Mới đây, hãng thông tấn AFP của Pháp có bài viết về không khí sản xuất hương nhộn nhịp ở làng Quảng Phú Cầu tại ngoại thành Hà Nội khi tết Nguyên Đán 2022 đang ngày càng cận kề.
Đây là khoảnh thời gian bận rộn nhất trong năm của những người lao động trong làng dù đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới công việc kinh doanh của họ. Ở Quảng Phú Cầu, có những gia đình đã theo nghề sản xuất hương nhang suốt hơn 1 thế kỷ. Đó cũng là điểm tự hào lớn.
Làng Quảng Phú Cầu sản xuất nhiều loại hương, phù hợp với từng vùng. Số lượng hương nhang bán ra trong dịp trước và sau tết Nguyên Đán tăng lên so với thời điểm khác trong năm, khi nhu cầu của người dân sử dụng trong đền chùa, thắp hương cúng bái trên bàn thờ tổ tiên.
Đến ngôi làng ở vùng ngoại ô Hà Nội thời điểm này, có thể thấy hầu hết các gia đình đều tham gia công đoạn sản xuất hương, từ chẻ tre thành thanh mỏng, nhúng vào dung dịch nhuộm hồng rồi phơi khô và phủ lên trên một hỗn hợp có mùi thơm. Những quy trình này được tái hiện rất chân thực dưới ống kính của các phóng viên hãng thông tấn nước ngoài.
Theo mô tả của hãng thông tấn AFP, làm hương vốn là "một truyền thống cổ xưa và sáng chói" của người Việt. Những phóng sự này cũng được một số trang báo khác chia sẻ, qua đó giúp quảng bá những giá trị văn hóa, phong tục truyền thống của người Việt tới du khách nước ngoài.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ đại dịch nên tình hình kinh doanh tại đây cũng chịu sự giảm sút. "Doanh số của chúng tôi bị giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái", bà Nguyễn Thị Luyến, 59 tuổi, một người dân trong làng chia sẻ.
Tăm hương của làng Quảng Phú Cầu được xuất sang nhiều thị trường nước ngoài từ Ấn Độ, Trung Quốc tới Malaysia... Trong nước, hương cũng được vận chuyển tới các tỉnh thành như Lạng Sơn, Thanh Hóa... Dù doanh số sụt giảm nhưng các hộ kinh doanh đều hi vọng tình hình sẽ sớm được khôi phục trở lại trong năm 2022.