Sau Việt Nam, đến lượt Malaysia cấm chiếu bộ phim hoạt hình Trung Quốc Everest: Người tuyết bé nhỏ. Đây chỉ là một bộ phim hoạt hình dựa trên chất liệu giả tưởng nhưng những người làm phim lại lồng vào ý định chính trị thâm hiểm khi quảng bá bản đồ có đường lưỡi bò phi pháp trên Biển Đông. Dù cho đoạn này chỉ xuất hiện vài giây trong phim nhưng đủ gây phẫn nộ cho cả khu vực, không chỉ Việt Nam mà cả Philippines, Malaysia.
Everest: Người tuyết bé nhỏ không phải là tác phẩm duy nhất Trung Quốc lợi dụng làm công cụ quảng bá cho tham vọng chủ quyền trên Biển Đông. Trong bài này, chúng tôi đề cập đến một cuốn sách của tác giả Trung Quốc được bày bán công khai trên thị trường sách Việt Nam.
Không cần phải giở từng trang, hay dùng kính lúp để đọc từng chữ trong cuốn sách mà ngay tên sách đã khiến người có ý thức chủ quyền về biển đảo Việt Nam phải giật mình: Nam Hải Quy Khư.
Quy khư trong sách giải nghĩa là vực Quy Khư, tức vực Quy Khư nằm ở cái gọi là “Nam Hải”. Còn Nam Hải ở đâu thì sách không nói tọa độ nào, chỉ đưa ra các dữ liệu nói về biển ở phía nam Trung Quốc và nhìn trên bản đồ thì đó chính là Biển Đông như chúng ta vẫn gọi.
Sách được bày bán trên trang Fahasa - Ảnh chụp màn hình
Nội dung của cuốn này cũng như các tập khác trong bộ sách phiêu lưu viễn tưởng Ma thổi đèn đều kể về những chuyện đi tìm kho báu, đối mặt với những chuyện lạ nhuốm màu hư cấu. Cụ thể, Nam Hải Quy Khư cũng kể về chuyện các nhân vật đi tìm kho báu là "Tần vương chiếu cốt kính" bị chìm trên vực Quy Khư. Bối cảnh câu chuyện được sách giải thích trong mục 42 là "thời điểm câu chuyện này diễn ra (khoảng những năm 80 của thế kỷ 20)". Trong Nam Hải Quy Khư tác giả cũng cho thêm mấy người Việt như Nguyễn Hắc, Đa Linh vào tham gia khám phá tìm kho báu ở nơi sách gọi là “Nam Hải” vì họ là người hiểu rõ vùng biển được đề cập trong sách.
Trong bài, tác giả có ghi nhiều phân tích địa lý khá quen thuộc. Xin được trích dẫn: “Bởi lẽ nước biển ở Nam Hải hay cuồn cuộn dâng trào, nên từ xa xưa đã có tên gọi là “trướng hải”, đạo phong thủy giải thích. Đây là hiện tượng do hải khí quá thịnh dâng lên cuồn cuộn gây ra, sóng gió hễ nổi lên đều không phải tầm thường”.
Đoạn khác: “Thềm lục địa Nam Hải có kết cấu hình bậc thang đi xuống, dưới đáy vùng biển này vừa khéo lại là vực sâu, trong nham tầng dưới đó rất có thể có một lượng khí than lớn đã bị nước biển đẩy lên. Lũ cá dưới biển sâu sợ rằng phen này gặp phải tai ương lớn rồi.
Nguyễn Hắc thì lại tin theo cách giải thích của ngư dân Việt Nam. Ông ta nói, ở dưới đáy sâu có vài dòng nước biển màu đen, chỗ sâu nhất nước biển sôi sục, rất khác với nước biển bình thường, dù là các sinh vật đáy biển cũng không dám tiếp cận, nhiệt độ nước còn cao hơn ở suối nước nóng cả trăm lần. Rất có khả năng, thủy triều đen này chính là do những dòng nước đen dưới đáy biển phun trào gây ra”.
Đặc biệt là trang 187 có đoạn: “Trữ lượng dầu khí ở Nam Hải rất lớn, đáy biển có các núi lửa vẫn đang hoạt động”.
Khi đề cập đến lịch sử vùng biển được sách gọi là Nam Hải thì ngay đầu chương 22, tác giả có vẻ thò đuôi cáo khi kể: “Triều nhà Thương trong lịch sử Trung Quốc chỉ giới hạn phát triển ở khu vực Trung Nguyên, so với bản đồ Trung Quốc hiện nay thì nhỏ hơn nhiều, nếu thực sự phát hiện ra một khu phế tích chịu ảnh hưởng sâu xa của triều đại này ở tận cùng Nam Hải, thì sẽ có ý nghĩa cực kỳ to lớn đối với công tác nghiên cứu lịch sử hàng hải và lịch sử văn minh loài người”.
Sách được bày bán trên trang Tiki- Ảnh chụp màn hình
Ở chương 28, tác giả lại kể về dân cư xung quanh vùng biển mà sách gọi là Nam Hải như sau: “Tương truyền, thời Tần - Hán, ở Nam Hải có tộc người gọi là Long nhân, đời đời đều sống trên thuyền nhỏ, để mình trần, tóc xõa. Bọn họ xuống biển dễ dàng như không, dũng mãnh tuyệt luân, cực giỏi lặn nước tìm ngọc, xăm hình rồng hình cá khắp thân thể. Họ tự cho mình là giống rồng, một mực không tuân theo sự quản chế của triều đình”. Mô tả như vậy không biết có trùng hợp gì không vì ông cha chúng ta đúng là giỏi nghề sông nước, có truyền thống xăm rồng và tự xưng là Con Rồng Cháu Tiên.
Tổng cộng trong cuốn sách đó cụm từ “Nam Hải” được nhắc đến gần 80 lần. Chưa hết, trong sách khi đề cập đến vùng biển nói trên còn thêm 2 lần dùng từ “biển Nam Trung Quốc”. Lần 1 viết trong trang 25: “Bão lớn kéo dài mấy ngày liền vẫn chưa tan, khiến cho thông tin liên lạc hoàn toàn bị tê liệt, công tác cứu hộ trên biển gặp khó khăn vô cùng lớn, căn bản không thể nào tìm ra vị trí tàu đắm, mà chỉ có phương hướng đại để là vùng biển ấy rất gần với biển Nam Trung Quốc, là một khu vực không ai quản lý, bên dưới đầy rẫy đá ngầm, được người dân địa phương gọi là “vực xoáy San Hô”.
Lần 2 là ở trang 59: “Kế hoạch là tôi sẽ dẫn bọn Tuyền béo đến Nam Dương trước, rồi thu thập thêm thông tin ở vùng phụ cận vực xoáy San Hô, đồng thời tìm kiếm một con thuyền thích hợp, đợi Shirley Dương chuẩn bị xong xuôi là sẽ nhanh chóng tụ họp, toàn đội tiến vào vùng Bermuda của biển Nam Trung Quốc”.
Nam Hải Quy Khư là phần 6 trong Ma thổi đèn - một bộ truyện nhiều tập của Trung Quốc do tác giả Thiên Hạ Bá Xướng (Trương Mục Dã) viết. Truyện ban đầu được đăng trên mạng internet từ năm 2006, gây nên cơn sốt trên mạng và là tác phẩm đứng đầu 10 tiểu thuyết mạng được tìm kiếm nhiều nhất năm 2006. Sau đó truyện được xuất bản thành sách in. Năm 2008, Ma thổi đèn tiếp tục lọt vào danh sách 10 tác phẩm được người Trung Quốc tìm đọc nhiều nhất.
Vì sự phổ biến của bộ truyện mà nó đã được dựng thành phim điện ảnh với Ma Thổi Đèn: Chín Tầng Yêu Tháp năm 2015, Ma Thổi Đèn: Tầm Long Quyết (tên tại Việt Nam là Kẻ Trộm Mộ: Huyền Thoại Trở Lại) năm 2016, và Ma Thổi Đèn: Mê Động Long Tĩnh năm 2019.
Bộ truyện cũng được chuyển thể thành phim truyền hình Ma Thổi Đèn - Tinh Tuyệt Cổ Thành 21 tập phát hành năm 2016, Ma Thổi Đèn - Mục Dã Quỷ Sự 24 tập phát hành năm 2017, Ma Thổi Đèn - Mộ Hoàng Bì Tử 20 tập phát hành năm 2017 và Ma Thổi Đèn - Nộ Tinh Tương Tây 21 tập phát hành năm 2018. Không hiểu rằng nếu sau này Trung Quốc làm phim về Nam Hải Quy Khư thì họ định lấy bối cảnh ở đâu?
Được biết cuốn sách này xuất bản theo hợp đồng chuyển nhượng quyền xuất bản giữa Shanghai Xuantinh Entertainment Information & Technology Co. Ltd và Nhã Nam năm 2011. Sách do NXB Văn học liên kết với Công ty Văn hóa và truyền thông Nhã Nam xuất bản.
Không biết liệu những người chịu trách nhiệm có thấy việc cuốn sách xuất bản dùng tên ghi to chữ Nam Hải hay việc lặp lại gần 80 lần cụm từ này trong bài và 2 lần dùng từ “biển Nam Trung Quốc” trong sách thì có bất thường không?
Anh Tú