Đừng đợi người ta đi lấy chồng rồi mới tiếc nuối: hay hồi đó nói sớm hơn thì người ta đâu có gật đầu sang bến khác. Tất nhiên, nói sớm chưa chắc họ gật đầu về bến mình nhưng ít ra cũng không để cho mình ngẩn ngơ như thế.
Đừng đợi khi người đã rời xa mình rồi mới thấy: hóa ra, mình đã đánh rơi một ân tình, một mối quan hệ quý giá, một người thương ta hơn cả bản thân họ. Vậy mà, khi còn-có-họ bên cạnh ta cứ thờ ơ, lãnh đạm, ta chưa từng trân quý và biết ơn. Sự ra đi của người có thể là mãi mãi mất đi, cũng có thể là về bên người khác. Mà sự rời đi nào chắc cũng đắng cay trong tình cảnh này.
Đừng đợi khi sức khỏe đã hao mòn mới quấn quýt tìm phương lấy lại bởi nếu có lấy lại được cũng sẽ tốn công-sức-bạc tiền. Đa số, sức khỏe đã kiệt thì "một đi không trở lại". Tốt nhứt nên mỗi ngày chú ý đến bản thân, thở vào tôi biết tôi khỏe, thở ra, tôi cảm ơn vì hôm nay mình còn khỏe.
Cũng đừng đợi sức khỏe không còn mới nói: nếu còn khỏe tôi sẽ làm chuyến tình nguyện này, sẽ tới thăm người kia, sẽ đi chùa và tụng kinh đêm đêm, sẽ ngồi thiền và tỉnh thức mỗi ngày bên tách trà ấm... Còn bây giờ, làm chi cũng khó! Đợi là mất đi cơ hội được sống với những điều mầu nhiệm, bằng an đó.
Đừng đợi nước tới chân mới nhảy. Câu này ta hay nghe người lớn khuyên bảo mình, để ta hạn chế sự bị động trong cuộc sống, hãy chủ động nhiều hơn vì mỗi ngày qua ta đã chết nhiều lần, đã rút ngắn quỹ thời gian được sống với hình hài này.
Biết xả báo thân có còn trở lại được làm người không mà hoang phí?
Bụt dạy, thân người khó được, Phật pháp khó nghe, đã được thân người, đã nghe-hiểu phần nào lời Phật, có tin nhân quả... thì đợi chi nữa mà không gieo hạt mầm thiện hôm nay: một ý thiện trao cho người, một lời nói dễ thương lưu lại hay một việc làm góp chút bình an...