Tayla Clement, 24 tuổi, cô gái đến từ New Zealand, mắc hội chứng Moebius (dạng rối loạn thần kinh) nên từ khi sinh ra đã không thể mấp máy môi, đảo mắt trái sang phải. Hội chứng hiếm gặp này ảnh hưởng tới các cơ kiểm soát biểu hiện trên khuôn mặt và cử động mắt. Điều này khiến Tayla không thể cười như người bình thường.
"Mọi chuyện không hề dễ dàng. Suốt nhiều năm liền, tôi đã chán ghét nụ cười của mình. Tôi ước mình có gương mặt bình thường nhưng điều đó không tồn tại", cô trải lòng.
Hội chứng Moebius không có cách chữa trị dứt điểm, dù triệu chứng có thể điều trị. Năm lên 12 tuổi, cô bé trải qua cuộc phẫu thuật nụ cười. Các bác sỹ đã cấy mô từ đùi lên mặt để cố khôi phục nụ cười. Không những ca phẫu thuật không thành công, còn để lại trên gương mặt cô những vết bầm sưng tấy.
Do gương mặt kỳ lạ của mình, cô bé Tayla thường xuyên bị bắt nạt ở trường.
"Tôi bị cười nhạo suốt. Những bạn học hét vào mặt rồi nói rằng sợ khi nhìn thấy tôi, sau đó họ bỏ chạy. Tôi thấy mình bị cô lập", cô nhớ lại.
Không chỉ dừng ở lời chế nhạo, những "kẻ hành hạ" còn ném đồ bẩn vào người cô bé. Vào dịp sinh nhật lần thứ 16, khi bạn đồng trang lứa thường nhận được bóng bay và bánh, thì cô lại nhận phải "miếng socola đã ăn dở".
Ngay cả các giáo viên cũng đối xử thiếu công bằng với Tayla. "Tôi là người duy nhất trong lớp giơ tay xin phát biểu, nhưng vị giáo viên ấy chỉ quay đi và nhìn vào chỗ khác", cô nói. Vì không muốn thêm gánh nặng cho ba mẹ, cô bé chọn cách im lặng khi bị bắt nạt.
Kết quả của chuỗi ngày bị bắt nạt liên tục khiến Tayla muốn kết thúc cuộc sống. Từ thời điểm sau khi cuộc phẫu thuật không thành công tới khi tốt nghiệp trung học, cô từng muốn chấm dứt cuộc đời mình 6 lần.
Sau đó, cô bị chuẩn đoán mắc chứng trầm cảm lâm sàng và lo lắng nghiêm trọng. Sự kỳ thị của những người xung quanh càng khiến cô mất niềm tin với cuộc sống, thấy bản thân không giá trị.
Mẹ Tayla vốn là một vận động viên bơi lội. Bà từng đại diện cho New Zealand tham gia bộ môn này tại Đại hội Thể thao Thái Bình Dương. Cô đã quyết định theo đuổi môn bơi với mong muốn cảm thấy mình là người bình thường. Tuy nhiên, thời gian dành cho bơi lội càng khiến sức khỏe Tayla đuối dần.
Cuối năm 2016, sau khi bỏ lỡ vòng loại Paralympic Rio 2016, Tayla kiệt sức, quyết định chấm dứt việc gắn bó với bộ môn này.
Thay vì buồn chán, cô gái tiếp tục thử sức với việc tập gym và đi bộ hàng ngày. Nhờ điều đó giúp cô kiểm soát tâm lý tốt hơn. Không lâu sau, Tayla đăng ký tham gia giải điền kinh dành cho vận động viên khuyết tật ở New Zealand.
Năm 2018, Tayla giành ngôi đầu một cuộc thi đẩy tạ trong giải vô địch bang Victoria, ở Melbourne. Một năm sau, cô tham dự giải vô địch đẩy tạ quốc gia New Zealand, giành thành tích 8,28 m, qua đó đổ xô kỷ lục thế giới ở hạng F43.
Với thành tích này, truyền thông quốc gia và thế giới bắt đầu chú ý tới nữ vận động viên khuyết tật. Những lời động viên, khích lệ nhiều hơn giúp cô gái thêm tự tin vào bản thân.
Trên trang Instagram thu hút hơn 18.500 người theo dõi, cô thường xuyên chia sẻ những câu chuyện truyền cảm hứng.
"Tôi nghĩ rằng, ca phẫu thuật không thành công có lẽ là một may mắn, bởi không thể mỉm cười là món quà lớn nhất của mình. Điều đó từng đưa tôi xuống tận đáy vực sâu, nhưng mở ra cơ hội giúp tôi vươn lên và thành công. Trở thành nguồn cảm hứng và hy vọng cho người khác thật tuyệt vời", Tayla chia sẻ.
Quốc Việt
Theo NYPost