Thiệt tình, tôi rất thích chữ “nghịch” trong cách dịch tựa đề cuốn "Bạn đang nghịch gì với đời mình"?, bởi tựa gốc tiếng Anh chỉ… chung chung là "What are you doing with your life?".
Đây là cuốn sách tuyển chọn một cách hệ thống các chủ đề quan trọng từ nhiều tác phẩm giá trị, cùng một số bài báo và đoạn ghi âm những cuộc đối thoại, bài diễn thuyết của bậc hiền triết Krishnamurti. Nhờ vậy, chỉ qua hơn 290 trang sách, với bốn phần và 28 chương, ta sẽ được tham gia vào những cuộc trò chuyện mang tính trí tuệ và đầy cảm hứng của Krishnamurti về cái tôi, bản ngã, về nhiều rào cản của cuộc sống từ các mối quan hệ và tình yêu, về nỗi sợ, sự cô đơn, sự đau khổ và cách vượt qua chúng,...
Chỉ qua hơn 290 trang sách, với bốn phần và 28 chương, ta sẽ được tham gia vào những cuộc trò chuyện mang tính trí tuệ và đầy cảm hứng.
“Tại sao đụng đến điều gì chúng ta cũng biến nó thành vấn đề vậy? Và vì sao chúng ta không chấm dứt chúng, tại sao ta lại cam chịu chung sống với các vấn đề và mang vác chúng từ ngày này qua ngày khác, từ năm này qua năm khác?” - nhà hiền triết đặt vấn đề.
Và ông nêu tiếp một câu hỏi nhức nhối khác, chạm vào nền tảng bao trăn trở của chúng ta bấy lâu: “Tại sao chúng ta biến cuộc sống thành một tập hợp vấn đề?”.
Theo Krishnamurti, xã hội được xây dựng dựa trên tham vọng, lòng đố kỵ, tính hám lợi, trong đó “mỗi người trở thành kẻ thù của người khác”; và “bạn được "giáo dục" để tuân phục cái xã hội đang phân rã ấy, bạn được dạy cách để tự mình khớp vào cái khuôn khổ xấu xa của nó”.
Chúng ta cần ai đó có thể che chở cho mình, và cố gắng tìm ra điều gì đó lớn lao để tự gắn mình vào đó. Chúng ta thật sự trống rỗng. Sự phiền muộn trú ngụ trong cái tôi. Và ông đưa ra lời khuyên thật sự lay động: Chấm dứt cái tôi, chấm dứt đau khổ.
Tại sao lại… chấm dứt cái tôi?
Cái tôi là tập hợp của những ký ức không hơn không kém. Tất cả những gì ta làm trong cuộc đời đều “nhấn mạnh vào cái tôi, vào bản ngã”, song những giá trị sai lệch do chính cái tôi tạo ra luôn khiến ta khốn khổ vì những ảo tưởng, bối rối, lo âu, chán nản, đau khổ, cô đơn, sợ hãi, thất vọng, thất bại,…
Từ đó, con người luôn cố “trốn thoát” bằng cách lạm dụng ma túy, chất gây nghiện, bằng giải trí, bằng tình dục, và cả qua công việc, tôn giáo,…
Theo ông, việc trốn chạy là “hình thức cao nhất của sự phòng thủ”, và cũng là “khát khao quên lãng chính mình”, mà “tình dục là hình thức trốn chạy phổ biến nhất”. Tuy vậy, những xáo trộn, tổn thương và đau đớn vẫn luôn tồn tại, vẫn gắn liền với những vấn đề muôn thuở của xã hội: nghèo đói, bệnh tật, bạo lực và chiến tranh.
Bạn sao, thế giới vậy, và vấn đề của bạn là vấn đề của thế giới.
“Thay đổi chính mình để thay đổi thế giới.” - ông nói - “Sự thay đổi bên trong, chứ không phải bề ngoài, sẽ giúp chuyển hóa xã hội”, bởi xã hội chính là phiên bản mở rộng của tất cả chúng ta.
Ông khẳng định: “Tâm trí ta và nỗi khổ của ta đều như nhau”, và “Nội tâm thế nào, cuộc sống thế ấy”.
Ông vạch rõ: “Ngu dốt là tình trạng thiếu hiểu biết chính mình”. Và bởi vậy, giáo dục phải “đánh thức năng lực tự nhận biết bản thân, chứ không phải để thỏa mãn việc tự khẳng định bản thân”.
Hàng ngàn thế hệ đã nối tiếp nhau, qua cả những hệ thống trường học và những hệ thống giáo lý khác nhau, song con người vẫn chưa hề học được, trên phương diện tâm lý, cách để chấm dứt đau khổ cho chính mình và ngừng gây đau khổ cho người khác.
Thay vì học cách trốn khỏi nỗi cô đơn và sự đau khổ, con người cần tìm cách chấm dứt nó. Cần từ bỏ cái tôi - nguồn cơn gieo rắc rối, nỗi đau tâm lý mà chúng ta phải gánh chịu. Sự hiểu biết bắt nguồn từ tự do khỏi cái tôi.
Trong hơn 65 năm diễn thuyết về tự do tâm lý cho bất kỳ ai muốn lắng nghe ông, Krishnamurti luôn vạch rõ: Không có con đường nào, cũng không có đạo sư để noi theo, vì đó là trách nhiệm của chính chúng ta đối với cách chúng ta sống cuộc đời của mình.
“Chân lý là một vùng đất vô lối”, ông từng tuyên bố như vậy. Vì nếu ta noi theo người khác, ta sẽ không bao giờ tìm thấy chân lý. Sự thật do một người khác chỉ ra cũng không khác gì một ý kiến, cho tới khi bạn tự mình trải nghiệm. Bạn phải soi rọi mình thật rõ ràng, hoặc bạn sẽ mắc kẹt với “một đám bụi mịt mù của ngôn từ” mà không thực sự nhận biết gì về cuộc sống.
Bạn có khả năng nội tại để khám phá xem mình là ai, đang làm chi với đời mình và nhìn nhận các mối quan hệ, cùng công việc của bạn. Bạn cần thử trải nghiệm những điều được đề cập trong cuốn sách này. Để tự giáo dục một cách đúng đắn, bạn phải hiểu về bản thân và không ngừng đào sâu hiểu biết về chính mình.
Krishnamurti nhắc ta sống trong tỉnh thức, và vấn đề của bản ngã không thể được giải quyết bằng sự trốn chạy. Để không phí hoài cuộc sống bằng cách… “nghịch” đời mình khi chấp nhận sự khổ sở của việc sống hời hợt, nhà hiền triết đề nghị ta cần làm cuộc cách mạng thật sự: cuộc cách mạng bên trong mỗi chúng ta.
“Thiền định mang lại sự sáng rõ trong tâm hồn”, theo Krishnamurti. Song đó không phải là “tự thôi miên”, như kiểu ngồi ở một góc nào đó và tập giữ hơi thở, tụng niệm những lời ngớ ngẩn, hoặc giam mình trong một căn phòng và ngồi trước hình ảnh của một vị đạo sư hay bậc thầy tâm linh để thiền định, vì đó chỉ là… “một sự trốn chạy”.
“Thiền là tự biết mình, và không có sự tự biết mình nào không phải là thiền định.” – ông nói - “Điều thật sự quan trọng không phải là chúng ta đang làm gì mà là liệu ta có thể dành cho nó sự chú tâm hay không”.
Krishnamurti từng tuyên bố rằng sự quan tâm duy nhất của ông là "làm cho con người được tự do một cách tuyệt đối và không điều kiện". Và chìa khoá của tự do chính là hiểu biết bản thân.
Kỳ 2: Những thông điệp sâu sắc về giáo dục của triết gia Jiddu Krishnamurti
Bạn không phải là một loại đất sét hay một loại bột dẻo để nhào nặn vào chiếc khuôn đúc. Một người bị vướng kẹt trong khuôn khổ của sự nể trọng, đàn áp, bắt chước, tuân thủ thì không thật sự sống; tất cả những gì anh ta học được và thu nhận được đều chỉ là một biến thể của cái khuôn mẫu nào đó.