Trung Quốc là xứ phát minh chế tạo ra thuốc nổ nên đương nhiên trò đốt pháo bắt nguồn từ đó, tức là phải qua vài nghìn năm rồi. Cứ theo tương truyền thì tục đốt pháo của người Nam ta là học theo cách sinh hoạt tế lễ từ người Tàu. Sách cổ Tàu ghi rằng vào ngày tết thiên hạ đốt pháo để xua đuổi con ma núi. Nó (ma) mà phạm vào người sẽ sinh ra đau ốm, nên đốt pháo làm nó sợ, đuổi nó đi. Cứ giao thừa và mấy ngày tết đốt pháo đuổi nó thì suốt cả năm nó sẽ không dám bén mảng nữa. Ma đâu chả biết, chỉ biết ngày tết, có tiếng pháo cảm thấy rộn rã, vui vẻ biết bao nhiêu. Những ai từng sống qua cái thời trước và sau lệnh cấm đốt pháo năm 1995 thì rõ điều này nhất.
Nói gì thì nói, đốt pháo là một thứ mỹ tục chứ không phải hủ tục. Nếu không đẹp (mỹ), sao nó có thể duy trì trong đời sống xã hội và dân chúng cả nghìn năm như vậy. Khi dẹp bỏ nó, coi là tục xấu (hủ), có nhẽ người ta chỉ xét tới khía cạnh nó có thể gây thương tích cho con người chứ không xét tới rất nhiều cái đẹp cái hay mà nó mang lại cho đời, nhất là ngày tết và những dịp lễ hội.
Xứ ta có những làng nghề làm pháo nổi tiếng từ thời xưa, có thể kể ra Bình Đà (Hà Tây cũ), Đồng Kỵ (Bắc Ninh), Nam Ô (Đà Nẵng)… Người dân làng nghề sống bằng… pháo, làm pháo phục vụ một mùa tết có thể sống cả năm. Làng Đồng Kỵ mỗi đầu xuân còn tổ chức lễ rước pháo thật hoành tráng, quả pháo to cả chục người khiêng, lừng lững trước mắt bàn dân thiên hạ như một thứ văn hóa kiêu hãnh, niềm tự hào của dân làng.
Pháo và Tết luôn đi với nhau trong cả tâm thức và hiện thực đời sống. Xưa, chả ai không thuộc câu đối “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Tôi còn nhớ, thời đi học có bài thơ trong sách giáo khoa, tả một chiến sĩ cách mạng xa nhà khi dịp tết nhớ và mơ về quê hương “Mơ tết mơ xuân mơ tiếng pháo/Nhớ nhà nhớ cửa nhớ cành đa”, chỉ vậy thôi mà thật cảm động. Hay một người khác, “Đêm nay pháo nổ giao thừa/Mà người chiến sĩ không nhà còn đi”. Tiếng pháo để đánh dấu cái khoảnh khắc đặc biệt của trời đất lúc giao mùa, mà cũng là của lòng người khi chùng xuống trong cuộc đua tranh cùng thế sự.
Ở miền Bắc những năm chiến tranh và bao cấp, nhất là từ thập niên 1950 tới 1980, người dân chịu đựng đủ mọi sự thiếu thốn. Đất nước còn nghèo, vừa qua chiến tranh, lại tiếp chiến tranh nữa, vì vậy ai cũng ráng chấp nhận. Thế nên cái tết nghèo cũng cố lấy làm vui. Trong bìa (một dạng sổ) mua hàng tết, nhà nước phân phối mỗi năm một lần vào dịp đặc biệt này, ngoài những món vật chất gồm chai mắm Cát Hải loại 1, hộp mứt nửa ký, gói hạt tiêu, miếng bì bóng, vài bao thuốc lá Tam Đảo hoặc Tam Thanh, gói chè Thanh Hương nước xanh cánh nhỏ hương thơm vị đượm, chai rượu mùi…, còn có cả món tinh thần là phong (bánh) pháo. Một phong pháo hiệu Bình Đà hoặc Chiến Thắng, bọc giấy đỏ, to bằng bàn tay, chứa khoảng năm chục viên pháo nhỏ cỡ đầu đũa. Người nhớn có thể không quan tâm tới món chơi bời này nhưng với đứa trẻ nông thôn thì đó mới chính là tết. Không có pháo, tết mất hẳn bao điều thú vị và háo hức.
Có pháo rồi, điều quan trọng là sẽ đốt thế nào. Nổ vào lúc đón giao thừa hay đợi sáng mùng 1, chỉ nghĩ bấy nhiêu thôi cũng đủ vỡ cả đầu. Cả hai thời điểm đó đều quan trọng như nhau, nếu chờ tới sáng mùng 1 thì suốt đêm trằn trọc. Gần giao thừa, nhiều nhà đã nôn nóng đì đùng, nhà mình vẫn im ắng kể cũng sao sao ấy. Nhưng sáng mùng 1 được thay mặt cả nhà trịnh trọng cầm bánh pháo ra treo ngoài cổng, đóng vai chiến sĩ châm pháo, vừa sợ vừa sướng không thể tả. Tôi vốn nhát, cầm nén hương rõ dài, tay run run dí đầu hương cháy đỏ vào búi ngòi pháo, nhiều lần lập cà lập cập mãi nó mới bắt mồi, khi thấy xì xì tóe khói ra là ba chân bốn cẳng vọt cho nhanh và đứng… bịt tai nghe pháo nổ. Bánh pháo đì đùng đì đùng vui vẻ trong sớm xuân, tỏa khói khét lẹt, tung ra xung quanh đám xác pháo hồng. Nhiều đứa trong xóm đã đứng đợi sẵn chờ tiếng nổ dứt là xông vào hôi pháo xịt. Anh tôi dặn cứ để xác pháo đó, đừng quét, cho mùa xuân thật đẹp, nhà luôn có không khí tết. Cái màu hồng ấy, với màu hoa đào ửng lên trong nắng xuân là thứ kỷ niệm đẹp khó phai mờ của thời thơ ấu.
Tuy nhiên, việc đốt pháo cũng để lại nhiều hệ lụy.
Năm 1994, tháng 8, mùa thu, ông Võ Văn Kiệt khi ấy là Thủ tướng đã thay mặt chính phủ ký ban hành chỉ thị về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo trên cả nước. Chỉ thị nêu rõ “Kể từ ngày 1.1.1995 nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước (trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa”. Với lệnh cấm này, phong tục đốt pháo từng tồn tại cả nghìn năm chấm dứt. Tết Nguyên đán năm Ất Hợi 1995 vắng bặt tiếng pháo, là tết đầu tiên không đốt pháo sau nghìn năm pháo nổ tưng bừng.
Cho tới nay, dù lệnh cấm pháo vẫn còn hiệu lực nhưng hằng năm người Đồng Kỵ vẫn chế quả pháo khổng lồ và rước tế, chỉ có điều không đốt, không hóa “ngài” như trước nữa. So với lễ hội chém lợn, đâm trâu, giành giật cù đến mức vỡ đầu gãy tay… còn được thực hiện ở nơi này nơi kia thì rõ ràng lễ rước pháo vẫn có nét văn hóa và nhân văn hơn nhiều.
(còn tiếp)
Nguyễn Thông