Ngày 22.10, họa sĩ Trần Thế Vĩnh đã có buổi giới thiệu cuốn sách Vọng và triển lãm cùng tên đến với công chúng.
51 bức tranh chân dung các nghệ sĩ tiêu biểu của Việt Nam xuất hiện trong tập sách Vọng (NXB Hội Nhà văn 10.2020) cũng được trưng bày tại phòng triển lãm mỹ thuật Mai House Saigon, TP.HCM từ ngày 28.10 - 7.11.2020.
51 bức tranh do Trần Thế Vĩnh vẽ và đưa vào cuốn sách được xem là bức phác thảo tổng quan về những gương mặt đã làm nên một giai đoạn rực rỡ cho nền nghệ thuật nước nhà trong thế kỷ 20.
Những nhân vật xuất hiện trong tranh của Trần Thế Vĩnh ngoài họa sĩ Vĩnh Phối - người thầy thời đại học của anh, còn lại là những tên tuổi lẫy lừng như thầy Tuệ Sỹ, nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn, Vũ Hoàng Chương, Hoàng Cầm, Quang Dũng, nhạc sĩ Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Y Vân, Lam Phương, Trúc Phương…
Đặc biệt, Trần Thế Vĩnh cũng đưa vào Vọng chân dung của những nghệ sĩ rất tài hoa nổi tiếng nhưng vì một vài lý nào đó nên họ ít được xuất hiện trên các phương tiện truyền thông như Tô Thùy Yên, Trầm Tử Thiêng, Nguyễn Hữu Đang, Hữu Loan, Trần Dần, Hoàng Thi Thơ…
Dù Trần Thế Vĩnh tự nhận mình vẽ nhân vật bằng sự đồng điệu “không áp đặt”, “vẽ trong vô thức”, nhưng khi xem tranh của Vĩnh, người xem vẫn đọc được những “mật ngữ” và thông điệp ẩn giấu trong mỗi bức chân dung nhân vật. Đó là cuộc đời, thân phận và cả tác phẩm của họ thăng trầm theo chuyển biến của thời cuộc. Có những cuộc đời được nhìn nhận lại, nhưng cũng có người bị khuất lấp trong lớp bụi thời gian và sự định kiến... Vì vậy, vẽ cũng là cách để Trần Thế Vĩnh đưa những tài hoa ấy đến gần với công chúng hơn.
Có thể nói, mỗi bức chân dung của Trần Thế Vĩnh đều gợi nhớ một điều gì đó rất cụ thể. Ví dụ bên cạnh bức chân dung Nguyễn Hữu Đang nhà báo - văn nghệ sĩ nổi tiếng ở miền Bắc trong thập niên 40 - 50 của thế kỷ trước, Trần Thế Vĩnh viết: “Đã là một sĩ phu tất sẽ có khí phách, là một trí thức tất sẽ mong muốn tự do và sẽ chống lại áp bức bất công. Nguyễn Hữu Đang là người như thế. Trong loạn thế có thể sự lựa chọn ban đầu khác hẳn về sau, nhưng do thời thế đưa đẩy anh hùng cũng phải bị lạc lối mặc dù tâm tưởng không hề muốn”.
Nhận xét về tranh và sách Vọng, nhà nghiên cứu Hà Trọng Vũ viết: “Những gì chúng ta nhìn và thấy được từ những chân dung này qua ý thức nghệ thuật không chỉ tái hiện diện mạo nhân vật, mà ngụ ý sự đồng hiện cuộc đời, phẩm cách và tác phẩm của họ như một toàn thể. Mẫu số chung của những chân dung này là họ đều gánh chung một vận mệnh trong cái đêm dài lịch sử, và nếu ghép những gương mặt này lại, ta có được bức chân dung chung cho một thời đại nhiều biến thiên, 'rằng lời bạc mệnh cũng là lời chung'."
Vẽ gần như là một cái nghiệp suốt đời của Trần Thế Vĩnh, anh chia sẻ: “Ngày nào tôi cũng vẽ, và thường vẽ vào buổi chiều đến đêm khuya. Vẽ cần sự tĩnh lặng bên trong lẫn bên ngoài và cùng với đó là sự nhập tâm. Dù trước lúc ấy, tôi đã đọc và nghiên cứu nhiều tác phẩm của họ, hiểu thơ ca và tư tưởng, nhưng khi vẽ, tôi quên mọi ngôn ngữ ấy đi để tập trung vào ngôn ngữ của chính mình. Không áp đặt. Vẽ trong vô thức. Và chính lúc này là khoảnh khắc diệu kỳ tạo nên trạng thái thăng hoa để đạt được một tác phẩm tốt.
Sự định tâm vô cùng quan trọng trong nghiệp sáng tác của người họa sĩ. Quá khứ của anh ta có thể băng qua nhiều biến cố, với những vết sẹo chưa lành, nhưng anh ta phải chấp nhận rằng mọi chuyện đã trôi vào dĩ vãng, lắng đọng và sắp xếp lại, thì lúc này anh ta có thể nhìn thấy chính mình qua những gì anh ta đã trải qua.
"Vẽ xong thì thật sự sung sướng, y như tôi đang đối diện với chính mình, thích có người bạn cụng ly bia và ngồi với nhau tâm sự, chia sẻ. Hoặc không, tôi sẽ châm điếu thuốc và ngắm bức hình trong trạng thái miên man, say đắm”.
Trần Thế Vĩnh sinh năm 1986, người làng Phúc Lộc, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị; tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Huế năm 2010. Hiện anh là một họa sĩ tự do đang sống và vẽ tại Sài Gòn.
Từ năm 2005 đến nay anh đã có hàng chục triển lãm mỹ thuật khác nhau. Trần Thế Vĩnh cũng giành giải đặc biệt Dogma vào năm 2013.