Bao giờ cũng thế, mọi cảnh phim, lời thoại của nhân vật trong bộ phim đều có thể được cài cắm nghĩa liên quan đến nội dung phim hoặc nội dung mà người làm phim muốn truyền tải. Đôi khi chỉ là cách lựa chọn màu sắc cho đồ vật hay lời nói vu vơ của nhân vật phụ cũng có thể hàm chứa ý nghĩa nhất định. Và cái hay của việc xem phim chính là phát hiện ra hoặc ngẫm ra được những “cài cắm” khéo léo ấy.
Với bộ phim đang tạo kỷ lục phòng vé đầu năm 2024, Trấn Thành nhận được nhiều lời khen đã làm phim “lên tay” hơn, nghệ thuật hơn. Mai không phải quá xuất sắc trong nghệ thuật dựng phim, âm thanh, hình ảnh, nhưng đánh vào lòng khán giả nhờ nội dung đủ “đời”, đủ thấm. Không cần quá cao siêu, không cần quá hack não, Mai đã vẽ nên những lát cắt về những mảnh đời mà chúng ta gặp hằng ngày, từ mẹ đơn thân, đứa con bị “cắt cánh” hay đến những vấn đề rất thực tế như mâu thuẫn với đồng nghiệp.
Bên cạnh những câu chuyện lớn, chúng ta còn có thể rút ra không ít suy ngẫm đáng để suy ngẫm trong phim.
Không có ai là hoàn hảo hay là thành sống. Ngược lại, hầu hết mọi người đều có rất nhiều phần xấu xí, yếu đuối bên trong mình. Và từ đó, chúng ta phải đối mặt với rất nhiều bi kịch riêng vừa giống nhau lại không giống nhau. Nguyên nhân đơn giản là vì cuộc sống này chính là hành trình để chúng ta đi hoàn thiện bản thân hơn.
Một bà mẹ đơn thân phải vất vả kiếm sống như Mai thì thiếu tiền nhưng giàu cảm xúc và dũng khí, một công tử bột giàu có tiền tiêu khỏi phải nghĩ như Dương thì sống quá phi thực tế, không có cái chí của nam nhi. Trong cảnh phim ngắn ngủi do Mai hồi tưởng lại ngày trẻ, lúc phơi quần áo với con gái nhỏ, cô nói: “Cái chăn nào có sạch mấy thì vẫn sẽ có bụi”.
Mai mang thai Bình Minh từ bi kịch tăm tối nhất. Phải đối mặt với tất cả những khó khăn nặng nề nhất có thể: nghèo khó, cảnh con không cha, lời đàm tếu của thiên hạ, mỗi lần nhìn con lại nhớ đến bi kịch bị hãm hại của mình,... Mai vẫn chọn sinh ra Bình Minh. Bởi vì bản năng làm mẹ là thiêng liêng, là không thể bị tách bỏ khỏi người phụ nữ.
Câu chuyện của Mai không phải là lời cổ vũ đừng phá thai. Nó là lời động viên tới mỗi bà mẹ, dù đơn thân hay không. Nghị lực sống của Mai càng có cơ hội được nâng cao lên nữa khi cô dũng cảm đối mặt với nghịch cảnh, với thực tế cuộc sống tàn khốc. Mai ngay từ ngày còn trẻ đã biết rõ như vậy, biết rằng ngày mai vẫn sẽ tươi sáng, nên cô đặt tên con mình là Binh Minh.
Không có nghề nào là hoàn hảo hay tốt đẹp hơn nghề khác, miễn là chúng đều có giúp ích cho những người xung quanh. Một bác sĩ không cao quý hơn nhân viên massage - hay “nhân viên vật lý trị liệu” mà Dương đã giới thiệu về Mai vì sợ người ta đánh giá cô.
Không có ngành nghề hay công việc nào xấu, hay đáng xấu hổ, mà chỉ có người làm việc tốt hay xấu. Với một nghề nhạy cảm như nhân viên massage mà Mai làm, cô đã phải chịu biết bao oan ức và sự hiểu nhầm. Nhưng với Mai, sau cùng, việc đó vẫn ổn vì cô chưa bao giờ “vấy bẩn” nghề nghiệp của mình.
Cái kết phim buồn nhưng thực tế của Mai đã khiến nhiều khán giả phải tiếc nuối. Trong tình yêu này, Dương xin Mai hãy đợi anh nhưng rồi chính anh không đợi cô. Mai không hề nói sẽ đợi Dương, nhưng cô đã đợi Dương.
Khi yêu, chúng ta thường nói những lời ngọt ngào tình cảm, thường hứa bên nhau thiên trường địa cửu. Những lời nói đó thật đẹp, nhưng chỉ đẹp nếu được đi kèm với việc thực hiện thực sự. Nếu không, lời hứa lại biến thành nhát dao.
Đàn ông sao Hỏa - đàn bà sao Kim là nguyên lý đã được nhiều nhà tâm lý học khẳng định. Nói một cách đơn giản, cơ chế sinh học tự nhiên cộng với sự vận hành của xã hội khiến đàn ông và phụ nữ suy nghĩ, phản ứng và hành động khác nhau, đôi khi là đối ngược nhau. Và cách yêu của họ cũng khác nhau.
Bản năng của đàn ông là đi chinh phục, bản năng của phụ nữ là muốn được chinh phục. Mai đã rung động, bị chinh phục bởi Dương theo đúng “quy trình” thường thấy ở mọi cô gái. Ngay cả khi Mai có bức tường rào lớn đến vậy, sợ hãi nhiều đến vậy, cô vẫn chịu mở lòng. Một phần là vì Mai dũng cảm, một phần là vì Dương dũng cảm. Anh đủ yêu cô và đủ chân thành để kiến trì theo đuổi đến cùng. Vì dù yêu theo cách khác nhau, nhưng ai thì cũng muốn được yêu.
Có một nhân vật chỉ xuất hiện trong 2 phút ngắn ngủi cuối phim nhưng thật ra lại chính là người “tuyệt vời” nhất. Đó chính là vợ của Dương - cô gái vô cùng hồn nhiên, đáng yêu và dường như “không nhiễm bụi trần”. Dù không được giới thiệu hay nhắc đến, người xem có thể đoán đây là một cô nàng tiểu thư lá ngọc cành vàng, là nàng dâu mà mẹ Dương ao ước. Nhưng nói tiểu thư ở đây không nhất định nhà cô phải giàu. Nhiều khả năng hơn, vợ của Dương đã lớn lên trong một gia đình và môi trường hoàn hảo.
Không giống như Mai, Dương hay Bình Minh, phải trải qua muôn vàn thử thách, tôi luyện mới có thể trở thành phiên bản tốt đẹp, vợ của Dương ngay từ khi sinh ra đã nở rộ rực rỡ. Đây không phải chuyện bất công. Và cô xứng đáng với điều đó.
Mẹ của Dương đã hy sinh cả tuổi thanh xuân và hạnh phúc cá nhân để sống cho con trai, chỉ để đến năm nó 30 tuổi nói lại vào mặt bà rằng: “Đấy chưa bao giờ là điều con cần”.
Để nuôi dưỡng mối quan hệ tốt đẹp với những người yêu thương nhất bên cạnh không phải là chuyện khó đến thế. Đầu tiên chúng ta cần thành thật với chính mình, với cảm xúc bên trong mình. Sau đó bạn mới có thể thành thật với người khác. Nếu có điều muốn nói trong lòng, hãy nói ra. Nhiều hiểu lầm, tiếc nuối và đau khổ chỉ cách chúng ta một lời nói, một lần dũng cảm.