Từ lâu việc số hóa các tác phẩm văn hóa nghệ thuật đã trở thành xu hướng được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, công nghệ này gần như không được ở áp dụng ở Việt Nam.
Thực tế tại Việt Nam cho thấy số lượng các tác phẩm văn hóa nghệ thuật do các nghệ sĩ sáng tác mỗi năm lên đến hàng triệu bản. Trong đó nhiều tác phẩm hội họa, âm nhạc, điện ảnh vươn ra tầm thế giới.
Trong lĩnh vực hội họa, nếu chỉ tính riêng Hội Mỹ thuật Việt Nam đã có gần 2.000 hội viên, Hội Mỹ thuật TP.HCM có gần 700 hội viên, chưa kể đến số hội viên của 63 tỉnh thành còn lại. Mỗi họa sĩ sở hữu bình quân hàng trăm tác phẩm hội họa. Rất nhiều người trong số đó có thu nhập cao từ việc bán tranh theo cách truyền thống.
Tranh của các họa sĩ Việt Nam cũng được bán ra với giá hàng ngàn USD trên các sàn đấu giá quốc tế. Trong số đó có thể kể đến tranh của họa sĩ Lê Phổ, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh, Phạm Luận, Thành Chương, Bùi Hữu Hùng, Đặng Xuân Hòa, Đào Hải Phong, Đinh Quân, Lê Kinh Tài, Lê Thanh Sơn…
Tương tự, số lượng hội viên của các Hội Nhà văn TP.HCM (khoảng trên 400 hội viên), Hội Nhiếp ảnh TP.HCM (khoảng 500 hội viên), Hội Kiến trúc TP.HCM (khoảng 1.000 hội viên), Hội Cổ vật TP.HCM (hơn 70 hội viên)… đang sở hữu số lượng tác phẩm/hiện vật lên đến con số hàng trăm ngàn. Trong đó có nhiều tác giả đạt các giải thưởng lớn trong và ngoài nước. Ví dụ như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có tổng lượng sách phát hành trên 2 triệu bản, nhận giải thưởng Văn học ASEAN năm 2010, có 9 tác phẩm được chuyển thể thành điện ảnh.
Tuy nhiên cho đến nay chưa có bất kỳ nghệ sĩ Việt Nam nào NFT hóa (NFT có thể diễn giải là một mục nhập trên một blockchain) tác phẩm của mình, cũng như chưa khai thác được tiềm năng giá trị từ nguồn tài nguyên rộng lớn này. Trong khi đó thị trường NFT trên thế giới đã có bước tiến mạnh mẽ từ năm 2020 cho đến nay.
Trước những nhu cầu bức thiết đó, một nhóm các nhà nghiên cứu văn hóa, các giám tuyển mỹ thuật cùng các kỹ thuật viên đã xây dựng dự án Cổng trời nhằm giải quyết vấn đề số hóa các tác phẩm văn hóa nghệ thuật của Việt Nam.
Dự án Cổng trời sẽ định danh chủ sở hữu bằng công nghệ NFT trên nền tảng Kardiachain, đảm bảo tính độc bản của bản kỹ thuật số tồn tại song song với độc bản ngoài đời thực. Các độc bản kỹ thuật số này có thể tạo thành kho dữ liệu để tương thích với các ứng dụng VRhome, Oculus… giúp người dùng xây dựng được 1 bộ sưu tập kỹ thuật số/trí tuệ nhân tạo với chi phí tương đối thấp. Cổng trời sẽ trở thành một địa chỉ giao dịch giữa người mua và người bán thông qua công nghệ và thị trường NFT.
Dự án Cổng trời sẽ chính thức ra mắt vào ngày 3.4 tại Hội Mỹ thuật TP.HCM. Đây cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam, các tác phẩm văn hóa vật thể sẽ được số hóa và định danh chủ sở hữu bằng công nghệ NFT trên nền tảng Kardiachain.
Theo các nhà nghiên cứu, các phương thức kết nối truyền thống thông qua mạng xã hội, website, triển lãm, rạp chiếu phim như hiện nay đã không còn bắt kịp yêu cầu ngày càng đa dạng của người dùng. Vấn nạn tác phẩm nhái, tranh chấp trong thanh toán, vi phạm tác quyền… và đặc biệt là đại dịch COVID-19 đã ngăn các tác phẩm nghệ thuật Việt Nam bước ra thế giới và ngược lại.
“Một NFT của Cổng trời sẽ được tạo ra trên cơ sở nhu cầu của nhà sưu tập đối với một sản phẩm văn hóa cụ thể đã được số hóa (video clip, tranh 3D, sách điện tử…). Thông qua nền tảng do Cổng trời, nhà sưu tập sẽ đặt giá mua đối với sản phẩm trên. Khi lệnh đặt mua được thực hiện, chủ sở hữu và nghệ sĩ/tác giả (trong một số trường hợp có thể là 1 người) sẽ nhận được thông báo từ Cổng trời và xem xét các lệnh đặt mua. Khi mức giá đặt mua phù hợp với yêu cầu của chủ sở hữu và nghệ sĩ, họ sẽ thực hiện bước ký tên xác thực điện tử (gọi tắt là mã hóa) thông qua nền tảng của Cổng trời, để kết hợp cùng sản phẩm số tạo thành một NFT. NFT sau khi hình thành sẽ được chuyển giao cho nhà sưu tập và xác thực trên Kardiachain.
Ở chiều bán sản phẩm, chủ sở hữu và nghệ sĩ chủ động tạo thành NFT theo quy trình trên và đặt giá bán. Khi có lệnh mua thực hiện, NFT sẽ được chuyển giao cho cho nhà sưu tập và lưu trữ tương tự.
“Chúng tôi kỳ vọng nền tảng blockchain đầu tiên của người Việt là Cổng trời sẽ trở thành dự án cung cấp nền tảng xác nhận quyền sở hữu số đối với tất cả các thể loại tác phẩm nghệ thuật như văn học, mỹ thuật, âm nhạc, điện ảnh… cũng như các sản phẩm văn hoá vật thể, phi vật thể của người Việt. Đây là nơi hội tụ đông đảo nhất các tác phẩm nghệ thuật Việt Nam được số hoá theo công nghệ Non Fungible Token (NFT), đưa các tác phẩm nghệ thuật từ đời thực qua “Cổng trời” bước vào thế giới digital trở thành tác phẩm kỹ thuật số với tính xác thực và quyền sở hữu duy nhất trên nền tảng blockchain của Kardiachain”, đại diện của dự án Cổng trời nói.
Với NFT, một nhà sưu tập ở bất kỳ đâu trên thế giới cũng có thể tiếp cận, sở hữu những tác phẩm nghệ thuật NFT của Việt Nam với sự đảm bảo 100% về quyền sở hữu, tính độc bản, khả năng chia sẻ và đảm bảo giá trị chuyển nhượng toàn cầu.
Dự án Cổng trời dự kiến sẽ phối hợp với Hội Mỹ thuật TP.HCM, Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam, Viện IDECAF (Viện Trao đổi Văn hoá với Pháp tại TP.HCM), Trung tâm Vân Sơn và nhiều cá nhân tổ chức khác để triển khai trong thời gian sắp tới.
“Cổng trời” trong ý niệm của một trẻ thơ cho đến một người trưởng thành, của một vùng miền hay một dân tộc đều là cánh cửa dẫn lối đến khung trời mới, tươi đẹp, ngập tràn ước mơ. Đó là thông điệp của chúng tôi trong sứ mệnh mở ra cánh cửa mới, dẫn lối đến thế giới cho văn hóa - nghệ thuật Việt Nam nói chung, bắt đầu từ lĩnh vực mỹ thuật.
Một quốc gia có hơn 4.000 năm văn hiến đã ấp ủ nên một nền mỹ thuật trải dài theo hành trình lịch sử dân tộc từ nguyên thủy đến phong kiến, từ thuộc địa đến cận và hiện đại. Chúng tôi mong muốn đem những giá trị đó trưng bày ra thế giới, kết nối với các nền văn hóa theo cách nhanh nhất, mới nhất, hiệu quả nhất, phù hợp nhất với xu hướng công nghệ 4.0 của thế giới phẳng cũng như tình hình địa chính trị toàn cầu.
Đại diện Cổng trời