Năm 2010, ở Triều Thiên Môn, (Trùng Khánh, Trung Quốc), một người đàn ông trung niên ở trần, vác trên vai một bao hàng lớn gấp 2-3 lần cơ thể, tay kia dắt theo một đứa bé, miệng ngậm điếu thuốc. Theo từng bậc thang, người anh đung đưa nhịp nhàng với bao hàng, bước đi vững vàng.
Bức ảnh nổi tiếng này được chụp bởi một nhiếp ảnh gia qua đường và đăng lên mạng xã hội trùng với "Ngày của Cha".
Người cha tên là Nhiễm Quang Huy, làm nghề khuân vác ở Triều Thiên Môn. Hôm ấy là một ngày không bình thường đối với Nhiễm Quang Huy vì anh đã trở thành “một người cha tuyệt vời” theo lời của cư dân mạng.
Trùng Khánh có địa hình nhiều núi, sườn đồi hiểm trở, giao thông khó khăn nên vận chuyển hàng hóa rất bất tiện. Muốn chuyển hàng đến nơi cần phải đi đường vòng rất dài. Tuy nhiên, nếu tận dụng được sức người để khuân vác hàng hóa bằng các bậc thang đá thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian.
Nhiều người sẵn sàng làm công việc vất vả, vác trên lưng bao hàng lớn, trèo đèo lội suối, len lỏi khắp các hang cùng ngõ hẻm để giao hàng cho tiểu thương.
Năm 2009, Nhiễm Quang Huy đưa vợ đến thành phố lớn để kiếm sống. Hai vợ chồng chen chúc trong căn phòng thuê rộng hơn 20 mét vuông, tiền thuê hàng tháng 300-400 NDT (1-1,3 triệu đồng), sống chắt chiu từng đồng.
Nhiễm Quang Huy ấp ủ một nguyện vọng. Đó là có thể mua một căn hộ ở thành phố Trùng Khánh để con cái được học hành đến nơi đến chốn.
Vì mục tiêu này, ngoại trừ nửa tháng trước và sau kỳ nghỉ năm mới, Nhiễm Quang Huy luôn gồng mình vác hàng quanh năm, bất kể nắng mưa. Bốc và vác các bao hàng mấy chục cân là chuyện thường tình. Nhiễm Quang Huy nhớ lại, bao hàng nặng nhất mà anh từng vận chuyển nặng 235kg.
Khi mới làm nghề, Nhiễm Quang Huy không có kinh nghiệm và chỉ có thể dùng dây kéo hàng. Sau một thời gian quen việc, sức khỏe dẻo dai hơn, anh đã học được cách bốc hàng trên vai. Nhưng cũng vì thế mà nhiều năm trôi qua, vai, eo và các ngón tay đã bị biến dạng.
Thời điểm có nhiều hàng, Nhiễm Quang Huy có thể kiếm được hơn 100 NDT (hơn 340 nghìn đồng) mỗi ngày. Những hôm ế ẩm, kiếm đủ tiền ăn đã là may mắn lắm rồi!
Bốc vác hơn 40 chuyến hàng trong một ngày, những gì Nhiễm Quang Huy phải chịu đựng khi kết thúc công việc là cơn đau nhức khắp cơ thể, tê rần tay chân.
Mỗi ngày vào buổi trưa, anh chỉ lót dạ bằng bát mì có giá 6 NDT (hơn 20 nghìn đồng), ngoài ra không có chi phí nào khác. Nghỉ tay thì nằm chợp mắt, hoặc nói chuyện phím với mấy người cùng làm nghề bốc hàng.
Dù vất vả nhưng không bao giờ phàn nàn, công thêm tính cách thật thà và chịu cực, nhiều tiểu thường đã khen ngợi Nhiễm Quang Huy hết lời: "Ở Triều Thiên Môn, tôi tin tưởng anh Nhiễm nhất".
Khuân vác hàng nhiều năm, Nhiễm Quang Huy đã dần tích lũy được một số tiền tiết kiệm. Năm 2016, anh cũng đạt được mục tiêu của mình khi đã mua một căn nhà cũ rộng 60 mét vuông, tất nhiên là khoản tiết kiệm chỉ đủ khoản trả đầu tiên, số còn lại phải trả góp hàng tháng.
Trong nhà không có nhiều đồ đạc, lớn nhất chỉ là hai cái giường và một cái bàn. Vào đêm chuyển đến nhà mới, hai vợ chồng ngồi trên sô pha rất lâu rồi nhìn nhau cười. Vợ vừa khóc vừa cười. Cô biết gia đình này là do chồng cô “gồng gánh” trên vai.
Sau khi mua nhà, Nhiễm Quang Huy càng làm việc chăm chỉ hơn. Một hôm nọ, tiểu thương bảo anh chuyển 10 bao quần áo, chuyển xong thì lại thiếu 1 bao, àm giá trị bên trong không hề nhỏ. Thậm chí anh còn muốn nghỉ làm nghề này và bỏ trốn.
Nhưng sau khi anh nhìn thấy con trai đang viết một bài “Hãy kể về bố của em”: "Bố em làm nghề khuân vác, nhưng bố rất tốt và trung thực... Bố đã mua rất nhiều món ăn em thích".
Khóe mắt Nhiễm Quang Huy ươn ướt và cảm thấy xấu hổ. Đêm đó, anh chủ động tìm đến tiểu thương và chấp nhận bồi thường.
Con người phải có dũng khí nhận lỗi lầm, nếu không, làm sao xứng đáng với gia đình và bản thân!
Sau khi Nhiễm Quang Huy trở nên nổi tiếng nhờ bức ảnh chụp với con trai, nhiều phóng viên tìm đến phỏng vấn nhưng anh luôn từ chối: “Tôi chỉ làm thuê thôi, có gì hay mà viết…”.
Cuộc sống của gia đình Nhiễm Quang Huy vẫn diễn ra bình thường. Điều khác biệt duy nhất là nhiều người đến thuê anh bốc và chuyền hàng hơn.
“Mặc dù công việc tương đối vất vả và hoàn toàn dựa vào sức lực của mình để kiếm tiền, nhưng tôi không cảm thấy mệt mỏi. Bởi lẽ bằng chính sự chăm chỉ của mình, tôi có thể cho vợ con cuộc sống tốt hơn”.
10 năm sau, nhiếp ảnh gia chụp bức ảnh cha con Nhiễm Quang Huy năm 2010 lại tìm đến Triều Thiên Môn. Cùng một người, cùng một địa điểm, nhiếp ảnh gia lại nhấn nút chụp.
Tờ "Nhật báo Nhân dân" đã đặt tiêu đề bài báo: "Vác nên một cuộc sống hạnh phúc".
Lúc này Nhiễm Quang Huy đã 50 tuổi, trên mặt xuất hiện thêm vài nếp nhăn. Bé trai nhỏ nhắn năm nào đã trở thành một thiếu niên học cấp 2. Cậu bé Nhiễm Tuấn Siêu học rất giỏi, luôn giữ nhiệm vụ lớp trưởng và đứng đầu bảng.
Một phóng viên hỏi Nhiễm Tuấn Siêu rằng em nghĩ sao về nghề nghiệp của cha? Có cảm thấy xấu hổ với bạn bè hay không? Cậu bé lắc đầu và trả lời:
"Khuân vác là một nghề vĩ đại. Bố không ngại khổ cực và mệt mỏi đến vận chuyển từng bao hàng nặng. Bố là siêu nhân. Cuối tuần, em cũng giúp bố. Dù là bố hay các chú khác, họ đều kiếm tiền bằng chính đôi tay cần cù của mình, họ không sợ xấu hổ và cũng không nên bị người đời chê cười".
Ngày 24/02/2023, chương trình "Hi! Đã lâu không gặp", mời Nhiễm Quang Huy làm khách mời chính trong một tập.
Chương trình đã giới thiệu hành trình làm nghề bằng cả con tim của Nhiễm Quang Huy trong nhiều năm qua và đã nhận được phản hồi tích cực từ khán giả.
Sau khi Nhiễm Quang Huy trở nên nổi tiếng, nhiều người đã mời anh làm gương mặt quảng cáo với thu nhập “khủng”.
Trước lời hứa hẹn đầy mê hoặc này, Nhiễm Quang Huy đương nhiên cũng đã trăn trở rất nhiều. Cuối cùng anh quyết định: “Thôi thì hãy sống bằng năng lực của mình. Chúng tôi chỉ là người tầm thường. Bình thường mà an vui!”.
Ở tuổi 50, Nhiễm Quang Huy vẫn rất khỏe mạnh và nói rằng có thể gắn bó với nghề khuân vác ở Triều Thiên Môn thêm nhiều năm. Anh không muốn người khác kiểm soát cuộc sống của mình.
Nguồn: Zhihu