Đời người ngắn ngủi, năm tháng không dài, thay vì sống trong mắt người khác, chi bằng hãy sống trong tim của chính mình. Thay vì khiến mình tủi thân chỉ để khiến người khác vui, chi bằng luôn bình thản mà sống thật và tự tại.
Giải Nobel năm nay vừa lắng xuống, và Haruki Murakami, nhà văn nổi tiếng người Nhật Bản một lần nữa trở thành trung tâm của nhiều cuộc thảo luận sôi nổi.
Giải Nobel về văn học năm nay không thuộc về ông, mà thuộc về nhà thơ người Mỹ, Louise Elisabeth Glück.
Nhiều fan hâm mộ không thể chấp nhận được kết quả này, cho rằng Haruki phụ sự mong đợi của họ, còn ông thì vẫn vậy, "không chút động thái".
Nhiều năm trước, ông đã từng chia sẻ về suy nghĩ của mình về giải Nobel: "Chỉ cần có tên là một "giải thưởng", từ Giải thưởng Viện hàn lâm đến Giải thưởng Nobel Văn học, ngoại trừ những giải thưởng đặc biệt mà tiêu chí đánh giá chỉ giới hạn ở những con số, thì bằng chứng khách quan về giá trị hoàn toàn không tồn tại."
Rất nhiều người cho rằng ông kiêu ngạo, ngông cuồng, không xem giải Nobel ra gì. Nhưng càng trải đời nhiều càng hiểu ra rằng, thái độ "không để ai trong mắt" này, thực ra lại là một trí tuệ rất hiếm có: "Cuộc sống trước giờ luôn là của mình, không liên quan gì tới người khác."
Không giải thích, không nịnh bợ, không bám lấy, mới là cách sống cao cấp nhất của một người trưởng thành.
Người không hiểu bạn, không cần giải thích
Tác giả của một cuốn sách có tựa Việt là "Mềm dẻo" từng nói: "Trong cuộc sống của chúng ta, gặp được tình yêu, gặp được tình dục, không phải chuyện hiếm, cái hiếm là gặp được sự thấu hiểu."
Con người với nhau, khó nhất chính là hiểu được nhau.
Leoh Ming Pei là một kiến trúc sư rất nổi tiếng của Trung Quốc. Ông từng được Tổng thống Pháp chỉ định là người thiết kế dự án tái thiết bảo tàng Louvre, khi đó, hầu hết các thành viên trong viện thiết kế đều phản đối quyết định này, nhưng Tổng thống Pháp vẫn kiên quyết với sự lựa chọn của mình.
Vậy là, họ tìm đủ mọi cách làm mất uy tín ông Pei. Có người đi tuyên truyền rộng rãi rằng: "Leoh Ming Pei sẽ hủy hoại cả Paris." Một số người lại đặt điều với bản thiết kế của ông rồi đi tuyên truyền với nhiều người không hiểu gì về lĩnh vực này rằng: "Đây là thứ quái quỷ gì vậy."
Những người dân Pháp vì bị giật dây nên ngày càng trở nên kích động.
Một ngày nọ, khi đang đi trên đường phố Paris, một người phụ nữ đã cố tình mắng mỏ ông Pei, nhưng ông chỉ mỉm cười và đi qua. Ông không vì sự hiểu lầm của người khác mà nổi giận, cũng chẳng muốn tốn thời gian đi thanh minh hay bao biện, chỉ chuyên tâm cho công việc của mình. Sau này, ông đã sử dụng thiết kế kim tự tháp để biến Louvre trở thành một trong những tòa nhà đáng tự hào nhất của người Pháp.
Đây chính là đáp án tốt nhất dành cho những ai hiểu sai về ông.
Một nhà văn từng viết thế này: "Lúc trước, luôn cố gắng đi giải thích, đi làm rõ tới cùng, là vì sợ, sợ đắc tội với người khác, sợ mình bị hủy hoại, sợ những cảm xúc cứ mãi lung lay ấy. Hiện tại không giải thích, không lý luận, vẫn sợ, nhưng là sợ lãng phí thời gian quý báu của mình, sợ ảnh hưởng tới khát khao muốn tận hưởng cuộc sống của mình."
Khi còn trẻ, chúng ta luôn thích đi giải thích, sau này mới hiểu ra, sự giải thích của bạn chưa chắc đã đổi lại được sự thấu hiểu. Người hiểu bạn, không cần giải thích; người không hiểu bạn, không đáng để giải thích.
Cứ làm tốt việc của mình, thời gian rồi sẽ chứng minh tất cả.
Người không quan tâm bạn, không cần nịnh bợ
Tác giả của cuốn sách mang tên "Unlatched the Window on the Paradise" từng nói: "Người thực sự quan tâm bạn, họ sẽ thích cái dáng vẻ kiêu ngạo và hết mình của bạn; chứ không phải cái dáng vẻ cố tỏ ra khiêm tốn hay gồng mình lên để hòa hợp của bạn."
Thứ tình cảm mà cần bạn phải hạ thấp cái tôi của mình, gồng mình lên để hòa hợp, để làm người ta vui, nhất định sẽ không dài lâu. Một mối quan hệ mà cứ khiến bạn phải cẩn thận dè dặt từng chút một để duy trì, nhất định sẽ không sâu sắc.
Trong bộ phim của Anh có tên "Flipped" (Tựa Việt: "Một thuở tình thơ") có một phân đoạn rất ấn tượng như này.
Vào một buổi chiều đầy nắng, Bryce chuyển đến thị trấn nhỏ cùng bố mẹ và trở thành hàng xóm của Julie. Julie đã yêu Bryce ngay từ cái nhìn đầu tiên, và tình cờ hơn nữa là sau đó họ trở thành bạn học của nhau.
Trang trại của gia đình Julie nuôi rất nhiều gà. Để đến gần hơn với Bryce, Julie giao trứng tươi cho gia đình họ vào mỗi buổi sáng. Vốn dĩ nghĩ Bryce sẽ có ấn tượng tốt với Julie vì điều này, dù sao thì những người hàng xóm khác đều phải bỏ tiền ra mua cả.
Cho đến một ngày, khi giao trứng xong và chuẩn bị rời đi, Julie quay lại và thấy Bryce đang chuẩn bị ném trứng vào thùng rác.
Khi Julie nói muốn biết lý do, Bryce đã trả lời rằng: "Bố tôi nghĩ chuồng gà nhà bạn bẩn, sợ bị nhiễm khuẩn salmonella nếu ăn trứng đó của nhà bạn."
Và tất nhiên, những gì mà Julie cố gắng bỏ ra, Bryce đều chẳng cho vào đầu.
Thông qua chuyện này, Julei đã thấu tỏ lòng Bryce và dứt khoát quên cậu nhóc ấy đi.
Luôn bỏ ra, nhưng lại không nhận lại được tấm chân tình tương xứng từ đối phương, có những người, có đối xử tốt với họ tới đâu cũng vô dụng.
Trong một chương trình truyền hình thực tế của nước ngoài có tên "Rock and Roast", một thí sinh tham gia chương trình đã nói rằng, kể từ sau khi nổi tiếng, bản thân cô cũng đọc được rất nhiều bình luận tiêu cực.
Cô bình thản nói, dù đọc xong cảm thấy rất tổn thương, nhưng nó cũng khiến cô suy ngẫm rất nhiều.
Cuối cùng, "tôi muốn nói với tất cả những người không thích tôi một câu rằng: "Tôi cũng không thích bạn."
Một câu "tôi cũng không thích bạn", nói ra tiếng lòng của biết bao người.
Trong cuộc sống, người đến người đi, có người thích bạn, tự nhiên cũng sẽ có người không thích bạn, có người quan tâm bạn, và lẽ dĩ nhiên là cũng có người chẳng buồn để ý tới bạn.
Việc của bạn là, không cần để ý, cũng chẳng nhất thiết phải gồng mình lên để hòa hợp hay nịnh bợ họ.
Cũng giống như một dịch giả từng nói: "Thế giới là của mình, nó chẳng liên quan tới những người khác." Đời mình thì bản thân mình chính là nhân vật chính, những người khác chỉ là phong cảnh bên đường.
Thay vì cố gắng với lấy cái hạnh phúc bằng cách làm hài lòng người khác, chi bằng sống cuộc sống của mình thật nghiêm túc.
Nhóm không thuộc về bạn, không cần bám lấy
Không biết bạn từng có cảm giác như này hay không, cảm giác như bất kể có sống thế nào, thì chúng ta cũng sẽ bị ràng buộc vào một nhóm người nào đó dù ít hay nhiều. Vì để hòa nhập vào, vì muốn biến mình trở nên phù hợp với kì vọng của mọi người, chúng ta tự tạo cho mình áp lực để hợp với người ta. Mà không biết, cái nhóm mà không hợp với mình, cứ cố tình chen vào cho bằng được cũng chẳng đem lại tác dụng gì.
Nhớ ngày còn đi học đại học, ở lớp có một cô bạn, vì bạn ấy hơi mũm mĩm nên các bạn cùng phòng không thích, mỗi lần đi ăn hay đi đâu đều cố tình né không rủ cô bạn ấy.
Nhưng cô bạn ấy lại cứ muốn tạo mối quan hệ tốt đẹp với các bạn cùng phòng, cứ có thời gian là giúp mấy người kia dọn dẹp, cuối tuần thì mời họ ăn cơm. Dần dần, cô ấy tưởng rằng mình đã hòa nhập được, đã trở thành bạn bè của họ. Cho tới một ngày, cô ấy nghe được cuộc đối thoại của một bạn học với một người bạn cùng phòng: "Quan hệ của các cậu với cô bạn mập kia dạo này khá tốt đấy nhỉ."
Cô bạn cùng phòng kia nói giọng khinh khỉnh: "Còn lâu nhé, chẳng qua là bạn ý nhiệt tình quá, bọn tớ không nỡ từ chối thôi."
Kể từ sau đó, cô ấy không còn muốn lãng phí thời gian đi tạo mối quan hệ với mấy người kia, tập trung cho chuyện học hành, có kì nghỉ sẽ xin đi thực tập.
Năm tư đại học, cô ấy cứ như vậy, vừa bị bạn cùng phòng cô lập, vừa âm thầm nỗ lực học tập. Sau này, khi cả lớp họp mặt, hỏi han lẫn nhau, được biết cô ấy giờ đã là quản lý cấp cao của một doanh nghiệp nước ngoài có tiếng, ai nấy đều rất ngưỡng mộ.
Thực ra có nhiều khi, những mối quan hệ xã giao không đâu, ngược lại không bằng ở một mình nhưng chất lượng.
Nhóm không thuộc về bạn, không cần cố mà bám vào. Dành thời gian cho bản thân, mới không ngừng nâng cao được bản thân, sống là chính mình.
"Trong mắt không có ai" chính là phương pháp sống cao cấp nhất của người trưởng thành.
Rất nhiều khi, chúng ta buồn bã, thất vọng, chán nản, chẳng qua cũng chỉ vì quá để ý tới con mắt của người khác, luôn sống trong mắt và miệng của người đời.
Người thực sự thông minh là người sớm đã hiểu ra được rằng quan tâm tới người khác, không bằng đầu tư cho chính mình, "trong mắt không có ai", chính là lựa chọn thông minh nhất.
Cũng giống như một vị giáo sư từng nói:
"Chúng ta hoàn toàn có thể sống là chính mình, sống có bản sắc riêng một chút, sống thật hơn một chút, đó mới là sự thiện đãi và chân thành với chính bản thân."
Đời người ngắn ngủi, năm tháng không dài, thay vì sống trong mắt người khác, chi bằng hãy sống trong tim của chính mình. Thay vì khiến mình tủi thân chỉ để khiến người khác vui, chi bằng luôn bình thản mà sống thật và tự tại.
Theo Trí Thức Trẻ