Nhìn lại một năm 2023đầy sôi động
Nhiều năm qua, sân khấu phía nam có khuynh hướng sụt giảm khán giả vì xuất hiện các loại hình giải trí mới, dẫn đến sự cạnh tranh quyết liệt. Sân khấu Idecaf được xem là "anh cả" trong làng kịch Sài Gòn mà phải đối mặt với tình trạng mỗi suất diễn chỉ bán 80 – 100 vé, chưa được lấp đầy 1/3 khán phòng 300 chỗ ngồi. Tất cả các sân khấu còn lại cũng không ngoại lệ. Khi đại dịch COVID-19 bệnh ập đến, sân khấu đóng cửa, các ông bà bầu đau đáu ngày được sáng đèn và nghệ sĩ nhớ khán giả. Khi các sân khấu được mở lại vào khoảng Tết năm 2022 thì các vở diễn ở Idecaf liên tục cháy vé và tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Thế Giới Trẻ.
Sự khởi sắc bất ngờ này đã truyền động lực cho nhiều sân khấu khác tự tin đầu tư trở lại, thay vì hé cửa nghe ngóng tình hình. Cụ thể, nghệ sĩ Minh Nhí - sau khi đóng cửa sân khấu ở địa chỉ cũ - đã mạnh dạn cùng Việt Hương mở sân khấu mới Trương Hùng Minh tại rạp Vườn Lài cũ. Bà bầu NSND Hồng Vân sau quyết định dứt hợp đồng với sân khấu Phú Nhuận đã gắn bó nhiều năm đã chọn bến đỗ mới tại Trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Hoạt động tại đây khá âm thầm, chị quyết định dời sân khấu về Nhà văn hóa sinh viên TP.HCM. Ngay lập tức, vở nhạc kịch của chị với sự góp sức của nghệ sĩ Thanh Thủy, ca sĩ Cẩm Ly thành công đặc biệt.
Không hẹn mà gặp đạo diễn Đoàn Khoa đã tái xuất với kịch thể nghiệm đầy triết lý, diễn tại sân khấu Hồng Hạc (khuôn viên Trường múa TP.HCM). Sân khấu Hoàng Thái Thanh chuyển đổi phương thức hoạt động, từ diễn hằng tuần sang diễn theo mùa cũng đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Sân khấu 5B tồn tại trong khó khăn cũng đã chuyển đổi, đầu tư chiều sâu nội dung cho vở diễn, và mở cửa chào đón những tâm hồn nghệ thuật, cũng đã có vài vở rất ấn tượng như Bến lửa lòng, Ái tình ngoài hôn nhân…
Từ hiệu ứng tốt chung ấy, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của Idecaf đã quyết định mở thêm điểm diễn là Nhà hát Thanh Niên trong khuôn viên Nhà văn hóa Thanh Niên. Ông Huỳnh Anh Tuấn giao hẳn cho đạo diễn Ngọc Hùng giữ vai trò chỉ đạo nghệ thuật, và Hùng đã đầu tư vào các vở có phong cách phù hợp với giới trẻ nên luôn đạt tình trạng cháy vé. Trong niềm vui ấy, Idecaf xảy ra một việc ngoài ý muốn, NSUT Thành Lộc đã quyết định “ra riêng” thành lập sân khấu Thiên Đăng. Với tên tuổi của NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu và các cộng sự cộng với quan niệm làm nghệ thuật nghiêm túc, Thiên Đăng lập tức thu hút khán giả qua hai vở mới đậm chất Nam Bộ là Giáng Hương và Duyên thệ cùng với vở cũ Alô, lộ hàng.
Kịch mục mới và đa dạng
Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn thừa nhận, từ khi NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu và những gương mặt quen thuộc khác rời đi, Idecaf gặp ít nhiều khó khăn. Dù vậy, trên tinh thần giữ sân khấu liên tục sáng đèn, ông đã giao cho Đình Toàn giữ vai trò giám đốc nghệ thuật và kêu gọi sự trở về của nghệ sĩ Thanh Thủy, Đại Nghĩa cùng nhiều gương mặt tài năng khác. Idecaf đã dựng 4,5 vở mới và dù ông Huỳnh Anh Tuấn nói rằng “muốn chất lượng cao hơn”, nhưng với số lượng như vậy cũng “chấp nhận được”. Lượng khán giả sau đó tăng dần, giống như lúc Idecaf mới được thành lập. Khán giả đang dần quen với những gì có ở hiện tại của Idecaf sau thời gian dài gắn bó với những giá trị cũ. Theo ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, vào mùa Tết 2024, riêng tại điểm diễn Idecaf sẽ cho ra mắt 4 vở mới, và điểm diễn tại Nhà hát Thanh Niên cũng có từ 1 đến 2 vở mới.
Sân khấu Thiên Đăng vì mới ra mắt, thì dù không có tết cũng phải đầu tư khoảng 8 vở “làm vốn” để diễn luân phiên. Sau 3 vở thành công ấn tượng, Thiên Đăng ráo riết cho sự ra mắt của 3 vở mới. Đây là 3 vở sẽ diễn trong mùa kịch Tết 2024. Được biết, ban giám đốc sẽ linh hoạt tình hình để có thể diễn thêm những vở mà khán giả yêu thích.
Thế Giới Trẻ được xem là nơi ổn định nhất trong tất cả các sân khấu về cả hai nghĩa doanh thu cao, lực lượng diễn viên dồi dào. Ngay từ đầu, ông bà bầu Trần Đại – An Thi đã xác định rõ đối tượng khán giả là các bạn trẻ nên họ xây dựng kịch mục sát với nhu cầu. Gần đây, Thế Giới Trẻ còn chào đón sự trở lại của cặp đôi quyền lực showbiz Thu Trang – Tiến Luật và nhận được sự chào đón nồng nhiệt của khán giả. Vì vậy, vào mùa kịch Tết Thế Giới Trẻ đầu tư 4 vở theo phong cách hài hước và tâm lý. Có thể sẽ diễn thêm vở Tâm ma, vở kịch đánh dấu sự trở lại của Thu Trang – Tiến Luật, Khả Như và chào đón gương mặt mới Huỳnh Phương.
Bà bầu An Thi bộc bạch: “Bên cạnh thể loại quen thuộc kinh dị hài, chúng tôi sẽ đầu tư vào các vở có chiều sâu tâm lý chứ không chỉ dừng lại ở mức hoạt náo quăng bắt, thông điệp đẹp và đề cao tính giáo dục. Sau tết, chúng tôi sẽ ra mắt hai “bom tấn” đúng nghĩa”.
Bà bầu NSND Mỹ Uyên vẫn một mình quay quắt với sân khấu 5B ở cả sân khấu người lớn lẫn sân khấu thiếu nhi. Nhưng mùa tết năm nay, 5B đã chuẩn bị cho một vở kịch thiếu nhi và hai vở kịch người lớn. Một trong hai vở người lớn có sự tham gia của nghệ sĩ Trung Dân, và đạo diễn kiêm biên kịch gạo cội Nguyễn Thị Minh Nguyệt.
Sân khấu Trương Hùng Minh sau thành công ấn tượng, chuẩn bị 2 vở mới cho mùa Tết. Một vở sẽ ra mắt trước tết khoảng 1 tuần, vở còn lại sẽ ra mắt ngay Mùng 1 Tết, còn những vở đã ra mắt trong năm 2023 có diễn lại không, tùy vào tình hình khán giả. Sân khấu Hoàng Thái Thanh diễn kịch theo mùa nên rất chắc lọc nội dung và đang gặt hái nhiều thành quả tốt. Mùa Tết này, sân khấu này sẽ công diễn 2 vở tâm lý mới, đó là: Lạc ở đáy sông và Lồng sắt.
Nếu so về số lượng thì vở mới mùa kịch Tết năm 2024 nhiều hơn so với năm 2023 vì có nhiều sân khấu mới ra đời, đồng thời mỗi sân khấu dựng nhiều vở hơn. Về chất lượng, hiện tại chưa thể đánh giá, nhưng nếu căn cứ vào kết quả năm qua, người yêu kịch vẫn có thể hy vọng chất lượng các vở các sân khấu có sự đầu tư hoàn chỉnh hơn.