Cách bảo quản
Hãy chăm sóc giày dép của bạn ít nhất 1 lần mỗi tuần, bằng cách lau chùi sạch sẽ, đánh xi để tăng độ bóng của chúng. Với loại giày vải, chỉ cần dùng bàn chải để chải nhẹ bụi bám trên mặt giày hoặc giặt bằng xà bông.
Trong trường hợp chưa dùng đến, hãy treo giày dép trên các giá bằng gỗ hoặc độn giấy, vải mềm… bên trong giày. Nên bảo quản giày sandal chất liệu da trong hộp giấy, thay vì ở chỗ khô, nóng… sẽ làm giày da bị biến dạng.
Có thể bảo quản giày, dép trong bao, như loại bao nỉ hoặc nylon dày, để chúng không bị trầy xước, va chạm, nhất là tránh làm ướt khiến giày dễ hư mục. Nếu giày dép bị hoặc dính bẩn, tránh cất ngay vào hộp hoặc túi, sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn, mốc, nấm.... sinh sôi phát triển.
Tránh mang cùng một đôi giày, dép trong nhiều ngày. Hãy để chúng có dịp nghỉ ngơi, đề phòng da giày, dép không bị co giãn hết cỡ, gây mất thẩm mỹ do những vết nhăn, lồi lõm hoặc rạn nứt trên mặt giày, dép.
Bạn nên có vài đôi giày, dép để mang thay đổi, không nên mang một đôi giày, dép nhiều hơn từ 2 đến 3 lần một tuần. Cách này giúp giày, dép bền hơn vì có thời gian để nghỉ ngơi và khôi phục hình dáng của chúng.
Vào mùa mưa, ngay khi mua giày, dép mới, dù giày được làm bằng nguyên liệu tốt, đừng quên xịt một lớp keo chống thấm nước. Cách này giúp giày, dép có thể tránh được nước cũng như những chất lỏng khác. Cách tốt nhất là mỗi năm, xịt lớp chống thấm lên giày, dép trong 4 lần. Nếu là giày da và bị thấm nước mưa, hãy dùng máy sấy tóc để làm khô giày.
Chọn mua giày, dép
Kích cỡ của giày, dép cần vừa vặn với bàn chân của bạn. Đẹp nhất là đôi giày, dép vừa vặn, cân đối và hài hòa với bàn chân, vóc dáng của bạn.
Khi chọn mua, hãy đi thử giày, dép trong vài bước để chắc chắn rằng bàn chân của bạn có thể di chuyển thoải mái khi mang chúng.
Nên chọn mua giày, dép vào buổi chiều tối – là lúc bàn chân của bạn có kích thước chính xác nhất trong ngày. Cũng đừng quên cắt dũa móng chân trước khi chọn mua giày, dép.
Tú Uyên