Trong một lần tôi đến thăm, năm 2004, Phạm Xuân Ẩn lấy trong cặp hồ sơ ra một bức ảnh chân dung rất đẹp do Richard Avedon chụp ba mươi năm trước. Trong đó Ẩn, đôi vai hơi so, nụ cười hơi nhút nhát trên môi như thường lệ, Robert Shaplen cao lớn hơn hẳn những người Việt Nam khác đúng một cái đầu. Và còn có ba người Việt Nam nữa trong ảnh. Họ vui vẻ đứng vào đấy nhưng không gây ấn tượng gì cho người chụp. Đó là Nguyễn Hưng Vượng, Nguyễn Đình Tú và Cao Giao. Phạm Xuân Ẩn giữ gìn cẩn thận tấm ảnh này. Trong một lần đến thăm sau, Ẩn còn lấy ra cho tôi xem những tấm ảnh khác chụp đầu những năm 1970, cũng vẫn do Avedon, bạn thân của Shaplen chụp.
Những tấm ảnh này rất mực sinh động, giới thiệu năm mẫu người theo đánh giá của Radio Catinat trước khi kết thúc chiến tranh, là có khả năng hoạt động tốt bên cạnh những tên mưu mô xảo quyệt và lừa đảo. Gạt ra ngoài những mối bất đồng, những tính toán, các tính khí hay sự lựa chọn khác nhau giữa người này với người kia, năm người đó giống như năm gã thông đồng với nhau, đặt ngón tay vào lỗ mũi để chế nhạo phần còn lại của hành tinh. Cảm nghĩ đó chắc chắn là sai, ngoại trừ với Ẩn, bởi cái giá phải trả là phải chấp nhận rủi ro.
Radio Catinat là biệt danh mà người ta gán cho tiệm cà phê Givral ở góc phố Tự Do và đại lộ Lê Lợi. Hai cửa sổ phòng tôi ở tầng ba khách sạn Continental trông ra quảng trường Nhà hát Thành phố và Givral nằm trong tầm nhìn của tôi. Tiệm cà phê Givral đông khách, trong số này có thể kể ra dân biểu Hạ viện, nghị sĩ Thượng viện, điệp viên, nhà báo, chỉ điểm người Việt của cảnh sát. Nhà hát Thành phố ở bên cạnh, nơi đây các dân biểu và nghị sĩ đến tranh luận trong Quốc hội cũng góp phần vào cơ nghiệp của Givral.
Phạm Xuân Ẩn là một trong những trụ cột sánh vai với ba người Việt Nam khác trong ảnh. |
Người ta gặp ở đây khá nhiều sĩ quan tài tử, thầy thuốc, nhà kinh tế, nhà buôn. Từ 1968, Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã ban bố nghị định về tổng động viên đăng lính tất cả nam giới từ 18 đến 37 tuổi. Những ai có thể ẩn náu trong các ban tham mưu hay các bộ trong chính phủ có thể đến đây tạm khuây nỗi phiền muộn. Những người khác tận dụng ngày phép ngắn ngủi để gặp lại bạn bè hoặc để nghe những tin đồn mới nhất.
Bob Shaplen (tên gọi thân mật của Robert Shaplen) cũng thỉnh thoảng mới xuất hiện. Nhưng tất cả thường hay tụ tập với nhau tại căn phòng số 47, nơi Bob lúc nào cũng đặt thuê mỗi khi quay lại Sài Gòn, ở tầng hai khách sạn Continental. Địa điểm tương đối kín đáo và muốn lên phòng làm việc của tòa soạn báo Time, Phạm Xuân Ẩn chỉ việc leo lên một tầng nữa. Các phòng trong khách sạn rất rộng rãi. Bob thích tiếp khách và bạn bè ngay trong phòng mình vào đúng lúc khai vị. Tôi gặp lại ở đó không những Phạm Xuân Ẩn mà còn nhiều nhân vật khác mà tên tuổi chỉ trở nên quen thuộc với những người am hiểu tấn thảm kịch Việt Nam mới, nhưng trải nghiệm và hành trình của họ nói lên cuộc chiến tranh này phức tạp và có sức tàn phá như thế nào.
Bob ăn to nói lớn, thích uống whisky và ngậm điếu xì gà gộc. Bob đánh giá cao giọng nói của báo chí Mỹ. Bob là một lão tướng trong giới nhà báo từ thời chiến tranh châu Á và Thái Bình Dương và có một cuốn sổ tay ghi địa chỉ khá ấn tượng. Các chuyến lưu trú ở Việt Nam của ông thường kéo dài năm đến sáu tuần mỗi lần. Phòng làm việc của đại sứ Mỹ luôn luôn mở cửa cho Bob. Những bài phóng sự dài lê thê của Bob đăng trên tờ The New Yorker lúc nào cũng đa sắc màu, được biên soạn công phu, có tiếng vang ở Washington. Bob thường xuyên ra vào Bộ Ngoại giao Mỹ, thường được mời đến các cuộc họp của tiểu ban ngoại giao của Thượng nghị viện để cung cấp bằng chứng.
Robert Shaplen quen biết những người cầm đầu CIA và Bộ Tham mưu Mỹ và thường nói úp mở về điều này cho mọi người biết. Khi giải trình tại Washington, ông ta dựa vào nguồn tài liệu khá phong phú để phân tích và có thái độ thận trọng mỗi khi phát biểu. Nhiều lần, nhất là từ năm 1970 trở đi, tôi có cảm tưởng ông ta làm ra vẻ tin rằng Mỹ sẽ thất bại trong cuộc chiến tranh này, trong lúc ông ta không tin chắc vào điều ấy.
Một số đồng nghiệp của ông nghi ngờ ông có âm mưu gì đây và đúng là ông tỏ ra sẵn sàng đưa ra những lời khuyên. Một lần đi với ông ra Huế, tôi đã sững sờ khi các quan chức Mỹ tại chiến trường tỏ thái độ rất kính trọng ông. Bob quen biết tất cả những người phụ trách CIA ở địa phương đến mức họ coi tôi như người phụ tá của ông ta. Ở đâu ông cũng có thái độ ứng xử tự nhiên, thân thuộc như đang ở nhà mình hay trong lĩnh vực mình công tác.
Cao Giao cũng rất gần gũi với Ẩn mặc dù hai người rất khác nhau. Một người cởi mở hay nói còn người kia thì kín đáo, thâm trầm. Giao làm cho báo Newsweek có văn phòng chiếm hai phòng trên tầng hai khách sạn Continental. Ông nhỏ con, đôi mắt tươi cười được che giấu sau cặp kính to, râu cằm lưa thưa, ăn nói có duyên, luôn cuốn hút người nghe khiến họ không dứt ra được. Trong câu chuyện với chúng tôi, anh hay pha trò với những lời lẽ cay độc. Anh so sánh những người thuộc “lực lượng thứ ba” chủ trương thỏa hiệp giữa Sài Gòn và Hà Nội là những con chuột chũi đang bí mật đào những đường hầm không đi đến đâu cả. Anh nói đến những “trí thức - thất nghiệp”, gọi họ là những người suy nghĩ lạc hướng, lên giọng dạy đời, định làm mẫu mực cho người khác.
Sau này, theo dòng câu chuyện, Ẩn kể cho tôi hành trình đáng buồn của Cao Giao mà lúc trước tôi không để ý nhiều. Trong chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, anh tận tụy làm việc cho Pháp, rồi bị bắt, bị buộc tội cung cấp tin tức cho Việt Minh. Năm 1955, sau Hiệp định Genève, anh trốn khỏi miền Bắc vì bị Cộng sản truy lùng gắt gao. Rồi ở miền Nam thời Diệm, anh lại bị bắt ngồi tù khám lớn Sài Gòn. Lần này, theo lời kể của Phạm Xuân Ẩn, anh được ra tù nhờ sự can thiệp của một người bạn của Ẩn làm việc cho bác sĩ Trần Kim Tuyến lúc này đang chơi thân với ông.
Sau khi ra tù, Cao Giao trở lại cuộc sống bình thường nhờ sự tảo tần của bà vợ chung thủy đã có với ông bảy người con, người mà ông thường gọi là “cái gậy của tôi”. Ông sống khá tằn tiện trong căn phòng gần chân cầu Thị Nghè. Năm 1975, Cao Giao khước từ lời khuyên của bạn bè, không đi di tản. Gia đình ông quê ở miền Bắc nên hy vọng chiến thắng của Cộng sản sẽ tạo cơ hội để ông gặp lại người thân sau hơn hai chục năm xa cách. Theo lời ông Ẩn: “Hai mươi bảy người bên nội, bên ngoại trong gia đình anh ấy, trong đó có bố và người em đều là đảng viên cộng sản”.
Nhưng niềm vui phấn khởi quá ngắn ngủi. Không có nguồn thu nhập, gia đình Cao Giao sống khá gieo neo. Công an của chính quyền mới e ngại ông có quá khứ “chống đối cách mạng” lại là phần tử thân Nhật cũ. Cực chẳng đã, Cao Giao đưa gia đình theo chân người ta “vượt biên”. Thế là lại bị bắt. Trong những ngày thê thảm ở khám lớn Chí Hòa, từ 1979 đến 1983, ông chỉ sống với kỷ niệm quá khứ. Sức khỏe ông suy sụp trầm trọng và chỉ được thả nhờ tổ chức Ân xá Quốc tế can thiệp. Sau đó, ông được phép rời khỏi Việt Nam một cách hợp pháp để đoàn tụ với con cái đang sống ở Bỉ.
Cuối cùng, đầu năm 1986, sau hai năm sống ở xứ người, không chống lại được căn bệnh hiểm nghèo, ông vĩnh biệt gia đình, bạn bè ở tuổi 65, 67 gì đó. Theo người ta kể lại, khi làm việc cho Hiến binh Nhật cuối thế chiến thứ hai, Cao Giao đã ngầm hợp tác đắc lực với Việt Minh, cảnh báo cho họ biết trước cuộc đảo chính Nhật ngày 9 tháng Ba năm 1945 lật đổ nền thống trị của Pháp ở Đông Dương.
Một người nữa rất quen thuộc với những cuộc họp của chúng tôi ở căn phòng số 47 trên gác hai khách sạn Continental tên là Nguyễn Đình Tú, cựu đảng viên Đảng thân Nhật và phóng viên của tờ báo tiếng Việt Chính Luận tại Sài Gòn. Thỉnh thoảng Tú cũng viết cho tờ The New Yorker. Là phóng viên chiến trường, ông viết những bài phóng sự về cuộc di tản của dân chúng trong cuộc tháo chạy của quân đội Nam Việt Nam năm 1975, nói lên nỗi thất vọng cay đắng đối với những người cầm đầu chế độ Sài Gòn.
Anh đã có mặt ở Pleiku khi quân cộng sản tiến công và Tổng thống Thiệu ra lệnh rút chạy đã gây nên cuộc hoảng loạn trong dân chúng. Tú đã đi theo cuộc di tản đó ra đến bờ biển mà ông gọi là “cuộc rút chạy trong nước mắt”. Ông đã thu xếp được với phi công lái trực thăng để gửi bài về Sài Gòn. Lẽ ra ông có thể rời khỏi Việt Nam trước khi quân cộng sản đầu tiên vào thành phố, nhưng không. Người ta đưa tin ông đã chết trong khám Chí Hòa ở Sài Gòn cuối 1975.
Tuy nhiên, mười bốn năm sau, người ta gặp lại ông trong một trại “thuyền nhân” (người vượt biển bằng thuyền) ở Hồng Kông. Lúc này ông đã 66 tuổi. Ông cho biết một tuần sau khi Sài Gòn thất thủ, ông bị buộc tội là “gián điệp của CIA” và bị vào tù. Ông chỉ được ra khỏi trại “cải tạo” mười ba năm sau, tức vào năm 1988 và sống lay lắt một mình trong thành phố. Ông nói với phóng viên báo Anh The Independent tháng Mười hai năm 1989: “Tôi mất hết, bè bạn, nhà cửa, xe ôtô và tiền bạc”. Ông nói thêm: “Vì tiếp tục bị giám sát chặt chẽ, tôi chỉ có một lối thoát là trốn đi Hồng Kông”.
Ông kín đáo ra Bắc, xuống Hải Phòng, một cảng biển lớn ở miền Bắc rồi thuê một chiếc tàu mong manh đi cùng với những thuyền nhân khác lén lút đến Hồng Kông, thuộc địa cũ của người Anh. Được tin, giới nhà báo quốc tế mở một chiến dịch vận động thành công để ông được hưởng quy chế tỵ nạn và được nhập cư vào Mỹ.
Nhưng nhân vật gần gũi nhất với Phạm Xuân Ẩn hồi trước chiến tranh, không còn nghi ngờ gì, chính là Nguyễn Hưng Vượng. Ông là nhân vật nổi bật trong đám nhà báo bị cuốn hút vào cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai do Mỹ tiến hành. Thỉnh thoảng, người ta thoáng gặp ông ở sảnh lối vào khách sạn Continental như người lạc trong mộng trong khi chờ đợi chiếc thang máy già nua và chậm chạp của khách sạn để đi lên tầng hai đến phòng của Bob Shaplen.
Trong lúc Bob đang cao giọng thao thao bất tuyệt thì Vượng, người phụ tá của ông ta lặng lẽ bước vào, cất giọng nhỏ nhẹ xin lỗi về sự hiện diện của mình, người ta có cảm tưởng là anh ta không muốn ai để ý. Giữa tính kín đáo và nổi trội có sự hỗ trợ nhau dựa trên tình bạn và kính trọng nhau nhiều hơn là niềm tin và thèm muốn. Vượng và Bob khác biệt nhau về tính khí như nước với lửa, thiện và ác. Thật khó mà tưởng tượng đôi bạn thân lại trái tính nhau đến thế.
Vượng là con người rất hòa nhã. Khi cuộc trò chuyện ít hứng thú, ông rít thuốc lá liên tục, như người nghiện thuốc phiện, đốt hết điếu này đến điếu khác, loại thuốc lá rẻ tiền. Xấp xỉ ngũ tuần, dáng mảnh dẻ, lưng hơi còng, mái tóc dày cứng và bắt đầu hoa râm, nước da trong trẻo, ông đã từng trải và nếm đủ khổ đau nên rất tiết kiệm thời gian. Ông nói với tôi: “Con người ta không thể sống mà không có ước mơ” và hình như ông đã phải trả giá để hiểu ra điều này. Câu nói này vẫn ám ảnh tôi mỗi khi tôi nhớ lại những người bạn Việt Nam nhỏ bé đã nuôi dưỡng cuộc sống và đang mơ ước những gì thời ấy. Ông như vẫn đang ở đâu đây giữa những người đang sống trên đời này.
Sau khi chiến tranh kết thúc, Phạm Xuân Ẩn, người đã quen biết Vượng từ những năm 1950, kể cho tôi biết Vượng sinh năm 1923 ở Côn Minh, một thành phố ở Vân Nam, phía nam Trung Quốc trong một gia đình người Việt làm việc cho Pháp, hoạt động chính trị và là nạn nhân của những sự đảo lộn diễn ra trên đất nước Trung Hoa thời Quốc dân đảng. Một trong những người anh của ông là một phần tử trốt-kít, có ảnh hưởng mạnh mẽ với ông đã bị Đệ tam Quốc tế sát hại. Một người anh khác là một nhân viên an ninh của Pháp ở Côn Minh.
Để được an toàn và bảo vệ tương lai, gia đình quyết định cho Vượng về Việt Nam. Mới 14 tuổi nhưng chăm ngoan nên Vượng học tiếng Việt và tiếng Pháp rất nhanh. 19 tuổi Vượng đã đỗ tú tài phần hai rồi chuyển sang học trường thuốc rồi Luật khoa nhưng cũng không tin tưởng gì ở hai ngành nghề này lắm.
Tháng Tám năm 1945, Việt Nam được độc lập. Vượng đi theo Cách mạng và làm ở Sở Kiểm duyệt báo chí tại Hà Nội. Ông nói với tôi thỉnh thoảng Hồ Chí Minh đến Sở Kiểm duyệt, không khí lạnh lùng có khi căng thẳng nữa. Sau đó, Vượng rời Hà Nội đi Hồng Kông, tại đây, ông gặp Lê Xuân, một điệp viên làm việc cho Hồ Chí Minh ở Thượng Hải. Tiếp đó, Vượng đi Thái Lan và tại đây làm quen với Phạm Xuân Giai.
Ẩn nói: “Hồi ấy, Giai làm việc cho Phòng Nhì Pháp, còn Vượng và Lê Xuân làm việc cho CIA”. Giai là anh em họ với Ẩn. Có lẽ người ta khó mà tóm tắt tình hình quá phức tạp như vậy. Ẩn lúc đó không ai biết là người gần gũi với Việt Minh: còn Giai làm việc cho Phòng Nhì Pháp hay Vượng, nhân viên cũ của Sở Kiểm duyệt Hà Nội.
Rồi Vượng trở lại Việt Nam và tìm được một việc làm trong Sở Thông tin Mỹ (USIS) tại Hà Nội, lúc này là vùng tạm chiếm của Pháp. Năm 1952, Vượng vào định cư tại Sài Gòn. Tại đây, Phạm Xuân Giai đã tuyển dụng Vượng vào Nha chiến tranh tâm lý của Quân đội Quốc gia mới thành lập do Pháp dựng nên. Bảo Đại tự xưng là Quốc trưởng nhưng lưỡng lự không muốn lập lại chế độ quân chủ.
Giai vốn là sĩ quan của quân đội Pháp nên theo chân các sĩ quan khác chuyển sang làm sĩ quan cho quân đội Bảo Đại. Làm việc cho Giai, Vượng còn liên lạc với tình báo Mỹ do Edward Lansdale cầm đầu.
Lansdale là người bênh vực nhiệt tình cho kế hoạch “ấp chiến lược” nhằm thu gom dân chúng nông thôn vào trong các làng được bảo vệ để ngăn không cho liên hệ với Cộng sản - như tách cá ra khỏi nước. Graham Greene đã lấy Giai làm nguyên mẫu để xây dựng nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết của ông nhan đề Un Americain bien tranquille (Một người Mỹ trầm lặng). Năm 1954, Lansdale là đại tá, với sự ủng hộ của CIA, đã thành lập một phái bộ chính trị - quân sự đầu tiên ở Sài Gòn.
Vào lúc này, Ẩn đã móc nối lại được với cơ sở kháng chiến sau khi được thử thách một thời gian dài. Ẩn được kết nạp bí mật vào Đảng Cộng sản vào tháng Ba năm 1953. Bình phong chính thức của ông do ông tự xoay xở để trở thành hạ sĩ quan trong quân đội Nam Việt Nam. Ẩn được biệt phái vào TRIM, cơ quan ba bên Việt - Pháp - Mỹ, lúc này do Lansdale cầm đầu. Người em họ Phạm Xuân Giai có giúp Ẩn việc này không? Ông không nói gì về điều này. Ẩn lợi dụng cơ hội để thiết lập quan hệ vững chắc với Lansdale, người rất có thế lực sau khi trở lại Lầu Năm Góc. Ẩn gặp Vượng đều đều và sau đó giúp Vượng thoát hiểm nhiều lần.
Năm 1955, sau Hiệp nghị Genève, Việt Nam bị chia cắt thành hai miền, Vượng giải ngũ. Ẩn nhớ lại: “Anh ấy hút thuốc lá nhiều, nghe nói kể cả thuốc phiện, một thói quen nhiễm từ khi còn đi học ở trường”. Vượng đọc rất nhiều sách. Người ta thường đến xin ông tư vấn, ông không có việc làm và rất nghèo.
Năm 1960, Ẩn giới thiệu Vượng với Douglas Pike, một giáo sư đại học rất có thế lực. Pike tuyển dụng Vượng làm trợ lý và Vượng bắt đầu giao du với đám nhà báo Mỹ rất khả nghi. Ngay sau đó, Vượng còn làm trợ lý cho một nhà nghiên cứu Mỹ mà Ẩn biết rất rõ tên là Jerry Rose, tốt nghiệp trường Sorbonne của Pháp. Rồi Vượng trở thành cố vấn cho báo Time và Washington Post. Ẩn giới thiệu Vượng với Robert Shaplen khi ông này đến Việt Nam lần đầu tiên sau cuộc đảo chính lật Diệm - Nhu. Cả hai anh em Diệm, Nhu sau đó đều bị giết.
Chục năm sau thời chiến tranh của Mỹ, Vượng ở trong ngôi nhà một tầng hai phòng tại quận Ba ở Sài Gòn, trông ra con hẻm rất đông người đi bộ. Lập gia đình muộn, hai vợ chồng Vượng không có con, phải nhận một đứa bé trai làm con nuôi. Đứa con nuôi lớn lên lập gia đình, sinh con, Vượng trở thành ông nội. Gia đình người con này sống eo hẹp tại một khu phố đông dân. Ngoài các tẩu thuốc phiện, Vượng chỉ có một thứ xa xỉ duy nhất là khi Bob Shaplen đến Sài Gòn: được thuê một phòng có máy điều hòa tại một khách sạn hạng ba ở đường Hai Bà Trưng cách khách sạn Continental không xa. Nhờ đó, Vượng quên được cảnh huyên náo của con hẻm và có thể ẩn mình trong căn buồng yên tĩnh khi muốn, nhưng lúc cần lại rất dễ gặp bạn bè.
Vượng không có ảo tưởng nào về kết cục của chiến tranh và anh nói thẳng ra điều đó. Về điều này, quan điểm của anh khác biệt sâu sắc với Bob. Sau này rất lâu, Ẩn kể với tôi rằng: một ngày đẹp trời, Ẩn lái chiếc xe Renault 4 mã lực của ông chở Vượng và Bob đến chơi nhà Đại sứ Mỹ Ellsworth Bunker. Hai người này tranh cãi nhau kịch liệt. Vượng yêu cầu dừng xe và xuống đi bộ. Ẩn nhớ lại lúc đó trông anh giận dữ lắm. Nhưng cuộc tranh cãi không kéo dài. Hai người lại làm lành với nhau rất nhanh. Ẩn còn nói Vượng cũng đã từng tranh cãi với Douglas Pike. Một thời gian dài, sau khi Vượng mất ở Hoa Kỳ nơi anh di tản, Ẩn đã tóm tắt về người bạn mà ông biết rõ hơn cả: “Anh ấy rất thông minh, suy nghĩ độc lập, khắc kỷ và luôn luôn đến chậm”.
Phạm Xuân Ẩn không bao giờ quên bạn bè thời đó. Trước khi Cộng sản giành được chiến thắng, phần lớn các bạn ông đã đi đến phương trời khác. Những tuần lễ sau đó, ông cảm thấy trống rỗng. Trong một bữa ăn tối ở Bangkok năm 2005, người con út của Cao Giao nói với tôi rằng sau khi cha anh được thả từ năm 1983, chỉ có bác Ẩn gần như ngày nào cũng lại thăm như muốn che chở cho một người bạn thân. Ẩn không bao giờ kể cho tôi chi tiết này. Sau này, trong một lần qua Sài Gòn, gặp lại Ẩn, tôi kể lại chuyện gặp con trai út của Cao Giao. Ông đã nở một nụ cười buồn bã: “Trong hoàn cảnh đó, ai dám đến thăm Cao Giao mới ở tù về? Không ai hết. Dù sao lúc đó mỗi ngày anh ấy cần một mũi tiêm. Tôi đã biến thành y tá của anh ấy”.
Trích sách Một người Việt Trầm Lặng
Kỳ cuối: Phạm Xuân Ẩn: 'Chú bộ đội nào cũng có thể giết tôi...'