Kỳ 6: Thời niên thiếu của tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn

14/08/2018 11:30
Kỳ 6: Thời niên thiếu của tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn

Tuổi thơ của Phạm Xuân Ẩn, ngay từ đầu đã khác thường. Ông sinh tại “nhà thương điên” Biên Hòa. Như một linh tính, ông được cha mẹ đặt tên khai sinh là Ẩn, có nghĩa là ẩn giấu, “bí ẩn”.

Thuở nhỏ ông nghịch ngợm, chơi nhiều học ít, thường trốn học đi bắn chim bằng súng cao su, mê chọi gà, và nhất là thích ngắm cá chọi trong bể cá. 

Xứ Đông Pháp - tên gọi của bán đảo Đông Dương thời Pháp thuộc vẫn do toàn quyền Jean  Decoux cai trị nhưng quân Nhật đã có mặt khắp nơi. Cậu bé Phạm Xuân Ẩn cũng như những đứa trẻ khác thời đó trong các buổi chào cờ ba sắc trước chân dung phóng to người đứng đầu chính phủ Vichy phải cất cao giọng hát: “Thưa Thống chế! Có chúng tôi!”. 

Năm 1945, ở tuổi 18, Ẩn chứng kiến những sự kiện rung chuyển thời cuộc Đông Dương: quân đội Nhật Bản tước vũ khí các trại quân Pháp, tuyên bố xóa bỏ chính quyền thuộc địa. Lính Pháp bị bắt làm tù binh, thường dân Pháp bị làm nhục. Ngày 2 tháng Chín, cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập trước hàng vạn người ở quảng trường Ba Đình.

Đối với một thanh niên mới lớn, thật khó có thể tưởng tượng một bầu không khí nào đảo lộn hơn thế! Các ông chủ Pháp bị nhốt vào trại giam hay ở nơi công cộng. Trật tự được người Pháp duy trì một cách giả tạo, phút chốc sụp đổ tan tành. Cử chỉ hung hãn vô kỷ luật của lính Nhật Bản chỉ gây nên sự ngờ vực của dân chúng đối với hứa hẹn trao trả độc lập. Việc trưng thu thóc đã gây nên nạn đói ở miền Bắc. Trên ghế nhà trường, người ta chỉ nói đến chính trị thay vì lắng nghe lời thầy giáo giảng bài.

 

Phạm Xuân Ẩn từng xin vào nhà thương điên Biên Hòa

Tuổi thơ của Ẩn, ngay từ đầu đã khác thường. Ông sinh tháng Chín năm 1927 tại “nhà thương điên” Biên Hòa. Vì ở cái thị trấn nhỏ bé nơi cư trú của cha mẹ ông thời đó chỉ có mỗi một bệnh xá đặt tại cơ sở chăm sóc người bệnh tâm thần là có phòng hộ sinh. Như một linh tính, ông được cha mẹ đặt tên khai sinh là Ẩn, có nghĩa là ẩn giấu, “bí ẩn”. Ông ra đời ba năm trước khi Đảng Cộng sản thành lập trong bí mật, sự kiện đánh dấu một trong những giai đoạn quyết định trong việc thức tỉnh tinh thần dân tộc ở Việt Nam. Khi Mặt trận Bình dân lên cầm quyền ở Pháp, Ẩn lên 9 tuổi. Thân sinh ra ông là người gốc miền Trung, là một viên chức địa chính đã ngang dọc đi suốt Nam Bộ hay Nam Kỳ lúc đó là thuộc địa của Pháp. Cha ông lấy vợ gốc Bắc, có dáng một nhà nho thấm nhuần đạo lý Khổng, Mạnh truyền thống của Việt Nam. Tuy gia đình không sung túc gì nhưng cũng cố cho con một nền giáo dục vững chắc.

Lên hai tuổi, Ẩn được gửi về cho bà nội ở cố đô Huế nuôi theo tục lệ cổ truyền, hoặc do bà muốn đỡ gánh nặng cho con, hoặc đơn giản hơn, chỉ muốn bà sống với cháu cho vui cửa vui nhà. Hai năm sau, không may bà nội mất, cậu bé Ẩn quay về sống với cha mẹ ở Gia Định, ngày nay thuộc ngoại thành Sài Gòn.

Những năm đầu đến trường, kết quả học tập không có gì khả quan. Ẩn là đứa trẻ ngoan ngoãn, “không lưu manh” như ông tự nói về mình nhưng nghịch ngợm, chơi nhiều học ít, thường trốn học đi bắn chim bằng súng cao su, mê chọi gà, và nhất là thích ngắm cá chọi trong bể cá. Có hôm cha ông bắt đổ xuống cống, ông phải nghe lời, tiếc phát khóc, chạy ra cửa cống đón cá nhưng không thấy. Ẩn thích cả chọi bò cạp. Cha ông bắt nằm sấp dùng roi mây đánh đòn. Chiếc roi mây mẹ ông mua ở chợ về nhưng chọn cái nào ngắn nhất để con đỡ đau.

“Đối với cha tôi, biếng học là tội nặng nhất!”, và ông nói thêm rằng: “Đó là một quan niệm ăn sâu từ nhiều thế hệ trong gia đình tôi cũng như nhiều người khác”.

Đi học về, ông nội Ẩn - rất nghiêm khắc - hỏi ông lý do tại sao cho đi học. Ẩn trả lời bâng quơ “để học toán, học đọc, học viết” liền bị cụ chỉnh ngay: “Khổng Tử viết: ‘Tiên học lễ hậu học văn’ hiểu chưa? Có nghĩa là theo lời dạy đó, trẻ con đi học phải học lễ là lễ phép, là phép xử thế, cách đối xử với mọi người, kẻ trên, người dưới trước, rồi mới đến văn tức là chữ nghĩa, giáo dục”. Ông còn dạy cho Ẩn những quy tắc: Không được gây tiếng ồn, cúi người chắp tay chào người trên, không được ngồi hóng chuyện người lớn, không được lục vấn, nghĩa là đặt câu hỏi, không được xen vào công việc của người khác.

Bản chất Ẩn không phải là đứa trẻ không biết vâng lời nhưng cậu bé không tự ngăn mình thỏa trí tò mò. Thấy mình không sửa được cái tính ấy, có lần Ẩn đã xin với cha cho vào nhà thương điên Biên Hòa, nơi ông đã sinh ra. Thất vọng và để cho con một bài học, ông lại cho con, lúc này đã lên 9, về Huế ở với một người con nuôi của cha ông, làm giáo học tại một nơi có ga xe lửa, cách cố đô Huế khoảng một trăm cây số về phía Nam, trên đường sắt nối liền Sài Gòn với Hà Nội.

Đồng quê miền Trung thuộc miền thiệt thòi nhất nước: đất bạc màu, hàng năm mấy lần bị lụt bão tàn phá. Cha Ẩn hy vọng rằng gửi con sống ở vùng đất nông thôn có cuộc sống khó khăn này sẽ khiến cho con hiểu được rằng xuất thân trong một gia đình tương đối dễ chịu ở thành phố là nhờ có phúc ấm của tổ tiên để lại, là hơn người khác nhiều lắm. Đúng vậy, cuộc sống ở với người chú nuôi đã mở mắt cho cậu bé. Ông nhớ lại: “Thiếu dầu thắp, dân quê ở đây phải lấy bấc nhúng vào mỡ chuột để thắp sáng. Họ phải đi bắt ve sầu và dế để ăn”. Bản thân Ẩn phải ra ga chờ xe lửa từ trong Nam ra dừng lại, nhảy lên tàu nhặt nhạnh những mẩu bánh mì của khách đi tàu bỏ lại rồi nhảy xuống trước khi tàu chuyển bánh. Ông chú nuôi, một con người chặt chẽ đã giao cho Ẩn một công việc vất vả là xay thóc.

Phạm Xuân Ẩn gia nhập Việt Minh

Thời gian sống ở nông thôn đã giúp Ẩn học được nhiều điều trong tự nhiên khiến sau này, các bài phóng sự của ông luôn khiến các bạn đồng nghiệp Mỹ phải ngạc nhiên. Chẳng hạn như ông biết rằng phải bắt ve sầu vào mùa lột xác, khi chúng không bay được, biết phân biệt con đực, con cái vì chỉ có con cái mới kêu, con đực thì không. Nếu Ẩn chỉ biết những trò giải trí và những thiếu thốn của một đứa trẻ con nhà nghèo thì chưa đủ để cậu tự rèn luyện mình. Tuy nhiên nhờ những năm tháng đó, tính cách của cậu được khẳng định, đó là óc quan sát và lòng kiên nhẫn.

Do tính khí không phải là bất trị cũng không phải dễ phục tùng, Ẩn ít làm mất lòng người khác. Ẩn thi trượt nên sau hai năm ở với chú nuôi, cậu phải nghe lời cha mẹ trở về Gia Định để theo học các lớp học bổ túc trong hè để theo kịp các bạn. 11 tuổi, những lúc rảnh rỗi, cậu bé thả bộ vào tận các phố trong nội thành để khám phá Sài Gòn. Thời gian này chỉ kéo dài ba tháng. Năm 1938, thân sinh Ẩn được đổi về Cần Thơ giữa đồng bằng sông Cửu Long thay chân một viên chức địa chính người Pháp bị động viên. Cả gia đình đều dọn về Cần Thơ. Ẩn phải lưu ban năm thứ ba.

Cha cậu thường lấy chuyện một người con gái con một người bạn ông học giỏi, ngoan ngoãn cho Ẩn làm gương. Đó là Nguyễn Thị Bình, sau này trở thành bà Bình nổi tiếng, Bộ trưởng Ngoại giao chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam thành lập năm 1960, và trong những năm 1980, trở thành Phó chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhưng Ẩn không mảy may thay đổi tính nết. Vốn hiền lành, cậu chẳng làm điều gì bất trị, chỉ đơn giản là không sao tu tỉnh được để làm vừa lòng cha mẹ.

Năm 1943, Ẩn đã 16 tuổi, cha gửi cậu về Rạch Giá trông coi mấy mẫu đất mới tậu được. Lại một trải nghiệm khác, cậu thanh niên Ẩn được chứng kiến cảnh địa chủ Nam Kỳ bóc lột nông dân. Tình hình đó làm cậu khó chịu. Một hôm, ông đã thừa nhận với tôi: “Ngay cả ở nhà cha tôi cũng vậy”. Chắc hẳn đó là thời kỳ đầu ông tham gia hoạt động chính trị. Năm 1945, khi người Nhật còn chiếm đóng xứ Đông Dương thuộc Pháp, bản thân ông và phần lớn các bạn học cùng lớp với ông đều cùng lớp với ông đều gia nhập Việt Minh.

- Trong hoàn cảnh nào?

Ông đáp:

- Chuyện đó xảy ra đầu năm 1945, sau đảo chính Nhật, một người bạn học cùng lớp với tôi tiếp xúc được với phong trào kháng chiến chống Nhật.

Ông nói thêm: “Đó không phải là một việc phải lựa chọn. Đó là điều duy nhất phải làm. Chúng tôi là những người yêu nước. Rồi sau đó, khi người Pháp trở lại, chẳng có gì thực sự thay đổi, chỉ có thay đổi kẻ thù. Tôi chẳng làm gì đặc biệt dũng cảm. Tôi chỉ làm liên lạc”. Ông Ẩn đã theo một lớp bán quân sự ngắn, không có súng vì lúc đó khẩu súng là thứ xa xỉ đối với những người kháng chiến. Nhưng ông không theo kháng chiến lên “rừng”, lúc đó gọi tắt là “khu”, tên rút ngắn của cụm từ “chiến khu”. Năm 1948, 21 tuổi, Ẩn vào học trường Trung học Mỹ Tho, một thành phố trên nhánh sông Tiền Giang, để cố giật lấy mảnh bằng tú tài.

Điều gì giúp Phạm Xuân Ẩn kết hợp nghề làm báo với tình báo

Ẩn đã trở thành một chiến sĩ cách mạng. Trong lúc những sự kiện trọng đại làm rung chuyển Việt Nam, Ẩn tiếp cận với thực tế của một đất nước vừa ra khỏi 85 năm thuộc địa của Pháp. Ông đã trải qua cuộc sống khổ cực của người nông dân, trong đó 80% là thành phần thất học, đã tận mắt chứng kiến thái độ ngạo mạn của những đứa trẻ con cái thực dân Pháp và sự bất công xã hội đối với người Việt Nam. Nhưng ông cũng  biết rõ cái “vỏ kén lớn” của gia đình Việt Nam. Mỗi khi nghĩ đến nó, ông nhắc đến những “nghịch lý” - những điều trái ngược đã hình thành nên nhân cách mình. Như ông nói, điều này về sau đã giúp ông kết hợp nghề làm báo với tình báo không khó khăn lắm.

Trong khi phải sống trong hai lĩnh vực đối chọi nhau như thế, ông sẽ làm cho công việc tiến triển dễ dàng hơn trong hai thế giới khác nhau. Ông không thấy vất vả khi phải làm chủ cuộc rèn luyện này. Đột ngột chuyển từ văn phòng nơi các nhà báo nước ngoài, thường trẻ tuổi, vừa ăn nói vui đùa thả cửa vừa trao đổi tin tức và những lập luận trừu tượng, đến một lĩnh vực hoạt động trong bóng tối mà một bước đi sai, một lời nói quá có thể mất mạng như chơi. Nơi đây, ông phải phân tích, tổng hợp các thông tin thu lượm được trước khi đưa ra một nhận định khái quát hoặc đề xuất một chủ trương đối phó.

Vào đầu những năm 1970, một bạn đồng nghiệp ở báo Time của Mỹ nói với tôi trong lúc cùng làm việc chung trong một phòng: “Người Việt Nam chỉ cần làm cho họ bị tràn ngập trong những chiếc xe gắn máy là đủ”. Một lần khác, trong lúc chúng tôi ngồi quanh chiếc bàn tại nhà hàng Givral, một nhà báo Mỹ khác kéo tay Ẩn nói nhỏ: “Đừng lo, anh bạn ạ, nếu Cộng sản thắng, chúng tôi sẽ đón anh về nhà chúng tôi ở Hoa Kỳ”. Dù dụng ý ra sao, thì đó cũng là những câu nói xúc phạm. Nhưng Ẩn không lộ rõ sự phản ứng của mình. Muốn giữ nguyên vị trí của mình, ông không thể làm các bạn đồng nghiệp phật ý. Sau khi thôi học, Ẩn phải đối mặt với những thực tế khó khăn hơn. Vào cuối năm 1949, ông về Sài Gòn nơi cha mẹ ông trú ngụ. Nhiều thử thách đang chờ ông. Cha ông ốm nặng phải nằm viện. Ông trở thành chỗ dựa của gia đình.

Đối với một người trẻ tuổi lại đang bị lao, nhiệm vụ ấy không phải là dễ dàng. - Đó là thời kỳ tôi phải làm ba nghề một lúc. - Ông nói. Dậy từ bốn giờ sáng, ông đến văn phòng Công ty dầu lửa Caltex, nơi ông làm nhân viên kế toán từ năm giờ sáng đến một giờ trưa. Rồi ông đi dạy tiếng Pháp cho một lớp học tư. Buổi tối ông thuê lại (một cách làm thường thấy ở Việt Nam) một chiếc xích lô của một người làm ban ngày, để có thêm ít tiền. Nhiều lần ông đạp xe đưa khách đến các nơi ăn chơi và sòng bạc ở khu phố người Hoa ở Chợ Lớn. Ông ngồi đợi bên ngoài cho đến khi khách mãn cuộc chơi lại đưa họ về nhà. Gặp lúc khách thắng bạc, ông được thù lao kha khá, nhưng không phải lúc nào cũng gặp may như vậy. Năm 1951, ông thôi làm ở hãng Caltex, nhận một công việc ở Sở Thuế quan Sài Gòn. Công việc trong ngày, chính cũng như phụ, làm ông kiệt sức.

Một sự việc xảy ra chứng tỏ mối quan hệ phức tạp trong một xã hội mà mọi người phải cố giữ cho được chỗ đứng của mình. Đó là một hôm, người chủ xe xích lô nói với ông một cách lễ phép chứ không phải bằng giọng ông chủ nói với người làm công, rằng ông ta không muốn cho ông thuê xích lô chạy buổi đêm nữa. Ẩn đã giải thích cặn kẽ tại sao phải đi làm thêm vào buổi đêm nhưng người chủ không muốn nghe thêm và lấy lại xích lô. Sau hỏi ra mới biết là mấy hôm trước, ông đã đạp xe chở một người bạn của gia đình ông, người này về nói lại với bố và ông này kể lại với cha ông. Đang ốm nên ông cụ lại càng rầu lòng thêm, không ngờ rằng con mình phải đi làm một công việc thấp hèn đến thế. Ẩn đã hy sinh để giúp gia đình.

Biết chuyện, một giáo sư cũ của Ẩn đã đề nghị ông dạy thêm tiếng Pháp cho một lớp học nâng cao trình độ. Ẩn vui vẻ nhận lời và đến lớp thấy học sinh lơ đãng không chịu nghe giảng vì tuổi trung bình là 18 mà Ẩn mới trên 20. Để làm yên lòng họ, Ẩn đề nghị sau buổi học sẽ dạy võ không lấy tiền. Mẹo vặt đó đã thành công, ông lấy được cảm tình và sự thán phục của học sinh.

Vào thời kỳ này, dân Sài Gòn sống không có nỗi niềm tuyệt vọng của năm 1945. Đối với người Pháp thì sự hạ nhục và thống khổ đã lên đến tột đỉnh sau vụ Nhật đảo chính ngày 9 tháng Ba. Philippe  Franchini đã sống qua thời kỳ này đã trích dẫn một chuyện ngụ ngôn của một nhà hiền triết người Mỹ: “Ngày xưa chúng tôi đứng trước một cái cửa rất nặng mà không ai dám thử đẩy cửa xem sao. Không một ai dám thử vì ngay cả những người khỏe mạnh nhất đẩy thử, trầy xước cả ngón tay mà cũng không được. Một hôm có một người lạ đến thử đẩy và cánh cửa mở ra đột ngột. Từ đó không ai sợ đẩy cửa và cũng không ai sợ khi đi qua nữa”. Nhưng người đó lại là Việt Minh chứ không phải ông chủ mới ở Tokyo đã giành thắng lợi.

Sau khi đế quốc Mặt trời mọc đầu hàng Đồng minh, Hoàng đế An Nam Bảo Đại thoái vị ngày 25 tháng Tám, tuyên bố rằng: “Thà làm thường dân một nước độc lập còn hơn là vua một nước nô lệ”. Gần như khắp nơi đều có rất nhiều chuyện đáng chê trách để bộc lộ lòng căm thù chứa chất từ lâu. Ngày 2 tháng Chín năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập tại Hà Nội. Việt Minh tổ chức một cuộc diễu hành lớn ở khu trung tâm người Pháp ở Sài Gòn, kể cả phố Catinat. Đến buổi tối, những phần tử quá khích có những hành động trả thù, thanh toán nhau trước khi Việt Minh can thiệp để chấm dứt các vụ lộn xộn.

Trong tâm trí người Việt Nam sau hơn bốn năm chiếm đóng của Nhật, xứ Đông Dương thuộc Pháp đã chấm dứt tồn tại. Nhà xã hội học Paul Mus nhận xét: “Tâm địa dân chúng Việt Nam là hay ‘xét nét’”. Nhận xét này đã được thừa nhận. Triều Nguyễn được lập ra từ năm 1802, mất hết uy tín do quãng thời gian dài cộng tác với nhà cầm quyền Pháp, đã sụp đổ. Đối với người Việt Nam, hai từ “độc lập” và “thống nhất” là không thể đem ra thương lượng được. Thiên mệnh nay chuyển lên vai lực lượng mới - Việt Minh - mà xã hội Pháp ở thuộc địa đã không hiểu nổi và cho là quỷ dữ. Ngày 2 tháng Tám năm 1945, các nước Đồng Minh, mà Pháp bị gạt ra rìa, đã thỏa thuận rằng quân Nhật ở miền Nam sẽ do người Anh giải quyết còn ở miền Bắc thì do người Trung Quốc của phe Quốc dân đảng. Nhưng người Pháp thông đồng với người Anh để đặt chân lên miền Nam và tại đây, quân đội Pháp của tướng Philippe Leclerc de Hauteclocque đã dần tái lập lại quyền lực của người Pháp trước khi tiến lên Tây nguyên và miền Bắc.

"Ẩn vẫn còn là một Việt Minh, anh không bao giờ trở thành Việt Cộng”

Hy vọng của người dân Việt Nam được sống trong độc lập tự do đã tắt lịm, nhường chỗ cho thất vọng và tức giận. Nếu ván bài đã chơi thì phải chờ đợi và đánh cho đến lúc thắng. Trong ý nghĩ của người Việt Nam, ẩn số là thời gian phải đạt tới chứ không phải là kết quả. Chủ trương của tướng De Gaulle ngày 24 tháng Ba năm 1945 về giải phóng Đông Dương trong  khuôn khổ liên hiệp Pháp đã không đi đến đâu. Tháng Sáu năm 1948, Pháp lại thừa nhận Việt Nam là một quốc gia liên kết dưới sự lãnh đạo của Bảo Đại đã mất tín nhiệm, được giải thích như một mưu toan nhằm cô lập Việt Minh đang chiến đấu chống lại quân viễn chinh Pháp. Năm sau, quân đội của Mao Trạch Đông đã kiểm soát được toàn Trung Hoa lục địa và thiết lập liên lạc với Việt Minh ở biên giới Việt - Trung. Giữa hai cột mốc: ngày tuyên bố độc lập và chiến thắng 1975, Cộng sản phải mất ba mươi năm chiến tranh mới đạt được mục đích của họ.

Đối với ông Ẩn, con đường đã vạch từ những năm 1940 là con đường kháng chiến. Con người trẻ tuổi không thể lường hết khó khăn và độ dài thời gian. Một hôm, ông kể với tôi: “Thực ra bằng chủ nghĩa dân tộc, tôi trở thành cộng sản”. Nhưng ông Ẩn có thật sự trở thành cộng sản không? Một trong những người bạn Việt Nam thân thiết của ông mới đây đã đem lại cho tôi suy nghĩ sau: “Ẩn vẫn còn là một Việt Minh, anh không bao giờ trở thành Việt Cộng”.

Việt Minh là một hội, một liên đoàn do Cộng sản lập ra để tập hợp rộng rãi nhiều tổ chức theo chủ nghĩa dân tộc nhằm lật đổ nền thống trị của Pháp. Còn Việt Cộng - rút gọn của cụm từ Cộng sản Việt Nam do chế độ Sài Gòn dùng để chỉ mọi thế lực chống đối. Anh bạn của Ẩn cho rằng Phạm Xuân Ẩn đã giữ tâm thức Việt Minh. Ông gắn với tinh thần năm 1945 của một người kháng chiến trước đã rồi mới tính đến tinh thần dân tộc.

Không có gì minh họa cho suy nghĩ ấy đúng hơn lời tuyên bố của các bô lão Gò Công, một vùng đất ở phía Nam Sài Gòn, phía Đông đồng bằng sông Cửu Long được Paul Mus kể lại: “Nước các ông thuộc về biển phương Tây còn nước chúng tôi ở miền biển phương Đông. Như sự khác nhau giữa con người và con bò, chúng tôi khác các ông về ngôn ngữ, chữ viết và phong tục. Nếu các ông cứ khăng khăng đem sắt và lửa đến với chúng tôi thì sự lộn xộn sẽ lâu dài nhưng chúng tôi hành động theo quy luật của Trời. Lý tưởng của chúng tôi sẽ đi đến toàn thắng. Chúng tôi sợ giá trị của các ông, nhưng chúng tôi sợ Trời hơn là sức mạnh của các ông. Chúng tôi thề chiến đấu mãi mãi và không mệt mỏi. Nếu chúng tôi thiếu mọi thứ, chúng tôi sẽ lấy cành cây làm cờ, làm gậy cho binh lính. Vậy làm sao các ông có thể sống với chúng tôi?”.

Lời tuyên bố này là vào năm 1862 khi người Pháp chiếm Nam Kỳ. “... không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc” - Hồ Chí Minh cũng đã kêu gọi toàn dân kháng chiến năm 1946 như vậy. Bất kể mọi sự thăng trầm của chính sách và những lợi ích riêng biệt, việc lập lại trật tự tự nhiên là điều được người Việt Nam hiểu rất kỹ. Cũng như người Trung Hoa các thời đại trước, người phương Tây không có chỗ của họ ở Việt Nam. Mọi sự thống trị bên ngoài đều ngắn ngủi bất kể quan điểm chính trị như thế nào. Cộng sản Việt Nam có độc quyền sở hữu thông điệp ấy hay không lại là một chuyện khác.

Chuyến thăm của vợ chồng Tổng thống Bill Clinton 

Những oán giận căm thù đối với kẻ xâm lược từ bên ngoài chỉ là tạm thời và sẽ qua đi một khi trật tự mới được tái lập. Tôi nhớ đến chuyến thăm của vợ chồng Tổng thống Bill Clinton cùng với con gái Chelsea ở Việt Nam vào tháng Mười năm 2000 trước khi rời Nhà Trắng. Sự kiện này được hoan nghênh nhiệt liệt. Những đối thủ xưa kia đã bình thường hóa quan hệ với nhau. Và Việt Nam đã làm xong việc gia nhập vào bản hòa tấu các dân tộc. Dưới con mắt của cộng đồng quốc tế, một chương đã khép lại mặc dù vết sẹo còn chưa kín miệng.

Nhưng công chúng Mỹ phản ứng theo một cách khác. Qua các buổi truyền hình toàn cầu, chuyến thăm đã gây nên một sự tò mò dành cho cặp vợ chồng nổi tiếng. Ở Sài Gòn, tôi đi lẫn trong đám đông khi đoàn xe của Tổng thống Mỹ đến Tòa thị chính thành phố hay nói đúng hơn là trụ sở Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Cũng như ở Hà Nội hôm trước, mọi người dân đều có thể nhìn qua cửa kính xe ôtô bọc thép một Clinton tươi cười và giơ tay vẫy vẫy biểu thị một cử chỉ hữu nghị. Những cô gái trẻ thấy ông “đẹp trai hơn trên truyền hình”. Những người khác thì nhận xét “mũi Clinton quá to”.

Trong khi bà Hillary mua sắm ở một cửa hàng có máy điều hòa ở phố Catinat cũ cách nhà hàng Givral có hai khuỷu tay thì John Kerry đi bách bộ bên ngoài. Không người dân tò mò nào hay người qua đường - mặc dù đã bị cảnh sát không cho tới gần - lại không nhận ra hình bóng của một cựu chiến binh Mỹ huân chương đầy ngực sau này trở thành thượng nghị sĩ có cái nhìn buồn bã, là ứng cử viên không may trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Sự hiện diện của vợ chồng Clinton không gây nên làn sóng nào. Việc các nhà cầm quyền giữ không để cho chuyến đi thăm của Tổng thống Hoa Kỳ gây tiếng vang quá lớn trong dư luận chỉ được giải thích ngắn ngủi. Công chúng Việt Nam đã sang trang từ lâu lắm rồi. Phạm Xuân Ẩn là người đi đầu.

Kỳ 7: Những người bạn của tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn

Trích Một người Việt Trầm Lặng


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 6, 26/04/2024