Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh qua đời lúc 14h55 phút ngày 12/6 tại nhà riêng ở Cổ Nhuế, Hà Nội.
Trên trang cá nhân, nhà nghiên cứu, dịch giả Phạm Xuân Nguyên tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Xuân Khánh bằng cách chia sẻ lại bài viết về ông cách đây nhiều năm.
"Tưởng nhớ nhà văn vừa ra đi, tôi đưa lại bài viết này về ông từ mười năm trước. Phật không về trời, Phật ở lại nhân gian cùng người, anh Khánh nhé. Bức ảnh em được chụp với anh tại cuộc sinh nhật 85 tuổi anh Dương Tường, 2017.
Sáng nay, anh Nguyên Ngọc gọi điện từ Hội An ra bảo thế là mấy anh em viết văn tuổi đầu ba chỉ còn Tường và mình (1932), Tấn (Bùi Ngọc Tấn, 1934) đã đi mấy năm trước. Giờ đến lượt Khánh (1933). Anh Ngọc bảo em làm một vòng hoa cho anh ấy tiễn anh đấy, anh Khánh ạ!", nhà nghiên cứu, dịch giả Phạm Xuân Nguyên viết.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh sinh năm 1933 tại làng Cổ Nhuế, Hà Nội. Ông học Đại học Y khoa Hà Nội, hết năm 1952 tham gia quân đội. Trong khoảng mười năm, ông ở một đơn vị pháo binh, rồi dạy văn hóa tại Trường Sĩ quan Lục quân trước khi chuyển về làm việc tại tạp chí Văn nghệ Quân đội. Từ năm 1966, ông là phóng viên báo Thiếu niên Tiền phong trước khi về hưu non vào năm 1973.
Nguyễn Xuân Khánh có gia tài tác phẩm đồ sộ, với nhiều tiểu thuyết dung lượng lớn, bao hàm kiến thức nhiều lĩnh vực. Sinh thời, ông thường tìm chất liệu từ lịch sử, những giá trị văn hóa xưa cũ hay tín ngưỡng đạo Phật, đạo Mẫu.
Một trong những mảng nổi bật trong sự nghiệp của ông là tiểu thuyết văn hóa lịch sử, với bộ ba "Hồ Quý Ly", "Mẫu Thượng ngàn", "Đội gạo lên chùa".
Bộ ba tác phẩm này đã được nhận nhiều giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội và UBND TP Hà Nội. Với tiểu thuyết "Hồ Quý Ly", nhà văn cũng nhận Giải Mai Vàng của Báo Người Lao Động năm 2001.
Bên cạnh đó, 2 tiểu thuyết "Miền hoang tưởng" (xuất bản năm 1990) và "Trư cuồng" đã gây sóng gió cho ông cả về văn lẫn đời. Nguyễn Xuân Khánh cũng là dịch giả của nhiều tác phẩm, trong đó có cuốn "Chuông nguyện hồn ai".
"Chuyện ngõ nghèo" là tác phẩm xuất bản cuối cùng của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, in năm 2016, được coi là tự truyện của ông. Tác phẩm hoàn thành từ năm 1982 nhưng đến 2016 mới ấn bản.
Nguyễn Hằng