Nhờ bão, học sinh, sinh viên được nghỉ học, cán bộ công nhân viên chức được ngưng họp, nghỉ làm. Vậy là vô tình họ có được một cơ hội nghỉ ngơi. Mang danh tránh bão, người người nhà nhà vội vã vào siêu thị mua biết bao là thứ nhu yếu phẩm, thức ăn nhanh, mì gói, sữa tươi để dự trữ.
Và rồi tất cả yên vị trong những tòa nhà cao tầng, cửa đóng chặt không một cơn gió lùa vào. Có chăng qua khung kính cửa sổ, họ cảm nhận sức gió qua hình ảnh những hàng cây ngả nghiêng chống chọi. Cầm điện thoại, mở laptop liên tục để cập nhật tình hình thời tiết. Bão đã đổ bộ đến đâu, Sài Gòn tuyến đường nào đang ngập sâu...
Coi để biết rồi viết vài dòng trạng thái đăng lên trang cá nhân kèm theo tấm ảnh chụp bản thân đang trong vùng an toàn và chờ bạn bè vô bình luận phản hồi. Họ hí hửng thăm hỏi tình hình nhau trên những con chữ, mặc nhiên cảm ơn cơn bão vì đã cho họ chút “ấm áp” của tình người.
Bước ra những huyện vùng ven, gió rít mạnh qua những căn nhà tạm bợ, mưa xối xả trút nước trên mái hiên. Không còn cái nhìn ái ngại qua lớp kính dày, người dân tự mình cảm nhận những luồng gió lạnh đến thấu xương.
Mọi người tất tả tìm cách di dời, mấy ai còn tâm trạng mua thực phẩm dự trữ. Một thùng mì, vài lít nước lọc với một hộ gia đình đã là đủ đầy. Xót xa nhìn cảnh nhà tan hoang, ai cũng lặng im hi vọng.
Như một hiển nhiên, mưa lớn hay bão to thì đường Sài Gòn cũng chìm sâu trong biển nước. Chính quyền không thôi bàn luận về giải pháp chống ngập, quyết tâm chi mạnh tay để khắc phục nhưng rồi, đâu lại vào đấy. Khốn khổ nhất vẫn là những phương tiện giao thông, ô tô hạng sang hay xe máy rẻ tiền, tất cả đều "đầu hàng" trước nước ngập trên đường.
Dở khóc dở cười với hình ảnh nước ngập hơn nửa bánh xe, vợ cầm lái chồng hì hục đẩy phía sau. Cái vội vàng thường nhật đã nhường chỗ cho những chậm rãi, từ tốn. Không vội vã nhấn ga, không cố tình len lách, vượt mặt nhau, tất cả âm thầm lội nước với ánh nhìn đồng cảm. Đường Sài Gòn như bình yên hơn trong ngày bão dữ.
Thương hơn cả là những con người lặng lẽ mưu sinh dù gió to mưa lớn. Đó là những công nhân vệ sinh trong tâm thế sẵn sàng dọn sạch rác trong các cống thoát nước để hạn chế tình trạng ngập đường. Là cụ ông bán vé số ngồi co ro bên góc đường, hai tay ôm chặt cả xấp vé còn thừa trong chiếc áo mưa mỏng manh.
Ai cũng vội vã tránh mưa, ai cũng mệt nhoài bởi những con đường đầy nước, tự hỏi có mấy ai chịu để tâm đến ông mà rũ lòng ghé lại mua giúp vài tờ? Nhưng không vì thế mà ông được rời đi, cứ ngồi đó, cứ chờ đợi và vẫn cứ hi vọng. Bởi giản đơn, nếu không bán hết thì chiều nay, cả nhà không chỉ lạnh mà còn đói.
Cơn bão Sài Gòn dường như chẳng thấm vào đâu với cái đói của những cảnh nhà thiếu thốn. Tranh thủ trong những phút mưa ngừng, vài tài xế grab vội vã đón khách. Anh giao hàng của một cửa hàng thức ăn nhanh chóng chất hàng lên xe để kịp đi chuyến tiếp theo. Mưa bão thế này, nhu cầu phục vụ tận nhà càng tăng, shipper được dịp bận rộn hơn. Những hàng áo mưa được bày bán sát mép đường, một loại hình kinh doanh mới bất đắc dĩ hình thành, một người nào đó kiên nhẫn ngồi dưới mưa để kiếm thêm vài đồng thu nhập.
Mặc kệ cây cối ngã đổ, mặc những cảnh báo về sức gió giật mạnh, người Sài Gòn vẫn việc ai nấy làm, vội vã với hai tiếng "mưu sinh" không thể tạm dừng. Biết bao con người tất tả ngược xuôi trên mọi nẻo đường là biết bao cảnh đời lặng lẽ giữa cái đất phồn hoa này. Vẫn có những kẻ ung dung trú tránh an toàn nhưng còn nhiều lắm những con người không nơi nương tựa.
Hình ảnh một cụ già ốm yếu, phong phanh trong chiếc áo mưa đang móm mém ăn vội cái bánh dưới trời mưa gió giật, khiến ai xem qua cũng ngậm ngùi xót xa. Còn bao nhiêu cụ ông, cụ bà và những con người vô gia cư như thế. Giấc ngủ, miếng ăn trong những ngày nắng đẹp đã khó, trong đêm mưa to bão dữ thế này nơi đâu sẽ là nhà? Tự dưng ấm lòng khi đọc được tin, một khách sạn ở Vũng Tàu dành phòng đón hàng trăm người dân và người vô gia cư đến tránh bão.
Bão rồi sẽ đi qua, có những nỗi mất mát rất khó để bù đắp nhưng tình người vẫn còn đọng mãi và nỗi day dứt về những phận đời khốn khó vẫn sẽ nhói lên trong tâm thức mỗi chúng ta.
Hồng Như