Mỗi người trong chúng ta sẽ có những giai đoạn rơi vào trạng thái như vậy, nhưng hiện tượng này đang càng lúc càng trở nên bức thiết hơn.
Tác giả người Mỹ Brad Stulberg chuyên nghiên cứu về đề tài nâng cao chất lượng công việc và cuộc sống để tạo nên sự phát triển cân bằng, bền vững.
Mới đây, tác giả Brad Stulberg đã có một bài viết thu hút sự quan tâm của độc giả trên tờ tạp chí Time (Mỹ). Tác giả chia sẻ về trạng thái công việc - cuộc sống của mình giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn chưa dừng lại...
Khoảng hơn một tháng trước, tôi bắt đầu cảm thấy chống chếnh, mệt mỏi bất thường. Mọi thứ trong cuộc sống - từ việc thức dậy, tập thể dục, viết lách, đọc sách, dự hội thảo... đều đòi hỏi tôi phải nỗ lực gắng sức hơn nhiều.
Những việc này vốn thường khiến tôi cảm thấy rất đơn giản, dễ dàng và thú vị. Giờ đây, tôi bỗng cảm thấy nặng nề, áp lực. Tôi không bị suy sụp, không hề buồn bã. Tôi không cảm thấy mình mụ mẫm, trì trệ hay trống rỗng, nhạt nhẽo. Tôi chỉ đơn giản cảm thấy... mệt mỏi.
Tôi không hề cô độc. Tôi bắt đầu chủ động chia sẻ những điều này với bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm, người thân, với rất nhiều người... Và nhiều người trong số họ cũng chia sẻ thành thực rằng họ cũng đang cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức lạ lùng.
Linda, một người phụ nữ 40 tuổi sống cùng khu phố chia sẻ: "Tôi vẫn ăn được, ngủ được, còn được làm việc tại nhà với rất nhiều sự thuận tiện, nhưng tôi vẫn cảm thấy mệt mỏi lạ thường".
Mark, một anh bạn thân lâu năm tâm sự: "Dạo này, tôi thường xuyên cảm thấy mệt mỏi. Lần đầu tiên trong cuộc đời mình, tôi thấy mình vật vã đến thế mỗi khi tiếng chuông báo thức vang lên. Tôi phải vật lộn để bản thân không bấm nút hẹn đồng hồ báo lại tới vài lần mới nhấc được người ra khỏi giường. Chỉ riêng việc thức dậy mỗi sáng đã là một cuộc chiến nội tâm".
Những vật lộn này không mới. Mỗi người trong chúng ta sẽ có những giai đoạn rơi vào trạng thái như vậy, nhưng hiện tượng này đang trở nên bức thiết hơn. Những tìm kiếm xoay quanh câu hỏi "Tại sao tôi luôn cảm thấy mệt?" đã gia tăng mạnh mẽ trong năm 2021.
Có nhiều lý do lý giải cho sự mệt mỏi của chúng ta: dịch bệnh đã kéo dài gần hai năm, cuộc sống có những bất an, biến động... Nhưng bên cạnh những lý do dễ gọi tên ấy, còn có một biến đổi tâm lý đang âm thầm diễn ra: Nhiều người trong chúng ta đang thay thế niềm vui bằng nỗi lo.
Hiện tượng tâm lý này diễn ra âm thầm, từ tốn, nhiều khi chúng ta không nhận ra ngay. Hy vọng của tôi khi gọi tên rõ ràng vấn đề này chính là để việc nhận biết rõ ràng sẽ giúp được độc giả nào đó cũng đang rơi vào tình trạng này trong hiện tại.
Ngay cả những người cân bằng, bình tĩnh và ổn thỏa nhất cũng cần thi thoảng có những niềm vui và cảm giác phấn khích bất ngờ. Trên các biểu đồ theo dõi dấu hiệu sự sống của con người, đường kẻ thẳng rất đáng sợ, nó gắn liền với cái chết.
Con người còn sống khỏe mạnh và ổn thỏa cần phải có những dao động cảm xúc, cần có niềm vui, sự thăng hoa trong xúc cảm ở một số thời điểm. Dịch bệnh đột ngột xảy ra trên quy mô toàn thế giới đã khiến con người bỗng rơi vào một bối cảnh bất an, lo lắng, họ phải đối diện với những khó khăn hiện hữu hàng ngày. Niềm vui, sự phấn khích đến một cách giản dị, tự nhiên bỗng mất đi nhiều.
Đi xem biểu diễn ca nhạc, đi xem thi đấu thể thao, ra rạp xem phim, đi ăn ngoài nhà hàng, những chuyến đi xa... không còn diễn ra một cách đơn giản, dễ dàng như trước. Những người có con nhỏ chưa được tiêm vaccine Covid-19 hay chính họ chưa tiêm đủ hai mũi sẽ vẫn tự hạn chế nhiều hoạt động của bản thân và người thân nhằm đảm bảo an toàn cho cả gia đình.
Và ngay cả với những người cảm thấy khá thoải mái khi tham gia vào những hoạt động này, họ cũng không hoàn toàn vô tư đi dự như trước được nữa. Giờ đây, mỗi lần lựa chọn ra ngoài tham dự một cuộc gặp mặt, một cuộc vui, người ta đều trải qua ít nhiều suy nghĩ, đắn đo, cân nhắc.
Trong cuộc sống, những lo lắng thường nhật đang xuất hiện nhiều hơn: Một cơn đau đầu, sốt nhẹ, một đợt viêm mũi, viêm họng cũng khiến người ta tự hỏi có phải mình đã bị mắc Covid-19 không. Vì vậy, nhiều người lựa chọn ra ngoài ít hơn. Những niềm vui, sự phấn khích cũng dần xuất hiện ít hơn trong cuộc sống thường nhật.
Khi bị thiếu đi niềm vui trong suốt một quãng thời gian dài, đó là một thách thức đối với cuộc sống của mỗi người. Nhưng sẽ còn tệ hơn khi chúng ta dần thay thế niềm vui bằng sự lo lắng.
Hãy hình dung một tình huống giả định thường gặp như thế này: Bạn cảm thấy lờ đờ, mệt mỏi, nên bạn vào mạng xã hội hoặc vào một số tờ tin tức quen thuộc. Bạn không muốn ra ngoài nhưng vẫn muốn tìm chút phấn khích từ những gì được đọc, được thấy trên mạng.
Bạn bắt đầu đọc tin tức thuộc đủ thể loại, tại thời điểm đó, bạn có thể cảm thấy hứng thú hơn một chút, nhưng toàn bộ tiến trình này thực ra diễn tiến trên nền tảng của sự lo lắng âm thầm. Việc thường xuyên sống trong lo lắng và sự suy nghĩ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi nhiều hơn trong cuộc sống hiện tại.
Tóm lại, chúng ta đang thiếu đi niềm vui, nguồn năng lượng tích cực, chúng ta lại đang lo lắng nhiều hơn, dễ trở nên tiêu cực hơn, và vì thế mà dễ mệt mỏi hơn.
Lúc này, câu hỏi "Tại sao tôi luôn cảm thấy mệt mỏi?" nên chuyển thành "Làm thế nào để tôi không suốt ngày cảm thấy mệt mỏi nữa?".
Giải pháp cho vấn đề này về cơ bản có 3 bước. Thứ nhất, bạn cần kiểm soát thời gian lên mạng một cách tự động, đừng để hễ buồn buồn là lại vào mạng, đừng để nó là nguồn vui chủ đạo trong cuộc sống tinh thần của bạn.
Thứ hai, làm những gì có thể để đưa thêm niềm vui vào trong cuộc sống hiện tại theo những cách khiến bạn cảm thấy an toàn hơn. Khi cơ thể mệt mỏi, nó cần được nghỉ ngơi. Khi tâm trạng mệt mỏi, bạn cần phải hành động.
Không phải chỉ khi bạn cảm thấy vui, bạn mới cần làm gì đó, mà bạn cần làm gì đó để bản thân cảm thấy vui hơn. Còn làm gì và như thế nào để bạn và người thân được an toàn giữa bối cảnh dịch bệnh thì bạn cần chủ động lựa chọn cho phù hợp với hoàn cảnh.
Thứ ba, chúng ta cần học cách kiên nhẫn hơn với cuộc sống hiện tại. Để cuộc sống sớm trở về hoàn toàn bình thường như trước là điều rất khó, vì vậy, chúng ta cần học được sự kiên nhẫn trong bối cảnh cuộc sống hiện tại.
Bích Ngọc
Theo Time