Tong giai đoạn đầu của lĩnh vực tâm thần học trẻ em, người ta vẫn cho rằng trẻ em có khả năng tự phục hồi sau các sự kiện gây sang chấn. Tuy nhiên, các nghiên cứu của bác sĩ tâm thần nhi Bruce D. Perry và đồng sự đã chỉ ra rằng sang chấn ảnh hưởng đến trẻ em mạnh mẽ hơn so với người lớn, và sang chấn xảy ra ở tuổi đời càng sớm thì càng có khả năng gây ra hậu quả nghiêm trọng, kéo dài.
Những gì các em không biểu đạt, chia sẻ được bằng lời sẽ được biểu lộ qua các phản ứng mang tính bản năng, vô thức, trong tính cách và các hành vi thường ngày - thường khiến người lớn nhầm tưởng các em mắc các khiếm khuyết bẩm sinh về thể chất hoặc các chứng rối loạn tâm lý, tâm thần như ADHD, ADD…
Bước vào nghề y, bác sĩ Perry đã xác định sẽ dành trọn sự nghiệp của mình để tìm hiểu về các tác động của sang chấn lên trẻ em cũng như xây dựng các phương pháp mới để có thể giúp các em vượt qua những ảnh hưởng từ những trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu. Trong nhiều năm điều trị cho trẻ em từng gánh chịu những bi kịch thảm khốc, bác sĩ tâm thần nhi Bruce D. Perry đã chứng kiến những khía cạnh tăm tối nhất của con người, đồng thời cũng nhìn thấy ánh sáng từ sức mạnh và tâm hồn đầy trắc ẩn của trẻ em.
Cũng từ đó, cuốn sách “Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó” ra đời. Trong sách, bác sĩ Perry đã bắt tay với nhà báo Maia Szalavitz để giải quyết ba vấn đề: Sang chấn ảnh hưởng đến sự phát triển tính cách và hành vi của trẻ em như thế nào? Làm thế nào để giúp trẻ em đối phó tốt hơn với sang chấn? và Làm thế nào để ngăn ngừa trẻ em khỏi những sự kiện bi thảm?
Cuốn sách “Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó” chọn lọc từ những ca điển hình trong quá trình làm việc của bác sĩ Perry, mỗi ca sẽ mổ xẻ một vấn đề về tác động của sang chấn lên trẻ em. Các sự kiện gây sang chấn, từ việc bị tấn công tình dục nghiêm trọng, bị bạo lực, lạm dụng, cho đến bị bỏ bê hoặc chứng kiến tội ác kinh hoàng - tất cả đều tạo ra những tác động phức tạp, khó lường và kéo dài đối với các em.
Những câu chuyện trong sách được sắp xếp theo trình tự thời gian, cung cấp một cái nhìn tổng quan về sự phát triển của ngành sang chấn học, lĩnh vực tâm thần nhi và quá trình phát triển của bác sĩ Perry khi ông và các đồng sự đã nghiên cứu, xây dựng và áp dụng thành công Mô hình trị liệu thần kinh tuần tự – một phương pháp trị liệu chú trọng tìm hiểu lịch sử của bệnh nhân, xác định những thiếu hụt và tổn thương mà bộ não phải chịu trong quá trình phát triển, từ đó có sự bù đắp và chữa trị thích hợp.
Theo bác sĩ Perry, để hiểu về sang chấn thời thơ ấu và tác động lâu dài của nó, trước tiên chúng ta cần hiểu bộ não phát triển như thế nào. Não phát triển theo trình tự, bắt đầu với các vùng đơn giản nhất, sau đó phát triển phức tạp hơn theo tuổi tác. Thân não phát triển đầu tiên, tiếp theo là não trung gian, hệ viền và cuối cùng là vỏ não. Bất kỳ vùng nào nào đang phát triển hoặc chưa phát triển trong giai đoạn xảy ra sự kiện sang chấn đều sẽ có những khiếm khuyết nhất định về sau.
Trong cuốn sách này, bạn sẽ được đọc về những đứa trẻ phi thường, với những câu chuyện có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bản chất và sức mạnh của mối quan hệ giữa người với người. Đồng thời, cuốn sách cũng hé lộ việc bộ não của trẻ em được phát triển và định hình bởi những con người xung quanh các em như thế nào; vạch trần sự vô tâm, nghèo đói, bạo lực, lạm dụng tình dục, bối cảnh sống hỗn loạn và sự bỏ bê có thể hủy hoại những nhân cách còn non trẻ và những bộ não đang trong quá trình phát triển ra sao.
Mặc dù các bé trai và bé gái này đã phải trải qua những biến cố khủng khiếp hơn rất nhiều so với những gì mà phần lớn các gia đình gặp phải, nhưng bài học từ câu chuyện của các em vẫn có thể giúp các phụ huynh hỗ trợ con em mình đương đầu với các tình huống căng thẳng và biến cố vốn không thể tránh khỏi trong cuộc sống.
Qua cuốn sách, ta thấy rõ hơn những vết hằn mà trải nghiệm gây sang chấn để lại, những ảnh hưởng của các sang chấn đến nhân cách cũng như khả năng phát triển cảm xúc và thể chất của trẻ. Từ đó, chúng ta sẽ biết rõ hơn những gì mà trẻ em cần ở ta – các bậc cha mẹ, người giám hộ, bác sĩ của các em hay chính phủ – để các em có thể có một cuộc đời trọn vẹn và lành mạnh.
Tuy chứa đựng lượng kiến thức khoa học thần kinh khổng lồ nhưng trong “Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó” những câu chuyện không hề khô khan mà đầy trắc ẩn và tình thương, nhờ sự cân bằng hài hòa giữa kể chuyện và truyền đạt thông tin. Bác sĩ Perry đã làm sáng tỏ một thực tế rằng chỉ khi thấu hiểu quá trình phát triển của não bộ và cơ chế hoạt động của tâm trí, ta mới có hy vọng ngăn ngừa và chữa lành nỗi đau tinh thần của trẻ em.
Về tác giả
Tiến sĩ, bác sĩ Bruce D. Perry |
- Tiến sĩ, bác sĩ Bruce D. Perry (1955) là giảng viên, chuyên gia lâm sàng và nhà nghiên cứu tích cực về sức khỏe tâm thần của trẻ em và khoa học thần kinh. Ông nắm giữ nhiều vị trí học thuật khác nhau. Nghiên cứu của ông về tác động của việc lạm dụng, bỏ bê và chấn thương đối với bộ não đang phát triển đã tác động đến thực hành lâm sàng, các chương trình và chính sách trên toàn thế giới. Ông là thành viên cấp cao của ChildTrauma Academy, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Houston, và từng nghiên cứu, giảng dạy tại Trường Y thuộc Đại học Chicago, Đại học Y Baylor ở Houston, Texas, Đại học Northwestern ở Chicago. Ông từ là trưởng khoa Tâm thần của Bệnh viện Nhi đồng Texas và Phó chủ tịch Nghiên cứu của khoa Tâm thần học.
Tiến sĩ Perry là tác giả của hơn 500 bài báo, chương sách và kỷ yếu khoa học. Ông nhận được nhiều giải thưởng và bằng danh dự chuyên môn, bao gồm Giải thưởng Vận động về Sức khỏe Tâm thần Trẻ sơ sinh T. Berry Brazelton, Giải thưởng Lãnh đạo về Phúc lợi Trẻ em Công cộng và Huy chương trăm năm của Alberta.
Nhà báo Maia Szalavitz |
- Maia Szalavitz (1965) là một tác giả và nhà báo từng đoạt giải thưởng, chuyên viết về chứng nghiện và khoa học thần kinh. Nhờ những đóng góp của mình, bà từng giành được các giải thưởng lớn từ các tổ chức uy tín như Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, Liên minh Chính sách Ma túy và Trường Cao đẳng Dược lý Thần kinh Hoa Kỳ.