Giúp con vun đắp tình bạn

Nguyễn Ngọc Minh15/11/2018 10:11
Giúp con vun đắp tình bạn

Tôi cho rằng, những tình bạn đẹp đẽ đó là tài sản vô giá trong tuổi thơ của con, quí giá hơn nhiều so với thành tích, giải thưởng. Vì thế, tôi luôn nâng niu trân trọng và giúp con vun đắp chúng.

Hai con trai nhà tôi học tuy không giỏi lắm, nhưng được cái giỏi chơi với bạn. Chúng nó có bạn thân, quấn quýt như hình với bóng. Thân tới nỗi khi con trai lớn chuyển trường, thằng bạn thân nối khố từ thời mẫu giáo của nó cũng không nói không rằng, thu xếp sách vở, bắt mẹ ngay lập tức chuyển trường cho con. Nó đòi mẹ mua balo, mua đồng hồ và đồ dùng học tập giống hệt của Huy, thậm chí còn muốn đổi hẳn tên thành Đỗ Nhật Huy nữa, muốn làm con trai của tôi, là anh Hai trong nhà tôi.

Con trai bé cũng có một cậu bạn thân học cùng từ thời mẫu giáo, ở trường hai đứa dính nhau như sam, hôm nào bạn thân đến chơi là chúng nó cứ ríu ra ríu rít, nói cười huyên thuyên. Ngoài những người bạn thân nhất đó, chúng nó cũng có một danh sách dài những bạn thân theo kiểu khác, thậm chí nó còn chơi thân được với cả một bạn người Nhật, quí nhau tới nỗi tuần nào mẹ bạn ấy cũng đón nó về nhà, mặc dù hai thằng gần như chẳng mấy khi nói chuyện với nhau. Khi một người bạn thân của nó sang sống ở Nhật, mùa hè được về Việt Nam, nó biết tin bạn sắp tới nhà chơi, cứ đứng dán mắt vào cửa sổ, nhìn xuống bên dưới, dứt khoát chờ cho đến lúc nhìn thấy bạn Hoàng Nam tới mới chịu thôi.

Tôi cho rằng, những tình bạn đẹp đẽ đó là tài sản vô giá trong tuổi thơ của con, quí giá hơn nhiều so với thành tích, giải thưởng. Vì thế, tôi luôn nâng niu trân trọng và giúp con vun đắp chúng.

Bạn nghĩ xem, mỗi khi nhớ lại thời thơ ấu, cái bạn nhớ nhất là gì? Chẳng phải là những lần được giải thưởng, điểm cao, mà chắc chắn sẽ là những trò nghịch ngợm dại dột cùng lũ bạn nối khố. Nếu bước chân vào một căn phòng, tuy xung quanh toàn những người xa lạ, nhưng chỉ cần có một gương mặt thân quen, tin cậy, tất cả chúng ta đều cảm thấy mình như có chỗ dựa. Trong những lúc sóng gió bất trắc của cuộc đời, chỉ cần biết rằng ta không cô độc, bên cạnh ta có những người bạn sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ, mọi bất an thất vọng có thể được nguôi dịu.

Những đứa trẻ cô đơn, không có bạn thân cũng sẽ dễ có nguy cơ sa ngã hoặc trầm uất hơn khi tới tuổi dậy thì, bởi chúng có xu hướng chạy trốn nỗi cô đơn hoặc khẳng định cái tôi bằng những cách thức mạo hiểm. Vì thế, giúp con tạo dựng những tình bạn bền vững, tin cậy ngay từ thời còn nhỏ chính là cách để tạo nên xung quanh con một vành đai an toàn, giúp con tránh khỏi những cám dỗ và tự tin hơn trong cuộc sống, giúp con học được cách chăm sóc, chia sẻ và hợp tác, những kĩ năng vô cùng quan trọng trong cuộc sống sau này.

Từ khi con còn nhỏ, tôi đã thường xuyên mở rộng cánh cửa để cho bọn trẻ con hàng xóm thoải mái bước vào. Chúng nó thậm chí có thể vào mà không cần gõ cửa. Có lúc tôi lúi húi nấu nướng không để ý, lúc cả nhà đang ăn cơm mới phát hiện ra có thằng hàng xóm đang lủi thủi ngồi trong phòng ngủ đọc sách. Nó đọc xong, lại mượn một cuốn khác đem về, hôm sau lại mang sang trả. Có thằng ngồi lì trong nhà tôi từ sáng tới trưa, từ trưa tới tối, chỉ về nhà để ăn cơm và đi ngủ, sáng sớm đã thấy gõ cửa cộc cộc hỏi Huy Nam dậy chưa. Nó cứ thường trú như vậy, thành ra cả nhà tôi cũng coi nó như một thành viên trong nhà.

Lúc con 3,4 tuổi, đã có thể đi chơi được, là tôi thường xuyên cho con đi chơi cùng nhóm bạn của nó. Các bố mẹ có con học cùng lớp mẫu giáo, nhờ bọn trẻ con, mà trở nên thân thiết với nhau, thậm chí còn thân hơn chúng nó, suốt ngày kiếm cớ cho bọn nó đi giao lưu mà thực ra là để các bố mẹ có cơ hội được tụ tập. Các bố chơi với các bố, các mẹ sẽ tán chuyện với các mẹ và thả bọn trẻ con tự chơi với nhau. Chúng tôi thường ra ngoại thành, ra ngoài trời vào ngày cuối tuần, để trốn khỏi sự ngột ngạt căng thẳng của thành phố, tận hưởng cảm giác tự do thư thái của những ngày nghỉ. Chúng tôi có tất cả các đồ nghề, từ lều trại tới bát đĩa chuyên dụng, dao dĩa để có thể lên đường bất cứ lúc nào.

Thỉnh thoảng, cả nhà sẽ đến thăm nhà bạn của con, và ở đó ăn uống cả ngày, thả bọn trẻ con tự chơi với nhau. Những lúc có việc bận hoặc phải đi công tác, tôi có thể gửi con ở nhà bạn vài ngày mà không cần lo lắng. Những lúc bố mẹ bạn của con đi công tác, bọn nó cũng có thể ở nhà tôi vài ngày. Quang Minh còn được về nhà Huy ăn giỗ cụ. Nó không có cậu nên đề nghị được gọi cậu của Huy là cậu. Vì lẽ đó, bọn nó rất gắn bó, coi nhau như anh em.

Trong bữa cơm, tôi thường hỏi con về chuyện bạn bè, trường lớp. Bọn nó sẽ kể cho bố mẹ nghe chuyện con chó nhà bạn Bá An, chuyện con thấy bạn Giáp buổi trưa không ngủ, bạn ấy quay vào tường khóc, chuyện bạn Lâm Chim Thâm đá bóng giỏi, chuyện Bảo Anh rất hào phóng… Tôi có thể biết rõ tính cách và gia cảnh của từng bạn qua những câu chuyện trên bàn ăn.

Tôi thường nói chuyện và chơi thân với bạn của con nên “moi” được nhiều thông tin mà bọn trẻ con nhà tôi giấu nhẹm. Có lần, bạn lớn bị một anh lớp trên bắt nạt, nhưng không thấy chúng nó nói gì lúc về nhà. Vài hôm sau, tôi nghe bạn thân của nó kể là lúc Huy bị bắt nạt, bọn con bảo vệ Huy nên tấn công cái anh lớp trên.

Có lần tôi còn nghe bạn Anh Thư mách là Huy không ăn hết suất, lúc cô giáo đi chỗ khác, bạn ấy cất khay thức ăn đi để đỡ phải ăn. Hôm nào đi đón con cũng thấy một vài thằng ở đâu chạy tới, mách chuyện trên lớp của bọn nó. Với một hệ thống tình báo giăng mắc khắp nơi, tôi có thể nhìn thấy những phương diện khác nhau của con, thứ mà bằng mắt thường tôi không có cơ hội nhìn thấy được.

Nhiều bố mẹ thường than phiền với tôi là con cái sống cô độc, không biết cách chơi với bạn bè, không biết cách làm việc nhóm, và cho rằng đó là bản tính bẩm sinh và không thể cải tạo được. Nhưng thực ra, bằng cách điều chỉnh môi trường, ta có thể thúc đẩy sự gắn kết.

Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, cảm giác gắn kết phụ thuộc chặt chẽ vào không gian. Không gian càng hẹp, khoảng cách càng gần thì càng dễ tạo nên sự gắn kết. Chúng ta có xu hướng thân thiết hơn với những người hàng xóm sát cạnh nhà mình. Những người đi chung một chuyến xe nhỏ, giữa xung quanh là không gian mênh mông rộng lớn, thường tự nhiên có cảm giác gắn kết với nhau. Những học sinh ngồi gần nhau trong lớp học, thường có xu hướng thân thiết với nhau hơn.

Vì thế, muốn giúp con tạo nên những mối quan hệ gắn kết, bạn phải thu hẹp khoảng cách không gian giữa con với bạn bè của chúng bằng rất nhiều cách như mời bạn của con đến nhà, mời chúng ăn chung một bữa cơm, mời chúng đi chơi trên cùng một chuyến xe…

Chúng ta cũng thường gắn kết hơn với những người mà chúng ta có cơ hội được gặp gỡ nhiều hơn. Sự tiếp xúc thường xuyên, liên tục sẽ làm gia tăng sự gắn kết. Vì lẽ này, ngoài việc con gặp gỡ với bạn bè ở trường, lớp, hãy gia tăng các cơ hội cho con được tiếp xúc với các bạn bằng cách tới thăm nhà bạn, mời bạn tới thăm nhà, hẹn nhau cùng ra công viên chơi, cùng nhau thực hiện một dự án học tập…

Những mối quan hệ gắn kết cũng chỉ có thể được tạo ra khi cả hai bên có sự tôn trọng, chia sẻ và chấp nhận, tha thứ. Vì thế, để có thể giúp con vun đắp tình bạn, bạn cần phải dạy con thái độ tôn trọng người khác, chấp nhận sự khác biệt của người khác, và bao dung với những sai lầm của người khác. Điều này có thể được vun đắp thông qua việc kể cho con nghe hoặc khuyến khích các con đọc các câu chuyện về tình bạn, xem các bộ phim hay về tình bạn, dạy con cách đặt điểm nhìn của mình vào người khác.

Từ nhỏ, có một câu mà mẹ tôi thường xuyên nhắc đi nhắc lại: Con thử đặt mình vào địa vị của người khác xem sao. Lời nhắc nhở này đã in đậm trong vô thức của tôi, tới mức dù làm bất cứ việc gì, tôi luôn có thói quen nghĩ tới những hệ quả của nó tới những người xung quanh, dù giao tiếp với ai, tôi cũng luôn có thói quen phân tích những suy nghĩ của họ và đặt mình vào vị trí của người khác để giải quyết vấn đề. Thói quen này đã khiến tôi trở thành một con người hòa đồng, thân thiện, dễ hợp tác, một khía cạnh khiến cho đời sống của tôi trở nên thuận lợi, hạnh phúc.

Đối với trẻ nhỏ, việc kết bạn chính là một bước đệm rất quan trọng giúp hình thành nên con người xã hội bên trong trẻ, giúp trẻ có khả năng hòa nhập thích ứng với môi trường xã hội sau này, giúp trẻ biết điều chỉnh hành vi của mình cho hòa hợp với những người xung quanh. Và hơn hết, một tình bạn đẹp chắc chắn sẽ giúp cho con luôn cảm thấy ấm áp và hạnh phúc, đó chính là một tài sản và cũng là một món quà vô giá mà bạn có thể tặng cho con mình.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 07/12/2024