3 năm đầu hôn nhân
Nguyên nhân chủ yếu là khác biệt về thói quen. Ở giai đoạn này người ta thường chia tay vì những điều rất nhỏ nhặt nhưng không thể thích nghi được. Ví dụ vợ quen dậy sớm, thích ăn cơm nhà, cuối tuần thăm nom bố mẹ, chồng quen dậy muộn, thích ra ngoài tụ tập bạn bè, thích ăn uống hàng quán.
Riết dần, cô vợ thấy chồng vô tâm, thấy cô đơn, bị bỏ rơi. Còn chồng thì thấy vợ cứng nhắc, nhàm chán, không biết thông cảm. Rồi họ chán nhau, và bỏ nhau!
Năm đầu tiên sau khi sinh con
Đây là thời điểm khó khăn của đa số các cặp đôi. Lúc này mọi sinh hoạt trong gia đình bị xáo trộn. Người phụ nữ cũng bị thay đổi tâm sinh lý, nam giới bị thay đổi nhịp sống. Và xung đột từ đó cũng rất dễ xảy ra.
Người vợ lúc này cần sự quan tâm, hỗ trợ, sẻ chia và động viên từ chồng. Đứa con là tất cả mối quan tâm, chồng và nhu cầu tình dục bị xếp xuống thứ yếu. "Sự thay đổi" này khiến nam giới khó chấp nhận. Mâu thuẫn từ chuyện chăm con, chuyện gia đình, chuyện kinh tế khiến căng thẳng sẽ ngày một nhiều hơn.
15 năm hôn nhân trở lên
Nguyên nhân là do khác biệt về hệ giá trị. Sau mười mấy năm bên nhau, khi con cái đã tương đối lớn, họ không còn có chung trách nhiệm nặng nề về chăm sóc chúng nữa. Họ bắt đầu nghĩ cho mình, rồi nhận ra sự khác biệt giữa hai người về quan điểm và triết lý sống.
Nếu hệ giá trị của người vợ lấy gia đình làm trọng, còn người chồng lại lấy sự đóng góp cho xã hội làm trọng, họ sẽ không có cùng mục tiêu sống, không có cùng lối đi, không có cùng lý tưởng. Họ lệch nhau và xa nhau.
Quỳnh An (t/h)