Tuy nhiên, trong bức tranh ít gam màu sáng ấy, trong năm 2023 cũng lóe lên những tín hiệu hy vọng khi nhiều sân khấu trình làng vở mới có đầu tư chu đáo về nội dung, được khán giả đón nhận. Từ đó, các đoàn cải lương công lập và tư nhân có đà để sẵn sàng cho năm 2024, mà trước tiên là Tết Nguyên đán.
Tín hiệu tốt từ cải lương cốt truyện Việt
Đến hiện tại, cải lương hương xa hồ quảng, mà dân gian gọi là tuồng Tàu vẫn còn ăn khách. Lý do là vì thể loại này đẹp về phục trang, vũ đạo và cách trang điểm. Nội dung thì tự do hư cấu, kép chánh và đào chánh tình cảm ướt át. Các đoàn mạnh về thể loại này có đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, Chí Linh – Vân Hà, Đoàn Vũ Luân, đoàn cải lương tuồng cổ Trường Giang - hậu duệ của nghệ sĩ Trường Sơn. Tuy nhiên, do ý thức được sứ mệnh lưu giữ và quảng bá lịch sử dân tộc nên đoàn Chí Linh – Vân Hà vẫn dựng tuồng sử Việt xen kẽ, đoàn Trường Giang đến giờ có một tuồng sử Việt là Ngược dòng Tây Sơn. Bên cạnh đó, đoàn cải lương tư nhân khác là Đại Việt rất chú trọng đến tuồng có cốt truyện Việt và cả sử Việt; Đồng Ấu Bạch Long với gốc gác hồ quảng nhưng vẫn có những thay đổi và sáng tạo đi theo dòng cải lương cổ tích dành cho thiếu nhi lẫn sử Việt.
Nói về tuồng tích cốt truyện Việt và văn hóa lịch sử Việt Nam, năm 2023, nổi bật lên với vở Cô đào hát ( tác giả và đạo diễn NSUT Hoa Hạ) của đoàn Đại Việt. Kế đến là vở Xuân về trên đất Thăng Long (tác giả và đạo diễn Bạch Long) của đoàn Đồng ấu Bạch Long có sự tham gia của cô đào được yêu mến từng trưởng thành từ lò Đồng ấu Bạch Long, NSƯT Tú Sương. Về phía đoàn cải lương nhà nước, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang vẫn mang vác trách nhiệm lan truyền văn hóa truyền thống nên dựng 3, 4 vở đặc thù Việt Nam. Trong đó, Chân dung người đi mở cõi (tác giả Phạm Vũ, chuyển thể cải lương Phạm Văn Đằng, đạo diễn Minh Trường – Vũ Trần) là một tác phẩm đầu tư chỉnh chu về nội dung và cả hình thức, giành được cảm tình tốt từ công chúng.
Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ yêu thích cải lương cũng thành lập nhiều nhóm hát phục vụ tại các nhà văn hóa. Các nhóm này có thể gọi là đoàn hát nhưng vì không đủ kinh phí, và các tiêu chuẩn xin giấy phép thành lập đoàn, nên hoạt động dưới hình thức câu lạc bộ.
Dù vậy, tình hình bán vé của các đoàn vẫn ở mức độ mỗi vở chỉ diễn được 1, 2 suất. Như thế đã là vui hơn các năm trước, nhưng thu vẫn không đủ bù chi. Các ông bà bầu vẫn xoay tứ phía để có tiền dựng tuồng. Nghệ sĩ thì vẫn miệt mài chạy show hát truyền hình, hội chợ, đám tiệc, sự kiện. Trước bối cảnh đó, soạn giả kiêm ông bầu Hoàng Song Việt của đoàn Đại Việt bộc bạch: “Quan niệm nghệ thuật của tôi là dù khó khăn nhưng phải làm chỉn chu từ kịch bản đến dàn dựng và tất cả các bước cần thiết. Nói nôm na là ngôi nhà của chúng tôi dù dạng cấp 4 nhưng luôn được quét dọn sạch sẽ, sắp xếp ngăn nắp và trang trí phù hợp. Đến khi có đủ điều kiện, chúng tôi sẽ xây dựng ngôi nhà này khang trang hơn. Đó là cách tốt nhất để giữ chân khán giả đang có và thu hút khán giả mới. Tôi không chấp nhận lối làm việc cẩu thả, nữa vời và đỗ lỗi tại cái nghèo. Tôi thường phải vay nợ để dựng tuồng, sau đó, cày cật lực để trả nhưng hạnh phúc vì sân khấu sáng đèn với vở diễn chất lượng”.
Kín lịch Tết 2024
Từ thập niên 1960 đến đầu 1990, có thể nói là thời hoàng kim của cải lương, nhưng càng về sau, loại hình này suy yếu đến mức báo động. Trước đây, lịch diễn tết bắt đầu từ mùng 1 đến hết tháng Giêng, tuy nhiên, sau này, do có quá nhiều loại hình giải trí nở rộ cạnh tranh và nhu cầu đi du lịch trong dịp tết tăng cao nên khán giả bắt đầu thưởng thức nghệ thuật vào mùng 6. Thế nhưng năm nay, một tín hiệu vui là điểm diễn lý tưởng là rạp Hưng Đạo đã được các đoàn đăng ký thuê rạp từ mùng 1 đến Rằm tháng Giêng, kịch mục vô cùng đa dạng với đủ tất cả các thể loại như: hồ quảng, sử Việt, tâm lý xã hội. Đoàn Đại Việt cũng lên lịch diễn sau thời gian này với tuồng sử Việt Đêm trước ngày hoàng đạo (tác giả Võ Tử Uyên, đạo diễn NSƯT Hoa Hạ). Ê kíp diễn viên vẫn như cũ với đào chánh NSƯT Thoại Mỹ và kép chánh NSƯT Võ Minh Lâm.
Tại sân khấu Nón Lá, Đồng ấu Bạch Long vẫn tiếp tục diễn Xuân về trên đất Thăng Long (soạn giả và đạo diễn Bạch Long). Đây là vở tuồng ca ngợi anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, Bùi Thị Xuân và Trần Quang Diệu. Dù là tuồng sử khô khan, nhưng với tài dàn dựng thông minh và duyên dáng của Bạch Long, vở diễn trở nên vừa kiêu hùng vừa mượt mà và hài hước nên đã chinh phục được khán giả. Lần này, có sự thay đổi nhỏ là NSƯT Võ Minh Lâm sẽ thế Hoàng Hải đóng vai Phạm Khanh. Sự xuất hiện của Võ Minh Lâm góp phần tạo thêm sắc thái thú vị cho vở diễn.
Theo nghệ sĩ Bạch Long, đến nay đoàn đã có 6 tuồng được khán giả phản hồi tốt. Với mục đích duy trì hoạt động dài lâu, trong năm 2024, đoàn sẽ lên kế hoạch dựng thêm từ 1 đến 2 vở mới. Một yếu tố quan trọng sẽ tác động mạnh kích thích các đoàn đầu tư nhiều vở mới là trong năm 2024, sẽ có hai kỳ liên hoan sân khấu được tổ chức. Đó là Liên hoan sân khấu TP.HCM (tiền thân là Liên hoan sân khấu mùa thu đã tạm ngưng) dự kiến diễn ra vào tháng 4.2024 và Liên hoan sân khấu toàn quốc dự kiến sẽ diễn ra tại Cần Thơ vào tháng 12.2024.
Hiện tại, đoàn Đại Việt đang có trong tay 3 kịch bản, và sẽ chọn 2 vở phù hợp cho hai liên hoan. Các đoàn khác cũng đang háo hức và sẵn sàng.