Nhiều người lại có câu trả lời là: “Cũng đôi khi…”.
Nhưng tôi dám cá là ít nhất có một nửa trong số các bạn trả lời rằng: “Không! Tôi không thật sự hạnh phúc”.
Hạnh phúc là điều có thật hay không
Một số ít người luôn cảm thấy cuộc sống của họ rất hạnh phúc dù cho có điều gì xảy ra đi nữa, trong khi đối với những người khác, họ không tìm thấy hạnh phúc dù đã cố gắng rất nhiều. Phần lớn chúng ta nằm ở giữa hai trạng thái đó.
Người ta tiến hành một cuộc khảo sát những người may mắn trúng số độc đắc - điều mà nhiều người vẫn nghĩ là vận may trời cho. Trong vòng một năm, những người may mắn đó đều quay trở lại giới hạn hạnh phúc trước kia – trước khi họ hay tin mình trúng số độc đắc. Đối với những người bị liệt thì cuộc khảo sát cũng cho kết quả tương tự: trong khoảng một năm sau khi phát bệnh, họ đều tìm lại được cảm giác hạnh phúc trước khi mắc bệnh. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng, bất kể bạn gặp phải chuyện may rủi nào trong cuộc sống, bạn vẫn luôn có xu hướng quay lại mức độ cảm nhận hạnh phúc mà mình đã từng có.
Những cuộc nghiên cứu về sau đã chỉ ra ba trường hợp ngoại lệ: mất người bạn đời – nỗi đau này cần một thời gian dài để vượt qua, bị thất nghiệp dài hạn, và trong trường hợp rơi vào khủng hoảng về tài chính.
Chúng ta đã dành hết cả cuộc đời mình để tìm kiếm hạnh phúc
Chắc bạn đang nghĩ: “Nếu giới hạn hạnh phúc của tôi là cố định, vậy làm sao tôi biết mức độ của nó đến đâu?”. Tiến sĩ David Lykken – nhà khoa học của trường Đại học Minnesota – cũng đã đặt ra một câu hỏi tương tự. Để xác định giới hạn hạnh phúc của con người bao nhiêu là có sẵn và bao nhiêu là tự tạo, Lykken cùng nhóm nghiên cứu của mình đã tiến hành nghiên cứu rất nhiều cặp song sinh cùng trứng nhưng được nuôi dạy tách biệt. Sau nhiều cuộc khảo sát, họ phát hiện khoảng 50% giới hạn hạnh phúc của con người là có sẵn, phần còn lại là do chúng ta tích lũy. Điều này có nghĩa là một nửa xúc cảm hạnh phúc của bạn có được là vốn trời cho, một nửa còn lại là bạn đúc kết được từ những trải nghiệm trong cuộc sống của mình.
Trong một báo cáo gần đây về các cuộc nghiên cứu giới hạn của hạnh phúc, những nhà tâm lý học như Sonja Lyubomirsky, Kennon Sheldon và David Schaade đã xác nhận kết luận của Lykken: 50% giới hạn hạnh phúc được quy định do kiểu gen. Nhưng ngạc nhiên và gây chú ý hơn cả là thông tin họ đưa ra về 50% còn lại: chỉ 10% trong số đó là phụ thuộc vào những yếu tố như: sự giàu có, tình trạng hôn nhân và công việc. Còn lại 40% cuối cùng là kết quả của những suy nghĩ, cảm giác, ngôn từ và hành động của con người. Điều này giải thích vì sao bạn có thể nâng cao giới hạn hạnh phúc của mình. Mọi việc cũng giống như bạn điều chỉnh bộ ổn nhiệt để tìm cảm giác ấm áp trong một ngày đông lạnh lẽo vậy: bạn hoàn toàn có khả năng gia tăng giới hạn hạnh phúc của mình để đạt đến hạnh phúc mỹ mãn.
Kết quả của cuộc nghiên cứu này đã làm thay đổi hoàn toàn những suy nghĩ trước đây của chúng ta về hạnh phúc. Chúng ta đã dành hết cả cuộc đời mình để tìm kiếm nó, khát khao nó và cố gắng làm tất cả những việc mà ta nghĩ sẽ mang lại cho ta hạnh phúc: sự sung túc, sắc đẹp, công việc, các mối quan hệ tốt... Nhưng sự thật là để có được hạnh phúc đích thực, tất cả những điều bạn cần làm là nâng cao giới hạn hạnh phúc của mình mà thôi.
Hạnh phúc không được cảm nhận bằng những giác quan thông thường. |
Chuỗi hạnh phúc
Một ngày nọ, trong lúc ngồi biên soạn lại những thu thập của mình, tôi tổng hợp các tài liệu lại với nhau và nhận ra hạnh phúc cũng thay đổi theo một chu trình như sau:
Không hạnh phúc:
Khi cuộc sống không còn hứng thú nữa, lúc nào bạn cũng trong tâm trạng lo lắng, mệt mỏi và chán nản. Sở dĩ có cảm giác này là do bạn phải liên tục chịu đựng sự giày vò, tuyệt vọng đến nỗi cuộc sống của bạn bị đảo lộn hoàn toàn. Trong trường hợp này, bạn cần tham vấn các chuyên gia tâm lý.
Hạnh phúc vì những điều giả tạo:
Khi con người cảm thấy rằng mình không hạnh phúc, họ thường tìm quên trong những khoái cảm của chất gây nghiện, tình dục, rượu chè, cờ bạc hay sa vào tình trạng thèm ăn hoặc xem ti-vi không thể kiểm soát được. Loại hạnh phúc này thực chất chỉ là giả tạo: bạn cố trốn chạy cảm giác mất mát, không trọn vẹn bằng các thú tiêu khiển để tận hưởng những lạc thú nhất thời.
Hạnh phúc vì những điều tốt đẹp:
Đây là hạnh phúc mà mọi người vẫn thường mơ ước: gia đình ấm êm, bạn bè yêu mến, thành công trong công việc, tình hình tài chính vững vàng, có một ngôi nhà đẹp, một chiếc xe đẹp hay có cơ hội phát huy những thế mạnh và tài năng của mình. Đó là cảm giác hài lòng và mãn nguyện khi bạn tận hưởng những điều mình hằng ao ước.
Hạnh phúc tự thân:
Đây mới chính là hạnh phúc trọn vẹn – một cảm giác ấm êm, thanh thản và yên ả từ sâu thẳm tâm hồn. Đó là một cảm giác bình yên mà không có điều gì bên ngoài có thể chi phối được.
Hạnh phúc đích thực không phải là cảm xúc hân hoan, thích thú hay những phút giây tuyệt đỉnh kéo dài không bao giờ phai nhạt. Và cũng không phải chỉ với một nụ cười mãn nguyện hay cảm xúc thăng hoa trong bất chợt là có thể biểu trưng được cho nó. Sự thật là khi bạn có được niềm hạnh phúc này, đừng ngạc nhiên vì ở bạn vẫn tồn tại những cảm xúc tiêu cực của nỗi buồn, sự sợ hãi, tức giận và thậm chí cả đớn đau nữa – nhưng từ trong tâm hồn, bạn vẫn cảm nhận được sự thanh thản và bình yên đến tuyệt đối.
Một khi đạt được niềm hạnh phúc trọn vẹn, bạn sẽ hòa quyện niềm hạnh phúc đó vào những trải nghiệm của chính mình chứ không phải cố gắng tìm kiếm xúc cảm hạnh phúc từ chúng. Bạn cũng không cần làm tất cả mọi việc chỉ để có được hạnh phúc. Bạn sống vì niềm hạnh phúc thật sự hiện hữu trong con người bạn chứ không phải sống để kiếm tìm hạnh phúc.
Hạnh phúc không được cảm nhận bằng những giác quan thông thường. Nó không phác họa trước mắt bạn một cuộc sống hoàn hảo mà nó chỉ ra cho bạn thấy rằng dù cuộc sống có khó khăn, chông gai đến thế nào thì bạn vẫn cảm nhận được niềm hạnh phúc thật sự trong tim mình.
Trích sách Khi mọi điểm tựa đều mất