Trò chuyện với vĩ nhân - Cuộc sống là vô tận nhưng ta lại có quá ít lòng kiên nhẫn

21/10/2020 08:30
Trò chuyện với vĩ nhân - Cuộc sống là vô tận nhưng ta lại có quá ít lòng kiên nhẫn

Trích dẫn chương Trang Tử, cuốn sách "Trò Chuyện Với Vĩ Nhân"

Vợ của Trang Tử qua đời. Hoàng đế đến viếng. Trang Tử là một nhà hiền triết nên ngay cả hoàng đế cũng đến viếng. Hoàng đế còn là bạn của Trang Tử, thỉnh thoảng có mời Trang Tử vào cung để trò chuyện. Trang Tử chỉ là một nhà hiền triết, một nhà hiền triết vĩ đại. Hoàng đế đến viếng và đã nhẩm lại những điều cần nói bởi vì vợ của Trang Tử vừa qua đời. Nghĩ đến những lời lẽ tốt đẹp để an ủi, nhưng khoảnh khắc nhìn thấy Trang Tử, vị hoàng đế trở nên rất khó chịu. Trang Tử đang ngồi hát dưới gốc cây. Trông ông ấy rất hạnh phúc, và vợ ông ấy chỉ mới qua đời sáng nay. Vị hoàng đế lấy làm khó chịu bèn hỏi:

– Trang Tử, không khóc đã là quá lắm, lại còn ca hát, không phải là khanh đang đi quá xa rồi sao!

Trang Tử hỏi lại:

– Nhưng sao thần phải khóc?

Hoàng đế nói:

– Có vẻ như khanh chưa biết rằng vợ mình chết.

Trang Tử đáp:

– Dĩ nhiên là thần biết vợ mình đã chết. Nhưng sao thần phải khóc? Nếu cô ấy chết, nghĩa là cô ấy chết. Thần không bao giờ kỳ vọng rằng cô ấy sẽ sống mãi. Người ta khóc bởi vì người ta kỳ vọng. Thần không bao giờ mong đợi rằng cô ấy sẽ sống mãi. Thần luôn biết cô ấy sẽ chết bất cứ lúc nào, và ngày hôm nay, nó đã xảy ra. Điều này có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào.

Và ngày nào cũng có thể là ngày đó, vậy sao thần không được hát? Nếu không thể hát trước cái chết, vậy thần cũng không thể hát khi sống, bởi vì cuộc sống là hành trình đi đến cái chết. Mỗi khoảnh khắc, cái chết sẽ đến với ai đó, ở nơi nào đó. Cuộc sống là hành trình đi đến cái chết. Nếu không thể hát vào khoảnh khắc của cái chết, thần cũng không thể hát vào bất cứ lúc nào.

Sự sống và cái chết không phải là hai khía cạnh tách rời. Chúng là một. Khoảnh khắc đứa trẻ chào đời, cái chết cũng được sinh ra cùng với nó. Khi người ta trưởng thành, cái chết cũng đến gần hơn, và dù được biết đến với tên gọi nào thì cái chết cũng chính là đỉnh cao của cái được gọi là cuộc sống. Vậy thì tại sao thần không ca hát? Hơn nữa, người phụ nữ tội nghiệp ấy đã sống với thần rất nhiều năm, sao thần không thể hát một vài lời để tỏ lòng biết ơn khi người đó ra đi? Cô ấy phải yên nghỉ trong sự giao hòa giữa âm nhạc và tình yêu. Sao thần lại phải than khóc?

Người ta chỉ khóc khi kỳ vọng điều gì đó mà nó không xảy ra. Thần không bao giờ kỳ vọng rằng cô ấy sẽ ở bên thần mãi mãi. Khi không kỳ vọng, không khao khát, người ta sẽ không thấy bất mãn.

Hãy nhìn vào sự khác biệt. Chúng ta cứ mãi khao khát, rồi thất bại, rồi chúng ta tìm cách để được hài lòng. Điều này hàm nghĩa là bạn không khao khát và bạn cũng nhìn thấy được rằng khao khát là vô ích. Do đó, điều khác biệt thứ hai là bạn chỉ tìm cách để được hài lòng khi thất bại. Nếu thành công, bạn sẽ vui mừng khôn xiết. Điều đó chứng tỏ rằng sự hài lòng của bạn là giả. Khi thất bại, bạn nói: “Tôi mãn nguyện”. Khi thành công, bạn tràn ngập niềm vui. Điều đó không thể xảy ra. Đằng sau sự hài lòng của bạn, ẩn dưới sự hài lòng của bạn là nỗi buồn. Nếu không, khi bạn thành công, niềm vui này sẽ không xuất hiện. Nếu khi thành công, bạn cảm thấy vui, vậy thì không thể nào bạn không cảm thấy bất hạnh khi thất bại.

Với một người như Trang Tử hoặc như Đức Phật, dù có thành công hay thất bại đều không có ý nghĩa quan trọng. Họ vẫn hài lòng. Sự hài lòng giả tạo của bạn sẽ bị phá vỡ bởi sự thất bại. Bạn chỉ xem nó như là tâm điểm khi thất bại, đau khổ. Khi thành công, bạn bước ra khỏi tâm điểm đó để đi vào bầu trời rộng mở, nhảy múa, ca hát trong niềm hạnh phúc, hân hoan. Đây là điều không thể xảy ra. Nó chứng tỏ rằng tâm điểm của bạn là giả mạo. Đó chỉ là sự sắp xếp cho tình huống khẩn cấp. Đó không phải là bản chất tự nhiên của bạn.

Người hài lòng với cuộc sống sẽ không cảm thấy có sự khác biệt nào giữa thành công và thất bại. Đối với người đó, chẳng có sự khác biệt nào. Bất cứ chuyện gì xảy ra, người đó đều hài lòng. Thành công hay thất bại không phải là mối bận tâm, bởi vì anh ta không khao khát đạt được một thành tựu nào đó, một tương lai nào đó. Cho dù chuyện gì xảy ra, tương lai của người đó luôn dịch chuyển. Anh ta luôn sẵn sàng đón nhận nó, bất kể là gì.

Tôi còn nhớ một giai thoại khác về Trang Tử. Khi có ai nói điều gì với ông ấy, thậm chí cả trước khi người đó nói, Trang Tử sẽ bảo: “Tốt, rất tốt!” Đó là thói quen của ông ấy. Do đó, đôi khi tình huống trở nên rất gượng gạo bởi vì người kia có thể sẽ nói điều gì đó không tốt và Trang Tử thậm chí không buồn nghe. Ông ấy chỉ nói: “Tốt, rất tốt!”. Ai đó nói: “Vợ tôi vừa qua đời”, Trang Tử đáp: “Tốt, rất tốt!” như thể ông chưa nghe gì. Ai đó nói: “Đêm qua nhà tôi bị trộm lẻn vào”, và Trang Tử nói: “Tốt, rất tốt!”.

Một ngày kia, có người nói:

– Con trai ông ngã từ trên cây xuống và bị gãy chân.

Ông đáp:

– Tốt, rất tốt!

Từ đó, mọi người bắt đầu cho rằng ông không hiểu được ý nghĩa của từ “tốt”, bởi vì nếu không có gì xấu, nếu mọi thứ đều tốt, vậy thì ông ấy đã vi phạm các giới hạn của ngôn ngữ. Cho nên, cả làng tụ tập lại và hỏi ông:

– Xin hãy nói cho chúng tôi biết ý nghĩa của từ “tốt” bởi vì chúng tôi đã thông báo mọi việc, thậm chí những điều không may và cả cái chết, nhưng ông chỉ nói “Tốt”. Và sáng nay, con trai ông bị ngã gãy chân. Đó là người duy nhất giúp ông lúc tuổi già. Cậu ấy vẫn chăm sóc ông cho đến tận lúc này, và giờ ông sẽ phải chăm sóc cho cậu ấy. Với tuổi già sức yếu, đó là điều không may nhưng ông lại vẫn cứ nói “Tốt”. 

Trang Tử đáp:

– Cứ chờ xem! Cuộc sống là một mối quan hệ rất

phức tạp.

Ngày hôm sau, chiến tranh xảy ra với nước láng giềng, và mọi thanh niên trong làng đều phải đi lính. Chỉ có con trai của Trang Tử là ở nhà vì đôi chân đi nạng. Vì thế dân làng nói:

– Ông thật là người nhìn thấu sự việc. Ông nói “Tốt” và chuyện hóa ra là “Tốt” thật.

Trang Tử đáp:

– Cứ chờ xem! Đừng vội. Cuộc sống rất phức tạp và mọi thứ vẫn tiếp diễn!

Con trai ông vừa đính hôn với một thiếu nữ, nhưng rồi gia đình nhà gái từ chối gả con bởi vì họ không hy vọng chàng rể có thể đi lại được nữa; đôi chân của cậu ấy đã bị thương rất nặng. Do đó, một lần nữa, dân làng lại nói:

– Mọi chuyện cuối cùng lại hóa ra tồi tệ.

Trang Tử nói:

– Cứ chờ xem! Đừng vội. Cuộc sống rất kiên nhẫn.

Một tuần sau, cô gái bỗng qua đời. Dân làng lại đến gặp ông và hỏi:

– Ông đang làm gì vậy? Ông có khả năng tiên đoán thật phi thường. Có phải ông đã thấy trước được rằng cô gái kia sẽ chết?

Nhưng Trang Tử lại nói:

– Cứ chờ xem! Cứ chờ xem!

Trang Tử đã nói rằng mọi thứ sẽ tốt đẹp nếu bạn không kỳ vọng. Cuộc sống là vô tận nhưng chúng ta lại có quá ít lòng kiên nhẫn. 

Nhập mã TIKITDT9 giảm thêm 5% khi mua sách do "Trò Chuyện Với Vĩ Nhân" do Tiki Trading phân phối: http://bit.ly/trochuyenvoivinhan-tk. Thời hạn sử dụng: đến hết ngày 31/10/2020. Số lượng mã giảm giá có hạn.

Trạm Đọc trích đăng |


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025