rồi gửi vào rừng.

Tấm thẻ này cho phép Ẩn “đưa tin các hoạt động huấn luyện, cố vấn và hỗ trợ của quân Mỹ tại Việt Nam.” 

 

Vào giai đoạn này, chế độ Diệm đang đứng trước bờ vực phá sản, từ chối những quyền tự do cơ bản của Phật giáo và cắt giảm mọi thứ, trừ lòng trung thành tuyệt đối vào gia đình họ Ngô. Năm 1962, bác sĩ Trần Kim Tuyến, cũng giống như Nguyễn Thái và nhiều người khác, không còn chịu đựng nổi sự khuynh loát của Bà Nhu trong chính trường. Trong một lá thư dài trình lên ông Diệm, Tuyến hối thúc Diệm gạt bỏ Bà Nhu ra khỏi trung tâm sân khấu chính trị.

Khi người em trai của tổng thống và là chồng của Bà Nhu, ông Ngô Đình Nhu, biết được lá thư ấy, số phận của Tuyến coi như đã bị định đoạt. Tuyến bị điều đi làm tổng lãnh sự ở Cairo, nhưng Nhu quản thúc tại gia cả gia đình ông ta tại Sài Gòn. Trước khi rời Sài Gòn, Tuyến đã đưa ra một kế hoạch đảo chính chi tiết và chia sẻ với ông Ẩn cùng những người khác. Tuyến không tới Cairo mà quyết định sang Hồng Kông để quan sát tình hình, đợi ngày trở về Sài Gòn sau khi chính quyền Diệm sụp đổ.

Nhiều người bạn làm tình báo đã chết riêng Phạm Xuân Ẩn luôn may mắn

Một trợ lý thân tín khác của Tuyến là Ba Quốc (bí danh của Thiếu tướng tình báo Đặng Trần Đức) vượt qua một vài vòng kiểm tra nói dối và sau đó được chuyển qua cơ quan CIO mới được thành lập, nơi ông được đặt biệt danh là “Tá Bụt” vì ông “hiền như Bụt.” Ba Quốc trở thành trợ lý của giám đốc Cục Tình báo Quốc nội. Ông đã tiếp cận được những tài liệu tối quan trọng của mạng lưới tình báo Việt Nam Cộng hòa. Đây là một bằng chứng nữa cho thấy gián điệp của Cộng sản Bắc Việt đã đột nhập thành công thực sự vào mọi cấp trong xã hội miền Nam Việt Nam, bao gồm cả các cơ quan tình báo Việt Nam Cộng hòa vốn có nhiệm vụ tiễu trừ Việt Cộng. Trong khi đó thì có vẻ như không có một điệp viên đối thủ ngang tầm Phạm Xuân Ẩn hoặc Ba Quốc hoạt động ở miền Bắc, đó có lẽ là lý do tại sao tình báo Mỹ từng cố gắng chiêu mộ Ẩn vào CIA hai lần nhưng đều thất bại.

Ba Quốc không hề biết Ẩn đang hoạt động ngầm: “Tôi quen với Hai Trung, nhưng chỉ biết anh ta là một nhà báo có ảnh hưởng rất lớn đang làm việc cho người Mỹ và có nhiều quan hệ… Vì biết anh ta là người có ảnh hưởng lớn nên tôi muốn tạo quan hệ để moi tài liệu. Tôi báo cáo lên cấp trên về ý định này nhưng rồi nhận được chỉ thị không được liên lạc với anh ta.” Ẩn cũng không hề biết tới vai trò thực sự của Ba Quốc.

Có lẽ trường hợp đáng ngạc nhiên nhất trong lĩnh vực tình báo là câu chuyện của Đại tá Phạm Ngọc Thảo, người có nhiệm vụ tạo bất ổn cho chính quyền chống Cộng ở miền Nam Việt Nam. Thảo cũng trở thành một chuyên gia đảo chính nổi tiếng, thường hợp tác với bác sĩ Tuyến và các tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa, làm tất cả mọi việc mà ông ta có thể thực hiện được để làm giảm uy tín chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Shaplen mô tả Thảo là “nhân vật cách mạng đầy mưu mô bước ra từ tiểu thuyết của Malraux.”

Thảo và Ẩn là bạn, và cho dù Ẩn có biết về sứ mệnh của Thảo nhưng ông không bao giờ hé lộ một lời về điều đó với Thảo, người đồng thời cũng là bạn của bác sĩ Tuyến và Bob Shaplen. Thảo hoạt động trong vai trò một trong những trợ tá đáng tin cậy nhất của Diệm và thường được ca ngợi rộng rãi như là chiến binh chống Cộng thành công nhất. Sau khi chứng kiến việc làm của Thảo ở tỉnh Bến Tre, nơi Cộng sản hoạt động mạnh, Shaplen đã viết một bài ca ngợi các kỹ năng chống nổi dậy của ông.

Xuất thân từ một gia đình gia giáo theo Công giáo ở miền Nam, Thảo được cha mẹ giới thiệu với Ngô Đình Thục, anh trai của Diệm và lúc bấy giờ đang là giám mục giáo phận Vĩnh Long. Thảo thuyết phục người anh cả của Diệm rằng ông hoàn toàn tin tưởng vào sự nghiệp chống Cộng và mong muốn được phục vụ Diệm hết khả năng. Nhiệm vụ của Thảo đã được cấp cao nhất là Bộ Chính trị chấp thuận. Thảo được cử sang tu nghiệp tại Trường Sĩ quan tại Kansas và sau đó được thăng hàm đại tá. Ông làm tư lệnh Địa phương quân tại tỉnh Vĩnh Long, rồi tư lệnh Địa phương quân ở tỉnh Bình Dương, sau về làm tỉnh trưởng tỉnh Bến Tre.

Thảo trở thành một trong những ủng hộ viên nhiệt tình nhất của chương trình khu trù mật, kiểu làng tự quản hiện đại nhằm mục tiêu chia cách quân nổi dậy với dân chúng bằng cách đẩy nông dân vào những khu làng rộng lớn, có hàng rào và hệ thống phòng thủ vững chắc để tạo điều kiện cho chính quyền bảo vệ họ. Thảo biết chương trình này sẽ khiến nông dân oán hận, đó là lý do tại sao ông ủng hộ nó mạnh mẽ nhất. Nông dân ghét khu trù mật vì nhiều lý do, đầu tiên là việc họ bị buộc phải tham gia xây dựng làng xong mới rời nhà để vào đấy ở. Chương trình này đã làm dấy lên làn sóng phản đối và chán ghét chính quyền Diệm.

Khi chương trình bị hủy bỏ, Thảo tập trung vào việc xây dựng ấp chiến lược, thuyết phục Diệm thực hiện càng nhanh càng tốt bởi nếu để lâu sẽ khiến nông dân oán hận và thù địch. “Thay vì thử nghiệm nhiều lần, họ cứ đẩy nhanh tiến độ theo kiểu Mỹ rất đặc trưng, với sự giúp sức của Phạm Ngọc Thảo,” ông Ẩn cho biết. “Thảo có nhiệm vụ khác xa tôi. Tôi là tình báo viên chiến lược; anh ta là người gây bất ổn cho chính quyền và lập kế hoạch đảo chánh. Sứ mệnh của anh ta nguy hiểm hơn tôi nhiều.”

Tôi hỏi Ẩn tại sao rất nhiều người ngưỡng mộ ông Thảo. “Bob Shaplen thích Thảo vì ông ta nghĩ đầu óc của Thảo là tách rời và khác xa Hà Nội. Thảo là một người mơ mộng, giống như nhiều người trong chúng tôi.” Người bạn thiếu thời của Thảo giải thích rằng “Thảo là người suốt đời chiến đấu với một mục tiêu duy nhất là độc lập cho Việt Nam. Ông ta là người theo chủ nghĩa dân tộc, chứ không phải theo chủ thuyết nào đó, là người có thái độ và mục đích sống được định hình trong giai đoạn Việt Nam là một thuộc địa bị áp bức về chính trị và bị khai thác về kinh tế của Pháp… Nhìn lại cuộc đời ông ta, không cường điệu chút nào khi nói rằng một mình ông ta đã làm thay đổi cán cân quyền lực chính trị giữa chính quyền Sài Gòn và Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Ông ta góp phần làm suy yếu Diệm và Nhu bằng cách giúp làm thất bại chương trình bình định nông thôn, và ông ta là nhân vật chính trong cơn lốc xoáy của các âm mưu phá hoại ngầm vốn làm suy sụp và cuối cùng là tiêu diệt chính quyền này.”

Thảo bị giết vào ngày 17 tháng 7 năm 1965. Nguyễn Văn Thiệu được cho là đã ra lệnh xử tử Thảo, lúc này đã bị thương nặng, bằng cách dùng dây da thắt cổ và tinh hoàn. Khi nghe tin Thảo chết, Thiệu đã khui sâm banh cùng vợ uống mừng.

Trong một lần nói chuyện sau chót của chúng tôi, tôi đã đùa rằng hóa ra bác sĩ Tuyến chỉ là một gã xoàng trong chiến dịch truy bắt gián điệp Cộng sản bởi Ba Quốc, Thảo và Ẩn đều khởi đầu sứ mệnh trong tổ chức của Tuyến. Đấy là một lần hiếm hoi trong các cuộc trao đổi của chúng tôi mà Ẩn đổi giọng. “Có những điều mà tôi không thể nói với ông, nhưng tôi không phải là người duy nhất cứu mạng Tuyến; Thảo cũng đã làm vậy bởi vì Tuyến đã giúp phóng thích rất nhiều tù nhân của chúng tôi sau khi ông ta không còn được Nhu và Diệm sủng ái!”

Sau cuộc đảo chính ngày 1 tháng 11 năm 1963, Tuyến từ Hồng Kông bay về Sài Gòn nhưng ngay lập tức phải vào tù vì bị nghi ngờ lập mưu đảo chính. Ông ta phải ngồi hai tháng trong tù, bị cô lập, tra tấn, bỏ đói, lột trần và sống với lũ chuột.

Chính Thảo, viên đại tá uy tín của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, đã sử dụng ảnh hưởng của mình để Tuyến được tha. “Bác sĩ Tuyến là bạn tôi,” Ẩn nói. “Ông ấy cũng là bạn của Thảo, và chúng tôi cứu mạng ông ấy vì ông ấy đã giúp người của chúng tôi trong tù. Điều này có thể cho ông biết đôi chút về tình bạn của chúng tôi.” Tôi nhớ lúc bấy giờ mình đã nghĩ rằng có quá nhiều cái hộp lồng vào nhau trong cuộc đời của Ẩn.

Tấm huân chương chiến công thứ hai

Ẩn được nhận vì đã có báo cáo đánh giá chiến lược về khả năng Mỹ có đưa bộ binh sang vào giai đoạn 1964 – 1965 hay không. Theo sau cuộc đảo chính lật đổ Diệm vào năm 1963, một vài nhân vật ở Hà Nội cho rằng Mỹ sẽ tìm kiếm một hình thức dàn xếp hoặc hòa giải bằng thương lượng. Ngày 1 tháng 11, Diệm và em trai bị hạ sát trong thùng chiếc xe bọc thép chở quân do Mỹ sản xuất. Cuộc đảo chính này là do Quân lực Việt Nam Cộng hòa thực hiện, nhưng CIA đã can dự vào rất sâu thông qua người bạn của Ẩn là Lou Conein.

“Tôi bất ngờ trước cuộc đảo chánh,” Ẩn nói. “Người Mỹ đã đầu tư vào Diệm quá nhiều, nhưng Lansdale là người duy nhất có thể kiềm chế ông ta. Cấp trên của tôi đã nhận định sai rằng sau khi lật đổ Diệm, Mỹ cũng sẽ rút khỏi Việt Nam. Tôi phá lên cười và bảo, ‘Không đâu, họ đang tới đây và các anh nên chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh lớn.’ Tôi nói với họ rằng ông Diệm cũng chống việc Mỹ đưa quân vào và đó là một lý do nữa để CIA lật đổ ông ta. Ông ta phải trả giá vì đã vượt ra khỏi cái dây xích của người Mỹ.”

Cuộc can dự quy mô lớn của Mỹ vào Việt Nam được quyết định vào ngày 28 tháng 7 năm 1965,nhưng các báo cáo của Ẩn bắt đầu vào năm 1964 trong thời gian Nguyễn Khánh nắm quyền. Ẩn kể cho tôi đúng cái điều mà ông đã nói riêng với Bob Shaplen ba mươi năm về trước, rằng khi CIA biết được những lời đề nghị bí mật của Nguyễn Khánh với Mặt trận Dân tộc Giải phóng, ông ta sẽ bị truất quyền lãnh đạo vì chính quyền của Johnson đang hướng tới việc Mỹ hóa cuộc xung đột.“Tôi đã biết rằng người Mỹ không bao giờ ra đi. Sau này tôi mới biết nhiều người ở Hà Nội nghĩ khác, nhưng hồi đó tôi không hay biết về suy nghĩ của họ. Tôi chỉ đưa cho họ sự phân tích chân xác của mình và sau đó mới hay tôi được trao huân chương.”

Ông Ẩn cho biết nguồn cung cấp chính các thông tin về Nguyễn Khánh là thành viên CIA Lou Conein, nhưng tôi ngờ rằng ông còn có các nguồn khác nữa. “Một ngày nọ, Lou Conein trở về sau chuyến bay bằng trực thăng với Nguyễn Khánh và hét lên với tôi, ‘Ẩn, gọi cho vợ con và gia đình ông thu dọn đồ đạc rồi biến khỏi đây. Mất sạch rồi. Đất nước của ông sắp rơi vào tay Cộng sản rồi. Mọi việc tệ hơn tôi tưởng, Khánh đã lên giường với Mặt trận Dân tộc Giải phóng.’” Ông Ẩn giải thích rằng trong khi đang ngồi chung máy bay, Conein quyết định “thử” Khánh bằng cách nói vài câu dẫn tới ý niệm rằng “bây giờ có lẽ đã đến lúc tìm kiếm một chính phủ liên minh và đàm phán với Mặt trận Dân tộc Giải phóng.”

Khánh sập bẫy ngay khi nói rành mạch, chi tiết ý nghĩ của mình với Conein, người không thể kiềm chế được cảm xúc của mình. “Tôi chưa bao giờ thấy Lou Conein giận dữ như thế, nhưng ông ấy cũng rất lo cho tôi và gia đình. Ông ấy cứ quát tháo liên hồi, ‘Mất sạch rồi, mất sạch rồi,’” Ẩn nhớ lại. “Khi bình tĩnh lại, Conein nói với tôi rằng ông ấy không nghĩ Khánh sẽ có thể tìm kiếm được sự ủng hộ cho kế hoạch đàm phán với Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Lúc bấy giờ tôi đã biết rằng CIA sẽ không để Khánh ở lại lâu. Người Mỹ sẽ không cho phép đàm phán với Mặt trận bởi vì người Việt Nam không được phép tự tìm kiếm sự đồng thuận, điều đó không phù hợp với lợi ích của Mỹ.”

Vụ đánh bom vào doanh trại Lục quân Mỹ tại Pleiku vào ngày 5 tháng 2 năm 1965, làm thiệt mạng tám người Mỹ và làm bị thương hơn một trăm người, đã châm ngòi cho một loạt sự kiện tiếp theo dẫn tới việc lực lượng chiến đấu mặt đất của Mỹ được đưa tới Việt Nam. Một ngày sau cuộc tấn công, Johnson đưa ra lời cảnh báo công khai. “Chúng ta không còn lựa chọn nào khác ngoài việc sẵn sàng hành động và tỏ rõ quyết tâm của chúng ta trong việc hỗ trợ miền Nam Việt Nam chiến đấu để duy trì độc lập.”

Trợ lý đặc biệt của tổng thống, McGeorge Bundy, có mặt tại Pleiku trong ngày xảy ra vụ tấn công. Ông ta đánh về cho LBJ một bức điện nêu rõ “tình hình tại Việt Nam đang xấu đi tệ hại, và nếu Mỹ không có một chương trình hành động mới thì thất bại là không tránh khỏi.” Ngày 13 tháng 2, Johnson khởi động Chiến dịch Sấm Rền, một chiến dịch ném bom có hệ thống và rộng khắp nhằm vào các mục tiêu của Bắc Việt.

Giữa lúc nhịp độ của chiến dịch không kích trở nên nhanh hơn, quyết định đưa lực lượng tham chiến mặt đất của Mỹ vào Việt Nam cũng đồng thời được đưa ra. Đầu tiên, 3.500 lính thủy quân lục chiến tràn lên bờ biển để bảo vệ căn cứ không quân trọng yếu tại Đà Nẵng; tới ngày 7 tháng 6, Tướng William Westmoreland đề xuất tăng thêm bốn mươi bốn tiểu đoàn để giúp miền Nam tránh khỏi thất bại. Suốt sáu tuần sau đó, vấn đề Mỹ hóa cuộc chiến đã chiếm lĩnh sân khấu chính trị tại Washington và được Hà Nội đặc biệt quan tâm theo dõi. “Tôi luôn cập nhật thông tin về cuộc tranh luận từ các đầu mối ở trong dinh,” Ẩn kể. “Tôi không bao giờ nghi ngờ về việc người Mỹ sẽ không bỏ đi. Họ đã đổ quá nhiều tiền và uy tín vào đây, nên câu hỏi của tôi lúc bấy giờ là họ sẽ đầu tư thêm bao nhiêu nữa. Khoản đầu tư sẽ rất lớn và đủ cho họ trụ vững dài lâu hơn, nhưng người Mỹ không bao giờ chịu đầu tư để tạo ra một thế hệ lãnh đạo mới tại miền Nam. Đó là sai lầm lớn của họ.”

 Ý kiến bất đồng duy nhất trong chính quyền Johnson lúc bấy giờ xuất phát từ Thứ trưởng Ngoại giao George Ball, người đã tìm cách cảnh báo cho Johnson về việc ông ta đang khởi động một cuộc chiến tranh mới đặt Mỹ vào sự đối đầu với Việt Cộng. “Có lẽ việc đưa lực lượng quân sự quy mô lớn của Mỹ với hỏa lực mạnh sẽ buộc Hà Nội và Việt Cộng đi đến quyết định mà chúng ta đang tìm kiếm. Mặt khác, chúng ta có lẽ sẽ không thể thực hiện cuộc chiến này một cách đủ thành công – dù có đưa sang miền Nam Việt Nam 500.000 quân Mỹ thì chúng ta cũng cần phải có nhiều bằng chứng hơn so với hiện nay rằng quân của chúng ta sẽ không sa lầy trong rừng rậm và trên các ruộng lúa – trong lúc chúng ta từ từ cho nổ tung đất nước này thành muôn mảnh.”Trong một bản ghi nhớ, Ball viết rằng“về khía cạnh chính trị thì miền Nam Việt Nam là một thất bại… Hà Nội có một chính phủ, một mục tiêu và một nền kỷ luật. Chính quyền ở Sài Gòn thì lại là một trò đùa. Thực sự thì miền Nam Việt Nam là một đất nước có quân đội nhưng vô chính phủ. Theo quan điểm của tôi, một sự can dự sâu của Mỹ vào chiến trường trên bộ tại Nam Việt Nam là một sai lầm chết người. Nếu từng có một dịp để tiến hành một cuộc rút quân chiến thuật thì chính là lúc này đây.”

Lời của Ball chẳng có ai nghe. Ngày cuối cùng của ông ở nhiệm sở là vào cuối tháng 7, vài ngày trước khi Johnson tuyên bố Westmoreland sẽ có tất cả những gì ông ta cần. Tổng thống đã nói với Ball rằng Mỹ sẽ mất uy tín nếu rút quân. “Không đâu, thưa ngài,” Ball đáp. “Thất bại tồi tệ hơn sẽ là việc quốc gia hùng mạnh nhất quả đất không thể khuất phục được một nhúm nhỏ du kích.” Như sau này Ẩn giải thích, “Mỹ là một quốc gia tươi đẹp, với những con người dễ mến; họ chỉ không học thuộc lịch sử thôi.”

Tong vòng năm năm sau khi trở về từ Mỹ, Phạm Xuân Ẩn đã nhận hai Huân chương Chiến công nhờ các báo cáo chiến lược và những đóng góp của ông đối với trận Ấp Bắc và quá trình Mỹ hóa cuộc chiến tranh. Ông cũng tạo dựng được danh tiếng có lẽ là nhà báo Việt Nam giỏi nhất làm việc cho báo chí phương Tây. Tuy nhiên, trong thập niên sau đó, từ 1965 tới 1975, ông sẽ còn tạo dựng dấu ấn không thể phai mờ đối với hoạt động của ông trong lĩnh vực tình báo cũng như trong vai trò là một ký giả của tờ Time.

👉 Nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn và sự giằng xé nội tâm sau cuộc chiến

Trích X6 Điệp Viên Hoàn Hảo


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025