Kể từ khi kết hôn với Ben Affleck vào năm 2005, Jennife Garner chỉ đóng những bộ phim hài hoặc tâm lý và rất nhiều trong số đó là vai phụ. Điều này trái ngược với hình ảnh nữ cường nhân mà cô từng gầy dựng cho mình thông qua loạt phim truyền hình Alias (vai điệp viên CIA Sydney Bristow), Daredevil và Elektra (vai siêu anh hùng Elektra Natchios).
Nguyên nhân chủ yếu là vì Jennifer Garner muốn tập trung chăm sóc cho gia đình nhỏ của mình với 2 con gái và 1 con trai. Ngoài ra, cô cũng muốn lùi lại phía sau để tạo điều kiện cho Ben Affleck có thể tập trung phát triển sự nghiệp.
Chính vì thế, việc lựa chọn Peppermint là màn trở lại sau scandal ly hôn đình đám là quyết định hoàn toàn dễ hiểu của Jennifer Garner. Bởi vì cô muốn cho cả thế giới nhớ lại rằng cô đã từng mạnh mẽ như thế nào.
Peppermint (tên tiếng Việt: “Thiên thần công lý”) xoay quanh Riley North (Jennifer Garner đóng), một người vợ đảm đang và một người mẹ thương con. Đáng tiếc, cô đã tận mắt chứng kiến cảnh chồng và con gái bị bắn chết bởi một băng nhóm tội phạm chuyên buôn lậu ma túy. Tuy nhiên, những kẻ nhân danh công lý đã không đứng về phía Riley. Chúng bị đồng tiền làm mờ mắt và đã sử dụng quyền lực của mình để biến cô thành một kẻ tâm thần trong mắt công chúng.
Mang trong mình sự giận dữ tột cùng, Riley đã trốn thoát ra nước ngoài và tự rèn dũa bản thân thành một sát thủ có khả năng giết người trong chớp mắt. 5 năm sau, cô quay trở lại thành phố nơi mình từng sinh sống với một ý chí sắt đá là sẽ khiến cho những kẻ thủ ác phải trả giá, kể cả đó có là cảnh sát biến chất hay thẩm phán bị mua chuộc.
Nhiều người đã gọi Peppermint là Taken phiên bản nữ do có cùng đạo diễn là Pierre Morel. Mặc dù vậy, Riley North không giống như Bryan Mills (Liam Neeson đóng) – một cựu điệp viên CIA với bề dày kinh nghiệm trong kĩ năng săn tin và giết người.
Riley chỉ đơn thuần là một phụ nữ yếu đuối nhưng vì mong muốn trả thù quá mãnh liệt cho nên đã phải tự tập luyện để mạnh mẽ hơn. Can trường là thế nhưng khán giả vẫn sẽ thấy cô dễ dàng bị đả thương và không thể một mình sáp lá cà với hàng chục người. Thay vào đó, cô vận dụng chiến thuật mới có thể hoàn thành mục tiêu của mình.
Peppermint tràn ngập những pha hành động đánh đấm máu me. Và bản chiếu ở Việt Nam cũng không bị cắt quá nhiều. Thế nhưng xen lẫn với tính bạo lực xuyên suốt là các thông điệp nhân văn được lồng ghép nhằm ca ngợi tình mẫu tử và tính người của Riley.
Mặc dù vậy, Peppermint không hề có điểm nào nổi bật ngoại trừ Jennifer Garner. Kịch bản lỏng lẻo, thiếu thuyết phục và không hợp lý khiến cho câu chuyện trở nên dễ đoán và kém hấp dẫn. Các pha hành động thì tương tự như hàng ngàn phim bộ phim khác, nếu không nói là có phần nhàm chán. Có lẽ vì thế mà Peppermint đã bị giới phê bình nghệ thuật chê bai thậm tệ.
Trên Rotten Tomatoes, Peppermint chỉ sở hữu đánh giá “12% độ tươi”. Trong khi đó, phản ứng khán giả cũng không khá khẩm hơn khi trang Cinemascore cho điểm “B+”.
Công chiếu tại Mỹ vào ngày 7.9, Peppermint chỉ thu về 13,4 triệu USD cho tuần đầu, đứng sau phim kinh dị The Nun với 53,8 triệu USD. Tính đến hiện tại, bộ phim đã thu về 37,2 triệu USD so với kinh phí sản xuất 25 triệu USD. Đây là một thất bại toàn diện cho hãng STXfilms và Lakeshore Entertainment.
Suy cho cùng, Jennifer Garner có lẽ đã quá vội vã trong khâu chọn kịch bản. Cô vẫn đẹp với thần thái đỉnh cao nhưng Peppermint chắc chắn không phải là một sự trở lại xứng đáng dành cho cô.
Peppermint được trình chiếu trên toàn quốc từ ngày 28.9.2018
Mai Thảo