Ảnh: Getty
Đầu tháng 7 năm 1969, một lính Mỹ đóng quân ở nước ngoài đã mở tờ báo quân đội của mình và tình cờ thấy một bài viết sẽ thay đổi cuộc đời anh ta. Trong số những câu chuyện về cuộc chiến, Henry Baird nhìn thấy một tiêu đề bất thường. Trong tuần qua tại thành phố New York, hàng trăm người đồng tính đã chiến đấu với cảnh sát trong một cuộc bạo loạn kéo dài nhiều ngày ở Greenwich Village sau cuộc đột kích của cảnh sát tại quán rượu Stonewall Inn – một địa điểm do mafia điều hành và dành riêng cho người đồng tính – vào ngày 28.6.
Nhiều năm sau, Baird kể lại trong một chương trình radio về trải nghiệm hôm đó rằng “trái tim của tôi tràn ngập niềm vui. Tuy nhiên, tôi chẳng có ai để thảo luận. Do đó, tôi quyết định nếu sống sót trở về Mỹ, tôi sẽ sống như một người đồng tính công khai!”.
Quán rượu Stonewall Inn vào thập niên 1960
Các cuộc bạo động tại quán rượu Stonewall chỉ diễn ra trong vài ngày nhưng nó đã thổi bùng ngọn lửa giận dữ của cộng đồng LGBTQ vốn được hình thành qua nhiều thập niên. Từ New York, nó lan ra toàn nước Mỹ và sau đó là cả thế giới.
Hàng loạt các tổ chức LGBTQ ra đời trong một khoảng thời gian ngắn cùng nhiều sự kiện hưởng ứng vụ bạo động. Các nhà lãnh đạo tinh thần của cộng đồng này cho rằng đã đến lúc thành lập một sự kiện thường niên nhằm tưởng niệm những gì đã diễn ra ở Stonewall.
Ngày 28.6.1970, ngày hội Christopher Street Liberation Day được tổ chức tại Greenwich Village và thu hút hàng chục ngàn người LGBTQ. Các sự kiện tương tự cũng xuất hiện tại Chicago, Los Angeles và San Francisco.
Ngày hội Christopher Street Liberation Day vào năm 1970
Không dừng lại ở đó, Brenda Howard – một người song tính nữ – đã tổ chức nhiều chương trình gây chú ý vào tháng 6 năm 1970 nhằm kêu gọi quyền bình đẳng cho cộng đồng LGBTQ. Đây chính là “Tháng tự hào” đầu tiên trong lịch sử. Và nó nhanh chóng được hưởng ứng. Tính đến nay, “Tháng tự hào” đã được tổ chức tại hàng chục quốc gia và là một trong những sự kiện văn hóa lớn nhất thế giới.
Trước Stonewall, người đồng tính tại Mỹ bị đối xử như công dân hạng 2. Họ không có quyền kết hôn, bị trừng phạt vì xu hướng tính dục của mình, bị xã hội tẩy chay, bị xem là bệnh nhân tâm thần, bị ép phải chọn những phương pháp “chữa trị” phi nhân tính như thiến hóa học hay chích điện… Hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ cuộc bạo động, quyền kết hôn đồng tính và luật chống kỳ thị LGBTQ đã được chính phủ Mỹ thông qua.
Mặc dù vậy, cuộc bạo động tại Stonewall không phải là nơi ra đời của phong trào LGBTQ. Thậm chí, họ còn không phải là những người LGBTQ đầu tiên chống lại cảnh sát.
Năm 1966, tại khu phố Tenderloin của San Francisco, các khách hàng chuyển giới của quán cafe Compton Cafeteria đã tấn công cảnh sát sau nhiều năm bị quấy rối và phân biệt đối xử. Năm 1959, khi cảnh sát đột kích Coopers - một cửa hàng bánh rán nép mình giữa hai quán rượu đồng tính, hàng chục người LGBTQ đã tấn công các cảnh sát sau khi họ bắt giữ một số drag queen, gái mại dâm và người đồng tính nam.
Cuối thập niên 1940, tại Mỹ đã xuất hiện một nhóm tự nhận là “homophiles” chuyên đấu tranh cho quyền lợi của người đồng tính. Thế nhưng, đó vẫn chưa phải là phong trào LGBTQ đầu tiên trên thế giới. Nhà tình dục học người Đức gốc Do Thái Magnus Hirschfeld trong giai đoạn Cộng hòa Weimar (1918-1933) đã kêu gọi trao thêm quyền cho người đồng tính và tiến hành nghiên cứu về xu hướng tính dục của con người. Hirschfeld cũng là người đồng tính và đã bị Đức Quốc xã ép lưu đài. Chúng cũng hủy phần lớn công trình nghiên cứu của ông.
Magnus Hirschfeld
Tại Los Angeles vào năm 1950, một nhóm các nhà hoạt động chính trị giàu kinh nghiệm đã cùng nhau thành lập hội Mattachine - một trong những tổ chức quyền đồng tính đầu tiên ở Mỹ. Tiền thân duy nhất của nó là Hội Nhân quyền lấy cảm hứng từ Hirschfeld, được thành lập năm 1924 tại Chicago và bị cảnh sát đàn áp vào năm sau.
Hai thập niên 1950 và 1960 được xem là giai đoạn cực kỳ khó khăn cho người đồng tính tại Mỹ. Sự hiện diện của họ trên truyền thông đã dẫn đến phản ứng dữ dội từ các nhóm bảo thủ và hầu hết tác động tiêu cực đến từ những chính trị gia.
Năm 1952, Hiệp hội Tâm thần Mỹ đã đưa “đồng tính luyến ái” vào “Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần” mới, phân loại nó là một “rối loạn nhân cách xã hội”. Năm 1953, Tổng thống Dwight Eisenhower đã thông qua lệnh 10451 cấm người đồng tính làm việc cho chính phủ liên bang - một mệnh lệnh chỉ bị phá bỏ vào năm 1995.
Một vụ tập kích của cảnh sát tại một quán rượu đồng tính
Trong khi đó, tại các thành phố như New York, một nền văn hóa nhóm LGBTQ đang dần định hình bất chấp sự đàn áp của chính phủ. Một quán rượu có thể mất giấy phép nếu bị phát hiện phục vụ cho người đồng tính. Bởi xét theo luật hiện hành, họ bị xem là bệnh nhân tâm thần. Các quán rượu do mafia điều hành thường xuyên lách luật này, khai thác các lỗ hổng pháp lý và hối lộ cảnh sát nhưng tính phí các khách hàng LGBTQ cao hơn. Trong số đó, Stonewall Inn là một địa điểm khá đặc biệt do có lượng khách hàng LGBTQ khá đa dạng về màu da và thu nhập.
Bất chấp các cuộc đụng độ trước đó với cảnh, vụ bạo động tại Stonewall vẫn được tôn sùng như một huyền thoại sáng lập của phong trào LGBTQ. Khi Baird đọc về nó vào năm 1969, anh thấy mình trong đó và thế giới của anh đã thay đổi mãi mãi. Mục đích của “Tháng tự hào” là tiếp tục quá trình đó - giúp mọi người nhìn thấy chính họ và trao thêm quyền cho cộng đồng LGBTQ.
Do ảnh hưởng của COVID-19, rất nhiều sự kiện ăn mừng “Tháng tự hào” đã bị hủy bỏ. Thay vào đó, các phiên bản trực tuyến của cuộc diễu hành đang được lên kế hoạch cho kỷ niệm nửa thế kỷ của “Tháng tự hào”, bao gồm Global Pride 2020.
Sự kiện World Pride 2019 tại New York
Cộng đồng LGBTQ đã đi được một đoạn đường dài nhưng hiện vẫn còn gần 70 quốc gia hình sự hóa đồng tính luyến ái. Cái đích bình đẳng vẫn còn quá xa. Chính vì thế, “Tháng tự hào” vẫn giữ nguyên giá trị và là biểu tượng đầy mạnh mẽ cho hi vọng, sự đa dạng và tự hào.
Mai Thảo