Bà kể: “Tôi chỉ còn một mắt với nhiều sẹo đến nỗi tôi phải nhìn mọi thứ qua một khe nhỏ bên mắt trái. Tôi chỉ có thể đọc sách bằng cách dí sát vào mặt và cố sức căng mắt về phía góc trái đó”.
Nhưng bà không hề than thân trách phận, cũng không muốn bị coi là “khác biệt”. Hồi nhỏ, bà rất muốn chơi nhảy lò cò với những đứa trẻ khác, nhưng lại không thể nhìn thấy những vạch kẻ. Vì thế, đợi các bạn về hết, bà liền xuống sân và vừa bò vừa kề sát mặt xuống đất để có thể nhìn thấy những đường kẻ. Nhờ cách đó, bà có thể nhớ nằm lòng từng khoảng sân chơi và không lâu sau đã trở thành một người chơi xuất sắc. Khi tập đọc ở nhà, bà cầm những quyển sách được in khổ to và dí sát mắt đến nỗi lông mi chạm cả vào trang sách. Cuối cùng, bà đã tốt nghiệp Đại học Minnesota và lấy thêm một bằng tiến sĩ ở Đại học Columbia.
Công việc đầu tiên của bà là dạy học ở một ngôi làng nhỏ nằm trong thung lũng Twin, bang Minnesota, và bà phấn đấu cho tới khi trở thành giáo sư về báo chí và văn học của Đại học Augustana ở Sioux Falls, South Dakota. Bà dạy ở đó trong 13 năm, giảng bài cho các câu lạc bộ của phụ nữ và nói chuyện qua radio về sách và các tác giả. Bà viết: “Trong ký ức của mình, tôi luôn nơm nớp lo sợ sẽ bị mù hoàn toàn. Để vượt qua nỗi sợ hãi đó, tôi đã chọn một thái độ sống vui vẻ, gần như lúc nào cũng tràn đầy tiếng cười”.
Rồi khi đã 52 tuổi, một điều kỳ diệu đã xảy đến: bà có thể nhìn rõ hơn trước 40 lần, sau một ca phẫu thuật ở Bệnh viện chuyên khoa Mayo Clinic nổi tiếng.
Một thế giới mới mẻ, thú vị và đáng yêu mở ra trước mắt bà. Giờ đây, ngay cả việc rửa bát cũng khiến bà bồi hồi xúc động. Bà viết: “Tôi bắt đầu nghịch những bọt xà phòng trắng xóa. Tôi nhúng tay vào chậu và vớt lên những bong bóng xà phòng bé nhỏ. Tôi hướng chúng về phía ánh sáng và có thể nhìn thấy trong đó là những sắc màu rực rỡ như cầu vồng”.
Khi nhìn qua ô cửa sổ phía trên bồn rửa bát, bà thấy “những chú chim sẻ đang vỗ những đôi cánh màu xám đen, bay trong làn tuyết rơi dày trắng xóa”.
Ngây ngất trước những bong bóng xà phòng và những chú chim sẻ, bà đã viết lời kết cho quyển sách của mình như sau: “Tôi thầm nhủ: Chúa tôn kính, Người trị vì Thiên Đàng, con cảm ơn Ngài. Con cảm ơn Ngài!”.
Đã khi nào chúng ta có ý nghĩ cảm ơn cuộc đời vì những điều ta vẫn cho là “tầm thường” đó chưa? Chắc là không. Thậm chí, chúng ta đã cảm thấy vô cùng khổ sở với những chiếc bong bóng xà phòng trong bồn rửa chén! Chúng ta được sống trong một xứ sở thần tiên đẹp tuyệt vời là cuộc đời này, nhưng lại quá mù quáng mà không nhận ra điều đó, có lẽ vì quá đầy đủ nên không biết hưởng thụ nó.
Vậy thì giờ đây chúng ta hãy thực hiện theo nguyên tắc: “Nghĩ đến những điều may mắn mà bạn có được – chứ không phải những rắc rối” – theo nguyên tắc thứ 4 của cuốn Quẳng gánh lo đi và vui sống được chứ?