Diên Hy công lược là loạt phim dài tập thuộc thể loại cung đấu do công ty TNHH văn hóa điện ảnh truyền hình Đông Dương Hoan Ngu sản xuất. Huệ Giai Đống và Ôn Đức Quang làm đạo diễn. Vai trò biên kịch được giao cho Chu Mạt.
Diên Hy công lược lấy bối cảnh thời hoàng đế Càn Long vào cuối thế kỷ 18. Nội dung xoay quanh Ngụy Anh Lạc, một cung nữ bình thường nhưng bằng trí thông minh và trái tim lương thiện đã trở thành người đứng đầu hậu cung. Nhân vật này vốn được lấy cảm hứng từ Lệnh Ý Hoàng quý phi trong lịch sử. Bà là thân mẫu của hoàng đế Gia Khánh.
"Diên" có nghĩa là kéo dài. "Hy" là may mắn, hạnh phúc. Diên Hy có thể hiểu là kéo dài những điều cát tường. Trong phim, Diên Hy còn là tên cung điện của Ngụy Anh Lạc sau khi cô được sắc phong làm Quý nhân. "Công lược" là chiếm giữ. Vì thế, “Diên Hy công lược” có lẽ là mô tả chặng đường phấn đấu của người ở cung Diên Hy.
Lệnh Ý Hoàng quý phi là một sủng phi của Càn Long và là người đã sinh ra hoàng đế Gia Khánh
Ra mắt khán giả vào tuần trước trên website IQIYI, Diên Hy công lược đã ngay lập tức trở thành tâm điểm của giới truyền thông và nhận được sự yêu thích từ khán giả. Lượt người xem đã nhanh chóng vượt qua phim chiếu mạng ăn khách nhất cùng thời điểm là Trấn Hồn. Điểm đánh giá trên trang Douban từ 6.4 cũng tăng dần lên 6.9 với nhiều lời khen có cánh.
Tại Việt Nam, Diên Hy công lược được mua bản quyền và phát sóng trên kênh Youtube cùng với khung thời gian bên Trung Quốc. Chỉ với 14 tập đầu tiên (trong 70 tập), loạt phim đã thu hút hàng triệu lượt xem và hàng chục ngàn bình luận.
Trên mạng xã hội Facebook, chủ đề cung đấu nhà Thanh lại một lần nữa trở thành tiêu điểm bàn luận kể từ sau Chân Hoàn truyện (2012). Vậy đâu là nguyên nhân đã dẫn đến thành công bất ngờ này của Diên Hy công lược?
Thời điểm ra mắt thuận lợi
Theo dự định, Hậu cung Như Ý truyện sẽ lên sóng truyền hình vào cuối năm ngoái. Loạt phim này được xem là phần tiếp theo của Chân Hoàn truyện cộng thêm vai chính do đại minh tinh Châu Tấn đảm nhận cho nên rất được khán giả mong chờ.
Tạo hình của Châu Tấn trong 'Hậu cung Như Ý truyện'. Phim này có bối cảnh giống y như 'Diên Hy công lược'
Đáng tiếc, nội dung của Hậu cung Như Ý truyện đã không qua được khâu kiểm duyệt. Do đó, ekip làm phim đã dành ra thêm vài tháng để chỉnh sửa các tình tiết và lồng tiếng lần nữa sao cho phù hợp với yêu cầu của chính phủ Trung Quốc. Cực khổ lắm mới có thể ấn định ngày ra mắt là trung tuần tháng 8 năm nay.
Bên cạnh đó, Ba Thanh truyện (hay Thắng thiên hạ) của Phạm Băng Băng cũng bị dời ngày phát sóng. Mặc dù không được đánh giá là một diễn viên thực lực nhưng cô luôn là cái tên có sức thu hút bậc nhất kể cả trong và ngoài nước. Bằng chứng là Võ Tắc Thiên Truyền Kỳ do cô đóng chính và sản xuất đã đạt rating cao ngất ngưỡng vào năm 2014.
Poster phim 'Ba Thanh truyện'
Trong bối cảnh hai đối thủ sừng sỏ nhất gặp trục trặc, Diên Hy công lược gần như một mình một ngưa ở thể loại cung đấu tung hoành vào thời điểm này. Khán giả không còn lựa chọn nào khác đành phải chuyển từ màn ảnh nhỏ sang màn hình vi tính và điện thoại để theo dõi câu chuyện của Ngụy Anh Lạc. Họ không ngờ là cái tên lúc trước không mấy thu hút lại hay đến như vậy và bị cuốn theo lúc nào không hay.
Vu Chính
Vu Chính trên phim trường Hoành Điếm
Điều thú vị là cái tên thu hút nhiều sự chú ý nhất trong ekip Diên Hy công lược không phải các diễn viên mà chính là nhà sản xuất Vu Chính - cái tên từng gây ra nhiều tranh cãi trong làng giải trí Hoa ngữ. Anh nổi tiếng với loạt phim Cung Tỏa Tâm Ngọc (2011) lăng xê thành công những cái tên như Dương Mịch và Phùng Thiệu Phong cũng như Mỹ nhân tâm kế do Lâm Tâm Như đóng chính.
Năm ngoái, Vu Chính công khai chỉ trích trang phục của Hậu cung Như Ý truyện là lòe loẹt. Hành động này nhìn sơ qua thì nghĩ là lỗ mãng nhưng thật ra lại là một cách quảng cáo hiệu quả cho Diên Hy công lược. Khán giả thắc mắc tác phẩm cung đấu nhà Thanh mới nhất của Vu Chính được thực hiện như thế nào mà anh ta dám cả gan chê bai phim người khác.
Nhân vật chính cá tính và thông minh
Ngô Cẩn Ngôn trong phim
Ban đầu, việc Ngô Cẩn Ngôn vào vai chính Ngụy Anh Lạc đã bị nhiều người cười chê. Họ cho rằng cô không đủ xinh đẹp lại chưa có bộ phim nào thành công. Ngô Cẩn Ngôn chỉ đơn thuần là lọt vào mắt xanh của Vu Chính mà thôi. Ấy vậy mà chỉ sau vài tập phim, nhận định này đã nhanh chóng bị rơi vào quên lãng.
Ngô Cẩn Ngôn có lối diễn xuất tự nhiên. Gương mặt của cô không đẹp như hoa nhưng cặp mắt tinh ranh và luôn toát ra vẻ thông minh, hoàn toàn phù hợp với tính cách nhân vật. Từ ác cảm, khán giả dần có cảm tình với Ngô Cẩn Ngô và bắt đầu yêu mến cô cũng như tấm lòng lương thiện của Ngụy Anh Lạc.
Dàn diễn viên thứ chính xuất sắc
Bên cạnh Ngô Cẩn Ngôn, Tần Lam, Nhiếp Viễn, Xa Thi Mạn, Hứa Khải và Đàm Trác là những cái tên được yêu mến nhất trong Diên Hy công lược.
Tần Lâm trong vai Phú Sát Hoàng hậu
Từng đảm nhận vai Tri Họa trong Hoàn Châu công chúa 3, Tần Lam chỉ thật sự tỏa sáng với vai Phú Sát hoàng hậu. Vu Chính xây dựng nhân vật này là một người hiền đức, nhân từ và đã giang tay che chở cho Ngụy Anh Lạc.
Vẻ đẹp như bức tranh thủy mặc của Tần Lam đã mang đến một Phú Sát hoàng hậu cao sang và quyền quý, hoàn toàn nổi bật giữa chốn hậu cung đầy dơ bẩn với biết bao suy tính hại người. Có thể nói, sự yêu thích mà khán giả dành cho cô không hề thua kém Ngô Cẩn Ngôn.
Nhiếp Viễn (phải) trong vai Càn Long
Càn Long của Nhiếp Viễn là một người cực kỳ thông minh, danh xứng với thực chứ không giống như những ông vua bù nhìn, mờ nhạt thường thấy trong phim cung đấu. Những chiêu trò của các bà vợ theo đó đều bị ông nhìn thấu nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà đã nhắm mắt cho qua. Là một minh quân, mối quan hệ giữa Càn Long và Ngụy Anh Lạc trong tương lai hứa hẹn sẽ mang đến sự thích thú cho khán giả.
Đàm Trác vào vai Cao Quý phi độc ác và xinh đẹp
Đàm Trác trong vai Cao Quý phi, phản diện chính của phim, cũng có thể hiện rất tốt. Cử chỉ, ánh mắt của cô đều toát lên vẻ độc ác và cao ngạo cần có. Khán giả yêu thích Phú Sát hoàng hậu bao nhiêu thì lại căm ghét Cao Quý phi bấy nhiêu. Tính ra, đây là một thành công đối với Đàm Trác.
Xa Thi Mạn
Trong dàn diễn viên, Xa Thi Mạn đến từ Hong Kong bị xem là hơi lạc lõng. Thế nhưng tên tuổi của cô tại thị trường hải ngoại đã giúp Diên Hy công lược mang về nhiều khán giả trung thành ngay từ khi mới công bố dự án.
Xa Thi Mạn vào vai Nhàn Phi cũng tức là Kế hoàng hậu sau này. Từ một người lương thiện và chính trực, Nhàn Phi trải qua nhiều cay đắng tủi nhục đã đứng lên hạ bệ những kẻ từng hãm hại mình và chiếm lấy danh hiệu “quốc mẫu” sau khi Phú sát hoàng hậu qua đời. Rất có thể đây sẽ là chướng ngại lớn nhất của Ngụy Anh Lạc trong nửa phần sau.
Mưu kế trùng trùng
Tập nào Diên Hy công lược cũng đầy rẫy chiêu trò, từ cung nữ cho tới Quý phi, khiến cho khán giả lúc nào cũng tò mò muốn biết chuyện gì sẽ diễn ra tiếp theo.
Nhiều người đã đùa rằng nhân vật Ngụy Anh Lạc giống như một cô gái đã xuyên không từ thời hiện đại về thời phong kiến. Bởi vì chỉ có như vậy mới giải thích được trí thông minh cũng như sự điềm tĩnh đôi khi vô lý của cô khi đối mặt với những người quyền lực nhất trong hậu cung.
Bị hãm hại liên tục là thế, Ngụy Anh Lạc vẫn có khả năng xoay chuyển tình thế và làm cho đối thủ bị phản pháo bởi chính mưu kế bẩn thiểu của mình. Vốn kiến thức cực kỳ rộng của cô là một ưu điểm. Xuất thân bần hàn nhưng Ngụy Anh Lạc am hiểu mọi thứ, từ thêu thùa, giấy bút cho đến pha trộn bột trân châu.
Phục trang bám sát với lịch sử
Cát phục của Hoàng đế và Hoàng hậu trong 'Diên Hy Công Lược'
Sau phát ngôn gây hiềm khích của Vu Chính, phục trang của Diên Hy công lượcđã được cư dân mạng đem ra bình luận khá kỹ. Hầu hết đều chê bộ phim này có tông màu quá tối, ảm đạm và đơn giản không giống với những cái tên đình đám trước đây như Chân Hoàn truyện hay thậm chí là Cung Tỏa Tâm Ngọc.
Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là nhiều sử gia lại có đánh giá hoàn toàn ngược lại. Theo đó, mọi phục trang từ triều phục, quan phục, thường phục cho đến tiện phục trong Diên Hy công lượcđều bám sát với lịch sử.
Cẩn thận đến từng chi tiết nhỏ
Đây là cố gắng rất lớn của Vu Chính và tổ chế tác nhằm khắc họa chân thật lại giai đoạn hoàng kim của nhà Thanh.
Trang sức và lối trang điểm cũng thế. Nhiều khán giả đã rất bất ngờ khi biết rằng phong cách bôi son đỏ dưới môi lại là một trào lưu phổ biến vào thời Càn Long.
Mai Thảo