Vừa qua, TPHCM đã công bố việc sẽ cho thiết kế, tôn tạo lại tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo, chỉnh trang lại Công viên Công trường Mê Linh (phường Bến Nghé, Quận 1).
Ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cho biết, dự án không chỉ nâng cao chỉnh trang Công viên công trường Mê Linh, dự án còn hướng tới mục tiêu tạo ra không gian văn hóa TPHCM. Trong đó, việc tu tạo tượng đài Đức Thánh Trần Hưng Đạo là việc làm rất cần thiết.
Tượng Trần Hưng Đạo cao gần 6 m, đứng trên một bục lăng trụ tam giác cao khoảng 10 m. Được thiết kế theo hình tượng lưu truyền trong sử sách, tướng quân ra trận chỉ tay xuống dòng sông. Hình ảnh bức tượng oai phong đã ghi dấu trong lòng nhiều thế hệ người dân thành phố và có nhiều phiên bản được dựng lại nhiều nơi trong và ngoài nước.
Tượng đài Trần Hưng Đạo nằm giữa vòng xoáy Mê Linh, chính giữa vị trí trung tâm TP và hướng thẳng ra sông Sài Gòn. Trước khi bùng phát dịch Covid-19, vòng xoay Mê Linh là một điểm "nóng" giao thông với lưu lượng xe cộ qua lại dày đặc vào giờ cao điểm.
Được xây dựng từ trước 1975, tượng đài này hiện nay đã xuống cấp, lớp vữa bên ngoài tượng đã bong tróc, rỉ sét, hệ thống dây điện và đèn chiếu sáng cho tượng nhiều chỗ hư hỏng,...
Theo nhận của phóng viên Dân trí, hiện khu vực tượng đài và công viên Mê Linh có nhiều hạng mục đã xuống cấp. Đường lát gạch xung quanh chân tượng đài Trần Hưng Đạo đã sụp lún gây tình trạng úng ngập khi mưa, hệ thống chiếu sáng đã cũ, đèn trang trí hư hỏng, đài phun nước nghệ thuật cũng không còn hoạt động.
Bệ đặt tượng và hồ bán nguyệt dưới chân tượng làm nên khu vực tượng đài độc đáo. Mỗi mặt tam giác ở bệ tượng đều có các bức phù điêu lớn màu gạch son, kể lại điển tích ba lần nước Đại Việt đánh đuổi quân Nguyên Mông.
Từng bức phù điêu khắc họa nhiều chi tiết lịch sử được khảo cứu công phu. Người xem có thể xem chi tiết hình ảnh khắc họa các chiến sĩ thời Trần năm xưa tự viết lên cánh tay hai chữ Sát Thát (giết giặc Nguyên Mông) trước khi ra trận.
Kế đến, là cảnh các bô lão đại diện cho toàn dân dự hội nghị Diên Hồng. Hình ảnh trận Bạch Đằng hào hùng, các con thuyền nhỏ của quân ta dẫn dụ tàu chiến địch sa vào bãi cọc ngầm. Kết thúc là cảnh tượng đầy khí thế hào hùng, quân ta đuổi quân giặc tháo chạy.
Đặc biệt nhất, có một tấm phù điêu khắc họa hình ảnh một đỉnh đốt trầm và một thanh gươm, đi cùng một cuộn văn bản xưa đang tung mở liên tưởng đến Hịch Tướng Sĩ,một áng hùng văn đã đi vào tâm khảm của dân tộc.
Tuy nhiên, qua thời gian, các bức phù điêu dưới chân tượng đài đã rạn nứt, bong tróc, phần khung bị hoen gỉ.
Nhiều đèn trang trí, đèn chiếu sáng xung quanh tượng đài đã hỏng, không thể sử dụng.
Trước đó, cuối tháng 6/2021, UBND Quận 1 đã có văn bản gửi UBND TPHCM báo cáo công tác kiểm tra, tu sửa công trình tượng Trần Hưng Đạo và chỉnh trang công viên Mê Linh.
Ban Quản lý đầu tư dự án xây dựng Quận 1 đã lập phương án chỉnh trang khu công viên có diện tính 5.700 m2 này với kinh phí khái toán khoảng 29 tỷ đồng.
TPHCM hy vọng, sau khi tôn tạo lại tượng đài và công viên Công trường Mê Linh, địa điểm này sẽ trở thành không gian văn hóa để người dân dạo chơi, thăm quan, cũng tạo thêm không gian xanh cho thành phố.
Tại buổi họp báo chiều 26/9, ông Phạm Đức Hải - Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch TPHCM - cho biết trong nhiều năm qua, tại đền Đức thánh Trần Hưng Đạo đều tổ chức lễ và có đông đảo người dân đến tham dự. Do thời gian gần đây đền bị hư hỏng nên đã tiến hành trùng tu. Quá trình trùng tu, do dịch nên tạm dừng, do vậy năm nay tại đền không tổ chức lễ.
Dự kiến, cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10, TPHCM sẽ công bố phương án thiết kế, tôn tạo tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo. Sau khi công bố, TP mời người dân góp ý phương án trùng tu tượng, phù điêu, màu sắc, lư hương…