Khởi nghiệp ở thị trường trong nước chưa bao giờ là điều dễ dàng nếu như người khởi nghiệp không nắm bắt được tâm lý khách hàng và đặc điểm thị trường, nguồn cung - cầu...
Vậy nên, việc bước chân sang một thị trường khác với tất cả mọi thứ đều mới mẻ, lạ lẫm, không người hỗ trợ thì điều đó lại càng khó khăn hơn bội phần. Vậy mà có một cô gái người Việt đã chứng minh cho mọi người thấy "không có gì là không thể" nếu ta biết cố gắng, nỗ lực vươn lên, không ngại thay đổi...
Đó là câu chuyện của cô gái trẻ tên Jinny Lien Ngo, 29 tuổi, đến từ Hà Nội. Bằng sự thông minh, bản lĩnh, kiên trì, cô gái ấy đã làm được điều mà nhiều bạn trẻ ngày nay phải ngưỡng mộ.
Từ khi sinh ra, Jinny Lien Ngo, con gái của một nhà ngoại giao, chủ yếu sống ở nước ngoài. Thay vì an phận thủ thường, chọn lấy một công việc ổn định thì Lien Ngo lại muốn làm một thứ gì đó mới mẻ, để rồi cơ duyên đưa cô đến với ý tưởng kinh doanh quán cà phê ở xứ sở bạch dương.
Jinny Lien Ngo, 29 tuổi, đến từ Hà Nội.
Hồi tháng 4 năm ngoái, Lien Ngo đã có những chia sẻ về câu chuyện riêng tư của mình trên tạp chí Russia Beyond (của Nga) trong loạt bài viết về những người nước ngoài sinh sống và làm việc ở nước này:
Mọi chuyện bắt đầu từ bố mẹ tôi. Cả 2 từng theo học tại Đại học Tổng hợp Moscow, bố tôi học ngành Luật còn mẹ học Ngôn ngữ học. Tôi lớn lên với những câu chuyện mà bố mẹ hay kể về đất nước Nga, rộng lớn và xinh đẹp, nơi có những con người tố bụng. Ngay cả tên của tôi (Jinny Lien Ngo) cũng có một phần “Nga” ở trong đó: Liên là một phần của Liên Xô có nghĩa là “Liên Xô cũ” trong tiếng Việt.
Năm 2018, bố tôi trở thành Đại sứ Việt Nam tại Nga nên tôi theo chân bố sang sống ở xứ sở bạch dương. Tôi từng theo học ngành Kinh tế tại Đại học London (UCL), tốt nghiệp năm 2011. Khi mới ra trường, tôi làm việc cho một công ty đầu tư ở London, sau đó tôi chuyển đến Tây Phi để bắt đầu kinh doanh xuất khẩu gỗ và hạt điều sang Việt Nam. Vì vậy, tôi đã có chút ít kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh.
Khi tôi đến Nga, món ăn Việt Nam đang dần trở nên phổ biến và được nhiều thực khách Nga đón nhận. Nhưng tôi nhận ra một điều là các nhà hàng khá giống nhau, cung cấp những món ăn tương tự nhau và không có nhiều nổi bật. Tôi cùng các cộng sự muốn làm một cái gì đó chân thực và phải là tự tay mình làm ra. Vì vậy chúng tôi đã mở một quán cà phê nhỏ và gọi tên là “Em Ơi”. Thực đơn chính của quán có phở bò, tom yum, xoài lắc. Ngoài ra còn có bún bò xào, thịt heo nướng và cơm vịt nướng hoặc tôm chua ngọt.
Tôi đã tự thực hiện việc kinh doanh mà không nói với bố mẹ mình. Quán được khai trương từ tháng 1 và vấn đề đầu tiên mà chúng tôi gặp phải là làm sao để giữ chân khách hàng. Trong 2 tuần đầu tiên, có rất nhiều người Nga đến quán ăn, nhưng vì thức ăn làm không ngon nên họ chỉ đến 1 lần và không bao giờ quay trở lại.
Cho đến gần đây, khoảng 2 tháng trước, chúng tôi mời được đầu bếp hiện tại, mọi thứ mới thực sự bắt đầu khởi sắc. Khách đến thưởng thức, khen thức ăn ngon và truyền tai nhau, thế là chúng tôi có đông khách hơn, đa số là sinh viên nước ngoài đến từ châu Á.
Vốn đầu tư ban đầu cần thiết để mở một quán cà phê nhỏ ở Nga là khoảng 20.000 - 30.000 USD (460 - 690 triệu đồng). Vấn đề duy nhất là tiền thuê mặt bằng ở đây khá cao. Người ta có thể phải trả từ 5.000 rúp (1,4 triệu đồng) đến 14.000 rúp (4,4 triệu đồng) cho mỗi mét vuông mặt bằng ở thành phố Moscow.
Nhóm của chúng tôi còn trẻ và rất nhiệt huyết. Tôi cảm thấy mình vô cùng may mắn khi biết họ, bởi vì đó không phải là điều mình muốn là được. Nhóm có 6 người và tôi là người lớn tuổi nhất. Đầu bếp 27 tuổi nhưng những người còn lại trong nhóm mới ngoài 20 tuổi. Tất cả chúng tôi đều làm việc chăm chỉ, cật lực. Có khi cả đội phải làm việc suốt 13 tiếng đồng hồ một ngày. Tôi nghĩ tất cả thực khách đều có thể cảm nhận được điều đó khi đến với quán của chúng tôi.
Đa số thành viên trong nhóm đều nói tiếng Nga, nhưng tôi thì không. Việc không biết tiếng không gây ra vấn đề lớn đối với tôi, nhưng đôi khi tôi muốn giao tiếp với khách hàng người Nga và thật khó khăn vì nhiều người không biết tiếng Anh. Tôi chỉ biết một cụm từ trong tiếng Nga là “ochen vkusny” ( nghĩa là rất ngon). Khi nghe thấy nó, tôi biết họ thích món ăn của chúng tôi.
Phở bò rất phổ biến ở đây và một trong những điều kỳ lạ nhất là chúng tôi nhận ra là có rất nhiều khách hàng Nga thường xuyên đến với quán chỉ vì món phở.
Thậm chí, có 3 nhóm người đến ăn phở mỗi ngày, trừ những ngày cuối tuần, khi họ không làm việc. Có hôm, chúng tôi hết phở, thế là họ đến rồi đi mà chẳng thử món khác.
Chúng tôi cũng có một khách hàng thân thiết đến ăn hàng ngày, cứ hôm nào thấy vắng mặt anh là chúng tôi biết anh đang đi du lịch. Và điều đặc biệt nữa là anh chỉ ăn phở. Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng đồng thời cũng cảm thấy được an ủi khi biết rằng ngay cả vào những ngày tồi tệ nhất, những vị khách này vẫn ủng hộ mình.
Trước hết, bạn cần một người đã ở đây lâu năm, hiểu rõ các khía cạnh pháp lý và văn hóa khi khởi nghiệp tại đây. Khi các vấn đề pháp lý được thực hiện đúng, bạn có thể tập trung vào mọi thứ khác.
Thứ hai, bạn không nên đánh giá thấp thị trường. Hãy đảm bảo rằng sản phẩm của bạn có chất lượng tốt, giá cả hợp lý và bạn biết đối tượng mục tiêu của mình. Bạn không thể chỉ nghĩ rằng quán cà phê cứ mở là mọi người sẽ đến.
Thứ ba, hãy kiên nhẫn. Bạn phải kiên nhẫn với bất cứ thứ gì mà bạn xây dựng, đặc biệt là ở Nga.
Nguồn: RBTH
Pháp luật và bạn đọc