Đã quá lâu rồi sân khấu cải lương TP.HCM không trình diễn vở tuồng mang hơi thở xã hội hiện đại, kế đến, vở Cô đào hát (bản cũ) từng là vở diễn rất ăn khách vào khoảng trước năm 2000 với sự tham gia của cố NSƯT Vũ Linh, NSƯT Phương Hồng Thủy và nghệ sĩ Linh Tâm nên khi vở này được dựng lại theo phiên bản mới hứa hẹn sẽ mang đến làn gió mới cho sân khấu cải lương.
Một Thế Giới đã có buổi trò chuyện với NSƯT Quế Trân, người được mời diễn vai chính cô đào hát Cầm Thanh trong Cô đào hát (phiên bản mới) về cảm xúc nhân vật mà chị hóa thân.
MTG: Chào Quế Trân, từ khán giả bình thường đến nhà chuyên môn đều hiểu rằng ngày nay cải lương tâm lý xã hội không được ưa chuộng bằng tuồng cổ hương xa. Vì vậy, hơn 20 năm qua, không ông bà bầu nào muốn dựng tuồng thể loại này. Thế nhưng vở Cô đào hát do đoàn Đại Việt sắp công diễn lại thuộc thể loại xã hội tâm lý hiện đại. Chị có cho rằng đây là bước đi mạo hiểm?
NSƯT Quế Trân: Đúng vậy, khán giả vẫn thích phong cách cải lương tuồng cổ hơn tất thảy nên đoàn nào dựng tuồng tâm lý xã hội là một bước đi ngoài vùng an toàn, khó thu hồi vốn đầu tư, nhưng theo tôi biết ông bầu Hoàng Song Việt và đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ là những nghệ sĩ không thích sự rập khuôn và sáo mòn. Họ luôn muốn mang đến cho công chúng cảm giác mới lạ, vì vậy khi quyết định tái dựng vở Cô đào hát, họ đã trăn trở và suy tính rất kỹ. Bản dựng mới này có nhiều điều mới lạ về tình tiết câu chuyện, tình huống kịch hơn so với bản cũ.
Bên cạnh đó, chị Hoa Hạ đã mời nhà thiết kế thời trang Việt Hùng đảm trách khâu phục trang. Anh Việt Hùng là người say mê trang phục của tầng lớp thị dân Việt Nam thời Pháp thuộc. Anh đã cho tôi thấy những mẫu thiết kế đẹp và sang trọng của phong cách ăn mặc thuở ấy. Riêng việc chuẩn bị cho khâu trang phục cũng đã khiến tôi cảm thấy tinh thần mình háo hức.
Ngoài ra, ông bầu Hoàng Song Việt đã đầu tư vào dàn nhạc cổ hết sức kỳ công. Trong dàn nhạc cổ kỳ này, ngoài những danh cầm như NSƯT Văn Môn, Duy Kim, Thanh Long, Thanh Hoàng, Phú Quý còn có chị Hải Phượng - một trong số những nghệ sĩ đàn tranh vô cùng bận rộn và không dễ nhận lời mời tham gia chương trình. Chính vì vậy, sự hiện diện của chị cũng truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều.
Vì những lý do trên nên tôi có niềm tin khán giả sẽ bị chinh phục bởi tác phẩm Cô đào hát mới này.
Thực tế thời hoàng kim của cải lương thập niên 1980 trở về trước, số lượng tuồng cải lương tâm lý xã hội không nhiều bằng tuồng cổ nhưng vẫn có nhiều tác phẩm kinh điển như Đời cô lựu, Tô Ánh Nguyệt, Khách sạn hào hoa nên tôi có lý do để hy vọng Cô đào hát sẽ tạo nên một hiệu ứng đặc biệt.
Xuất phát điểm của chị từ cái nôi tuồng cổ Minh Tơ, tham gia đoàn tuồng cổ Đồng Ấu Bạch Long. Lần này, với Cô đào hát phải diễn theo một kiểu cách là tuồng xã hội, chị có cảm thấy áp lực?
- Quế Trân đồng ý rằng khi người nghệ sĩ diễn tuồng cổ nhiều, phong cách này sẽ ăn sâu vào tâm thức và khó thoát ra khi được diễn phong cách xã hội. Tôi cũng từng nghĩ như thế nên vào năm 18 tuổi tôi được giao vai Nga trong vở Khúc ly hương, tôi vô cùng băn khoăn về khả năng của mình. Đây là vở tuồng xã hội, rất khác với sở trường tôi đã được rèn luyện. Nhưng tôi được cố NSƯT Thanh Kim Huệ và NSƯT Thanh Điền động viên, hết lòng truyền dạy. Tôi đã học và cố gắng hết sức.
Tôi học cách thoại nhẹ nhàng gần gũi với đời thường, tôi học cách đào sâu vào nội tâm nhân vật, tôi tiết chế cách diễn trở về gần với điện ảnh, khác với lối diễn rất thậm xưng kiểu tuồng cổ. Kết quả là tôi đã nhận được sự thương yêu và ủng hộ từ khán giả.
Về sau này, tôi được mời vào các tuồng xã hội khác như vở Chiến binh của đạo diễn Trần Ngọc Giàu, Nhảy múa với quỷ dữ của đạo diễn Doãn Hoàng Giang. Hai vở diễn này đều gây tiếng vang tại hai kỳ Liên hoan cải lương toàn quốc. Tôi thực sự có kinh nghiệm đối với thể loại tâm lý và xã hội nên không lo sợ về khâu diễn xuất, tuy nhiên, tôi hồi hộp vì diễn lại một tuồng đã rất thành công trước đây. Tôi hy vọng cách dàn dựng mới sẽ giúp chúng tôi "có đất" để lột tả hết được chiều sâu tâm lý nhân vật, đặc biệt là với nhân vật cô đào hát mà tôi hóa thân.
Quế Trân đã diễn với hầu hết các kép cải lương nổi tiếng, lần này là diễn cặp với ngôi sao trẻ Võ Minh Lâm. Mức độ ăn ý giữa chị và Minh Lâm ra sao?
- Võ Minh Lâm là một kép nam hội tủ các yếu tố: vẻ đẹp hình thể, giọng ca, và khả năng biến hóa trong diễn xuất. Đặc biệt, Lâm có ý chí cầu tiến mãnh liệt. Trên sàn tập, Lâm sẽ nỗ lực hết sức để nhân vật của mình có sự sinh động nhất có thể. Được làm việc chung với một diễn viên yêu nghề như thế, tôi cảm thấy mình có thêm động lực và phải nỗ lực để tạo nên sự ăn ý.
Tôi đã từng diễn chung với Lâm ở nhiều vở như Chuyện tình khâu vai, Thầy Ba Đợi, Lan và Điệp. Cả ba tuồng đều được khán giả yêu quý nên chúng tôi thường được mời diễn chung trong rất nhiều chương trình khác nhau. Lâm là một trong những bạn diễn rất ăn ý của tôi.
Chị đã từng xem trực tiếp vở Cô đào hát do cố NSƯT Vũ Linh và NSƯT Phương Hồng Thủy diễn chưa? Nếu có, chị thấy cần phải lột tả nhân vật cô đào hát như thế nào?
- Thú thật, vào thời điểm vở Cô đào hát bản cũ thành công tôi cũng đang bận tham gia nhiều chương trình nên không có dịp coi trọn tuồng. Từ năm 1999 trở về sau này, hầu như tại các kỳ thi huy chương vàng Trần Hữu Trang nào tôi cũng thấy đồng nghiệp diễn lại phần cuối - đoạn hay nhất trong Cô đào hát. Từ đó, tôi lên mạng tìm xem lại trọn vở tuồng. Tôi thấy NSƯT Phương Hồng Thủy diễn quá xuất sắc. Dẫu vậy, trong bản dựng mới, NSƯT Hoa Hạ sẽ đi sâu vào việc phân tích quan niệm tình yêu của Cầm Thanh mà tôi hóa thân. Ở đó, tôi sẽ cố gắng để người xem dẹp bỏ định kiến nghệ sĩ rất lăng nhăng trong tình ái.
Sẽ có một Cầm Thanh rất chung thủy trong tình yêu lứa đôi với chồng, rõ ràng minh bạch trong tình cảm thân ái với người hâm mộ và tình cảm chan hòa với các đồng nghiệp. Ba loại tình cảm ấy không mơ hồ lẫn lộn vào nhau. Thêm nữa, tâm lý khán giả hiện đại cũng có nhiều điểm khác so với ngày xưa, thế nên, đạo diễn cũng có những xử lý phù hợp cho thời hiện tại.
Nhân vật Cầm Thanh mà chị hóa thân nhận được tình cảm từ nhiều người đàn ông cùng lúc. Quế Trân ngoài đời vừa xinh đẹp, vừa tài năng chắc hẳn cũng gặp hoàn cảnh tương tự?
- Nhìn vào nghệ sĩ nổi tiếng, hầu hết khán giả vẫn nghĩ rằng chúng tôi có nhiều thuận lợi trong tình cảm. Thú thật thì tình yêu đúng nghĩa khó tìm hơn quan hệ lứa đôi nếu không có sự thấu hiểu và bền chặt. Nói thật, đến giờ tôi vẫn đi về một mình, nhưng chỉ đón nhận tình cảm chân thành, đúng nghĩa. Khi nào tình yêu đó đến sẽ tôi mở lòng (cười).
Cảm ơn chị về buổi trò chuyện. Chúc chị và ê kíp sẽ tạo nên một tác phẩm độc đáo!