Chúng ta vẫn thường được dạy rằng lòng quyết tâm và tính kỷ luật là những đức tính tốt. Điều này dẫn đến việc chúng ta thường tôn thờ lao động chăm chỉ và cầu nguyện mình có được sự kiên trì, bền bỉ. Nhưng chặng đường ta đi xa hay gần không phụ thuộc nhiều vào việc ta lao động nhiều ra sao, mà quan trọng là sự lao động ấy mang đến kết quả thế nào. Sự thịnh vượng sẽ tăng lên khi con người dần có khả năng tiếp thu những ý tưởng mới và sàng lọc những ý tưởng cũ.
Trong cuốn sách “Biến tiềm năng thành tài năng”, tác giả Adam Grant cho biết: “Việc cải thiện không phụ thuộc vào số lượng thông tin bạn tìm kiếm mà phụ thuộc vào chất lượng thông tin bạn tiếp nhận. Sự phát triển không nằm ở việc bạn chăm chỉ ra sao, mà nằm ở việc bạn học hiệu quả như thế nào”.
Mellody Hobson - nữ doanh nhân người Mỹ, chủ tịch kiêm đồng giám đốc điều hành của Ariel Investments và là cựu chủ tịch của Starbucks - là một trong minh chứng cho điều này. Tuy có xuất phát điểm không thuận lợi nhưng nhờ khả năng biến mình thành loài “bọt biển” đã giúp Mellody đạt đến những thành tựu lớn lao và được tạp chí Time bình chọn là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới.
Khi nghĩ đến bọt biển, có thể bạn sẽ hình dung ra một sinh vật giống như miếng bọt biển trong nhà bếp của mình - có khả năng thấm hút mọi thứ xung quanh. Nhưng bọt biển không chỉ hấp thu thức ăn và oxy một cách thụ động. Chúng rất giỏi trong việc lọc chất độc hại và các phần tử không lành mạnh. Mellody Hobson cũng như thế, cô không chỉ tiếp nhận thông tin mà còn biết phân tích, đánh giá, sàng lọc và áp dụng những thông tin đó một cách thông minh.
Nếu muốn trở thành một người giống Mellody Hobson, bạn cần phải chú ý đến hai điểm chính. Đầu tiên là cách bạn thu thập thông tin: bạn chỉ phản ứng với những gì lọt vào tầm nhìn của mình hay bạn có chủ động tìm kiếm kiến thức, kỹ năng và quan điểm mới không? Thứ hai là mục tiêu bạn theo đuổi khi sàng lọc thông tin: Bạn tập trung vào việc nuôi dưỡng cái tôi hay thúc đẩy sự phát triển của mình?
Việc phản ứng theo bản năng và bị cái tôi điều khiển sẽ cản trở quá trình học tập, làm giới hạn khả năng tiếp cận thông tin mới và từ chối mọi thông tin đầu vào đe dọa quan niệm của người học, từ đó hình thành một tư duy cứng ngắc. Ngược lại, nếu có phương pháp hấp thu chủ động và có định hướng phát triển, chúng ta sẽ trở thành bọt biển - luôn chủ động mở rộng giới hạn bản thân và học cách thích nghi. Trở thành bọt biển không chỉ là phép ẩn dụ, mà còn là một kỹ năng nhân cách, một hình thức chủ động rất quan trọng để nhận ra tiềm năng chưa khai phá.
Như Adam Grant chỉ ra: “Thành công không chỉ là đạt được mục tiêu mà còn là sống theo các giá trị chúng ta coi trọng. Không có giá trị nào cao cả hơn việc khao khát trở thành một người tốt hơn so với phiên bản của ta ở hiện tại. Không có thành tựu nào vĩ đại hơn việc giải phóng tiềm năng còn đang ẩn giấu trong ta. ”.