Muôn kiếp nhân sinh 2 – Kỳ 1: Làm việc thiện có tính toán vẫn gieo nhân nhưng ít tích đức

13/06/2021 08:30
Muôn kiếp nhân sinh 2 – Kỳ 1: Làm việc thiện có tính toán vẫn gieo nhân nhưng ít tích đức

Một ông vua nọ khi lên ngôi thấy cung điện của mình cũ kỹ, nhỏ bé, nhà vua quyết định chi rất nhiều tiền của, tuyển các nghệ nhân nổi tiếng đến để xây mới lại cung điện của mình, mặc dù năm ấy nạn đói hoành hành khắp nơi.

Chấp nhận số phận

Chẳng may, giữa lúc ấy nhà vua phát hiện mình mắc một căn bệnh nan y. Mọi y sĩ giỏi trong vương quốc dù đã cố gắng hết sức cũng đều bó tay, nói rằng nhà vua cùng lắm chỉ sống được một tháng nữa. Nhà vua trong tuyệt vọng vẫn suy tính: ‘Nếu chết, ta làm sao để có thể mang của cải, cung vàng điện ngọc theo được đây?’.

Cuối buổi, khi mọi người ra về hết, một vị chiêm tinh già rất có uy tín nán lại, tiến đến nói nhỏ một câu gì đó chỉ đủ cho nhà vua nghe. Nhà vua bỗng biến sắc, lặng người suy nghĩ. Nửa đêm hôm đó, cả triều đình bất ngờ khi nhà vua đột nhiên ra lệnh hủy bỏ ngay lập tức việc xây cất cung điện, mang tất cả của cải, vàng bạc bố thí cho dân nghèo trong cả vương quốc. Nhà vua đã chấp nhận số phận của mình.

Nhưng thật kỳ lạ, sau khi từ bỏ việc xây cất cung điện và tiến hành phát chẩn cứu đói, sức khỏe nhà vua mau chóng hồi phục trước sự kinh ngạc của triều thần. Nhà vua cho gọi vị chiêm tinh đó đến để hỏi chuyện. Vị chiêm tinh già nhìn nhà vua một lúc rồi chậm rãi giải thích: ‘Theo lá số chiêm tinh, mệnh của nhà vua thật ra đã hết, nhưng hành động bố thí lớn lao vừa rồi đã chiêu cảm được những điều tốt lành, may mắn và chuyển hóa được nghiệp báo nên nhà vua sẽ không phải chết nữa’”.

Trong khi tôi còn đang bàng hoàng về câu chuyện thì ông Kris chậm rãi khẳng định:

- Đó chính là nguyên lý “Hoán cải số mệnh - Đức năng thắng số” mà ông đã từng nghe. Thật ra, gần như ai cũng biết đến nguyên lý này nhưng ít người thực hiện được, vì tâm họ còn nhiều tham sân si, ích kỷ, thường chỉ biết nghĩ cho riêng mình mà không nghĩ đến thiên hạ, chúng sinh. Nhất là những người có nhiều của cải, quyền lực thường có tư tưởng bám chấp rất lớn, dù họ biết chết đi không mang theo được gì cả.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng bố thí, làm việc thiện không thể là hành vi có mục đích riêng, nhằm cứu vãn một tai họa nào đó cho bản thân. Hành vi giúp người phải là sự giác ngộ, thức tỉnh trong tâm để chuyển hóa thành hành vi thiện nguyện, là việc thiện chỉ vì lòng thiện chứ không thể vì bất kỳ động cơ nào khác. Từ đó, mới chiêu cảm được những điều tốt lành và số mệnh mới có thể chuyển biến. Ông cần nhớ rằng làm việc thiện phải từ tâm, không cần hồi báo. Chúng ta làm điều tốt vì đó là điều đúng đắn nên làm chứ không phải vì mong muốn nhận lại được điều tốt cho bản thân.

Tôi gật đầu và nói:

- Tôi hiểu rồi. Việc “cải mệnh” hóa ra có vẻ đơn giản nhưng lại không hề đơn giản. Không phải cứ mặc sức làm điều độc ác, hại người lợi mình, rồi sau đó vì sợ sự trừng phạt của nhân quả nên vội vàng bỏ tiền bỏ của ra làm những việc công đức nặng tính hình thức là có thể xóa đi nghiệp ác hay báo ứng được. Nếu không thực sự xuất phát từ suy nghĩ, hành động thiện tâm thì không một ai trên đời có thể thay đổi được nghiệp quả.

mkns2_ky-1.jpg

Vậy làm sao thay đổi được nghiệp?

Ông Kris mỉm cười nhìn tôi với vẻ thú vị:

- Vị vua trong câu chuyện trên có thể cải số vì đó là sự thức tỉnh từ việc lắng nghe lời khuyên của vị chiêm tinh già, nhưng đó cũng là sự giác ngộ thật sự. Từ sự giác ngộ đó, ông phát tâm từ bi bố thí cho dân, việc trước giờ ông chưa bao giờ làm, và ông cũng không mong cầu gì nên đã tạo công đức lớn. Những việc thiện mà làm có tính toán thiệt hơn vẫn gieo được nhân tốt nhưng phần công đức tích được bị trừ đi, còn lại rất ít.

 Ông vua trong câu chuyện trên là một vị vua hiếm hoi có thể thức tỉnh rằng cung vàng điện ngọc và quyền lực của kiếp người chỉ là hư vô, chết rồi sẽ không mang theo được. Nhưng có mấy vị vua nghĩ được như thế, đa số họ còn ra lệnh đòi mang theo vàng bạc, châu báu, binh tướng, cung nữ chôn theo mình.

Nhìn vào lịch sử cổ đại, ông có thể thấy rằng từ rất sớm, các vị vua, đặc biệt là ở Ai Cập, Trung Hoa, đã bắt đầu xây lăng mộ xa hoa, thậm chí bắt người hầu, cung nữ và những đội quân chôn theo để vẫn có thể hưởng thụ quyền lực sau khi chết. Chưa kể hàng trăm, hàng ngàn người phu xây lăng mộ vua chúa đều bị chôn sống theo mộ để giữ bí mật vị trí lăng mộ. Tất cả đều là nghiệp dữ. Con cháu của những vị vua đó đương nhiên sẽ bị quả báo, gặp họa sát thân, triều đại cũng sớm bị tiêu vong.

Những hoàng đế Trung Hoa thường mời những pháp sư, nhà phong thủy giỏi nhất tính toán vị trí long huyệt để xây lăng mộ cho mình, nhằm toan tính cho triều đại và con cháu của mình sẽ cai trị mãi mãi. Nhưng cuối cùng, có triều đại nào là vĩnh viễn đâu? Vị vua tốt biết lo cho dân cho nước sẽ tạo nền tảng tốt cho triều đại và quốc gia thêm vững bền. Không có long huyệt phong thủy nào có thể cứu vãn được sự tàn ác và thất đức. Tần Thủy Hoàng quyền uy một cõi, nhất thống thiên hạ, từng lập nên một triều đại vẻ vang nhưng đồng thời cũng gây ra rất nhiều tội ác, làm bao người chết oan ức, muôn dân lầm than.

Ông ta muốn bất tử để có thể làm hoàng đế vĩnh viễn nên tin dùng những đạo sĩ để truy tìm thuốc tiên, rồi xây lăng mộ vĩ đại cho bản thân để mong tiếp tục làm hoàng đế sau khi chết. Ông hãy nhìn các báo cáo về việc khai quật lăng mộ Tần Thủy Hoàng, nhìn những đội quân đất nung hàng chục ngàn người cùng một phần lăng mộ đã được khai quật này là có thể thấy tham vọng điên cuồng của ông ta. Sử ký Tư Mã Thiên đã ghi chép lại Tần Thủy Hoàng đã ra lệnh cho hơn 700.000 người ngày đêm xây lăng mộ cho mình nằm sâu dưới một ngọn đồi, bao quanh bởi hào sâu được đổ đầy hàng trăm tấn thủy ngân cực độc, chưa kể các cạm bẫy chết người cùng vô số lời nguyền, bùa chú trấn yểm nhằm ngăn chặn kẻ khác đột nhập lăng mộ để chiếm đoạt vàng bạc châu báu.

Theo Muôn kiếp nhân sinh 2


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025