Mọi người thường nói với tôi: “Hẳn anh phải thấy tự hào về bản thân lắm, vì công việc của anh là giúp đỡ người khác cải thiện bản thân họ”. Nhưng tôi luôn ngần ngại trước nhận xét đó, bởi nếu bạn đang sống bằng Con Người Tối Ưu của mình trong mọi lĩnh vực của cuộc sống thì bất kể nghệ thuật của bạn là gì – dù là người lắp đặt hệ thống ống nước, viết chương trình máy tính, thiết kế thời trang, hầu bàn, đóng đồ nội thất, viết nhạc, trồng rau quả, trang trí nhà cửa, hay bất cứ nghề nghiệp gì khác – bạn vẫn có thể và sẽ cảm thấy tự hào về bản thân. Đó chính là điều tôi muốn bạn đạt được!
Để giúp bạn có được tư duy đúng đắn cho sự thay đổi, tôi muốn đảm bảo rằng bạn cam kết tiếp cận mọi việc với thái độ:
Tính hiếu kỳ sẽ giúp bạn học hỏi
Hiếu kỳ có nghĩa là “cực kỳ khao khát được biết hay được học hỏi một điều gì đó”. Nếu bạn thôi hiếu kỳ, bạn không thể khám phá bản thân. Tôi biết đôi khi cũng thật đáng sợ khi phải đào sâu tìm hiểu, lột bỏ từng lớp vỏ bọc, quét sạch lớp bụi khỏi một thứ đã ngồi sẵn đó, âm thầm cắm rễ trong tinh thần chúng ta hàng thập niên. Nhưng bằng cách thắp sáng những góc khuất trong trí óc và con tim mình, bạn sẽ thấy những gì ở đó thật ra chẳng hề đáng sợ như bạn tưởng, và bạn bắt đầu lấy lại sức mạnh của mình theo những cách mà bạn chưa bao giờ cho là khả dĩ.
Walt Disney từng nói: “Chúng ta cứ tiếp tục tiến lên, mở ra những cánh cửa mới và làm những điều mới mẻ, bởi vì chúng ta hiếu kỳ và tính hiếu kỳ sẽ luôn dẫn lối cho chúng ta trên những con đường mới”. Tôi nghĩ phát biểu này rất đúng với bản chất sâu sắc của tính hiếu kỳ và những gì mà nó có thể làm cho chúng ta, nếu ta biết trân trọng và nuôi dưỡng nó. Tính hiếu kỳ chính là công cụ giúp bạn hấp thu kiến thức. Nếu không có nó, bạn không thể học hỏi một cách đúng nghĩa được.
Hãy khởi đầu từ sự thật
Nếu bạn tự lừa dối bản thân về bất kỳ việc gì, bao gồm cả những nỗi sợ mà bạn đã tích tụ qua năm tháng, thì tức là bạn đang tự cản trở sự tiến bộ của bản thân. Thomas Jefferson đã nói: “Thành thật chính là chương đầu tiên trong cuốn sách trí tuệ”. Và chẳng phải trí tuệ chính là điều mà tất cả chúng ta đang thực sự theo đuổi đó sao? Trong tất cả mọi việc, chúng ta đều muốn có được lựa chọn thông thái nhất. Và thành thật chính là khởi điểm của trí tuệ.
Thành thật và chính trực là một, đều có nghĩa là làm điều đúng đắn. Tôi muốn bạn tự mình làm điều đúng đắn trong suốt quá trình này. Nếu không có sự thành thật hoàn toàn, bạn sẽ không thể nào thực sự kết nối được với Con Người Tối Ưu của mình. Chúng ta cũng khốn khổ như chính những bí mật của chúng ta vậy. Bí mật và sự hổ thẹn có thể ngăn bạn đạt được những kết quả tích cực trong cuộc sống: Chúng ngáng đường bạn. Cách tốt nhất để tiến lên phía trước là hãy khởi đầu từ sự thật.
Cởi mở trước quan niệm mới, cơ hội thành công của bạn càng cao
Bộ não của chúng ta cho rằng những gì ta đang làm đã đủ tốt, thế nên ta thường tránh né sự thay đổi. Khi chưa đối mặt với nguy hiểm nghiêm trọng thì chúng ta cứ giữ nguyên hiện trạng. Về cơ bản, giới hạn chuẩn của bộ não chúng ta là “nếu cái gì không hư thì đừng sửa”. Nhưng ở đây chúng ta không nói về việc thoát thân khỏi một mối hiểm nguy trước mắt, mà chúng ta đang nói về việc nâng cấp hệ thống vận hành của bản thân để chuyển từ sinh tồn sang cuộc sống thăng hoa.
Cởi mở chính là yếu tố nền tảng khi chúng ta sửa chữa và điều chỉnh cách sống của mình. Bạn càng cởi mở trước những quan niệm mới thì cơ hội thành công của bạn càng cao. Về bản chất, cởi mở có nghĩa là cầu thị. Tôi có thể cam đoan rằng cuộc sống của bạn sẽ cải thiện nếu bạn duy trì sự cởi mở đối với ý tưởng rằng không phải lúc nào bạn cũng có câu trả lời, rằng có thể bổ sung những thông tin mới vào câu trả lời mà bạn đã có, và rằng bạn có thể làm tốt hơn những gì bạn đang làm.
Triết gia Socrates người Hy Lạp đã nói: “Điều duy nhất tôi thực sự biết là tôi không biết gì cả”. Hãy luôn tâm niệm điều này. Bởi vì một khi bạn chấp nhận được ý niệm rằng bạn thực sự chẳng biết gì cả, bạn sẽ lập tức trở thành một miếng bọt biển hút nước, luôn thấm đẫm những ý tưởng và quan điểm mới mẻ.
Sẵn lòng hành động, chứ không chỉ suy nghĩ
Mười sáu năm trước, cuối cùng tôi đã học được qua quá trình hồi phục rằng tôi phải cố gắng hết sức để không tái nghiện. Tôi biết mình không muốn quay lại con đường cũ, nên tôi làm tất cả những gì mà các cố vấn, nhà tài trợ và bác sĩ trị liệu đề nghị. Tôi điên cuồng tìm một giải pháp vì không bao giờ còn muốn quay lại con đường nghiện ngập, nên tôi hỏi bất cứ ai có được điều mà tôi đang thiếu (chính là sự thanh thản trong tâm hồn) để xin lời khuyên.
Bạn có thể tin chắc rằng bất kỳ ai từng tạo ra một thay đổi triệt để trong cuộc sống, từ cai nghiện cho đến giảm nhiều cân, hoặc có một thay đổi quan trọng về sự nghiệp, đều là những người đã giữ được tâm thế sẵn lòng. Sự sẵn lòng chính là một bước hành động. Bạn sẵn sàng hành động, chứ không chỉ suy nghĩ.
Chính bạn cũng cần sẵn sàng cố gắng hết sức để hoàn thiện bản thân. Tất nhiên, điều này đòi hỏi bạn phải tiến rất xa khỏi vùng an toàn của mình. Tôi nghĩ bạn sẽ sốc khi nhận ra rằng một khi bạn hình dung chính xác mục tiêu của mình thì việc thực hiện những điều cần thiết để đạt được mục tiêu đó sẽ không hề quá sức. Tôi tin rằng khi bạn thấy mình sẵn lòng làm một việc, thì đó cũng là lúc bạn thực sự sẽ thực hiện nó. Hãy sẵn lòng nói “được” và hành động, rồi bạn sẽ không phải thất vọng đâu.
Tập trung chính là bí quyết thành công
Nguyên tắc cuối cùng để thay đổi là tập trung, hay cũng có thể hiểu là luôn đi đúng hướng. Hãy hỏi bất kỳ nhà lãnh đạo nào xem lý do chính giúp họ đạt được mức độ thành công tột bậc là gì và họ sẽ đưa ra cùng một câu trả lời: tập trung.
Oprah Winfrey từng nói: “Hãy cảm nhận sức mạnh từ việc tập trung vào những gì khiến bạn hào hứng”. Chẳng phải Oprah đã rất hạnh phúc khi làm công việc bà yêu thích đó sao? Warren Buffett nói: “Người thắng trận là người tập trung trên sân chứ không phải là kẻ dán mắt vào
bảng điểm”. Sự tập trung chính là bí quyết.
Một kịch bản đời thật có thể minh họa cho bạn thấy sức mạnh của sự tập trung chính là nhìn vào mặt trái – nghĩ đến những gì có thể xảy ra nếu chúng ta không hoàn toàn tập trung vào một nhiệm vụ quan trọng. Vừa lái xe vừa nhắn tin là một ví dụ thường thấy nhất về những con người cố gắng phân chia sự tập trung của mình cho nhiều nhiệm vụ khác nhau, hậu quả có thể là chết người. Chúng ta không thể ở hai nơi cùng một lúc, cả về mặt thể lý lẫn tinh thần. Để hoàn thành những việc cần thiết nhằm cải thiện cuộc sống của bản thân, chúng ta cần phải tối thiểu hóa những điều gây xao nhãng và tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự tập trung cần có.