Đóng vai nạn nhân có nghĩa là khi cuộc sống bạn gặp bất trắc hay sai phạm, bạn sẽ luôn tìm cách đổ lỗi cho ai đó hoặc một thứ gì đó ngoài bản thân. Điều này có liên quan đến một thứ gọi là “tâm điểm kiểm soát” (locus of control) của bạn.
Một người có tâm điểm kiểm soát bên trong tin rằng mình có thể ảnh hưởng đến các sự kiện và kết quả của chúng. Ngược lại, người có tâm điểm kiểm soát bên ngoài sẽ đổ lỗi cho các thế lực bên ngoài (người khác, hoàn cảnh, hoặc thậm chí là số phận) về mọi thứ.
Ví dụ, nếu ai đó không thể tìm được công việc thì họ sẽ đổ lỗi cho tình hình chính trị hoặc kinh tế hiện tại. Hoặc nếu họ thường bị cảm, họ sẽ đổ lỗi cho môi trường làm việc bị ô nhiễm. Đó là cách suy nghĩ đặt tâm điểm kiểm soát bên ngoài.
Theo Mike Bayer, chúng ta đang chọn đặt tâm điểm kiểm soát bên ngoài bất cứ khi nào ta không tự nhìn nhận lỗi sai của mình, không tự nhận trách nhiệm với bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc sống của chúng ta.
Tuy nhiên, vấn đề đi kèm với kiểu suy nghĩ này là nó thổi bay hết sức mạnh của bạn. Trong “Là bạn nhưng vạn lần tốt hơn”, Mike Bayer viết:
“Khi chơi trò đổ lỗi, bạn có thể dễ dàng giơ tay lên và nói rằng: “Ôi, tôi là nạn nhân, tôi chẳng làm được gì với chuyện đó cả”. Ngay lúc bạn đổ lỗi cho người nào khác vì một điều gì đó bạn cảm thấy hay trải nghiệm, thì đó cũng là lúc bạn từ bỏ sức mạnh của bản thân. Khi bỏ đi sức mạnh của mình, bạn đang đưa ra quyết định để mặc cho cuộc đời đưa đẩy. Bạn đang từ chối chịu trách nhiệm cho cuộc sống của chính bạn. Như bạn có thể hình dung, một khuôn mẫu cực kỳ tiêu cực có thể được thiết lập từ đó. Để giữ được kết nối với Con Người Tối Ưu của mình, chúng ta cần phải luôn chịu trách nhiệm với những gì xảy ra trong cuộc sống. Chúng ta cần tìm cách kiểm soát, ngay cả trong những thời điểm mà dường như cả thế giới đều đang chống lại mình.”
Trong cuộc sống, chắc chắn luôn có những điều tồi tệ xảy đến. Chúng nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, nhưng chúng ta có thể kiểm soát phản ứng của mình trước những thứ đó. Bạn có thể chọn quay cuồng trong trầm cảm, lo âu, tức giận, oán ghét, thất vọng hoặc bạn có thể chọn phản ứng theo cách có lợi cho mình và những người xung quanh. Chẳng hạn, nếu rớt một buổi phỏng vấn, bạn có thể phân tích xem mình đã trả lời câu hỏi của nhà tuyển dụng tốt chưa, hay mình vẫn còn thiếu sót gì cho công việc và tìm cách khắc phục để buổi phỏng vấn sau thành công hơn. Nếu cứ bị cảm, bạn có thể tìm cách tăng cường hệ miễn dịch và sức khỏe của mình.
Điểm mấu chốt ở đây là chúng ta luôn có lựa chọn: hoặc đổ lỗi cho ai đó, cái gì đó mà chúng ta không thể kiểm soát, hoặc ta có thể nhận trách nhiệm và thay đổi những gì mình có thể làm, để từ đó có thể thay đổi kết quả.
Như Mike Bayer đã viết: “Xin hãy nhớ rằng, người khác có thể làm hoặc nói điều gì đó với ý định tổn hại bạn, nhưng cuối cùng, chính bạn mới là người quyết định những điều đó sẽ ảnh hưởng đến mình như thế nào. Tất cả các nhiễu loạn bên ngoài chỉ là tiếng ồn. Bạn đang nắm quyền kiểm soát âm lượng, vậy thì hãy tắt chúng đi! Cảm xúc của bạn là của riêng bạn – đừng cho phép người khác gây ảnh hưởng.”