"Cha giàu, Cha nghèo" là một cuốn sách tài chính nổi tiếng của tác giả Robert Kiyosaki. Trong một cuộc phỏng vấn cách đây vài năm, ông đã có chia sẻ đáng chú ý: "Hệ thống giáo dục thực ra dạy mọi người để ‘nghèo’ vì nó được thiết kế để dạy chúng ta thành người làm công ăn lương. Họ không dạy chúng ta về tiền bạc. Một sự thật mà tôi phải nói là nếu muốn nghèo, hãy học nhiều còn nếu muốn giàu có và hạnh phúc hơn thì tìm cách khác".
Người cha nghèo của Robert là một tiến sĩ. Ông từng nói với Robert: "Nhiệm vụ của con là đi học để sau này có công việc với mức lương ổn định".
Theo tác giả, "cái nghèo" được truyền cho chúng ta từ chính gia đình. Bao đời nay, chúng ta vẫn được dạy rằng "Để giàu có, bạn cần một công việc và làm việc chăm chỉ".
Chân dung Robert Kiyosaki (Ảnh: Internet).
Robert chỉ ra rằng một thống kê cho thấy 65% vận động viên chuyên nghiệp phá sản sau 5 năm dù trước đó họ kiếm được nhiều triệu USD. Tương tự, phần lớn những người trúng số hay giàu lên nhờ may mắn nào đó, rơi vào cảnh cháy túi trong thời gian ngắn. Theo ông, lý do là họ có tư duy của người nghèo và nếu không thay đổi, họ sẽ "nghèo vẫn hoàn nghèo" dù có nhiều tiền ra sao.
"Khi coi mình là người làm thuê, bạn đã ‘sập bẫy’ cái nghèo. Khoảnh khắc nhận lương, bộ não của bạn coi như đã chết. Khi được hỏi tại sao không cho người nghèo tiền, tôi trả lời là điều đó sẽ tạo ra nhiều người nghèo hơn. Ví dụ bạn cho một người một con cá, nhiều người khác sẽ xúm vào xin. Thay vào đó, hãy cho họ cần câu hoặc dạy họ cách câu cá.
Đừng nói ‘Tôi không thể’ bởi khi đó tâm trí của bạn sẽ bị đóng lại và bạn trở thành những gì mình nói. Tương tự, nếu có suy nghĩ ‘Tiền không quan trọng với tôi’, nó sẽ dẫn đến kết quả là tiền cũng chẳng thèm quan tâm đến bạn".
Ảnh: Internet.
Cũng theo Robert, người nghèo hay có tư tưởng "Mình sẽ không bao giờ giàu được" và "Người giàu thường tham lam". Ông cho rằng người nghèo mới là kẻ tham lam. "Nếu muốn giàu, trước tiên bạn phải cho đi. Tôi viết sách để truyền tải thông tin, tạo việc làm cho người khác. Nhờ đó, tôi mới giàu lên. Người nghèo không tạo ra hay cho đi cái gì mà chỉ muốn làm thế nào để bản thân được lợi nhiều nhất.
Đa số mọi người thiếu kiến thức về kế toán, thuế hay nợ. Không ít thì nhiều, bạn phải biết về những thứ đó. Không phải ngôi trường nào cũng dạy chúng ta về chúng.
Người sợ mắc sai lầm (như những gì họ được dạy ở trường) sẽ không bao giờ trưởng thành được. Họ có tâm lý chung là ‘cuộc đời có tốt và xấu, đúng và sai, có thăng có trầm’. Phần lớn họ chỉ muốn đúng và tin vào những thứ tích cực. Nhưng thực tế thì không nhưng vậy.
Mỗi lần thất bại, tôi đều tự nhủ rằng ‘Tốt thôi. Mình đã học được gì từ trải nghiệm này?’ để từ đó rút kinh nghiệm. Hầu hết người bình thường không giàu được là vì họ chưa từng thất bại.
Họ làm mọi thứ theo cách an toàn để tránh phạm sai lầm. Điều đó có nghĩa là họ chẳng học được gì cả. Chúng ta đều sợ thất bại nhưng thất bại lại là cách để chúng ta thành công. Đừng sợ thất bại mà hãy dũng cảm đứng lên", Robert chia sẻ.
Nguồn: Inc
Theo Nhịp Sống Kinh Tế