Không khó để bạn lướt từ Facebook, Instagram hay các sàn thương mại điện tử đều thấy tràn ngập các video livestream bán hàng.
Cũng chính bạn là người nhận được 7749 cái thông báo từ cửa hàng nọ, nhân vật kia, nghệ sỹ nào đang livestream bán hàng.
Có thể nói, nghề livestream trong năm nay đã trở thành một xu hướng ngành nghề mới được rất nhiều người trong xã hội tham gia.
Nếu là người hoạt động trong lĩnh vực livestream có lẽ bạn sẽ nghe qua các cụm từ như "ông hoàng livestream, bà hoàng livestream". Đây đều là những danh xưng mỹ miều được đại bộ phận cộng đồng mạng sử dụng phổ biến cho những người làm nghề livestream nổi tiếng tại Trung Quốc.
Ở đất nước tỷ dân này, nghề livestream hái ra tiền này rất được ưa chuộng. Những người livestream có ngoại hình, trình độ, cái duyên vô cùng được săn đón. Họ có thể bán được mọi thứ hàng hóa và dịch vụ từ bảo hiểm nhân thọ, bán gói vay, dạy đầu tư cổ phiếu, hướng dẫn mua chứng khoán, bán tour du lịch. Thậm chí sau khi tình hình dịch bệnh phức tạp hơn thì những người này còn chuyển sang bán cả xe sang, nhà đất mà vẫn vô cùng ăn khách.
Sự phát triển như vũ bão của nghề livestream với hàng loạt ông hoàng, bà hoàng livestream có thu nhập khủng là tiền đề mở đường cho ngành nghề này vào Việt Nam. Ảnh minh họa.
Về tới Việt Nam, nghề livestream vẫn tiếp tục thể hiện được sức mạnh của mình khi len lỏi và bùng lên mạnh mẽ. Những người livestream tại Việt Nam chủ yếu là giúp tăng tương tác, giúp khách hiểu rõ sản phẩm qua review chân thực nhưng có chọn lọc của mình giúp hút thêm lượt theo dõi và cốt yếu nhất là chốt được đơn, bán được hàng.
Theo chia sẻ mới nhất của Ông Phạm Ngọc Duy Liêm, một trong ba sáng lập viên của Công ty cổ phần công nghệ GoStream nền tảng livestream đầu tiên của người Việt cho biết: "Trong thời gian dịch bệnh phức tạp, lượng livestream tăng trưởng gấp đôi. Hiện có khoảng 40.000 phòng livestream bán hàng qua hệ thống. Dự kiến mỗi ngày tại Việt Nam bình quân đang có khoảng từ 70-80.000 (phiên) livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội trong đó chủ yếu là Facebook".
Về tới Việt Nam, nghề livestream vẫn tiếp tục thể hiện được sức mạnh của mình khi len lỏi và bùng lên mạnh mẽ. Ảnh minh họa.
Đã đủ choáng chưa khi bạn cứ nhìn những con số này để hiểu phần nào nghề livestream đang phát triển mạnh như vũ bão trong tình hình kinh tế và các ngành nghề khác đang dậm chân tại chỗ hay có phát triển nhưng cũng không thể vượt qua được.
Bởi người làm nghề livestream không cần qua bất kỳ trường lớp đào tạo hay phải đi học đâu đó nhận chứng chỉ ngành nghề. Mà đơn giản mỗi người chỉ cần một dụng cụ phát sóng trực tiếp có kết nối mạng rồi thực hiện vài thao tác đơn giản là có thể bắt đầu livestream bán hàng. Chẳng thế mà tốc độ phát triển của nó nhanh và mạnh đến thế.
Với thị hiếu khách hàng luôn mong muốn được nhìn quá trình trải nghiệm sản phẩm trực tiếp, livestream giờ đây đã trở thành một nghề mới với nhiều người. Không chỉ với các sinh viên đang còn học mà với các sinh viên mới ra trường cho tới người nông dân và cả người nổi tiếng cũng là một công việc hấp dẫn.
"Xu hướng làm nghề livetream đang rất hot. Như đợt dịch vừa qua, tất cả sản phẩm của cửa hàng tôi đều bán qua mạng với hình thức này. Để tăng uy tín, tôi thuê luôn một nhân viên livestream chuyên nghiệp làm theo tháng. Trung bình một tháng trả lương từ 7 triệu đến 30 triệu đồng tùy vào hiệu quả làm việc.
So với các nghề làm thêm khác như gia sư, bồi bàn, giúp việc theo giờ…, livestream được coi là một trong những công việc "hái ra tiền" với những người trẻ", anh Minh Hoàng chủ của một cửa hàng bán đồ thời trang chia sẻ.
Livestream được coi là một trong những công việc "hái ra tiền" với những người trẻ. Ảnh minh họa.
Những người làm nghề livestream cần đáp ứng đủ yếu tố từ ngoại hình ưa nhìn, ăn nói cuốn hút và có duyên bán hàng. Bởi lẽ, công việc livestream đòi hỏi phải sắm nhiều vai khác nhau. Họ sẽ phải làm MC giới thiệu sản phẩm, làm người mẫu trải nghiệm sản phẩm, điều hành các trò chơi và chốt đớn cho khách. Do vậy, nghề nghiệp đòi hỏi nhiều thứ này cũng cho người ta số lương và cuộc sống "vương giả".
Chị Thoa, hiện đang là nhân viên văn phòng kiêm livestreamer cho chính công ty bán đồ dùng công nghệ mà chị đang làm việc. Công việc livestream của chị chủ yếu diễn ra ngay tại phòng làm việc của mình. Phòng livestream công ty đầu tư chỉ tốn vài triệu đồng, chủ yếu là những phụ kiện như một cái đèn chiếu sáng, bộ mic... Trong khi đó, chị Thoa sẽ tận dụng smartphone và laptop sẵn có để phục vụ livestream.
Một buổi livestream bán camera thông minh của chị Thoa. Ảnh minh họa.
Một góc phòng được chị Thoa trang trí hậu cảnh cho tươm tất để giới thiệu sản phẩm. "Ngày thường, tôi tự livestream một mình với cái điện thoại. Chỉ vào lúc những sự kiện khuyến mại lớn tôi mới nhờ bạn kỹ thuật lên hỗ trợ live qua máy quay hành trình và phát qua laptop. Tôi vốn không phải là người giỏi ăn nói nên ban đầu cũng không tự tin. Những ngày đầu mỗi buổi chỉ có khoảng 70 người xem. Còn hiện nay, mỗi buổi tôi làm đã thu hút 300-500 khách, các sự kiện lớn thì 1.000-2.000 khách, đỉnh điểm có thể đạt 4.000.
Người livestream sẽ phải nói rất nhiều. Kịch bản thông thường là chào khán giả, giới thiệu tổng quan các sản phẩm của buổi trò chuyện. Tiếp theo, là giới thiệu kỹ từng sản phẩm đang xem với chia sẻ những câu chuyện vui và mở minigame cho mọi người tham gia. Chính lúc họ chơi minigame là mình được giải lao, nghỉ nói được một chút", chị Thoa cho biết.
Lượng hàng bán được tăng lên bao nhiêu cũng kéo theo thu nhập của chị Thoa tăng lên bấy nhiêu. Công việc tưởng dậm chân tại chỗ vì dịch bệnh lại mang tới cơ hội mới cho chính chị. Ảnh minh họa.
Vào những đợt khuyến mại lớn, chị Thoa livestream liên tục mỗi ngày 2 ca, suốt cả tuần. Doanh thu vào những ngày khuyến mại này có thể tăng 30-40% so với ngày thường. Điều này tương ứng với số lương cũng tăng lên không ngờ mà chị được nhận.
Không chỉ sinh viên hay dân văn phòng mà cả hình ảnh người nông dân ra đồng livestream quá trình trồng trọt, thu hái và bán nông sản ngay tại vườn nhà mình cũng tạo cho người mua cảm giác tin tưởng hơn và có tính tương tác mua hàng nhanh hơn. Số lượng hàng nông sản bán ra tăng lên cũng khiến hình thức này ngày càng phát triển, càng khẳng định hơn nghề livestream không còn "kiêng cữ" bất kỳ ai.
Cơn càn quét livestream với giới giải trí showbiz, anh chị em nghệ sĩ cũng không ngoại lệ. Bởi do diễn biến phức tạp của dịch bệnh mà các show diễn bị huỷ, lịch trình đều bị "đóng băng", tạm hoãn vô thời hạn. Người trong cuộc đã làm gì để ứng phó? Và câu trả lời tất nhiên là chuyển hướng sang làm nghề livestream bán hàng online.
Rảo qua trang cá nhân của một số người nổi tiếng sẽ thấy hàng loạt livestream kiểu như: Dạo này, cả nhà (từ hay được dùng để gọi bạn bè trên mạng xã hội) có thấy da mình trắng trẻo và căng mịn không? Đó là nhờ mình xài loại kem A, uống collagen B, đắp mặt nạ loại C. Hay bữa giờ đóng phim bận rộn không có thời gian tập thể dục nhưng vẫn giữ dáng được là nhờ thực phẩm giảm cân hiệu D, cái đai nịt bụng hiệu F... đều là những kịch bản bán hàng khá quen thuộc.
Việc nghệ sĩ làm nghề livestream bán hàng cũng được coi là việc kinh doanh kiếm tiền dựa trên thương hiệu, uy tín của cá nhân. Ảnh minh họa.
Việc nghệ sĩ làm nghề livestream bán hàng cũng được coi là việc kinh doanh kiếm tiền dựa trên thương hiệu, uy tín của cá nhân. Có thể kể tới như nam diễn viên hài Lê Dương Bảo Lâm, nghệ sĩ đắt show livestream bán hàng nhất hiện nay trong showbiz.
Anh chia sẻ: “Công việc livestream đến với tôi một cách rất tình cờ. Tôi nghĩ bản thân mình quá may mắn khi hái ra tiền nhờ công việc này. Hiện, tôi đã nhận quảng cáo cho hơn 300 mặt hàng". Theo nam nghệ sỹ này tiết lộ trên sóng truyền hình thì hiện tại, bình quân mỗi ngày nam diễn viên livestream từ 3-4 lần và nhận cát-xê với giá 15 triệu/lần livestream.
Và một thực tế cho thấy hiện nay, rất nhiều nghệ sĩ Việt siêng livestream bán hàng trên mạng. Trung bình một tuần họ giới thiệu một đến hai sản phẩm, có người nhiều hơn xuất hiện 4-6 quảng cáo một tuần.
Công việc làm nghề livestream này không đòi hỏi vốn nhiều, dễ tiếp cận khán giả, thời gian linh hoạt. Hơn nữa, lại ưu thế có sẵn lượng khán giả, uy tín nên các nghệ sĩ chọn việc này là cách cải thiện thu nhập cũng là điều dễ hiểu.
Trang mạng cá nhân của các nghệ sĩ nổi tiếng luôn có nhiều fan theo dõi và nhiều nghệ sĩ đã tận dụng lợi thế này để nhận livestream bán hàng online hoặc “review” sản phẩm. Ảnh minh họa.
Không thể phủ nhận 2020 chính là năm ghi dấu ấn đậm nét cho nghề livestream bán hàng. Những con người nhuần nhuyễn giữa sự giải trí và bán hàng.
Ngành công nghiệp này trong thời gian tới còn có thể phát triển mạnh hơn. Chính vì thế việc xây dựng hệ thống những người làm livestreamer để trở thành ngôi sao hay còn được gọi là "ông hoàng livestream, bà hoàng livestream" trong tương lai có thể giúp khẳng định livestream bán hàng một nghề hoạt động trong ngành công nghiệp với đầy đủ tính chất và giá trị.
Ảnh: Internet.
Nhịp sống Việt