Có một xu hướng đang lan rộng khắp trong hội làm công ăn lương, đó là lựa chọn nghỉ việc giữa lúc dịch bệnh vẫn còn phức tạp . Ở mức độ nhẹ hơn, nhiều người từ chối yêu cầu quay lại văn phòng, muốn được làm việc từ xa sau thời gian giãn cách. Nghe có vẻ nghịch lý khi dịch bệnh khiến nhiều người gặp khó khăn vì thất nghiệp nhưng xu hướng nghỉ việc bất chấp này phổ biến đến nỗi nó được đặt cho một cái tên là The Great Resignation - Đại khủng hoảng lao động.
Tất nhiên mỗi người sẽ có một lý do khác nhau để giải thích với sếp về quyết định nghỉ việc của mình nhưng nhìn chung, có thể tóm gọn bằng một thuật ngữ khá cũ: YOLO (You Only Live Once - Bạn chỉ sống một lần trong đời). Thay vì sống một cuộc sống an toàn và cẩn trọng, nhiều người bắt đầu chọn đối mặt với rủi ro và sự mạo hiểm.
Với người lao động, quyết định nghỉ việc lúc này có thể là sự giải thoát bản thân. Thế nhưng với các sếp và nhà tuyển dụng, xu hướng này đang ngày càng đáng báo động, nếu không muốn nói là vấn đề đau đầu nhất. Bởi lẽ lý do nghỉ việc của nhân viên không chỉ nằm ở lương thưởng hay quyền lợi mà đến từ nguyên nhân tâm lý như đã đề cập.
Vậy lúc này các sếp sẽ phải làm gì để giữ chân nhân viên cũ và thu hút nhân tài mới?
1. Đảm bảo hiệu quả công việc của nhân viên
Một trong những lý do quan trọng khiến nhiều người quyết định nghỉ việc là không làm việc hoặc làm việc không hiệu quả. Điều này xảy ra khi họ thấy mất động lực làm việc hoặc không được đánh giá cao.
Với những người mất động lực, họ gặp phải tình trạng này sau một thời gian dài thay đổi môi trường làm việc, từ văn phòng về nhà, từ phòng họp thành Zoom, Google Meet,... Và một khi thấy không còn hứng thú, họ sẽ dễ dàng mặc kệ, không làm việc nữa bởi có nhiều thứ khác hấp dẫn xung quanh khi ở nhà.
Với những người không được đánh giá cao dù đã cố gắng hết sức, cảm giác vô dụng, làm việc không hiệu quả sẽ làm họ nản chí, không muốn tiếp tục.
Lúc này các quản lý cần phải tìm cách kết nối với các nhân viên của mình nhiều nhất có thể bằng cuộc họp ngắn mỗi ngày, các sự kiện online, những buổi thảo luận về kế hoạch phát triển của nhân viên,... Sự kết nối và đồng cảm này không nhằm mục đích thúc ép mà là thực sự lắng nghe tiếng nói từ nhân viên.
Song song với đó, các quy trình riêng khi làm việc tại chỗ phải được áp dụng và theo dõi sát sao để đảm bảo hiệu quả công việc. Và khi một nhân viên đạt được kết quả tốt trong công việc, đừng bỏ qua mà hãy dành lời khen đồng thời đảm bảo rằng mức lương sẽ theo kịp với sự tiến bộ của họ.
2. Kết hợp nhiều mô hình làm việc
Sau một thời gian dài buộc phải làm việc từ xa vì dịch bệnh, hiện tại nhiều người đã quen với tình trạng này và muốn tiếp tục ít nhất vài ngày trong tuần.
Theo một khảo sát của Inc. Magazine, hơn 50% nhân viên cho biết họ sẽ tìm việc làm khác nếu được yêu cầu trở lại văn phòng 5 ngày/tuần. Một khảo sát của CNBC cũng cho kết quả tương tự, hơn 50% nhân viên muốn làm việc tại nhà hoặc có thể kết hợp giữa ở nhà và văn phòng. Tuy nhiên, trong khảo sát này ⅓ số công ty lại chọn phương án cho nhân viên làm việc tại văn phòng trước.
Với những kết quả này, các nhà quản lý sẽ cần phải tìm ra giải pháp làm việc kết hợp để cân bằng sự chênh lệch, đáp ứng mong muốn của cả 2 bên. Tính linh hoạt trong công việc rất quan trọng nên chỉ riêng điều này thôi cũng có thể là động lực để những nhân viên giỏi ở lại.
3. Cho phép linh hoạt thời gian làm việc
Như đã đề cập, tính linh hoạt rất quan trọng, nhiều người muốn có nó không chỉ về mặt không gian mà còn cả ở thời gian làm việc.
Quãng thời gian làm việc tại nhà vừa qua giúp cho nhân viên có khả năng sắp xếp các hoạt động một cách linh hoạt. Để có thể tập yoga, nấu ăn, trồng cây,... họ đã tự tạo nhịp điệu của riêng mình khi làm việc ở nhà, thậm chí nhiều người còn tối ưu hoá năng suất làm việc để có thời gian linh hoạt và thoải mái hơn.
4. Hỗ trợ cuộc sống cá nhân và đáp ứng nhu cầu được phát triển
Trong thời kỳ dịch bệnh, các sếp có nhiều cơ hội biết rõ hơn về cuộc sống cá nhân của nhân viên. Từ đây họ có thể nhận ra rằng cuộc sống cá nhân càng chất lượng thì hiệu quả lao động càng tăng cao. Vì vậy mà cung cấp sự hỗ trợ về sức khoẻ tinh thần, tài chính và thể chất sẽ là một cách cần thiết để giữ chân nhân viên trước làn sóng nghỉ việc bất chấp.
Ngoài ra bất kỳ ai cũng muốn phát triển trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống chứ không chỉ xoay quanh công việc. Để hỗ trợ điều này, leader có thể mở workshop nội bộ, hướng dẫn một kỹ năng mới cho nhân viên hoặc đầu tư các gói học tập trực tuyến để nhiều người có thể tham gia một lúc. Các hoạt động xây dựng kỹ năng thế này không chỉ có ích cho nhân viên mà còn giúp đẩy cao hiệu quả công việc bởi họ có thể sử dụng kiến thức học được vào công việc.
5. Làm mới cách thức quản lý công ty
Có rất nhiều để team tuyển dụng dùng để cạnh tranh với các đối thủ trong quá trình thu hút nhân tài, một trong số đó là những quyền lợi mà nhân viên có được. Vì vậy đây cũng là lúc các công ty nên đánh giá lại văn hóa doanh nghiệp, cơ cấu tiền lương, các chính sách cũng như thương hiệu và hình ảnh của công ty. Tất cả những điều này đều góp phần vào việc giữ nhân viên cũ và tuyển dụng được nhân viên mới tốt nhất.
Nguồn: Tổng hợp
Pháp luật và bạn đọc