Nhưng thật bất ngờ, khi mới đây, người nhạc sĩ được yêu thích ngày nào đột nhiên xuất hiện. Ông đến trong buổi ra mắt album mới của ca sĩ trẻ như Nguyễn Hải Yến - người vừa hát lại những bài hát một thời của ông.
Và sau gần 20 năm vắng bóng, nhạc sĩ Bảo Chấn đã có cuộc trò chuyện cùng báo chí.
Tại sao nhạc sĩ Bảo Chấn lại đồng ý để ca sĩ trẻ như Nguyễn Hải Yến thực hiện trọn vẹn 1 album toàn nhạc của mình?
- NS Bảo Chấn: Thật ra thì xưa giờ tôi có bất đồng ý kiến với ai đâu, tức là tôi lúc nào cũng không từ chối người nào hết. Với Nguyễn Hải Yến thì đặc biệt hơn, bởi vì trước khi Yến ngỏ ý thực hiện album này thì tôi đã từng được Yến hát nhiều rồi. Tôi rất thích và củng cố niềm tin rằng cô ấy sẽ hát được bài mình có khi lại “bốc” thêm 1 lần nữa không biết chừng. Điều đó hơi chủ quan nhưng tôi nói rằng tôi nghĩ đúng.
Nhạc sĩ Bảo Chấn có rất nhiều những ca khúc hay, nhưng với việc Nguyễn Hải Yến chọn những bài hát của anh để thực hiện cả một album, anh có đề nghị nào không?
- NS Bảo Chấn: Tôi đâu có dại gì mà can thiệp vào nội dung biên tập các ca khúc (cười). Thật ra thì tôi chỉ đưa ra những lời góp ý cho các bài hát và kế lại những câu chuyện và tinh thần bài hát thôi.
Nói vậy để các bạn thấy, bài hát của tôi, bạn nào thích thì cứ hát, thích hát theo kiểu nào mình cảm nhận, cứ hát. Bởi thực tế tôi thấy rằng trong toàn bộ những cái sáng tác của tôi, những bài nào tôi ưa nhất thì thi thoảng không ai ưa hết! Kì lạ vậy! Ví dụ như bài mà tôi say đắm, tôi thích lắm như “Về với anh” thì không được thích nhiều.
Hay như một bài về mưa nữa, thú thật là tôi có khiếu là không nhớ tên bài, nhưng bài đó sở dĩ tôi thích vì nó viết theo chuyện rất vui, chuyện thiệt. Bài này tôi viết từ những năm đầu mới giải phóng. Hồi đó nhà tôi ở đường Nguyễn Kim, tôi để ý có một cô dễ thương lắm! Lúc đó tôi mới ngoài 20. Cô ấy ấy ở trong hẻm nhỏ, còn nhà tôi bên đường Nguyễn Kim rộng nhưng tôi không đi, khoái đi vào cái hẻm nhà cô.
Lúc đó, cô ấy đi làm bằng xe buýt nên cô phải đi bộ từ nhà ra trạm, mỗi ngày cổ đi làm, tôi cũng canh giờ và làm bộ mình đi làm theo. Đi ra cái là hai người chạm mặt mà cái hẻm thiệt nhỏ nên hai người phải ép sát vào nhau mới len qua được.
Cứ thế mà tôi thường xuyên kiếm chuyện hoài như vậy để gặp mặt. Có một hôm, trời mưa, tôi cùng cô ấy đứng đợi xe. Thấy tôi bị ướt, cô lấy dù che cho làm tôi mừng gần chết. Che được mấy phút, không thấy xe buýt đâu mà chỉ thấy có cái xe Honda đi tới, và "có cái thằng quỷ nào đó" tới chở cô ấy đi, thành thử tôi mới viết cái bài đó.
Anh có thể chia sẻ lý do vì sao gần 20 năm nay, anh gần như rút lui khỏi âm nhạc. Đối với nhiều người thì đó là sự mất mát trong giới âm nhạc bởi anh vẫn luôn được đánh giá là một trong những người làm nhạc hòa âm rất giỏi của Sài Gòn, chưa kể là phần sáng tác. Vậy sau album này, nó có thể là hứng khởi, động lực và cảm xúc để anh quay lại với âm nhạc không?
- Thật ra nói như thế này cho nó chính xác, tôi rời bỏ hẳn âm nhạc vào năm 2009 là năm tôi mất đi thằng em của mình, nhạc sĩ Bảo Phúc. Đó là nhát dao, cái sụp đổ lớn nhất, phải nói rõ để các bạn hiểu được Bảo Phúc với tôi ngoài tình huyết thống còn là tình đồng nghiệp. Suốt một thời gian Phúc học trường nhạc, lúc tôi ra trường rồi, tôi là người hướng dẫn cho Phúc năm đầu tiên cho tới năm tốt nghiệp thi đủ các môn. Hai anh em chia sẻ nhau đủ thứ, ví dụ như viết nhạc phim tôi biết gì tôi chỉ nó, Phúc biết cái gì nó truyền đạt lại cho tôi, thành ra là ngoài huyết thống thì tôi và Phúc còn có tình đồng nghiệp sâu sắc.
Hai anh em tôi cùng làm chung với nhau trên một cái hoạt động phòng trà, dancing 8 năm. Như thế thì cái hòa âm hay nó không quan trọng bằng kết nối giữa các nhạc công với nhau, như những nhóm nhạc trên thế giới chẳng hạn, họ chơi với nhau người ta gọi là hòa âm trên đàn, nên thành ra những người đó không phải là hòa âm chuẩn đâu, nhưng cái sự hiểu ý nhau trong âm nhạc khiến cho ban nhạc đó nổi tiếng đó là sự kết hợp với nhau lâu năm. Điều đó nó biến thành một cái mẫu mực.
Ví dụ như khi xưa tôi dẫn ban nhạc đi diễn, trước khi chuyển bài hát, họ không biết bài gì tiếp theo nhưng họ chỉ nhìn 1 vài ngón đàn của tôi ở cuối bản thứ 1 là họ biết tôi sẽ qua bài gì. Nhuần nhuyễn đến mức mà thời đó bọn tôi nổi tiếng là ban nhạc hòa tấu hơn là phố khí. Cũng thời điểm đó, tôi và Phúc gắn bó với nhau 8 năm, nó hiểu ý tôi, nghe tôi lướt vài phím đàn là nó biết tôi sắp chơi bài gì. Chỉ nghe nó đánh một hai nhịp là tôi biết nó sắp chơi ra sao, thành ra bạn biết là cái sự kết hợp đó nó trở thành giống như máu mủ.
Cho nên, khi Phúc mất đi tôi hoàn toàn sụp đổ và tôi không còn gì thiết tới việc phải nối tiếp cái nghiệp này nữa. Khi không còn Bảo Phúc là tôi bỏ luôn, bỏ hẳn luôn vì không còn hứng thú, không còn động lực nữa. Tôi nhớ những khi Phúc viết “Những nẻo đường phù sa” hay bất cứ bài gì nó cũng đều chạy tới tôi khoe nhưng giờ tôi không còn ai để mình chia sẻ với nhau nữa cho nên tôi buông bỏ.
Bạn biết nỗi mất mát tri kỷ nó đau lắm vì đó là ruột thịt, đồng nghiệp. Đến giờ tôi vẫn bị hẫng luôn, nên tôi có ý định bỏ luôn. Tất nhiên, trong khoảng thời gian qua cho tới bây giờ là mười mấy, hai chục năm tôi vẫn viết này, viết nọ, viết kia, nhưng toàn là để dành, viết mà không có ý định phổ biến. Ngoài ra, tôi cũng nghĩ là những bài tôi viết về sau này giọng điệu nó cũng khác thời xưa rồi, không chắc là nó còn sức hấp dẫn như hồi xưa hay không, tôi không muốn công bố.
Trong số những bài viết mới này, phân nửa là có hình bóng của Phúc. Vì thương nhớ nó nên tôi biến em mình thành người yêu. Đến giờ này tôi vẫn còn thấy Phúc trong những giấc mơ...
Di Li