Lá thư cuối cùng của W.A. Mozart gửi cha: Sự sống, cái chết và tình yêu

NGUYỄN XUÂN XANH07/02/2021 08:00
Lá thư cuối cùng của W.A. Mozart gửi cha: Sự sống, cái chết và tình yêu

Đầu tháng 11-2020, truyền thông thế giới đưa tin về một bức thư của Mozart gửi cha đề ngày 4-4-1787 đã được đưa về Quỹ Mozarteum, Salzburg (Áo) - trung tâm dữ liệu Mozart lớn nhất, với những hé mở đáng chú ý về quan niệm của ông trước sự sống và cái chết.

Đầu năm 2020, một bưu kiện phát chuyển nhanh từ Hoa Kỳ đã đến Quỹ Mozarteum, bên trong chứa ba lá thư của Mozart.

Một lá thư cho vợ Constanze, gửi lúc ông trên đường từ Praha đến Berlin, Dresden và Leipzig năm 1789, mở đầu bằng một lời trìu mến “Người vợ nhỏ bé yêu quý nhất”.

Bức thư thứ hai được viết tại Bologna vào ngày 28-7-1770 (lúc đó Mozart mới 14 tuổi, trong chuyến thăm Ý đầu tiên với cha mình, Leopold). Đây thực ra là bức thư Leopold viết cho vợ là Anna Maria, nhưng trong thư có thêm một đoạn tái bút ngắn của Wolfgang Amadé Mozart, viết bằng tiếng Ý và gửi đến “carissima sorella” (người chị gái thân yêu nhất) Maria Anna (còn gọi là Nannerl). Amadé là ông viết theo tiếng Pháp, Amadeus theo tiếng Đức, được sử dụng rộng rãi về sau, có nghĩa là “người được Chúa yêu”.

Bức thư mà Mozart viết cho cha mình là cảm động và quan trọng nhất, được viết vào ngày 4-4-1787 sau khi ông nghe tin cha ông đang bị ốm nặng.

Cả ba bức thư thuộc di sản của Maurice Sendak, họa sĩ minh họa sách trẻ em và tác giả rất nổi tiếng của Mỹ, và được Quỹ Mozarteum mua lại với giá 100.000 euro. Trong vài thập niên qua, các bức thư thuộc sở hữu tư nhân và không thể tiếp cận. Để đánh dấu sự khai mạc của mùa hòa nhạc mùa đông năm nay, bức thư sẽ được trưng bày ở tiền sảnh của Mozarteum. Quỹ Mozarteum có bộ sưu tập lớn nhất thế giới các bức thư của gia đình Mozart.

Trong lá thư gửi cha, Mozart không chỉ ký tên mình cùng chữ viết tắt “manu propria” (ký với tay mình), mà còn thêm dấu Hội Tam điểm (Freemasonry). “Đây là điều mới mẻ” - Ulrich Leisinger, giám đốc khoa học của quỹ, giải thích.

“Cha rất yêu quý của con!

Lúc này nghe tin khiến con cảm thấy chán nản. Nhưng giờ con nghe nói rằng Cha thực sự lâm bệnh! Con đang mong chờ một tin an ủi nào đó từ Cha, chắc Cha biết con khỏi cần nói; và con chắc chắn cũng hi vọng như vậy - mặc dù con đã có thói quen luôn tưởng tượng ra điều tồi tệ nhất trong mọi thứ - bởi vì cái chết (hiểu đúng nghĩa) là mục tiêu cuối cùng đích thực của cuộc đời chúng ta, cho nên trong vài năm qua con đã làm thân với người bạn đích thực, tốt nhất của con người đến độ hình ảnh của nó không những không có gì đáng sợ đối với con, mà còn là sự an ủi và làm an lòng hơn rất nhiều! Và con tạ ơn Chúa vì Ngài đã ban cho con sự may mắn tìm được cơ hội, Cha hiểu ý con, nhận ra rằng cái chết là chìa khóa cho hạnh phúc thực sự của chúng ta. Con không bao giờ đi ngủ mà không có ý nghĩ, rằng con có lẽ sẽ không nhìn thấy ngày mới hôm sau. Không ai trong số những người biết con có thể nói rằng con là loại người ủ rủ và buồn bã trong giao tiếp...".

Chưa đầy hai tháng sau, ngày 28-5-1787, Leopold Mozart qua đời và Mozart không bao giờ gặp lại cha. Wolfgang Amadeus lúc viết bức thư cuối cùng cho cha mới 31 tuổi, với mối quan tâm sâu xa về cái chết. Phải chăng ông đã linh cảm chính ông cũng chỉ tồn tại vài năm nữa trên cuộc đời? Chỉ hơn 4 năm sau, ông qua đời, ngày 5-12-1791, lúc mới 35 tuổi.

Mozart được biết là người thích hưởng đời, joie de vivre. Ông trốn khỏi sự kiểm soát của cha - một người có tính gia trưởng và áp đặt. Ông đến thủ đô Vienne để được độc lập, tự do, sống vui và tự lập gia đình với Constanze Weber theo ý mình, người mà cha ông cũng không chấp thuận. Cho nên quan hệ giữa Amadeus và Leopold không mấy tốt đẹp. Khi Leopold mất, ông trao quyền thừa kế toàn bộ tài sản cho chị gái ông, Marianne, kể cả những món tiền lớn mà Leopold đã thu được từ những chuyến trình diễn với Amadeus thời niên thiếu, trong khi Amadeus sống trong túng thiếu. Nhưng Amadeus cảm thấy thật sự buồn khi được tin cha mình bị ốm nặng.

Lá thư cuối cùng của W.A. Mozart gửi cha: Sự sống, cái chết và tình yêu
Chân dung Mozart, tranh của Heinrich Friedrich Füger. Ảnh: lempertz.com

Thật ra, Mozart đã có những suy nghĩ về cái chết và hạnh phúc ở đời sau từ trước đó. Chưa đầy một thập niên trước bức thư nói trên, Mozart đã tin vào triển vọng một cuộc đoàn tụ đẹp đẽ với người mẹ đã qua đời của mình, tin “rằng bà sẽ không mất đi đối với chúng ta mãi mãi - rằng chúng ta sẽ gặp lại bà - rằng chúng ta sẽ sống với nhau hạnh phúc và hạnh phúc hơn bao giờ hết trên thế giới này. Chúng ta vẫn chưa biết khi nào sẽ xảy ra - nhưng điều đó không làm phiền con; Khi Chúa muốn, con đã sẵn sàng” (bức thư ngày 9-7-1778 gửi cho cha từ Paris), lúc Mozart mới 22 tuổi. Trong suy nghĩ của Mozart, cái đẹp và cái chết được kết hợp nhau một cách có ý thức.

Ý tưởng chết là điều kiện cho một sự tái sinh cao hơn đã được bàn bạc trong văn hóa phương Tây. Socrates, Cicero, Herder, Goethe, Schiller, hay Spinoza, Einstein từng có những suy nghĩ tương tự. Họ không sợ cái chết. Họ xem cái chết là một phần của sự sống mà họ yêu quý.

Người ta cho rằng Mozart chịu ảnh hưởng trực tiếp của Hội Tam điểm và do đó cả quan niệm cái chết của hội này (rằng chết là một phần của cuộc sống, tất cả đều phải chết, sẵn sàng chấp nhận sự đau buồn. Chết là sự ra đi theo tiếng gọi của Đấng toàn năng cho một “công việc cao hơn”).

Vở opera Cây sáo thần (Magic flute, Zauberflöte, 1791) cuối đời Mozart là sự ca ngợi những lý tưởng của Tam điểm. Nhưng tác giả Swafford khi viết về vở Cây sáo thần đã nhìn thấy một ý nghĩa sâu sắc nữa: “Tôi nghĩ rằng chủ đề sâu xa hơn của vở opera này là chủ đề tình yêu của Mozart: tình yêu thiêng liêng của Papageno và Papagena, tình yêu cao cả của Tamino và Pamina, tình yêu thiêng liêng của Sarastro dành cho toàn thể nhân loại... Đối với Mozart, tình yêu là ánh sáng, là minh triết cao nhất mà chúng ta biết”.

Sau Cây sáo thần, sức ông cạn dần, và nỗi buồn trở lại. Mozart bắt đầu nói đến cái chết, rằng ông viết bản Requiem do một quý tộc bí mật đặt hàng là cho chính ông. Ông không sợ chết, nhưng lo âu cái chết lúc này sẽ khiến ông không thể chu toàn trách nhiệm với gia đình. Nước mắt ông chảy: “Anh cảm thấy không còn sống được bao lâu nữa; anh chắc chắn đã bị đầu độc. Anh không thể thoát khỏi ý tưởng này” - Mozart nói với vợ. Ông tiếp tục viết Requiem, nhưng rồi bản nhạc này vĩnh viễn dang dở.

Lá thư cuối cùng của W.A. Mozart gửi cha: Sự sống, cái chết và tình yêu
Dàn dựng sân khấu nổi tiếng này của Karl Friedrich Schinkel cho vở "Cây sáo thần".

-------------------- 

"Một hiện tượng như Mozart luôn luôn vẫn là một kỳ quan, điều không thể cắt nghĩa được"

(Johann Wolfgang von Goethe)

Tuy Mozart không phải là người có tư tưởng cách mạng như cuộc Cách mạng Pháp, nhưng Đám cưới của Figaro (1786) theo nghĩa nào đó chính là một “giấc mơ” về Cách mạng Pháp: những gì cuộc cách mạng cố gắng đạt được bằng vũ lực, thì tình yêu ở Mozart ra sức làm: xóa bỏ ranh giới giai cấp.

Vở này dựa trên vở kịch của Beaumarchais mà Napoleon đặt cho cái tên nổi tiếng “Cách mạng trong hành động”. Vở Figaro vẽ nên bức tranh về một xã hội quý tộc với những điều quá đáng suy đồi. Nó phản ánh một giai cấp đang trên đường sụp đổ. Nó quảng bá tự do, bình đẳng và chống lại các đặc quyền của giới quý tộc.

Figaro của Mozart ra đời 11 năm sau Cách mạng Mỹ, và 2 năm trước Cách mạng Pháp - những cái mốc cách mạng đáng nhớ. Nếu J.Rousseau kêu gọi: Hãy trở về thiên nhiên, thì Mozart muốn kêu gọi: Hãy trở về tình yêu.

Trong vở Don Giovanni, một năm sau Figaro, nhà thơ Đức Eduard Mörike, trong tiểu phẩm Mozart trên đường tới Praha (1855), nhìn thấy “tiếng ì ầm của cuộc cách mạng Pháp” hai năm sau đó. Nhưng Mozart không phải là nhà cách mạng. Cách mạng bằng bạo lực không có ý nghĩa gì đối với ông. Mozart làm cuộc cách mạng âm nhạc, giải phóng âm nhạc khỏi khẩu vị và sự phục vụ giới quý tộc và cung đình.

Tài năng vĩ đại và tính cách không phù hợp với tiêu chuẩn cung đình là những yếu tố ngăn cản Mozart thu xếp với thế giới vua quan. Người bảo trợ của ông là nam tước Grimm, trong một lá thư gửi Leopold, nhận xét: “Anh ta quá thành thật, không tích cực, quá dễ bị lừa dối, quá không biết về những phương tiện có thể dẫn đến thành công. Để vượt qua được đây, bạn phải khôn ngoan, hăng hái và dám làm”. Grimm biết rằng chính tài năng tuyệt vời của Mozart đã ngăn cản anh đến với thế giới của quý tộc. “Tôi mong ước, để thành công cho số phận, anh ta chỉ cần một nửa tài năng, nhưng gấp đôi tài khôn léo”.

Điều đó không lạ đối với bố ông. Tháng 8-1782, Leopold Mozart viết về con trai mình: “Không có gì có thể cản đường anh ta, nhưng, tiếc thay, các thiên tài đặc biệt lại gặp phải các chướng ngại vật cản đường”.

Nhưng âm nhạc của Mozart tuôn trào không nghỉ. Không có logic đời thường nào cản được dòng chảy đó. Từ tuyệt tác Entführung đầu tiên đến Zauberflöte sau cùng, một thời gian chỉ 9 năm, Mozart sống trong sự “thôi thúc và mách bảo” của nội tâm phải sáng tác và sáng tác theo tiếng gọi bên trong. Ông không có thì giờ “luồn cúi” (“Con không thích điều đó”, Mozart viết cho bố), hay thỏa hiệp, để bẻ cong thiên chức của mình.

“Tính thích vui nhộn của Mozart là sự tự phân tâm dữ dội khỏi những cơn bão tinh thần, sự bồn chồn tinh thần và khỏi những ý tưởng đang lên men của ông, đằng sau đó là cái chết luôn rình rập, tiến gần người bệnh hơn” - như Ernst Lert, sử gia âm nhạc người Áo, nhận xét.

Mozart có biệt tài sáng tác ngay trong lúc bận rộn đời thường. Ông có thể nghe thấy âm thanh vũ trụ trong những cái nhảm nhí của cuộc đời.■

Trong vòng 4 tháng cuối đời, khi Mozart đã không còn khỏe nữa và đang đi du lịch, ông đã viết 6 tác phẩm, trong đó có Cây sáo thần, La Clemenza di Tito,  “Những bạn tôn vinh người sáng tạo vũ trụ vô biên”, Một bản concerto cho kèn clarinet cho H. Stadler, một cantata cho cả dàn hợp xướng và Requiem. Một nỗ lực phi thường chắc phải làm cho sức ông cạn kiệt. 

Sau Cây sáo thần, sức ông cạn dần, và nỗi buồn trở lại. Mozart bắt đầu nói đến cái chết, và cho rằng ông viết bản Requiem do một quý tộc bí mật đặt hàng là cho chính ông. Ông không sợ chết, nhưng chết lúc này sẽ không làm cho ông chu toàn trách nhiệm đối với gia đình.

Nước mắt ông chảy: “Anh cảm thấy dứt khóa không còn sống được bao lâu nữa; anh chắc chắn đã bị đầu độc. Anh không thể thoát khỏi ý tưởng này” Mozart nói với vợ. 

Mozart tiếp tục viết Requiem, nhưng dang dở. Vài ngày trước khi mất, một nhà quý tộc Hungary và một người khác từ Amsterdam hứa hẹn ông một sự cung cấp tài chính đầy đủ có thể chấm dứt cảnh thiếu thốn của ông. Nhưng đã quá muộn. Ông mất ngày 5 -12-1791, tại Vienna, hưởng thọ 35 tuổi.

Số phận nghiệt ngã cũng đã khiến ông không có được nấm mộ riêng – một vấn đề đời sau thường tự hỏi - tuy rằng xương cốt của Mozart có lẽ cũng không thêm một dấu phẩy nào cho hào quang vĩnh cửu của ông.

Vienna và Praha khóc ông. Khi ông ngã xuống, bao nhiêu người đứng lên đưa tay giúp đỡ. Nhiều cuộc trình diễn xuất hiện để giúp gia đình Mozart. Các giám đốc nhà hát Freihaustheater trình diễn tác phẩm Requiem tại Nhà thờ St. Michael, và vài hôm sau Schikaneder, đồng nghiệp của Mozart, trình diễn Cây sáo thần để lấy tiền giúp gia đình Mozart.

Nam tước van Swieten cam kết sẽ lo chăm sóc và dạy dỗ các con của Mozart. Constanze xin hoàng đế một lương hưu và phép được tổ chức một buổi hòa nhạc với mục đích lấy tiền trả nợ. Các nhà hảo tâm, công dân cao cả của Vienne ra tay tiếp sức. 

Gia đình thoát khỏi cảnh nghèo khó, nhưng Mozart thì mãi mãi ra đi, để lại muôn vàn tình thương yêu cho nhân loại giữa một thế giới đầy cái ác và bất công. “Mozart đã trở thành một điều kỳ diệu trong nghệ thuật của ông, đứa con cưng của thời đại ông! Cuộc đời nghệ sĩ ngắn ngủi nhưng rực rỡ của ông đánh dấu một kỷ nguyên mới trong lịch sử âm nhạc” như tác giả đầu tiên Franz Xav. Němetschek viết về Mozart.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025